Các Yếu Tố Nguy Cơ Dẫn Đến Trầm Cảm Ở Thanh Thiếu Niên Việt Nam

Minh Hoạ: Vy Trần
Minh Hoạ: Vy Trần

Đây là bài thứ 2 trong series Sơ lược về trầm cảm ở thanh thiếu niên. Trong bài này hãy cùng chúng mình khám phá một vài yếu tố dẫn đến trầm cảm ở thanh thiếu niên nhé. 

Đầu tiên, một tác nhân quan trọng phải kể đến là yếu tố sinh học. Nhắc đến yếu tố sinh học, chúng ta có thể nghĩ ngay tới sự di truyền. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy nếu trong gia đình có người thân trầm cảm (đặc biệt là cha mẹ, anh chị, em, v.v), một cá nhân sẽ có nguy cơ trầm cảm cao hơn dân số trung bình từ 2 đến 4 lần [1]. 

Ngoài ra, những bất thường trong lượng chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitters) trong não, đặc biệt là ba chất dopamine, serotoninnoradrenaline, cũng được cho là dẫn đến những triệu chứng của trầm cảm [2]. Một yếu tố sinh lý khác đặc biệt liên quan đến trầm cảm ở thanh thiếu niên là ảnh hưởng của sự căng thẳng (stress) lên hệ thần kinh nội tiết [3]. Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone tên là cortisol. Nhiều nghiên cứu cho thấy cortisol có khả năng gây ức chế các thụ thể tiết ra chất truyền dẫn thần kinh serotonin, từ đó làm khó cho việc điều chỉnh tâm trạng [4]. Qua đó, căng thẳng kéo dài có thể được xem như một yếu tố rủi ro dẫn đến trầm cảm.

Vậy, ngoài khía cạnh sinh học, còn có những yếu tố rủi ro nào ảnh hưởng đến khả năng trầm cảm ở thanh thiếu niên, đặc biệt là trong môi trường tại Việt Nam? Theo một báo cáo gần nhất của UNICEF về sức khỏe tâm lý, dựa vào môi trường và hoàn cảnh đặc trưng tại Việt Nam, những rủi ro dẫn đến các vấn đề tâm lý ở thanh thiếu niên, bao gồm trầm cảm, có thể được chia thành bốn cấp độ: cá nhân, gia đình, trường học,xã hội [5]. 

Ở cấp độ cá nhân, nguy cơ trầm cảm ở thanh thiếu niên tăng lên theo sự cô lập/tự cô lập về cảm xúc để tránh gây lo lắng cho những người xung quanh [5]. Với một số bạn nữ, đây có thể là hậu quả của việc nghỉ học ngoài ý muốn hay kết hôn sớm, dẫn đến khoảng cách giữa cá nhân và bạn bè trang lứa. Ngoài ra, một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới trầm cảm đó là sự tiếp cận sớm và nhiều quá mức với các công nghệ hiện đại ở thanh thiếu niên. Ví dụ, nếu chơi điện tử quá thường xuyên, cảm xúc của cá nhân có thể sẽ trở nên khó kiểm soát và bị phụ thuộc vào việc thắng thua của trò chơi. Việc này có ảnh hưởng lớn hơn với các bạn nam, còn các bạn nữ thường có nguy cơ bị kẻ xấu rình rập và bắt nạt trên mạng xã hội nhiều hơn. Một nguy cơ cấp cá nhân nữa là thái độ và cách nhìn nhận mang chiều hướng tiêu cực về ngoại hình của bản thân, đặc biệt ở các bạn nữ lo lắng về chu kỳ kinh nguyệt hoặc cân nặng.

Ở cấp độ gia đình, thanh thiếu niên Việt Nam thường nhận áp lực lớn từ kỳ vọng của cha mẹ [5]. Ở đây, kỳ vọng không chỉ về thành tích học tập trên lớp, mà còn là những trách nhiệm trong gia đình, đặc biệt ở những hộ gia đình nghèo hoặc đang gặp tình trạng kinh tế - xã hội giảm sút. Ví dụ, ngoài việc hoàn thành công việc trên lớp, con gái thường mang kỳ vọng phải quán xuyến nhà cửa, chăm lo cho em nhỏ (nếu có). Ngoài ra, ở độ tuổi vị thành niên, sự “kiểm soát” của cha mẹ - ví dụ như hạn chế chuyện tình cảm, đi chơi, sử dụng điện thoại/máy tính, v.v. - được cho là những căn nguyên hàng đầu dẫn đến tình trạng căng thẳng ở người trẻ. Môi trường trong gia đình (ví dụ: bố mẹ hay cãi nhau, xung đột, thiếu sự giao tiếp trong gia đình, v.v.) cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp lên sức khoẻ tâm lý của con cái. 

Ở cấp độ trường học, điều đầu tiên phải kể đến là những căng thẳng trong học tập [5]. Thanh thiếu niên tại Việt Nam thường tự đặt ra những yêu cầu cao hoặc rất cao đối với bản thân trong việc học tập. Sự áp lực về thành tích này càng tăng cao hơn cùng sự kỳ vọng của gia đình và việc so sánh với các bạn cùng trang lứa. Ngoài ra, các vấn đề như bị bắt nạt, uy hiếp hoặc mâu thuẫn học đường, nếu không nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, cũng là căn nguyên trực tiếp dẫn đến các vấn đề tâm lý ở lứa tuổi này. 

Cuối cùng, ở cấp độ tổng quan cộng đồng, tại Việt Nam, trẻ em và thanh thiếu niên vẫn có thể dễ dàng tiếp cận với các chất kích thích/gây nghiện hoặc các chất độc hại [5]. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho những hành vi không phù hợp với lứa tuổi trong trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt khi các vấn đề tâm lý trở nên trầm trọng và cá nhân có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát. Đối với độ tuổi lớn hơn, thanh thiếu niên tại Việt Nam vẫn gặp hạn chế trong các cơ hội phát triển kinh tế, chủ yếu liên quan đến việc làm. Song song đó, trong xã hội chúng ta vẫn còn tồn đọng những chuẩn mực, thành kiến, và tục lệ mang tính tiêu cực tiềm tàng ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ em và thanh thiếu niên. Điều này càng rõ rệt trong các khu vực nông thôn và miền núi phía Bắc ví dụ như việc kết hôn sớm dẫn đến nghỉ học ngoài ý muốn ở nhiều bạn nữ hoặc vai trò và cách ứng xử trong xã hội của các em.  
Mặc dù bài viết này không thể liệt kê hết những yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm, chúng mình hi vọng nó đã giúp bạn hiểu thêm một vài yếu tố rủi ro đặc trưng dựa trên môi trường và xã hội Việt Nam. Tại bài viết cuối cùng của series Sơ lược về trầm cảm ở thanh thiếu niên, chúng mình sẽ giới thiệu một vài yếu tố bảo vệ tại cấp độ cá nhân mà bạn có thể áp dụng để giúp bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ trầm cảm. Mời các bạn đón xem bài viết tiếp theo của bọn mình nhé.

Biên tập: Thái Hà & Đinh Thoa

[1] Lohoff, Falk W. "Overview of the genetics of major depressive disorder." Current psychiatry reports 12, no. 6 (2010): 539-546.

[2] Ruhé, Henricus G., Nada S. Mason, and Aart H. Schene. "Mood is indirectly related to serotonin, norepinephrine and dopamine levels in humans: a meta-analysis of monoamine depletion studies." Molecular psychiatry 12, no. 4 (2007): 331-359.

[3] Starcke, Katrin, Oliver T. Wolf, Hans J. Markowitsch, and Matthias Brand. "Anticipatory stress influences decision making under explicit risk conditions." Behavioral neuroscience 122, no. 6 (2008): 1352.

[4] Do Yup Lee, Eosu Kim, and Man Ho Choi. "Technical and clinical aspects of cortisol as a biochemical marker of chronic stress." BMB reports 48, no. 4 (2015): 209.

[5] UNICEF Viet Nam, Ministry of Labour, Invalids and Social Affairs & Overseas and Development Institute, Mental health and psychosocial wellbeing among children and young people in selected provinces and cities in Viet Nam, UNICEF, Hanoi, February 2018, p. 13-16.

Hương Lê & Thuỳ Anh

IPO Founder & Co-Founder

Previous
Previous

Cuộc Sống Mất Đi Niềm Vui, Liệu Tôi Có Trầm Cảm?

Next
Next

Đối Diện Với Trầm Cảm: Bạn Có Thể Làm Gì?