Tâm Lý Học Ở Việt Nam Có Khác So Với Ở Anh?
Như các bạn đã biết, Tâm lý học là một môn học từ phương Tây đã du nhập vào Việt Nam trong những năm trở lại đây và hiện đang được giảng dạy ở nhiều trường đại học. Câu hỏi đặt ra là “Cách giảng dạy Tâm lý học ở Việt Nam có khác gì nhiều so với các nước ở phương Tây?”. Qua sự so sánh này, ta sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về sự phát triển của Việt Nam về mảng Tâm lý học. Để phần nào làm rõ được câu hỏi này, mình sẽ sử dụng chương trình học năm nhất môn Tâm lý từ 2 trường đại học làm ví dụ: Đại học (ĐH) Hoa Sen (TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam) - nơi mình đang theo học và Đại học Manchester Metropolitan (Manchester, Vương Quốc ở Anh) - nơi Minh, một thành viên khác của IPO, đang theo học.
1. Chương trình Tâm Lý học:
Sau khi xem qua chương trình giảng dạy của hai trường đại học, mình nhận thấy rằng trường ĐH Hoa Sen và ĐH Manchester Metropolitan có một số điểm tương đồng về mặt nội dung.
Điều này mình có thể thấy thông qua các chủ đề tâm lý mà mình được học ở ĐH Hoa Sen. Các chủ đề mà mình được tìm hiểu không chỉ nằm trong lĩnh vực tâm lý, như “thái độ” của con người (attitude) trong tâm lý học xã hội, mà còn có những chủ đề liên quan đến mặt sinh học như nghiên cứu về các bộ phận của não bộ điều khiển cảm xúc của con người hay các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, cảm xúc.
Về phần của ĐH Manchester Metropolitan, họ chỉ xoay quanh những chủ đề nổi bật được nghiên cứu trong các lĩnh vực tâm lý học ở năm đầu tiên. Do đó, ngoài “thái độ” trong tâm lý học xã hội ra, họ còn tìm hiểu thêm về “khả năng tập trung” (attention) trong tâm lý học nhận thức hay “tính cách con người” (personality) trong tâm lý học cá thể.
“Lịch sử tâm lý học” có lẽ là điểm khác biệt rõ rệt nhất ở mặt nội dung khi môn học này hiện không có mặt trong giáo án của ĐH Manchester Metropolitan. Đối với mình, môn học này bao gồm nhiều kiến thức bổ ích cho những ai mới làm quen với chủ đề tâm lý học. Bạn sẽ được tìm hiểu về nguồn gốc của các học thuyết nổi tiếng cũng như có cái nhìn toàn diện về sự phát triển trong tư duy con người ở tâm lý học theo thời gian, thông qua sự liên kết giữa các học thuyết cận đại và hiện đại ở bộ môn lịch sử.
2. Phương pháp giảng dạy:
Ngoài các buổi học chính trên lớp, cả hai trường đại học đều hướng đến việc giảng dạy học sinh theo mô hình những nhóm nhỏ với mục đích xây dựng các kỹ năng cần thiết và tính chuyên nghiệp trong tâm lý học.
Ở ĐH Hoa Sen, việc được xếp vào những nhóm nhỏ như vậy đã đem lại cho mình cơ hội phát triển những kỹ năng như tìm kiếm tài liệu, tư duy phản biện hay viết học thuật. Nhờ vậy, mình đã cải thiện rất nhiều về khả năng viết khoa học và đọc hiểu các thông tin nghiên cứu.
Hơi khác so với ĐH Hoa Sen, ĐH Manchester Metropolitan cũng tạo điều kiện cho học sinh được hoạt động theo các nhóm nhỏ nhưng chú trọng hơn đến việc phát triển các kỹ năng phân tích và giải thích một vấn đề trong tâm lý. Học sinh sẽ được yêu cầu thảo luận theo nhóm và áp dụng một lý thuyết trong Tâm lý học để giải thích về một tình huống cụ thể. Ví dụ, sử dụng một lý thuyết trong Tâm lý học xã hội để lý giải nguyên nhân tại sao mạng xã hội lại mang đến cho con người những suy nghĩ tiêu cực. Qua những bài ôn tập này, học sinh sẽ phát triển khả năng tư duy và suy luận trong bộ môn tâm lý, một kỹ năng cần thiết để hỗ trợ cho những bài viết luận trong năm.
3. Phương pháp đánh giá:
Một điểm chung của hai trường trong việc đánh giá học sinh đó là họ không nhìn nhận năng lực học tập chỉ qua một bài thi tập trung cuối năm.
Với ĐH Hoa Sen, họ đã đánh giá học lực của mình qua điểm của các bài thuyết trình nhóm ở cả hai học kỳ. Một trong những đề tài mà mình nhận được cho phần thuyết trình năm vừa qua đó là “Trình bày về rối loạn trầm cảm”. Với ba tuần chuẩn bị, nhóm mình đã phân chia công việc để tìm kiếm các thông tin lý giải sự hình thành của rối loạn trầm cảm, các nghiên cứu chứng minh những nguyên nhân này và cả phương pháp điều trị. Bên cạnh việc luyện tập cho buổi thuyết trình, nhóm còn phải chuẩn bị thêm một bài viết chi tiết về đề tài này. Ngoài ra, điểm của bài thuyết trình không chỉ phụ thuộc vào cách trình bày mà còn qua việc giải đáp câu hỏi của giáo viên. Do đó, mình và nhóm đã phải tích cực đọc hiểu nhiều thông tin nghiên cứu để có những kiến thức tổng quan về vấn đề.
Còn với ĐH Manchester Metropolitan, cách đánh giá của họ có phần hơi khác, khi điểm các bài luận văn trong năm của học sinh sẽ được dùng để phản ánh năng lực học tập của họ. Đối với các bài luận văn, mỗi học sinh sẽ phải chuẩn bị bài viết của mình trong vòng khoảng một tháng trước hạn nộp. Một trong những chủ đề bài viết mà mình đã được xem qua đó là “Sử dụng một lý thuyết đã được học trong hai lĩnh vực tâm lý khác nhau để lý giải vì sao một số người lại không thể kiểm soát được hành vi của bản thân”. Thông qua bài viết này, họ được đánh giá không chỉ qua sự am hiểu và tư duy về vấn đề, mà còn qua cả khả năng giải thích và phân tích thuyết phục qua cách viết luận.
Một điểm khác biệt lớn nữa trong phương pháp đánh giá của hai trường là tại ĐH Manchester Metropolitan, cũng như các ĐH khác ở Vương Quốc Anh, điểm năm nhất của học sinh sẽ không được sử dụng để đánh giá loại bằng tốt nghiệp của bạn. Theo mình, đây là một cơ hội thuận lợi để các sinh viên có thêm thời gian thích nghi, trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm trong khi không quá bị áp lực về điểm số.
Lời kết
Vừa rồi là một số so sánh của bọn mình về việc học tâm lý học giữa hai trường ĐH Hoa Sen và Manchester Metropolitan. Mình nhận thấy rằng ĐH Hoa Sen đang hướng đến việc mang đến cho học sinh những trải nghiệm học tập tâm lý học giống với các nước phương Tây thông qua một số điểm chung trong phương pháp giảng dạy của hai trường. Điều này theo mình cũng phần nào nói lên rằng ngành tâm lý học ở Việt Nam đang phát triển và ngày một tiệm cận hơn với các nước phương Tây. Hy vọng rằng, bài viết này đã mang đến cho bạn những thông tin cần thiết của việc học tâm lý học trong và ngoài nước. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết tiếp theo.
Biên tập: Nhi Hồ & Hương Lê