Hạnh Phúc Có Phải Là Điều Quan Trọng Nhất?

Hạnh phúc là gì?” không phải là câu hỏi mình chỉ trăn trở những khi tự vấn bản thân vào lúc 2 giờ sáng. Đó cũng không phải là câu hỏi chỉ xuất hiện mỗi khi mình buồn bã, thất vọng hay những lúc thao thức không ngủ được dù cố gắng hết sức. Nó luôn ở đó - luôn tồn tại và ẩn nấp trong tâm trí mình. 

Một vài năm về trước, hạnh phúc đối với mình là:

  • Chìm vào giấc ngủ trong tiếng mưa, được lắng nghe từng giọt nước khẽ tí tách bên cửa sổ và từng đợt sấm rền.

  • Cuộn mình trong chăn và thưởng thức một cốc trà ấm giữa trời đông lạnh giá. 

  • Nhảy theo những bài hát yêu thích và tự cười bản thân vì mình trông thật ngớ ngẩn. 

Chỉ nghĩ đến thôi cũng làm mình mỉm cười. Chúng thật hồn nhiên, trong sáng và đẹp. Những điều bình dị vậy thôi nhưng có thể làm trái tim trở nên thật ấm áp - đó chính là hạnh phúc.

Đổi ngược lại, nếu hai tháng trước bạn hỏi mình cùng câu hỏi ấy, “Hạnh phúc là gì?”, chắc hẳn mình sẽ trả lời rằng hạnh phúc đối với mình là những tuần hiếm hoi mà mình không cảm thấy vô dụng, hoặc những khi mình không liên tục khao khát được trở về nhà và cuộn tròn trên giường để trốn khỏi thế giới bên ngoài và những suy nghĩ tồi tệ của bản thân.

Lúc đó mình đang trong một khoảng thời gian khó khăn, và dù bây giờ mình đã khá hơn rồi thì mình vẫn không thể ngừng tự hỏi: "Tại sao mình không thể lúc nào cũng hạnh phúc, hoặc chí ít là luôn cảm thấy ổn?"

Nếu luôn cảm thấy vui vẻ thì mình sẽ không bao giờ bị tổn thương. Nhỉ?

Hoặc bét ra thì mình ước là mọi chuyện đơn giản như vậy. Bởi vì mỗi khi nghĩ như thế thì trí não mình, bằng cách này hay cách khác, cũng sẽ đưa ra vô vàn lý do tại sao mình cần tất cả các cảm xúc mà mình có, như thể để bào chữa cho việc khiến mình khổ sở:

Căng thẳng - Nghịch lý thật đấy, nhưng mình thực sự không thể hoàn thành bất cứ điều gì mà không có áp lực. Mình đỗ nổi đại học 90% là nhờ áp lực đó.

Tội lỗi - Nếu mình thấy vui sau khi làm ai đó tổn thương thì mình hẳn là một đứa bạn tồi. Cảm giác tội lỗi giúp mình vượt qua sự tự ái của bản thân và xin lỗi. 

Sợ hãi - Sợ hãi ở đây là theo kiểu cảm giác của bạn khi bị mẹ bắt tại trận trong lúc đang làm điều bạn biết mình không nên làm ấy. Cũng may là còn biết sợ chứ không chắc mình cũng suýt bị đuổi khỏi nhà mấy lần. 

Đau đớn - Liệu chúng ta có thể cảm nhận được hạnh phúc khi chưa từng trải qua nỗi đau? Và ngược lại, nếu trái tim chưa một lần tan vỡ thì liệu chúng ta có ít trân trọng hạnh phúc hơn không? Mình cũng không biết nữa. Thật khó để có thể trân trọng một cảm xúc gây nhiều tổn thương như nỗi đau.

Mình không nghĩ rằng hạnh phúc là cảm xúc siêu việt hơn các cảm xúc khác. Sự đau đớn, sợ hãi hay cảm giác tội lỗi tất cả đều là những trải nghiệm rất “người”, là những cảm xúc làm cho chúng ta trở thành những tạo vật phức tạp và hoàn thiện hơn. Nếu tất cả chúng ta lúc nào cũng thỏa mãn, vậy thì sẽ không có tác động nào làm chúng ta thực sự thay đổi. Có lẽ thay vì theo đuổi hạnh phúc, chúng ta nên trân trọng toàn bộ cảm xúc của mình, và rồi hạnh phúc sẽ tự động tới theo. 

Biên tập: Tiên Trần & Đinh Thoa

Dịch: Thái Hà

Maham Haq

Cử nhân Tâm lý học - ĐH St Andrews, Scotland

Previous
Previous

Tâm Lý Học Ở Việt Nam Có Khác So Với Ở Anh?

Next
Next

Tác Phẩm Nổi Bật Của Tháng 8 | Froggy