Cộng Đồng LGBTQ+ và Những Vấn Đề Tâm Lý
Năm ngoái, vì là fan của Disney nên mình đã rất háo hức được xem phần hai của phim Frozen (Nữ Hoàng Băng Giá) và mình thật sự ấn tượng về bài hát Show Yourself do nhân vật Elsa được Idina Menzel và Evan Rachel Wood lồng tiếng:
Có lẽ là vì lời bài hát này đã bộc lộ thành công những nỗi niềm lo lắng và cô độc của nhiều bạn trẻ trong cộng đồng LGBTQ+ (Cộng Đồng Đồng Tính Luyến Ái và Chuyển Giới) cho nên đã được nhiều nhóm ủng hộ bình đẳng và nhân quyền cho cộng đồng LGBTQ+ sử dụng làm bài hát tuyên truyền trên nhiều diễn đàn và sự kiện. LGBTQ+ là viết tắt của 5 từ trong tiếng Anh bao gồm: đồng tính luyến ái nữ (lesbian), đồng tính luyến ái nam (gay), song tính luyến ái (bisexual), hoán tính hay chuyển giới (transgender) và xu hướng tính dục chưa xác định (queer) [1].
Nhờ sự ủng hộ của các bạn trẻ Việt Nam trong thời gian gần đây, thông qua các phong trào như Tôi Đồng Ý hay các chương trình truyền hình như Người Ấy Là Ai, cộng đồng LGBTQ+ đã không còn quá xa lại với chúng ta nữa. Trên thực tế, kết quả điều tra quốc gia cho thấy 90% người dân Việt Nam biết về cộng đồng đồng tính và chuyển giới [4]. Tuy nhiên, phần đông cộng đồng LGBTQ+ vẫn chưa được chấp nhận bởi xã hội, gia đình và bạn bè. Ví dụ như trong cuộc khảo sát dựa trên 500 người đồng tính, 44% họ biết đã từng bị bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế [4]. Trong đó, 81.6% các hành vi bạo lực này xảy ra trong lớp học, 46.8% ở sân trường, và 33.2% xảy ra ngoài đường [4]. Bạo lực và sự kỳ thị đối với cộng đồng đồng tính và chuyển giới đã và đang diễn ra, và một trong những nguyên nhân bạo lực là do những khuôn mẫu và quan niệm mang tính định kiến về giới tính và tình dục đã tồn tại từ lâu trong xã hội [4].
Không những cộng đồng đồng tính và chuyển giới chưa được ủng hộ bởi phần đông cộng đồng và bị gò bó bởi định kiến xã hội mà còn gặp nhiều khó khăn khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe y tế và tâm sinh lý [4]. Người đồng tính và chuyển giới không những phải ứng phó với định kiến, kỳ thị mà còn bị phân biệt đối xử trong các mối quan hệ xã hội và trong gia đình [4]. Một số quan điểm sai lầm về đồng tính bao gồm: đồng tính có thể chữa được, đồng tính là trào lưu xã hội, hay người đồng tính là nỗi thất vọng của gia đình, đã dẫn đến thái độ phân biệt và xa lánh từ phía xã hội, gia đình [4]. Nhiều bạn vì bảo vệ bản thân khỏi những thái độ phân biệt đối xử đó mà chia cuộc sống của mình thành hai thế giới riêng biệt. Một thế giới là nơi họ sống thật với bản thân, với người yêu của mình. Còn với thế giới còn lại, các bạn sẽ hoàn toàn giữ bí mật với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp và sống dưới vỏ bọc của một người dị tính [4]. Quyền sức khỏe của những bạn đồng tính và chuyển giới không bình đẳng và việc gặp khó khăn khi tiếp cận những dịch vụ y tế là điều khó tránh khỏi [5]. Richard, Wallace & Santacruz (2017) đã đưa ra nhận xét sau khi kiểm tra thống kê, nhiều bác sĩ gia đình và chuyên gia sức khoẻ chưa được trang bị nhiều kiến thức về cộng đồng LGBTQ+ để có thể chăm sóc tâm lý cho họ một cách phù hợp. Ngoài ra, nhiều nhân viên y tế có định kiến về những người LGBTQ+ đã và đang làm giảm chất lượng dịch vụ y tế khi phân biệt đối xử với bệnh nhân LGBTQ+ hay có những hành động xem thường họ [5]. Việc các bạn trong cộng đồng đồng tính và chuyển giới cố gắng để được xã hội chấp nhận đã tạo ra rất nhiều áp lực trong cuộc sống của họ [5]. Hệ quả của việc này là những thành viên trong cộng đồng LGBT đã gặp phải những tổn thương về cả sức khỏe thể chất cũng như tâm lý [5].
Vậy những người đồng tính và chuyển giới đang phải đối mặt với những vấn đề tâm lý nào?
Mustanski, Garofalo và Emerson (2010) đã kết luận rằng tuy mỗi cá nhân có những câu chuyện riêng của mình, nhưng các bạn đều có những điểm chung trong suy nghĩ như: cảm giác bị cô lập hay mình là những kẻ dư thừa của xã hội, cảm giác chối bỏ bản thân hoặc cảm giác không được sống thật với bản thân [3]. Họ đã làm một cuộc khảo sát dựa trên 246 cá nhân trong cộng đồng LGBTQ+, từ 16 đến 20 tuổi, để đánh giá tình trạng tâm lý của họ. Khảo sát này sử dụng những câu hỏi được dựa vào hệ thống Kiểm Kê Triệu Chứng phiên bản ngắn gọn (Brief Symptom Inventory, [3]) và kết luận rằng những cá nhân LGBTQ+ có nguy cơ cao sẽ phải đối mặt với những rối loạn sau:
Rối Loạn Hành Vi (Conduct Disorder): khi những bạn trong cộng đồng LGBTQ+ bị xã hội nhồi nhét suy nghĩ rằng họ là kẻ “loạn trí,” “xấu xa,” hay “sai trái,” họ có xu hướng trở nên tách biệt và chống đối xã hội dẫn đến những hành vi chống phá như hay giận dữ, biểu hiện qua một vài hành động bạo lực từ thường xuyên cãi nhau, đánh nhau hay đập phá [3].
Căng Thẳng Hậu Sang Chấn Tâm Lý (Posttraumatic Stress Disorder): một vài bạn sau khi cảm thấy mình không được hoan nghênh sẽ trở nên mặc cảm tự ti hơn về bản thân. Các bạn ấy khó có thể gần gũi với người khác và gặp trở ngại khi xây dựng tình cảm với một ai đó [3].
Trầm Cảm Lâm Sàng (Major Depression): một số biểu hiện thường thấy như: mất ngủ hoặc ngủ triền miên, mệt mỏi, mất sức, giảm khả năng tập trung, không còn ham muốn đến các lĩnh vực trong cuộc sống (ví dụ: phim ảnh, hoạt động xã hội…), hay nghĩ đến cái chết… [3]. Những biểu hiện này kéo dài ít nhất hai tuần và diễn ra hầu hết các ngày [3]. Khi trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn và vượt quá tầm kiểm soát, các bạn sẽ tìm đến những biện pháp có ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân, ví dụ như hút thuốc, sử dụng ma tuý và nghiện rượu bia. Nghiện thuốc lá, ma tuý và rượu bia hiện cũng là vấn đề nghiêm trọng đang được chú ý trong cộng đồng LGBTQ+ [3].
Bạn Phạm Khánh Bình, khi nhận phỏng vấn của tờ báo mạng Soha, đã chia sẻ rằng bạn từng có ý định tự tử khi nhận ra mình là đồng tính nam [2]:
“ Khoảng thời gian lớp 8 khi phát hiện ra mình là người đồng tính trong khi đó thông tin về chủ đề này lại quá ít ỏi khiến Bình rơi vào khủng hoảng. Đến lớp 12, mặc dù được bạn thân ủng hộ nhưng suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy cô độc luôn bám riết khiến Bình có lần có ý định tự tử. Lúc đó mình thấy mình có lỗi, mình không xứng đáng để sinh ra, tồn tại. Đã nhiều lần mình có suy nghĩ bỏ nhà đi thật xa, tự tử. Một lần suy nghĩ bồng bột, mình đứng ở mép tường sân thượng để tự tử. Nhưng sau đó, nghĩ lại mình thấy đó là không cần thiết.”
Thật ra, Bình không phải là người duy nhất có ý định kết thúc cuộc đời mình khi nhận định được mình là người đồng tính. Tác động tiêu cực từ cộng đồng và xã hội dành cho nhiều bạn trong cộng đồng LGBTQ+ qua những hành vi bạo lực và kỳ thị góp một phần tăng cao tỷ lệ những người có ý tự tử và tự tử rất cao: 90% có ý định tìm đến cái chết và 10% từng có suy nghĩ tìm đến cái chết là hướng giải quyết [4]. Thống kê của Mustanski, Garofalo và Emerson (2010) cho thấy trong 246 cá nhân tham gia khảo sát thì khoảng 37 người có dấu hiệu trầm cảm và khoảng 76 người đã từng tự tử không thành [3]. Tại Việt Nam, Phạm và Đồng (2015) đưa thấy trong 17 trường hợp tham gia nghiên cứu có 6 trường hợp đã tự tử và 3 trường hợp dùng dao lam cứa vào tay để tự làm đau bản thân, nhờ đến chất kích thích để giảm đi cảm giác buồn của bản thân [4]. Thống kê này tuy dựa trên một mẫu nhỏ nhưng cũng phản ánh những tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe và tinh thần của cộng đồng LGBTQ+ tại Việt Nam. Một điều nữa cần được chú ý là sự mặc cảm và tình trạng trầm cảm rất phổ biến trong cộng đồng đồng tính và chuyển giới nhưng các bạn thường không tìm kiếm sự giúp đỡ vì lối suy nghĩ rằng mình là người mà xã hội không cần hoặc không ai ủng hộ con người thật của các bạn [4].
Tuy nhiên, có thể thấy rằng hơn một nửa các bạn tham gia cùng khảo sát vẫn giữ được tinh thần lạc quan trong cuộc sống [6]. Điều này cũng có thể thấy được ở trường hợp của Bình đã được nhắc đến ở trên, bạn ấy cho biết rằng mình đã cảm thấy phấn chấn hơn, vượt qua được giai đoạn khó khăn và đã nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình [2]:
“Tụi mình đã gặp nhau hai lần, lần cậu ấy ra Hà Nội hai đứa cùng nắm tay nhau dạo phố mình cảm thấy rất hạnh phúc. Trên đường thoáng bắt gặp ánh mắt tò mò của mọi người nhưng mình vẫn rất vui vẻ và nghĩ rằng, sau này sẽ càng nhiều người có cái nhìn cởi mở hơn đối với người đồng tính, sẽ chấp nhận hôn nhân đồng giới tại Việt Nam.”
Vậy chúng ta có thể làm gì để có thể nâng cao kiến thức về cộng động LGBTQ+ và từ đó, nâng cao giá trị đời sống của các bạn LGBTQ+?
Chúng ta có thể bắt đầu giới thiệu những kiến thức về cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới trong các chương trình dạy học, đặc biệt là thông qua bộ môn giáo dục công dân, một cách hiệu quả [1]. Những lợi ích của việc cải thiện thái độ của cộng đồng LGBTQ+ từ góc độ giáo dục là: có thể giúp học sinh nhận thức tích cực về bản thân, nâng cao kiến thức và đồng thời nâng cao thái độ của học sinh về LGBTQ+ để thúc đẩy năng lực hợp tác, biết chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng, giúp đỡ và chia sẻ với những người trong cộng đồng [1].
Cũng như Elsa đã nói trong bài hát của cô:
“ Con người thật của bạn chính là người mà bạn luôn chờ đợi...”
Hãy sống thật thành công và vui vẻ vì bản thân của mình mà không phải vì sự chấp nhận của xã hội. Dưới nhiều khía cạnh và mức độ khác nhau, định kiến, kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính và chuyển giới đã và đang diễn ra [4]. Không phải là những bạn đồng tính và chuyển giới cần phải thay đổi để hòa nhập với xã hội, mà là xã hội cần phải thay đổi tích cực hơn để tạo ra một môi trường hoà đồng. Chúng ta cần đề cao việc tuyên truyền kiến thức về cộng đồng LGBTQ+ để nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho họ[7]. Trong thời kì đổi mới và hội nhập, thông qua những phương pháp dạy học tích cực, đan xen những kiến thức về cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới vào các giáo án, bài học phù hợp, ví dụ như trong bộ môn Giáo Dục Công Dân, chúng ta có thể góp phần nâng cao kiến thức, thái độ về cộng đồng LGBTQ+ [1]. Từ đó, chúng ta có thể hình thành sự tôn trọng, sự đa dạng và giúp đỡ những người khác trong cộng đồng hơn [1].
Biên tập: Phương Thuỷ & Hương Lê
Thiết kế: Froggy
Nguồn:
[1] Doan, T. and Luu, Ha. “Long Ghep Kien Thuc Ve Cong Dong Nguoi Dong Tinh, Song Tinh Va Chuyen Gioi Trong Day Hoc Mon Giao Duc COng Dan O Truong Trung Hoc Pho Thong Hien Nay.” Tap Chi Khoa Hoc Dai Hoc Su Pham Ha Noi 6, 2016.
[2] Ha, N. “Biet Minh Dong Tinh Chang Thu Linh 9x Co Y Dinh Tu Tu.” Soha.vn, 2013.
[3] Mustanski B. S., Garofalo R., Emerson E. M. “Mental health disorders, psychological distress, and suicidality in a diverse sample of lesbian, gay, bisexual, and transgender youths.” Am. J. Pub. Health 100, (2010): 2426–2432.
[4] Pham, H., Dong, Y. “Dinh Kien, Ky Thi va Phan Biet Doi Xu Doi Voi Nguoi Dong Tinh va Chuyen Gioi o Viet Nam.” Tap Chi Khoa 31, no.5 (2015).
[5] Richard R., Santacruz E., and Wallace B. “Challenges in Moving Forward the Resolution, Reduction, and Elimination of Health Disparities for LGBT Populations.” Essay. In LGBT Psychology and Mental Health: Emerging Research and Advances, 217–36. Santa Barbara, CA, Colorado: Praeger, an imprint of ABC-CLIO, LLC, 2017.
[6] Viện Xã hội học và Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường, Nghiên cứu “Quan điểm xã hội đối với đồng tính và hôn nhân đồng giới”, 2011.
[7] Virupaksha, H., Muralidhar, D., Ramakrishna, J. “Suicide and Suicidal Behavior among Transgender Persons.” Indian J Psycho Med 38, no.5 (2016): 505-509.