Một Trái Tim Thay Ngàn Lời Nói

PS3_A_Heart_Worth_Thousand_Words (1).jpg

Năm tôi 19 tuổi, tôi đến Scotland để học đại học. Đó là một bước ngoặt to lớn đầy mới lạ và thú vị nhưng cũng không kém phần đáng sợ khi đây là lần đầu tiên tôi bước ra khỏi môi trường thân thuộc của mình, ngoài vùng an toàn của bản thân. Tôi dần làm quen với việc sống tự lập ở một đất nước mới, kết những người bạn mới và khám phá những điều mới lạ ở đất nước lạ lẫm này. Tôi không cảm thấy sốc văn hóa vì dù là người Việt, tôi đã sinh ra và lớn lên ở Cộng hòa Séc. Thử thách thật sự đối với tôi là sự chuyển tiếp vào cuộc sống đại học, cân bằng những kỳ vọng của bản thân và nhiều thứ khác.

Tôi bắt đầu cảm giác hơi “khác lạ” vào cuối năm nhất, nhưng tôi gạt đi cho rằng tôi chỉ bị căng thẳng quá mức trong thời gian thi cuối kỳ. Sau khi kỳ thi kết thúc, tôi về với gia đình vài tháng. Được quay trở lại nhà giúp tôi tạm thời quên đi những điều đang làm tôi bận tâm vào thời điểm đó. Kỳ nghỉ hè tiếp thêm sinh lực cho tôi cho một khởi đầu mới khi tôi quay trở lại Scotland. Nhưng dần dần, cảm giác “khác lạ” này lại quay trở lại. Ban đầu nó đến rồi đi nhanh chóng, nhưng trong những tháng và năm tiếp theo, những giai đoạn cảm xúc tụt dốc dần trở nên rõ rệt hơn - chúng dữ dội và kéo dài hơn trước. Những suy nghĩ hỗn độn của tôi bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau: nỗi nhớ nhà, sự phân vân không chắc chắn về ngành học mình đã chọn, thành tích học tập, hướng đi trong cuộc sống, bản sắc riêng và tính cầu toàn của mình. Trong thời gian đó, tôi rút lui khỏi nhiều hoạt động khác nhau, thậm chí cả một số mối quan hệ bạn bè và gia đình. Tôi thật sự cảm thấy không ổn.

Tôi có hiểu biết về sức khỏe tâm lý và tôi thường đóng vai trò hỗ trợ cho bạn bè của mình. Học tập và làm việc trong ngành dược, một mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tôi luôn có thói quen đặt sức khoẻ của mọi người xung quanh lên trên hết và đôi khi quên mất việc chăm sóc bản thân mình. Tôi luôn cho rằng những cảm xúc của mình là không có căn cứ vì có rất nhiều người khác trải qua những tình cảnh phức tạp hơn tôi rất nhiều. Tôi lấy quyền gì mà cảm thấy buồn phiền? Tôi chật vật một thời gian rất dài trong suốt quá trình học đại học, nhưng tôi cảm thấy rất khó khăn để thừa nhận với bản thân rằng mình không thể đối phó với mọi thứ nữa.

 Tôi rất may mắn khi có những người bạn thân tốt mà tôi có thể chia sẻ mọi tâm tư suy nghĩ của mình mà không bị đánh giá hay chỉ trích và hỗ trợ tinh thần cho tôi rất nhiều trong những khoảng thời gian khó khăn đó. Em trai tôi đặc biệt thấu hiểu tôi ở một mức độ hoàn toàn khác. Tôi cảm thấy thoải mái chia sẻ những khó khăn tinh thần tôi gặp phải với họ, nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy với bố mẹ tôi.

 Tôi đã rất lo sợ khi nói về sức khỏe tâm lý của tôi với bố mẹ. Một mặt tôi lo rằng họ không thể hiểu được nỗi lòng của tôi, mặt khác tôi lại không muốn làm họ thất vọng. Họ đã phải sống một cuộc sống khó khăn khi còn nhỏ và đã vượt qua muôn vàn chướng ngại vật để có được ngày hôm nay. Ngược lại, tôi có “tất cả mọi thứ” nhờ vào sự hy sinh, khổ cực của họ. Tôi được đi du học, có chỗ ngủ hằng đêm, có thức ăn trên bàn mỗi ngày, có sự giúp đỡ về mọi mặt từ bố mẹ và bạn bè. Làm thế nào mà tôi lại có thể cảm thấy không hạnh phúc?

 Đó là cả một thời gian vất vả. Đôi khi tôi quá mệt mỏi để mà giải thích, viết, hoặc nói về cảm giác của chính mình. Nhưng tôi luôn biết rằng bố mẹ tôi biết rằng tôi đang chật vật. Tôi có thể hình dung được sự lo lắng của họ. Đôi khi tôi không liên lạc với họ mấy ngày hoặc mấy tuần liên tiếp.

Copy of Untitled (21).png

Dần dần, tôi có thể cởi mở hơn về vấn đề tâm lý của mình và chia sẻ với bố mẹ những trăn trở của bản thân. Dù rằng những câu chuyện của tôi thường củng cố những nghi ngờ của họ, đôi khi chúng vẫn khiến bố mẹ tôi hơi ngỡ ngàng. Tuy vậy, những cuộc nói chuyện này đã giúp cho tôi cảm thấy gần gũi, gắn bó với bố mẹ hơn, và chúng tạo điều kiện cho tôi có thể tâm sự và trấn an tinh thần bố mẹ.

 Hãy luôn nhớ rằng dù cho mỗi chúng ta đều vật lộn với suy nghĩ của riêng mình, ở ngoài kia luôn luôn có những người thật lòng quan tâm đến chúng ta. Họ có thể giúp nâng đỡ chúng ta vượt qua những cuộc nội chiến tinh thần. Và điều quan trọng nhất là hãy luôn giữ liên lạc với mọi người.

Đôi khi tôi cảm thấy việc giữ liên lạc với thế giới bên ngoài là một chướng ngại vật to lớn khi mà tôi đang cảm thấy buồn hoặc vô cảm. Đôi khi tôi không biết làm sao để bộc lộ cảm xúc của mình bằng lời nói, hoặc tôi vẫn đang bối rối không biết chuyện gì đang xảy ra với bản thân và nguyên do của cảm giác đó.

Như mọi người thường nói, sự đơn giản có nét đẹp riêng của nó, chúng ta vẫn có thể kết nối với nhau và thể hiện sự quan tâm hoặc tình cảm của bản thân bằng những cử chỉ nhỏ. Dù là trên mạng hay trong đời thường, hãy chia sẻ một điều gì đó khiến ta nghĩ/nhớ đến họ, chẳng hạn như một tấm hình chụp bữa ăn mà chúng ta cố gắng nấu ngày hôm nay, một buổi chiều hoàng hôn, cơn mưa rào ngoài cửa sổ, một bài hát ta đang nghĩ tới, hay một tấm bưu thiếp nhỏ.

 Đối với tôi, biểu tượng trái tim đỏ là cách mà tôi thể hiện rằng với gia đình là tôi luôn nghĩ đến họ dù cho có cách xa vạn dặm. Dù nó có vẻ ngớ ngẩn và đơn giản, đây là cách mà tôi và bố mẹ thể hiện tình cảm với nhau. Mỗi khi tôi ở trong một thời kỳ tăm tối, một biểu tượng trái tim đó là cách để tôi cho bố mẹ biết rằng: “Bố mẹ ơi, con vẫn an toàn và còn sống. Con có thể không biết giải thích được suy nghĩ hiện giờ của mình, nhưng con chỉ cần một khoảng lặng để suy nghĩ. Con vẫn luôn nghĩ đến bố mẹ.” Chẳng cần lời nói văn vẻ chi, chỉ cần một trái tim đơn giản.

Tôi biết rằng dù cho bố mẹ có thể không biết cách để giúp tôi trong những lúc như thế này, nhưng tôi luôn trân trọng việc họ cho tôi khoảng lặng tôi cần. Không cần một lời giải thích, họ chỉ nhẫn nại chờ tôi bình tâm và sẵn sàng mở lòng lại với họ. Và khi cuối cùng chúng tôi được gặp nhau, chúng tôi trao nhau một cái ôm nồng ấm. Một bữa ăn gia đình với toàn những món ăn tôi yêu thích do mẹ nấu là cách mà bố mẹ nói với tôi rằng: “Bố mẹ mừng rằng con đã về nhà. Bố mẹ thương và quan tâm đến con thật nhiều.” Nhưng tôi cũng biết rằng bố mẹ tôi còn nhiều tâm tư không thổ lộ nên lời dành cho tôi lắm.

 Đây chỉ là một phần câu chuyện của tôi, và tôi cực kỳ may mắn để có được ngày hôm nay, và thực sự biết ơn những con người tuyệt vời xung quanh đã hỗ trợ và nâng đỡ tôi. Tôi giống như một tác phẩm còn dang dở. Tất cả chúng ta đều vậy.

 Nếu bạn đang chật vật hoặc nghĩ rằng bạn đang chật vật với sức khỏe tâm lý của mình, hãy tâm sự với một ai đó. Người đó có thể là một người bạn, một thành viên trong gia đình, hoặc nhân viên y tế. Cũng có nhiều những đường dây nóng giúp đỡ về mặt tâm lý, như là đường dây Samaritans tại Anh.


Dịch: Thi Bùi

Biên tập: Long Bùi & Thuỳ Anh

Minh hoạ: Ngân Phạm

Giang Monika Trần

Giang hiện nay đang là dược sỹ tại bệnh viện thành phố ở Dundee, Scotland với sở thích về tâm lý học.

Previous
Previous

Cộng Đồng LGBTQ+ và Những Vấn Đề Tâm Lý

Next
Next

Vượt Qua Sự Kiệt Sức Trong Học Tập