Bạn CÓ THỂ Lựa Chọn NGỪNG Uống Rượu Ngay Hôm Nay!
Bạn không cần phải lưỡng lự lâu hơn. Mặc dù việc bỏ uống rượu có thể là một hành trình khó khăn và nguy hiểm, bạn có thể làm được. Biết cách để giúp đỡ và tìm kiếm trợ giúp là bước đầu tiên. Khi một người nào đó đang gặp khó khăn với việc nghiện rượu, họ có thể che giấu và nói dối với người khác, hoặc tìm cách bao biện với bản thân về liều lượng và tần suất uống rượu. Bạn cần xem những hành vi này là triệu chứng của việc nghiện rượu chứ không thể hiện điều gì về bản tính cá nhân cả. Những người đang trải qua giai đoạn nghiện cũng có thể trải nghiệm sự thay đổi thất thường trong động lực để bỏ rượu. Những hành vi đó khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ, cũng như khiến người thân của họ khó mở lời trao đổi về việc điều trị. Vậy nên trước nhất chúng ta cần nói đến việc làm sao để giúp đỡ một người đang gặp vấn đề với rượu, sau đó tìm hiểu thêm về chứng rối loạn phức tạp này, và cuối cùng là xem các giải pháp điều trị có thể là gì.
Rối loạn sử dụng các thức uống có cồn là một tình trạng bệnh lý mà các bác sĩ thường kết luận khi hành vi uống rượu của bệnh nhân ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của họ. Có rất nhiều người uống rượu, nhưng chỉ một phần trong số đó phải trải qua rối loạn này. Một số dấu hiệu của việc sử dụng rượu không đúng cách bao gồm: tiếp tục việc dùng rượu cho dù nó ảnh hưởng đến gia đình hoặc công việc, uống nhiều hơn dự định, mua và giấu rượu để uống, phải uống nhiều hơn để đạt được hiệu ứng mong muốn, nỗ lực cai rượu nhiều lần nhưng không thành công, hoặc vẫn tiếp tục cho dù việc uống rượu khiến bạn cảm thấy trầm cảm hoặc lo âu. Bất kỳ triệu chứng nào kể trên cũng là dấu hiệu cần cẩn trọng. Khi một người có càng nhiều triệu chứng, họ càng cần phải thay đổi.
Nếu như bạn quan ngại về việc uống rượu của mình, tôi khuyến khích bạn bắt đầu bằng việc chia sẻ với một người bạn tin tưởng. Trò chuyện cùng những người khác về vấn đề của mình cho thấy bạn đang bắt đầu chấp nhận vấn đề, và đó là bước đầu tiên để thay đổi. Gia đình của bạn có thể không hiểu hết những điều bạn đang trải qua, nhưng trách nhiệm của bạn là làm cho họ hiểu và tìm kiếm trợ giúp của họ. Hãy nhớ rằng việc bạn cảm thấy khá hơn cũng có tác động tích cực đến gia đình của mình. Hãy nói cho các thành viên trong gia đình để họ biết mà hỏi thăm về việc sử dụng rượu của bạn. Bạn có thể nhờ họ theo dõi tiến trình giảm hoặc ngưng uống của mình và thúc đẩy bạn đạt được mục tiêu mình đề ra. Cho dù mục tiêu của bạn là giảm hay ngưng uống rượu hoàn toàn, có được sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè trên hành trình này là rất quan trọng.
Nếu như bạn đang muốn bắt đầu, trước hết hãy lên kế hoạch cho hành trình thay đổi. Quyết định ngày mà bạn muốn dừng uống rượu và đừng thay đổi… Chẳng có thời điểm nào hoàn hảo cả, bạn chỉ cần phải đối diện với nó. Khi cân nhắc về “ngày dừng lại", hãy cân nhắc các triệu chứng cai có thể xuất hiện và những hoạt động mà bạn cần tạm dừng trong một thời gian ngắn. Sau khi xác định được cột mốc, hãy xác định mục tiêu. Dù là bạn muốn ngừng uống các chất có cồn hẳn hay là giảm lại, cũng đều nên viết ra một mục tiêu cụ thể. Tiếp theo, hãy lên các bước thực hiện để hoàn thành mục tiêu, xác định người có thể hỗ trợ bạn, và những điều bạn sẽ thực hiện nếu một điều gì đó xảy ra không đúng kế hoạch. Nếu bạn cố gắng và chưa thành công, hãy thử lại và rút kinh nghiệm từ những lần trước. Việc dừng sử dụng rượu bia không hề dễ. Trò chuyện cùng người bạn tin cậy về những khó khăn của bạn và để họ trở thành người đồng hành cùng bạn. Ví dụ, nếu người bạn đó thi thoảng cũng uống rượu bia và không biết về kế hoạch của bạn, họ có thể mời bạn một li rượu vang vì họ thân thiện, mà không biết rằng đó là sự cám dỗ đối với bạn. Hãy tìm cách để nói cho mọi người biết, ví dụ như, “Rượu bia dạo này không được tốt cho sức khoẻ của mình lắm, nên mình đang ráng bớt lại/bỏ luôn. Cảm ơn vì đã mời nhen nhưng mà thôi mình không uống đâu.” Bạn cũng có thể tính tới việc hạn chế những buổi gặp gỡ nếu bạn nghĩ không gian tiệc tùng có thể khiến bạn muốn dùng rượu bia. Đây cũng là lí do mà sự trợ giúp của gia đình là thiết yếu, bạn cần phải thay đổi một số thói quen và gia đình có thể giúp bạn.
Giúp đỡ người thân bỏ rượu bia
Điều có ích nhất mà bạn có thể làm để giúp đỡ người thân của mình là động viên họ ngừng sử dụng bia rượu và hỗ trợ khi họ cần. Tôi đã điều trị rất nhiều người có rối loạn này và làm việc cùng rất nhiều gia đình. Rất thường xuyên, các gia đình đến với các buổi trị liệu trong tâm trạng buồn phiền và bức bối với hoàn cảnh hiện tại. Lạm dụng và nghiện bia rượu có thể ảnh hưởng đến toàn gia đình. Sẽ thật là buồn và đau lòng khi nhìn thấy người thân của mình đấu tranh với rối loạn này. Cảm giác của bạn cũng có thể bị xáo trộn khi nhìn thấy họ bỏ bê những trách nhiệm của mình và đẩy gia đình vào một số khó khăn về tài chính hoặc pháp lý. Những thành viên trong gia đình cũng có thể bị người bệnh đối xử không tốt và cảm thấy tổn thương. Vì mỗi nhà mỗi cảnh, tôi không thể đưa ra lời khuyên liệu họ có nên tiếp tục hỗ trợ người thân của họ hay không. Hãy nhớ rằng an toàn nên được ưu tiên hơn cả. Nếu bạn lo lắng về sự an toàn của bạn và người thân, hãy trao đổi cùng những người có nghiệp vụ.
Nếu gia đình lựa chọn giúp đỡ, đây là một số các để hỗ trợ người thân của mình trong việc điều trị. Trò chuyện cùng người thân về tình trạng sử dụng rượu, bia của họ, và vì sao việc điều trị sẽ là cần thiết. Chọn một thời điểm khi mà người thân của bạn đang tỉnh táo và bạn đủ bình tĩnh để bày tỏ sự lo ngại của mình và những triệu chứng cai (xem bên dưới) có thể xảy ra theo cách đầy quan tâm. Cho họ thấy rằng bạn hiểu quá trình cai nghiện sẽ khó khăn và bạn sẵn lòng đầu tư thời gian và tâm sức để hỗ trợ họ. Động viên người thân của bạn chia sẻ những trải nghiệm của họ và động lực cho việc chấm dứt uống rượu bia. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, người thân của bạn có thể sẽ không sẵn lòng ngừng uống hoặc sẽ không cam kết 100% vào việc này. Cố gắng chấp nhận hiện trạng của họ và tiếp tục các cuộc đối thoại khi bạn còn có thể bởi vì những động lực và mức độ cam kết của họ sẽ thay đổi.
Bạn nhớ rằng đó không phải lỗi của bạn nếu như người thân chưa sẵn sàng để thay đổi thói quen sử dụng rượu bia của họ. Tôi luôn nói rằng, đến Thượng Đế cũng dành cho con người sự tự do để lựa chọn, thì đừng mong đợi người thân sẽ làm theo những gì bạn nói… Nếu như than phiền và la mắng là phương pháp hữu hiệu, nó đã phát huy kết quả từ rất lâu rồi. Hãy để cho người thân của bạn có thời gian và quyền quyết định cách thức thay đổi của riêng họ, có như vậy sự thay đổi mới được lâu dài.
Hỗ trợ và tạo điều kiện là hai vấn đề khác nhau. Bạn muốn hỗ trợ người thân trong nỗ lực thay đổi của họ, nhưng đừng tạo điều kiện bằng cách che giấu họ khỏi sự thật. Chẳng hạn như bạn không cần phải giấu vấn đề lạm dụng chất có cồn của họ với những người phù hợp, nhất là khi những người đó có thể giúp bạn trong việc động viên người bệnh. Một phương thức để cho người bệnh cơ hội nói sự thật là cho họ một khung thời gian cụ thể, ví dụ như, “Tôi yêu và tôn trọng bạn, và tôi thấy rằng việc uống rượu bia của bạn đang trở thành một vấn đề cho cả hai. Tôi nghĩ là việc chia sẻ với bố me và bạn bè của bạn là điều nên làm. Bạn có thể nói với họ trong vòng hai tuần tới, hoặc mình có thể cùng nhau nói chuyện, hay tôi có thể làm điều đó nếu bạn cho phép.” Nếu người thân của bạn cần đến sự hỗ trợ y tế khi những triệu chứng cai trở nên khó khăn, hãy cho họ biết bạn có thể đi cùng họ đến gặp bác sĩ, cùng lên kế hoạch giảm uống rượu bia với họ, và giúp họ quan sát sự tiến triển theo kế hoạch đã cùng nhau đề ra.
Điều trị như thế nào?
Người nhà thường cho rằng việc uống rượu bia là do bệnh nhân tự nguyện. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết các bệnh nhân tiếp tục uống vì họ đang cố gắng tránh tác động của các triệu chứng cai hơn là tìm kiếm sự hưng phấn. Phác đồ cai cho mỗi loại chất gây nghiện chỉ hơi khác nhau một chút, nhưng các triệu chứng cai rượu có thể từ mức nhẹ đến nguy hiểm về thể chất. Một số triệu chứng nhẹ có thể phát sinh trong vòng 8 giờ sau lần uống cuối cùng. Tùy thuộc vào mức độ phụ thuộc về thể chất, các triệu chứng bổ sung có thể tiếp tục phát sinh sau 24 giờ, với một số tác động tiềm ẩn nghiêm trọng có thể xuất hiện từ 2 đến 4 ngày sau khi cai. Các triệu chứng khi cai rượu có thể bao gồm: khó ngủ, lo âu , trầm cảm, thay đổi tâm trạng, mệt mỏi, kích động, buồn nôn, đổ mồ hôi và nôn. Ở một số ít bệnh nhân, cai rượu có thể dẫn đến run rẩy và co giật, là những triệu chứng liên quan đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn của cơn cuồng sảng rượu cấp (hay còn gọi là sảng rượu, tiếng Anh: delirium tremens, viết tắt là DTs). Những triệu chứng này xảy ra ở khoảng 5% bệnh nhân cai rượu và có thể gồm: ảo giác, lú lẫn, co giật. Trong những trường hợp này, điều quan trọng là phải tìm cách cai nghiện được hỗ trợ về mặt y tế (từng được biết đến như là giải độc rượu).
Thông thường, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm bớt các triệu chứng cai nghiện. Các lựa chọn điều trị có thể thay đổi tùy theo nơi ở, vì vậy hãy nhờ bác sĩ giúp đỡ. Một số loại thuốc tùy chọn để kiểm soát việc cai nghiện có thể bao gồm: Benzodiazepines (như Chlordiazepoxide, Clorazepate, Diazepam, Oxazepam), thuốc chống co giật (như Carbamazepine, Gabapentin, Oxcarbazepine, v.v.).
Ngay cả sau khi bệnh nhân bỏ rượu thành công và không còn gặp các triệu chứng cai nghiện, người đó sẽ tiếp tục cần được hỗ trợ để kiêng rượu. Sự hỗ trợ có thể đến từ thuốc men, sự tư vấn, giúp đỡ từ gia đình và bạn bè. Việc bệnh nhân uống trở lại trong những tháng đầu kiêng rượu là điều rất bình thường, tuy nhiên, với sự hỗ trợ đầy đủ từ môi trường gia đình và với chăm sóc chuyên môn, bệnh nhân có thể thoát khỏi rối loạn nghiện rượu.
Có ba loại thuốc chính thường được sử dụng để giúp bệnh nhân kiêng rượu:
1. Disulfiram là dạng thuốc ức chế một loại enzym được (cơ thể) sử dụng để chuyển hóa rượu. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân không được uống hoặc ăn bất cứ thứ gì có cồn. Trong một số trường hợp, mọi người thậm chí thay đổi các sản phẩm vệ sinh họ đang dùng mà có chứa cồn (ví dụ: nước rửa tay). Disulfiram có thể giúp mọi người kiêng rượu, đặc biệt là trong những tháng đầu khi việc thay đổi lối sống và thói quen còn khó khăn. Trong một số trường hợp, người ta dùng thuốc hàng ngày trong 6 tháng đầu kiêng rượu. Sau khoảng thời gian này, bệnh nhân có thể chọn chỉ dùng vào những ngày họ cảm thấy có nhu cầu uống rượu. Đôi khi tôi khuyến khích người nhà theo dõi để đảm bảo bệnh nhân dùng thuốc này trong trường hợp động lực của họ thay đổi.
2. Naltrexone là thuốc ức chế opioid. Thuốc này thường được sử dụng để giảm cảm giác thèm rượu, nó không ngăn bệnh nhân uống và không làm họ sinh bệnh nếu họ uống rượu. Một số bệnh nhân báo cáo rằng họ không uống nhiều hơn 2 ly trong khi dùng thuốc này vì cảm giác thèm rượu của họ giảm đi. Naltrexone có dạng viên uống hàng ngày hoặc thuốc tiêm giải phóng kéo dài kéo dài 21-28 ngày. Do công thức thuốc tiêm khá đắt, nó có thể không phải là lựa chọn hoặc sẵn có cho một số người, tuy nhiên, dạng thuốc viên thì giá cả phải chăng và khi được sử dụng nhất quán, cũng hiệu quả như dạng tiêm.
3. Acamprosate là một lựa chọn cho những bệnh nhân bị bệnh gan hoặc viêm gan vì nó không được chuyển hóa qua gan. Tuy nhiên, nghiên cứu có xu hướng chỉ ra rằng Naltrexone và Disulfiram có vẻ hiệu quả hơn để giảm uống rượu.
Tham vấn tâm lý cũng là một phương án hiệu quả, nhưng điều này đòi hỏi cá nhân phải tìm sự tư vấn từ chuyên gia được đào tạo và số lượng các chuyên gia được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực này ở Việt Nam còn hạn chế. Liệu pháp nhận thức hành vi (viết tắt tiếng Anh: Cognitive behavioural therapy - CBT) giúp bệnh nhân học các kỹ năng để sửa đổi các hành vi và thái độ không phù hợp liên quan đến rượu. Khi thực hiện lý thuyết CBT, bệnh nhân có thể hướng đến việc học cách xác định và đối phó với các tình huống có thể dẫn tới sử dụng rượu và việc học các kỹ năng khác để đối phó với những tình huống này.
Ở một số quốc gia, có những cộng đồng phục hồi gồm những người lạm dụng rượu và mong muốn ngừng uống rượu. Những nhóm người này gặp nhau để chia sẻ kinh nghiệm của họ và cùng giúp nhau tiếp tục phục hồi. Phát triển những kết nối này với bạn bè và gia đình là một yếu tố quan trọng trong việc phục hồi. Sẽ rất hữu ích nếu nói chuyện với một người có quan điểm mới mẻ và đủ hiểu biết về tình hình của bạn, đồng thời giúp bạn lập kế hoạch giành lại cuộc sống của mình và khám phá sự tự do khỏi rượu.
Dịch: Tâm Nguyễn & Hà Nguyễn
Biên tập: Hương Lê
Thiết kế: Vy Trần