Vì Tiền: So Sánh Hạnh Phúc Ở Các Nước OECD
*Bài đăng gốc của tác giả Huy Đinh được viết vào năm 2018. Do vậy, phần lớn những số liệu, bảng biểu và đồ thị tham khảo trong bài đều được lấy từ mốc năm 2018 hoặc sớm hơn. Song song đó, để đảm bảo tính cập nhật của thông tin, tác giả có xem lại và thay một số nguồn tham khảo bằng những kết quả nghiên cứu mới hơn (từ năm 2018 trở về sau).
Xuyên suốt lịch sử, danh sách “10 quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới” hằng năm của tạp chí Forbes đã luôn được thống trị bởi các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), một tổ chức kinh tế liên chính phủ được thành lập vào năm 1961 chiếm 50% GDP của toàn thế giới. Mức sống cao của những quốc gia này thường được dùng làm minh chứng cho những phát triển về mặt kinh tế cũng như sự giàu có và xa hoa của họ [1].
Tuy nhiên, mức sống cao không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự hạnh phúc và thậm chí có thể đi kèm với với một mặt trái: tỷ lệ tự tử cao một cách bất thường. Ở nước Mỹ, tự tử là nguyên nhân gây tử vong cao thứ nhì đối với người từ 10 đến 34 tuổi [2]. Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 11 trên toàn thế giới, phải chứng kiến gần 40 người tự sát mỗi ngày [3]. Ngoài nền kinh tế lớn thứ ba trên toàn thế giới, Nhật Bản còn được biết đến qua khu rừng Aokigahara, địa điểm tự sát nổi tiếng thế giới [4]. Những mặt đối nghịch này khiến ta phải tự hỏi một câu hỏi triết lý muôn thuở: Liệu tiền bạc có đem lại hạnh phúc?
Thống kê Trầm cảm và Tự tử: Khác nhau ở đâu và dùng chúng thế nào?
Để phân tích nghịch lý liên quan đến hạnh phúc và tiền bạc nói trên, chúng ta có thể so sánh những số liệu thống kê liên quan đến sức khỏe tinh thần ở các nước OECD như mức độ phổ biến của Rối loạn trầm cảm chính (major depressive disorder, MDD). Tuy nhiên, những khác biệt trong văn hóa và thiên kiến thường gây ảnh hưởng đáng kể lên quá trình những số liệu này được ghi chép, khiến chúng mất đi độ tin cậy [5]. Rất nhiều nền văn hóa truyền thống vẫn coi sức khỏe tinh thần là một điều cấm kỵ và người có rối loạn tâm lý thường phải chịu những cái nhìn tiêu cực trong xã hội [6]. Một ví dụ ở đây là Hàn Quốc, nơi các rối loạn tâm lý và việc tìm kiếm sự giúp đỡ cho những rối loạn ấy bị kỳ thị nặng nề [7]. Tuy hiện tại đã có những điều luật chống kỳ thị người có rối loạn tâm lý ở công sở song chúng không được thực thi hay tuân thủ [8]. Điều này ngăn cản người có vấn đề tâm lý tìm kiếm sự trợ giúp, khiến cho số liệu người được chẩn đoán trầm cảm tại Hàn Quốc thấp hơn so với một đất nước cởi mở hơn với vấn đề này. Điểm khác biệt về văn hóa này khiến cho việc đo lường và so sánh một cách khách quan mức độ “không hạnh phúc” của một đất nước trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, tỉ lệ tự tử, tuy là mức độ cực biên của sự “không hạnh phúc”, sẽ là một thước đo chính xác hơn trong quá trình so sánh sự bất mãn của người dân vì tự tử là một hành vi dễ quan sát hơn. Cần nhấn mạnh rằng số liệu về tự tử cũng thường bị báo cáo thiếu vì đa số thường hay bị nhầm là tử vong do tai nạn [9]. Tuy nhiên sự chênh lệch trong thống kê này khá nhất quán giữa các đất nước OECD. Do đó, tỉ lệ tự tử sẽ là một thước đo chính xác và khách quan hơn. Bài viết này sẽ sử dụng thống kê về tự tử làm phương thức đánh giá mức độ hạnh phúc của quốc gia.
2. Các nền kinh tế: Sự cạnh tranh và áp lực xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà các nước có tỷ lệ GDP cao nhất cũng đồng thời chiếm thứ hạng cao về mức độ cạnh tranh. Như lẽ đương nhiên, sự phát triển cần một thị trường tự do và cạnh tranh. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), sự cạnh tranh được định nghĩa là “các thể chế, chính sách, và nhân tố quyết định mức độ năng suất của một đất nước” [10]. Từ khóa mấu chốt ở đây là “năng suất”. Trong khi chính phủ và các nhà lập pháp chịu trách nhiệm cho cơ sở hạ tầng, cơ quan và môi trường kinh tế vĩ mô để tạo ảnh hưởng đến năng suất, sự tinh tế và khả năng sáng tạo trong kinh doanh trong mảng tư nhân lại là những yếu tố có ảnh hưởng nhất để đạt đến sự thịnh vượng kinh tế.
Sự cạnh tranh luôn được khuyến khích, nhưng ẩn sau đó là những áp lực yêu cầu người dân ở các nước OECD phải sáng tạo và tinh tế trong kinh doanh. Họ thường phải đối mặt với nhiều căng thẳng trong công việc để có thể thành công hơn so với người dân của những đất nước có môi trường kém cạnh tranh hơn trong trong cùng nhóm OECD. Điều này có thể góp phần lý giải cho tỷ lệ tự tử cao khi so sánh 13 quốc gia này với nhau.
Những đất nước có mức độ cạnh tranh cao thường có một hệ thống giáo dục tân tiến và phát triển nhất trên thế giới nhằm đào tạo nên những cá nhân hiệu quả [10]. Mức độ tinh tế trong giáo dục được đo lường bằng điểm trung bình của những học sinh 15 tuổi trong những bài kiểm tra Đọc hiểu, Toán và Khoa học chuẩn mực của tổ chức PISA.
Chỉ riêng các nước trong khối OECD, thứ tự xếp hạng PISA của từng nước có vị trí tương đồng với tỉ lệ tự tử của nước đó một cách rợn người (dù vẫn có vài điểm khác biệt). Những nước như Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ xếp cuối ở cả thành tích học tập lẫn tỉ lệ tự sát. Trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản và Bỉ thường có vị trí cao trên cả hai bảng xếp hạng. Mối tương quan này có thể được giải thích bằng áp lực ngầm đến từ xã hội và gia đình đè nặng lên giới trẻ, thúc ép họ đạt được kết quả học tập tốt tại trường, dẫn đến sự suy nhược sức khỏe tinh thần. Tuổi thành niên là giai đoạn mà con người ta thường có lòng tự tôn thấp nhất trong cả cuộc đời, và sự chú trọng vào điểm thi như một thước đo giá trị bản thân sẽ chỉ khiến lòng tự tôn của họ tiếp tục đi xuống. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tự tử là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai ở người từ 10 đến 24 tuổi trên toàn thế giới, chiếm 17,6% số trường hợp tử vong [13]. Ở Hàn Quốc, nó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong nhóm người từ 10 đến 39 tuổi [14].
Tại sao các số liệu này lại cao ngất ngưởng như vậy tại Hàn Quốc? Gia đình Hàn Quốc phải hứng chịu tác động từ những chuẩn mực xã hội nên thường có kỳ vọng rất cao về con cái của mình. Các thanh thiếu niên trong độ tuổi học sinh thường chịu áp lực khổng lồ từ việc học [15]. Đa phần đều lao tâm khổ tứ để vào được ba ngôi trường tốp đầu tại đất nước: Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc, và Đại học Yonsei, được gọi chung là SKY. Vì lý do này, các bạn phải liên tục học cả ở trường và sau giờ học đến tận nửa đêm chỉ vì ước mơ trúng tuyển. Kết cục là trẻ vị thành niên ở Hàn Quốc có mức độ căng thẳng cao nhất trên thế giới. Một vài ý kiến cho rằng tỉ lệ nghiện chất do hệ quả của những căng thẳng này ở giới trẻ Hàn Quốc có thể là yếu tố quyết định mức độ tự tử cao [16][17].
3. Ảnh hưởng của vị trí địa lý đối với tỉ lệ tự tử.
Các nền kinh tế phát triển phần lớn nằm ở bán cầu Bắc với hầu hết nằm trong vùng khí lạnh hơn như Na Uy, Phần Lan, Canada, v.v. so với những đất nước ở khí hậu ấm hơn như Mexico, Ý và Tây Ban Nha.
Khí hậu lạnh hơn đồng nghĩa với mùa đông dài hơn và lượng ánh sáng mặt trời bất thường. Sự tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có những tác động trực tiếp đối với tính khí và tương quan với nồng độ serotonin trong bộ não con người, một chất dẫn truyền thần kinh liên kết chặt chẽ với sự hạnh phúc. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là nồng độ serotonin quá cao lại có mối liên hệ với sự bốc đồng - một yếu tố rủi ro dẫn đến tự sát [18][19]. Lượng ánh sáng trong vòng hai tuần trước một vụ tự tử có một mối tương quan tích cực với tự tử. Khi bạn tiếp xúc nhiều với ánh sáng trong một khoảng thời gian ngắn hạn nhất định, bạn sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn.
Một ví dụ cho giả thuyết trên là Greenland, một vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Đan Mạch, nằm ở gần Bắc cực [20]. Trong khi tỷ lệ tự tử ở Đan Mạch gần mức độ trung bình trong khối OECD ở mức 9.2 trên 100,000 người [21], tỷ lệ tự tử ở Greenland là một con số đáng kinh ngạc: Cứ 100,000 cư dân thì sẽ có 80 ca tự tử [22]. Con số này cao gấp gần 8 lần so với trung bình thế giới, 10.5 trên 100,000 năm 2016 [3].
So với Đan Mạch, Greenland có thời tiết khắc nghiệt hơn rất nhiều - buổi đêm có thể kéo dài 20 tiếng vào mùa đông và buổi sáng có thể kéo dài đến 21 tiếng vào mùa hè. Nghiên cứu đã cho thấy rằng những trường hợp tự tử tăng cao vào mùa hè vì, ở Greenland, mặt trời không lặn cho đến tận gần cuối ngày [23]. Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể tương tác với những cấu trúc điều tiết serotonin trong não, gây nên những thay đổi tiêu cực về tâm trạng, thậm chí gây nên những triệu chứng tương tự trầm cảm, từ đó dẫn đến tự sát [19]. Hầu hết mọi cư dân sống tại Greenland đều biết đến một ai đó đã tự sát.
Ngoài ra, tuy Greenland là một phần của Đan Mạch, nước này vẫn rất kém phát triển so với những vùng còn lại của Đan Mạch [24]. Người dân sống trong những ngôi làng nghèo nàn thay vì các thành phố và gần như không có bất kỳ cơ sở hạ tầng hỗ trợ nào để đối mặt với tình trạng sống khắc nghiệt. Sự kém phát triển và nghèo khó, cộng với yếu tố môi trường xấu, có thể khiến người dân tộc Inuit ở Greenland cảm thấy túng quẫn và thiếu thốn hơn những người dân Đan Mạch khác (đa phần là người da trắng), tạo nên một vòng luẩn quẩn dẫn đến chuyện nhiều người Greenland lựa chọn việc kết liễu cuộc đời của mình [25].
4. Kết luận
Nhờ sự gia tăng mức độ hiểu biết về các rối loạn tâm lý và mức độ nghiêm trọng của chúng trong xã hội, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng dần trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Những cá nhân có ý định tự tử có thể dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn tài liệu hữu ích hơn. Tỷ lệ tự sát đã giảm trên toàn cầu trong những năm gần đây [26]. Mặc dù đây là một tín hiệu tích cực, các cơ quan chính phủ vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ những bộ phận dân số dễ chịu tổn thương nhất. Tuy sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia là quan trọng, nó không đáng để trả giá bằng mạng sống của những con người sống trong chính quốc gia đó. Xã hội trên toàn thế giới cần cân nhắc các ưu tiên, giữa “Hạnh phúc” và “Tăng trưởng” một cách hiệu quả hơn, để đạt được đồng thời cả sự thịnh vượng lẫn hạnh phúc.
Biên dịch: Nam Nguyễn
Biên tập: Thùy Anh Nguyễn
Nguồn tham khảo
[1] Madden, D. (2018). Ranked: The 10 Happiest Countries In The World In 2018. Retrieved June 4, 2018, from https://www.forbes.com/sites/duncanmadden/2018/03/27/ranked-the-10-happiest-countries-in-the-world-in-2018/#3550ce6973e9
[2] National Center for Injury Prevention and Control, Centers for Disease Control and Prevention. (2018). WISQARS Leading Causes for Death Reports.
[3] World Health Organization. (2019). Suicide in the world: global health estimates. World Health Organization. https://apps.who.int/iris/handle/10665/326948. License: CC BY-NC-SA 3.0 IGO
[4] Flaskerud, J. H. (2014). Suicide Culture. Issues in mental health nursing, 35(5), 403-405.
[5] Augsberger, A., Yeung, A., Dougher, M., & Hahm, H. C. (2015). Factors influencing the underutilization of mental health services among Asian American women with a history of depression and suicide. BMC health services research, 15(1), 1-11.
[6] Krendl, A. C., & Pescosolido, B. A. (2020). Countries and Cultural Differences in the Stigma of Mental Illness: The East–West Divide. Journal of Cross-Cultural Psychology, 51(2), 149-167.
[7] Park, J. I., & Jeon, M. (2016). The stigma of mental illness in Korea. Journal of Korean Neuropsychiatric Association, 55(4), 299-309.
[8] WHO-AIMS Report on Mental Health System in Republic of Korea, WHO and Ministry of Health and Welfare. (2007). A report of the assessment of the mental health system in Republic of Korea using the World Health Organization - Assessment Instrument for Mental Health Systems (WHO-AIMS). Gwacheon City, Republic of Korea.
[9] Tøllefsen, I. M., Hem, E., & Ekeberg, Ø. (2012). The reliability of suicide statistics: a systematic review. BMC psychiatry, 12(1), 9.
[10] World Economic Forum. (2018). The Global Competitiveness Report 2017-2018.
[11] FactsMaps. (2019). PISA 2018 Worldwide ranking - average scores of mathematics, science and reading. https://factsmaps.com/pisa-2018-worldwide-ranking-average-score-of-mathematics-science-reading. [Infographic]
[12] World Health Organization. (2018). Age-standardized suicide rates (per 100 000 population), both sexes, 2016. [Infographic]
[13] Heron, M. P. (2017). Deaths: leading causes for 2015.
[14] Lee, S. U., Park, J. I., Lee, S., Oh, I. H., Choi, J. M., & Oh, C. M. (2018). Changing trends in suicide rates in South Korea from 1993 to 2016: a descriptive study. BMJ open, 8(9), e023144.
[15] Phosaly, L., Olympia, D., & Goldman, S. (2019). Educational and psychological risk factors for South Korean children and adolescents. International Journal of School & Educational Psychology, 7(2), 113-122.
[16] Hong, J. S., Lee, N. Y., Grogan-Kaylor, A., & Huang, H. (2011). Alcohol and tobacco use among South Korean adolescents: An ecological review of the literature. Children and Youth Services Review, 33(7), 1120-1126.
[17] Cho, M. S. (2020). Use of Alcohol, Tobacco, and Caffeine and Suicide Attempts: Findings From a Nationally Representative Cross-sectional Study. Journal of Primary Care & Community Health, 11, 2150132720913720.
[18] Gvion, Y., Levi-Belz, Y., Hadlaczky, G., & Apter, A. (2015). On the role of impulsivity and decision-making in suicidal behavior. World journal of psychiatry, 5(3), 255.
[19] Vyssoki, B., Kapusta, N. D., Praschak-Rieder, N., Dorffner, G., & Willeit, M. (2014). Direct effect of sunshine on suicide. JAMA psychiatry, 71(11), 1231-1237.
[20] Greenland profile. (2018). Retrieved June 3, 2018, from http://www.bbc.com/news/world-europe-18249474
[21] World Health Organisation. (2018). Age-standardized suicide rates (per 100 000 population).
[22] Sargeant, H., Forsyth, R., & Pitman, A. (2018). The Epidemiology of Suicide in Young Men in Greenland: A Systematic Review. International journal of environmental research and public health, 15(11), 2442.
[23] Björkstén, K. S., Bjerregaard, P., & Kripke, D. F. (2005). Suicides in the midnight sun—a study of seasonality in suicides in West Greenland. Psychiatry research, 133(2-3), 205-213.
[24] Bolliger, L., & Gulis, G. (2018). The tragedy of becoming tired of living: Youth and young adults’ suicide in Greenland and Denmark. International journal of social psychiatry, 64(4), 389-395
[25] Bjerregaard, P., & Larsen, C. V. L. (2015). Time trend by region of suicides and suicidal thoughts among Greenland Inuit. International journ
al of circumpolar health, 74(1), 26053
[26] Naghavi, M. (2019). Global, regional, and national burden of suicide mortality 1990 to 2016: systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2016. bmj, 364.