Bạn Đã Biết Gì Về Trầm Cảm Ở Thanh Thiếu Niên?

 
befunky_layer.jpg
 

Đây là bài viết đầu tiên trong series Sơ lược về trầm cảm trong thanh thiếu niên của IPO. Trước khi đọc bài viết này, chúng mình muốn bạn hãy thử đoán xem có bao nhiêu thanh thiếu niên đang gặp phải các vấn đề rối loạn tâm thần cần được chuẩn đoán và điều trị tại Việt Nam? 30 nghìn, 300 nghìn hay 3 triệu?

Một đánh giá dịch tễ học gần đây ước tính rằng hiện nay Việt Nam có hơn 3 triệu trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam đã và đang sống chung với những rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu hay trầm cảm [1]. Theo như ước tính của Tổ chức Y Tế thế giới WHO, con số thanh thiếu niên trầm cảm không được chẩn đoán, bị chẩn đoán sai hoặc không nhận được điều trị phù hợp có thể lên 70-80% ở những nước đang phát triển như Việt Nam [2]. Đối với một đất nước có dân số trẻ như Việt Nam, điều này là một gánh nặng cho y tế, kinh tế, và xã hội.

Vậy trầm cảm trong thanh thiếu niên là gì?

Trầm cảm là một dạng rối loạn khí sắc. Theo tài liệu chẩn đoán chính thức Diagnostic and Statistical Manual 5 (DSM-5) của Tổ chức Tâm lý Hoa Kỳ, một người thuộc nghi vấn trầm cảm khi họ có 5 trên 8 các dấu hiệu sau liên tục trong vòng 2 tuần [3]. Trong số đó bắt buộc phải bao gồm triệu chứng 1 hoặc 2:

  1. Tâm trạng phiền muộn, buồn chán gần như cả ngày và xảy ra đều đặn đa số các ngày

  2. Giảm sút đáng kể hứng thú với (đa số) tất cả các hoạt động thường ngày (theo tần suất mỗi ngày)

  3. Sút hoặc giảm cân rõ rệt ngoài chủ ý, hoặc chán/thèm ăn một cách bất thường mỗi ngày

  4. Cá nhân suy nghĩ và hoạt động trì trệ (theo quan sát của những người xung quanh)

  5. Luôn mệt mỏi và thiếu năng lượng trong sinh hoạt hằng ngày

  6. Cảm thấy bản thân vô dụng hoặc cảm thấy dằn vặt tột độ vô căn cứ mỗi ngày

  7. Khả năng tập trung và sự quyết đoán giảm sút mỗi ngày

  8. Từng cố gắng tự tử, lên kế hoạch tự tử hoặc thường xuyên có những suy nghĩ về tự tử (kể cả khi không có kế hoạch cụ thể) và cái chết lặp đi lặp lại.

Tuy nhiên, hiện tại việc phân loại trầm cảm dựa hoàn toàn vào các tiêu chí nêu trên đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều không những từ các bác sĩ và chuyên gia trầm cảm nói riêng mà còn từ các chuyên gia tâm lý và tâm thần học nói chung [4]. Nói một cách đơn giản, nếu chỉ dựa vào DSM-5, kể cả khi một người có 4 triệu chứng nêu trên trong hơn 2 tuần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ thì họ vẫn chỉ nhận được chẩn đoán dưới mức trầm cảm. Vì vậy, theo như các nghiên cứu mới nhất về trầm cảm thì việc phân loại trầm cảm có lẽ không đơn giản là trắng hay đen, có hay không, mà dạng rối loạn cảm xúc này nên được hiểu theo dạng phổ (spectrum), đi từ mức độ nhẹ đến nặng [4,5]. Thay vì tập trung vào phân loại chẩn đoán trầm cảm, có thể chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào việc giảm thiểu các triệu chứng và những khó khăn do chúng gây ra [6].

Trên thực tế, trầm cảm nhẹ là một vấn đề rất thường gặp, và đặc biệt là ở độ thanh thiếu niên [7,8]. Độ tuổi này gắn liền với nhiều thay đổi lớn cho mỗi cá nhân, không những về mặt sinh lý, mà còn về môi trường, tâm lý cảm xúc, và sự phát triển của các mối quan hệ mới trong xã hội. Những yếu tố này sẽ dẫn đến việc mỗi cá nhân hình thành thêm nhiều cảm xúc phức tạp, và nếu như không được điều tiết hợp lý và hiệu quả, chúng sẽ trở thành một trong những nền tảng cho sự phát triển của trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy số thanh thiếu niên được chẩn đoán trầm cảm tăng lên đến 6 lần ở độ tuổi từ 13-18 so với giai đoạn trước đó [9]. Ngoài ra, trầm cảm ở độ tuổi này có thể có ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của cá nhân khi bước vào độ tuổi trưởng thành. Vì vậy, trầm cảm, dù ở mức độ nhẹ hay nặng, cũng nên được phát hiện và điều trị để tránh những hệ quả lâu dài và nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các triệu chứng nêu trên đều là các dấu hiệu nội, thường thì chỉ chính cá nhân đó mới có thể nhận biết được. Vậy làm sao để những người xung quanh, như bạn bè hay anh chị em trong nhà có thể nhận biết đâu là một thanh thiếu niên đang có những dấu hiệu trầm cảm? Một trong số những dấu hiệu nhận biết là khi người này thường xuyên vắng học hoặc kết quả học tập bắt đầu sa sút, không phản ánh đúng thực lực. Ngoài ra, tâm trạng của họ cũng trở nên bất ổn: thường xuyên chán nản, cáu kỉnh, hoặc thù hằn hơn trước. Họ còn thường tham gia vào những hành vi liều lĩnh bất cần hay sử dụng rượu và chất kích thích. Những người xung quanh cũng sẽ nghe họ than thở về thể trạng cơ thể nhiều hơn, dù đến họ cũng không biết vì sao bản thân khó chịu. Tuy nhiên các biểu hiện trên thường hay trùng lặp với các thay đổi tự nhiên trong giai đoạn này. Vì vậy, người thân và bạn bè cần quan sát kỹ các biểu hiện của một cá nhân này cũng như tìm kiếm sự tư vấn của chuyên gia tâm lý trước khi đưa ra bất cứ kết luận nào.

Vậy những yếu tố gì có thể dẫn đến trầm cảm trong thanh thiếu niên hay làm thế nào để có thể phòng chống trầm cảm tốt hơn? Để biết thêm thì hãy đọc bài viết tiếp theo trong series này của bọn mình nhé.

Biên tập: Thoa Đinh

Minh hoạ: Uyên Trương

[1] Weiss, Bahr, Minh Dang, Lam Trung, Minh Cao Nguyen, Nguyen Tam Hong Thuy, and Amie Pollack. "A nationally representative epidemiological and risk factor assessment of child mental health in Vietnam." International perspectives in psychology: research, practice, consultation 3, no. 3 (2014): 139.

[2] Who.int. 2020. Depression. [online] Available at: <https://www.who.int/health-topics/depression#tab=tab_1> [Accessed 2 July 2020].

[3] American Psychiatric Association. 2013. Diagnostic and statistical manual of mental disorders: DSM-5. Arlington, VA: American Psychiatric Association.

[4] Hankin, Benjamin L., R. Chris Fraley, Benjamin B. Lahey, and Irwin D. Waldman. "Is depression best viewed as a continuum or discrete category? a taxometric analysis of childhood and adolescent depression in a population-based sample." Journal of abnormal psychology 114, no. 1 (2005): 96

[5] Jermy, Bradley Scott, Saskia P. Hagenaars, Kylie Patricia Glanville, Jonathan RI Coleman, David M. Howard, Gerome Breen, Evangelos Vassos, and Cathryn M. Lewis. "Using Major Depression Polygenic Risk Scores to Explore the Depressive Symptom Continuum." bioRxiv (2020).

[6] Kinderman, Peter, John Read, Joanna Moncrieff, and Richard P. Bentall. "Drop the language of disorder." (2013): 2-3.

[7] Maughan, Barbara, Stephan Collishaw, and Argyris Stringaris. "Depression in childhood and adolescence." Journal of the Canadian Academy of Child and Adolescent Psychiatry 22, no. 1 (2013): 35.

[8] Nguyen, Dat Tan, Christine Dedding, Tam Thi Pham, Pamela Wright, and Joske Bunders. "Depression, anxiety, and suicidal ideation among Vietnamese secondary school students and proposed solutions: a cross-sectional study." BMC public health 13, no. 1 (2013): 1195.

[9] Kessler, Ronald C., Shelli Avenevoli, and Kathleen Ries Merikangas. "Mood disorders in children and adolescents: an epidemiologic perspective." Biological psychiatry 49, no. 12 (2001): 1002-1014

Hương Lê & Thuỳ Anh

IPO Founder & Co-Founder

Previous
Previous

“Tôi Chẳng Có Gì Ngoài Tấm Bằng Tâm Lý Học. Có Thật Vậy Không?”

Next
Next

Tâm Lý Học Ở Việt Nam Có Khác So Với Ở Anh?