Review Patrick Melrose: Buộc sự thỏa mãn phục vụ cho nỗi đau
“Patrick Melrose” là một mini-series năm tập, mỗi tập 60 phút, được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn Edward St Aubyn. Đây rõ ràng không phải là một tiểu thuyết hoàn hảo cho việc chuyển thể thành phim. Sẽ rất khó để hình ảnh hóa một câu chuyện với những vấn đề nặng nề như bạo hành, nghiện ma túy và những diễn biến dài khác trong cuộc đời Patrick Melrose.
Thế thì điều mà bộ phim muốn nhắn gửi tới người xem là gì? Vì rõ ràng năm tiếng phim không chỉ để làm người xem phải cảm thấy khó chịu trước những đau khổ xảy ra trong cuộc đời của một người. Có lẽ lời nhắn đó là hãy tháo bỏ những xiềng xích nặng nề của quá khứ. Một số người trong chúng ta có những gánh nặng khổng lồ đeo bám, như Patrick, một số thì không. Dù sao điều quan trọng là tất cả chúng ta nhận ra được rằng cần phải tách khỏi những thứ mà chúng ta lớn lên cùng để thả tự do cho chính mình.
Nếu bạn đang ngờ rằng series này sẽ rất chán hay gây bức bối thì có lẽ bạn sẽ phải bất ngờ. Nhịp phim nhanh và dồn dập nhưng lại là mảnh đất phong phú cho cảm xúc nhân vật biểu lộ hoàn toàn. Những góc quay mới mẻ và cảnh quay ngắn gọn. Tăm tối nhưng lại hài hước.
Xem tập đầu tiên “Bad News” là trải nghiệm đầy khó chịu trong công cuộc khám phá tâm trí nhân vật. Patrick nhận cuộc điện thoại cùng với nụ cười trong cơn phê thuốc mơ màng rõ là không phù hợp với diễn biến tâm trạng thường thấy khi một ai đó được thông báo về cái chết của cha mình. Sau đó, bối cảnh thay đổi, Patrick đến nhận tro cốt của cha mình ở New York. Góc quay luôn luôn ở phía sau hay trên mặt, tập trung truyền đạt mọi thứ thông qua Patrick và tối giản hẳn các chi tiết khác. Đặc biệt là lúc anh ta đứng nhìn cha mình nằm trong quan tài với những lời mỉa mai cay đắng. Sợ hãi, căm thù, oán hận, khinh miệt nhưng lại thoáng có chút đau đớn. Mình nghĩ vốn từ của mình còn quá khiêm tốn để mô tả màn trình diễn xuất sắc của Benedict Cumberbatch với vô số cảm xúc như vậy - từ ghê tởm đến thương hại. Nhưng việc nhìn thấy sự đau đớn này mà không có nguyên nhân đầu tiên khiến bạn khó có thể đồng cảm ngay lập tức.
Việc lạm dụng chất gây nghiện được miêu tả rất chi tiết. Dường như anh ta dùng ma túy để thoát khỏi chính bản thân và chính tâm trí mình. Patrick vật vã tự tách rời tâm trí khỏi cơ thể mình trong những cảnh quay dài. Patrick trong cơn phê thuốc tự độc thoại: “Còn ông, mặt khác, tôi không thể dung tha” hay lặp lại những lời của cha mình: “Nếu mày dám kể với mẹ, hay bất kì ai, về chuyện ngày hôm nay, tao sẽ xé mày ra làm hai!”. Ta có thể lờ mờ đoán được mối quan hệ cha con rạn nứt, tăm tối từ những nỗi ám ảnh trong những câu thoại đó. Patrick tìm mọi cách để phá hủy hòm tro cốt, điên cuồng ném vào khung cửa kính trong căn phòng khách sạn. Phân đoạn này, với góc quay từ phía bên ngoài, không nghe tiếng, thật sự gây đau đớn.
Đến tập thứ hai, “Never Mind”, mạch phim trở nên khách quan hơn, hé lộ câu chuyện trong quá khứ và lý do tại sao lại có một Patrick như ta thấy trong Bad News. Bối cảnh không còn là từ góc nhìn của Patrick nữa, mà là từ góc nhìn thứ ba. Góc quay lùi lại và ta có thể theo dõi mọi chuyện một cách tĩnh tại: Cha của Patrick - David Melrose, người đàn ông bên ngoài tưởng chừng như tốt đẹp lại là một kẻ xấu xa với những hành vi quái dị, khủng bố chính gia đình và bạn bè mình.
Tập thứ ba, “Some Hope”, có bối cảnh là 10 năm trôi qua tính từ tập đầu. Điềm đạm hơn cùng với trạng thái tinh thần khác hẳn, Patrick đã có thể bước tiếp về mặt tâm lý. Mọi thứ liên kết chặt chẽ với nhau hơn trong khi vẫn giữ bầu không khí ám ảnh. Nhịp phim chậm lại như để Patrick bước ra và tiến thêm một bước trong hành trình khám phá bản thân, để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Patrick là ai?”
Tập bốn, “Mother’s Milk”, là một lời nhắc nhở rằng chúng ta sẽ không bao giờ được giải thoát hoàn toàn khỏi quá khứ. David Melrose đã chết từ lâu nhưng bóng dáng ông ta vẫn còn đó. Tập này bao quát phía còn lại của rối loạn chức năng gia đình. Nói cách khác, nó cung cấp một bức tranh hoàn chỉnh về mối quan hệ của Patrick với người mẹ bỏ bê, không hành động, không bảo vệ con mình hết lần này đến lần khác. Ở giai đoạn này, những điểm tương đồng giữa Patrick và cha anh cũng lại được chỉ ra: những nỗ lực sửa lỗi của anh cuối cùng thất bại mặc dù đã cố gắng hết sức trong mối quan hệ với vợ và hai con trai. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi của việc bắt đầu lại từ đầu và ảnh hưởng của nỗi đau từ thế hệ trước tới thế hệ sau. Hay như chính Patrick nói với vợ: “Anh ghét chất độc từ thế hệ này chảy qua thế hệ khác, anh thà chết chứ không gây ra điều tương tự cho con mình”, nhưng rõ ràng anh đã không kiểm soát được.
Tập năm “At Last” đem đến một kết thúc phù hợp cho câu chuyện bi thảm - bằng một tia sáng kiên cường. Câu chuyện về người đàn ông nghiện rượu và ma túy, cũng là đứa trẻ bị lạm dụng năm xưa, đã kết thúc ở nơi nó bắt đầu - trong căn phòng tang lễ. “Được trở thành mồ côi, không còn cặp cha mẹ bạo hành”. Việc bị lạm dụng và bỏ mặc có lẽ đã dẫn đến thôi thúc tự hủy hoại bản thân cũng như những thất bại của chính Patrick với tư cách là một người chồng và người cha. Tập phim này buồn vui lẫn lộn mà không rơi vào rập khuôn kết thúc lý tưởng hay lãng mạn hóa sự đau khổ.
Liệu có phải rằng giữa bạo hành thể xác và bị bỏ bê, thông thường đứa trẻ sẽ chọn thà bị bạo hành còn hơn là bị bỏ bê? Đối với người phụ nữ biết - chắc hẳn đã biết - về việc con trai mình bị lạm dụng dai dẳng nhưng đã không làm gì cả, Patrick nói với bà rằng “Bố đã cưỡng hiếp con”, chỉ để nhận được lời đáp “Cả mẹ nữa”. Từ khi còn là cậu bé Patrick nhảy trên nắp miệng giếng cho tới lúc trưởng thành, anh muốn nói ra với người bạn của mình khi cả hai đang ở một bữa tiệc, những tức giận, những nỗi sợ hãi, ám ảnh, bất lực bị đè nén, bị giữ lại không thoát ra được. Những tổn hại và đau đớn tưởng không thể cất thành lời. Điều tăm tối khủng khiếp cuối cùng Patrick cũng có thể nói ra sau bao nhiêu năm chọn rượu và ma túy để trốn tránh, để quên đi nỗi ám ảnh mà đi qua từng ngày. Nhưng tất cả những gì Patrick nhận được từ mẹ lại vẫn là một sự gạt bỏ, một sự từ chối, nhắm mắt làm ngơ và hướng về mình với một phản ứng ích kỷ “Cả mẹ nữa”. Patrick như bị nuốt chửng, bởi rõ ràng rằng không còn gì để bám víu hay mong cầu nữa.
Có lẽ điều mà Patrick hay những ai mang gánh nặng khổng lồ không đáng phải chịu đó đều khao khát muốn nói ra đó là: "Không có một kẻ nào có quyền làm vậy với một ai khác". Patrick đã không nói được điều này với cha mình khi ông ta còn sống; nhưng những câu chữ đó gần như là câu cửa miệng của Patrick. Nhớ lại ở tập 1 khi Patrick nói về cha mình: “Tại sao lại để ông ta thoát tội được, chỉ vì ông ấy chết rồi hả?”, thì ở tập này ta thấy Patrick đã cảm nhận được một điều gì đó khác ngoài những cảm xúc phức tạp của sự thù ghét và giận dữ tột độ dành cho cha mẹ mình. Tập phim xót xa gợi ý rằng bất chấp sự thật cay đắng rằng không ai quan tâm đến bạn, cách duy nhất để có thể bước tiếp qua việc nhìn vào những đau đớn là mở lòng với người khác. Như câu nói đơn giản của cô hippie lập dị Annette dành cho Patrick: “Thông thường chính những người đáng bị đổ lỗi nhất lại đáng xót xa nhất”.
Điều thực sự ấn tượng trong phim có lẽ là bối cảnh. Xuyên suốt bộ phim, cảnh tượng cửa sổ, hành lang, cầu thang, những cánh cửa chính đóng lại, hình ảnh con thạch sùng trên góc tường có lẽ sẽ ám ảnh mình mãi. Con thạch sùng trên góc tường hay lẩn vào trong rèm cửa. Nó luôn ở đó trong quá trình Patrick bị bạo hành, chứng kiến cảnh Patrick vật vã những cơn phê thuốc hay tự độc thoại. Mình nôn nao trước khung cảnh mùa hè ở vùng quê miền Nam nước Pháp đầy màu sắc rực rỡ, sự tương phản giữa sự sáng sủa, đẹp lặng lẽ và sự thật đây là nơi mà những lần bạo hành diễn ra.
Có lẽ điều nổi bật nhất của bộ phim xuất sắc đến choáng ngợp này là nó không hề nao núng khi kể về các chủ đề nặng nề nhưng đồng thời vẫn là một câu chuyện đầy hy vọng về khả năng phục hồi của con người. Phim được chế tác tuyệt vời, với sự trớ trêu đi kèm sự rùng rợn và còn dám trở nên hài hước đến kinh ngạc trong khi khắc họa tinh thần con người theo cách dễ bị tổn thương nhất. Nó xa rời việc lý tưởng hóa nỗi đau và để lại câu hỏi cần chúng ta có lời đáp: Nỗi đau tồn tại. Nỗi đau là có nguyên nhân. Nỗi đau có thể được chấm dứt. Nhưng chấm dứt bằng cách nào?
Biên tập: Thuỳ Anh
Thiết kế: Thoa Đinh