Giới thiệu về Hội chứng "Kẻ mạo danh"

Copy of Untitled (28).png

Hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome) là hiện tượng tâm lý không xa lạ ở xã hội hiện đại với nhiều áp lực trong cuộc sống. Người có hội chứng này thường tự thuyết phục rằng họ không thông minh, sáng tạo hay tài năng như thực tế, họ thậm chí chờ đợi người khác phát hiện ra sự kém cỏi của mình. Khi suy nghĩ này liên tục xuất hiện, hội chứng kẻ mạo danh có thể dẫn đến lo lắng và trầm cảm [15]. Mình xin chia sẻ những thông tin cơ bản về Hội chứng kẻ mạo danh, ảnh hưởng của nó đối với sức khoẻ tinh thần, cách đối mặt và vượt qua những suy nghĩ không lành mạnh do hội chứng này dẫn đến, hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích cho bạn. 

Hội chứng kẻ mạo danh là gì? 

Hiện tượng này được mô tả  lần đầu tiên  bởi hai Tiến sĩ tâm lý học Suzanne Imes và Pauline Rose Clance, vào những năm 1970. Về cơ bản, hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome) là một thuật ngữ tâm lý đề cập đến một kiểu hành vi, trong đó người mang hội chứng này (ngay cả những người có những thành công và thành tựu rõ rệt ) nghi ngờ khả năng của họ và có nỗi sợ hãi dai dẳng bị "phát hiện" là kẻ lừa đảo [1]. Hội chứng kẻ mạo danh có thể được phân biệt theo sáu khía cạnh sau [2]: 

  • Chu kỳ kẻ mạo danh

  • Mong muốn là người đặc biệt hoặc giỏi nhất

  • Những đặc điểm của “siêu nhân”

  • Nỗi sợ thất bại

  • Phủ nhận khả năng và hạ thấp sự tán dương

  • Cảm thấy sợ hãi và tội lỗi về thành công

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Hành vi Quốc tế (International Journal of Behavioural Sciences) cho thấy hơn 70% mọi người phải đương đầu với chủ nghĩa mạo danh (impostorism) vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời [3]. Những cảm giác như lo lắng khi người khác phát hiện mình không đủ tốt, mình sẽ bị cô lập, bị từ chối, lâu dần phát triển thành nỗi nghi ngờ bản thân, sợ thành công, sợ thất bại và tự hủy hoại bản thân. 

Ảnh hưởng của hội chứng kẻ mạo danh 

Hội chứng kẻ mạo danh, thường xuất hiện ở những cá nhân luôn đạt thành tích cao trong việc học tập, công việc hoặc có những thành tựu lớn, nhưng trong nội tâm liên tục phải đấu tranh với nỗi nghi ngờ bản thân (self-doubt)[4]. Họ không xem khả năng làm việc với hiệu suất cao là năng lực thực tế của họ, thay vào đó họ coi thành công của mình phụ thuộc vào yếu tố ngoại cảnh như là may mắn, hoặc nhờ sự giúp đỡ từ người khác. Họ xem mỗi lần thất bại, hoặc phạm sai lầm, là bằng chứng rõ ràng về sự kém cỏi của bản thân và cảm thấy họ không xứng đáng với những gì họ được công nhận. Biết nghi ngờ bản thân một cách chừng mực có thể giúp một người tự đánh giá thành tích và khả năng một cách khách quan, nhưng nếu họ quá nghi ngờ năng lực của mình, sẽ có tác động tiêu cực đến việc tự nhận thức về bản thân. 

Trong các nghiên cứu trước đây, hội chứng kẻ mạo danh ảnh hưởng tiêu cực chủ yếu đến nữ giới trong các xã hội nam quyền. Ngày nay hội chứng này tác động đến mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính, và nền tảng kinh tế xã hội khác nhau. Trên thực tế, nam giới có thể có những phản ứng nghiêm trọng hơn khi phải đối mặt với hội chứng này, chẳng hạn như lo lắng, căng thẳng gia tăng, khiến họ hoạt động kém hiệu quả hơn, và cũng dễ bị trầm cảm hơn. 

Một nghiên cứu vào năm 2006 đã xem xét sự khác biệt về giới tính khi khám phá mối quan hệ giữa cảm giác mình là kẻ mạo danh và việc đạt được mục tiêu. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những phụ nữ tham gia nghiên cứu này trải qua hội chứng mạo danh nhiều hơn những người đàn ông tham gia [5]. Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng phụ nữ thường phải đối mặt với hội chứng mạo danh khi đánh giá về hiệu suất làm việc. Nhận thức về khả năng và quyền hạn được chứng minh rõ ràng hơn khi người tham gia thể hiện sự vượt trội hơn người khác (The perception of ability and power is evidenced in outperforming others). Đối với nam giới, hội chứng mạo danh thường được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi không thành công, hoặc không đủ tốt. Bất chấp những khác biệt này, đã có nhiều nghiên cứu về hội chứng mạo danh và sự khác biệt về giới cho thấy độ phổ biến về ảnh hưởng của hội chứng này là ngang nhau giữa nam và nữ [6].

Năm nhóm phụ của Hội chứng kẻ mạo danh

Tiến sĩ Valerie Young, một chuyên gia hàng đầu về Hội chứng kẻ mạo danh, đã dành nhiều thập kỷ để nghiên cứu và lý giải vì sao có những người đạt thành tích cao, tài giỏi mà lại mang cảm giác như mình là kẻ lừa đảo, để từ đó hoàn thiện quyển sách “Những suy nghĩ bí mật của những người phụ nữ thành đạt: Tại sao những người có năng lực lại mắc phải hội chứng kẻ mạo danh và cách để vượt qua và thành công. Trong sách, bà xác định năm nhóm phụ của hội chứng này: Người cầu toàn (The Perfectionist); Siêu nhân (Superman / Superwoman); Thiên tài bẩm sinh (The Natural Genius); Người đơn độc (The Soloist); Chuyên Gia (The Expert) [7]. 

  1. Người cầu toàn thường xuyên tự đặt những mục tiêu, tiêu chuẩn rất cao 

Bạn có gặp khó khăn trong việc uỷ quyền cho người khác thực việc một việc gì đó thuộc phạm vi trách nhiệm của bạn? Nếu bạn không đạt được mục tiêu (thường là rất cao, ví dụ mục tiêu đậu đại học 30/30 điểm, nhưng bạn chỉ có 29) thì bạn có liên tục tự trách bản thân? Bạn có nhu cầu mọi việc đều phải hoàn thành và đạt chuẩn 100% mọi lúc mọi nơi? 

Người cầu toàn thường đặc biệt chú trọng vào "cách" thực hiện một điều gì đó. Điều này bao gồm cách các công việc của họ diễn ra như thế nào và được hoàn thành ra sao. Khi một sai sót nhỏ xuất hiện trong một màn trình diễn xuất sắc, họ xem như mình hoàn toàn thất bại, và họ cảm thấy bản thân thật đáng xấu hổ. 

Chủ nghĩa hoàn hảo (perfectionism), có thể trở nên đáng lo ngại vì nó có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe tinh thần. Một phân tích tổng hợp của 284 nghiên cứu cho thấy mức độ cầu toàn cao có liên quan đến trầm cảm, lo lắng, rối loạn ăn uống, cố ý tự hành xác (self-harm) và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder - OCD). Ngoài ra, sự căng thẳng liên tục của việc phấn đấu trở nên hoàn hảo cũng có thể khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng, đau đầu và mất ngủ[8]. 

2. Chuyên gia tự thấy mình cần biết mọi thứ

Khi nộp đơn xin việc, bạn có ngại ngùng không ứng tuyển nếu bạn không có đầy đủ tất cả mọi yêu cầu bằng cấp cao? Trong công việc, hoặc học tập, bạn có khi nào luôn nghĩ rằng mình không đủ thông minh, không hiểu biết sâu sắc như người khác?

Chuyên gia là phiên bản tri thức của Người cầu toàn. Họ quan tâm nhất đến việc mình biết “cái gì” và biết được hay làm được “bao nhiêu”. Họ tự thấy mình cần phải biết tất cả mọi thứ, và khi nhận ra có những điều họ không biết rõ, không hiểu rõ, thì họ thấy xấu hổ. 

Họ thường cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc chán nản vì cảm giác thiếu thốn không bao giờ cảm thấy đủ tốt mặc dù trên thực tế, họ rất hiểu biết. Trong công việc, họ có thể cảm thấy mình kém kinh nghiệm hơn đồng nghiệp nếu họ không biết câu trả lời hoặc không có kiến ​​thức về một số chủ đề chuyên sâu. Dần dần, vì họ không thể thoả mãn trong quá trình làm việc hoặc nghiên cứu, nếu họ không biết tất tần tật mọi thứ liên quan đến chủ đề đó. Điều này dẫn đến trì trệ trong các nhiệm vụ được giao, hoặc các dự án cá nhân và càng khiến họ lún sâu hơn vào cảm giác thất bại. 

3. Người đơn độc cảm thấy phải hoàn thành mọi thứ một mình

Bạn đã có từng có suy nghĩ phải một mình vươn lên và đạt được thật nhiều thành tựu to lớn mà không cần thêm một ai khác giúp đỡ? 

Người đơn độc quan tâm nhiều nhất đến khía cạnh “ai” là người hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao. Họ muốn thực hiện mọi thứ một mình chỉ khi có thể giải quyết mọi từ đầu đến cuối, họ mới xem đó là thành tựu thực sự. 

Họ rất khó có thể mở lời nhờ vả người khác ngay và họ không dám nghĩ đến chuyện việc được giao quá sức của mình. Họ cảm thấy giá trị bản thân chỉ có thể chứng minh thông qua việc thể hiện năng suất hết mức có thể. Thói quen gánh tất cả mọi thứ trên vai không những nguy hiểm cho sức khỏe thể chất khi liên tục làm việc dẫn đến kiệt sức, mà về mặt tinh thần, họ có nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải. 

4. Thiên tài bẩm sinh nghĩ rằng mọi thứ đều dễ dàng 

Hồi còn nhỏ, bạn có thường xuyên được người quen hay họ hàng khen “thông minh”? Khi đối mặt với trở ngại, khó khăn, sự tự tin của bạn có bị giảm sút vì kết quả không tốt và khiến bạn cảm thấy xấu hổ không? 

Đối với nhóm thiên tài, ngoài việc những xem xét thành tích họ đạt được “ra sao” và “khi nào”, họ đong đếm năng lực bản thân thông qua việc hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng và nhanh chóng như thế nào. Nếu thực tế họ tốn nhiều thời gian hơn để nắm vững một chủ đề, hoặc thành thạo một kỹ năng nào đó, hoặc nếu họ không thể tạo nên một tác phẩm để đời ngay lần thử nghiệm đầu tiên, họ sẽ đánh giá bản thân mình hết sức kém cỏi, đáng hổ thẹn. 

5. Siêu nhân cảm thấy cần phải xuất sắc trong mọi mặt 

Họ đo lường năng lực dựa trên số lượng vai trò mà họ có thể vừa làm cùng một lúc, vừa đem lại kết quả vượt trội. Chỉ cần bất kỳ một vai trò nào không xuất sắc như mong muốn - khi họ là người cha hay người mẹ, là chồng hay vợ, người nội trợ hay là chủ gia đình trong gia đình, là người bạn hay là người yêu - họ tự thấy hổ thẹn khi cho rằng đáng lẽ ra họ có thể xử lý tất cả một lúc, một cách hoàn hảo và dễ dàng. 

Trong môi trường công việc, những người trải qua hiện tượng này tin rằng họ là những kẻ lừa đảo khi so sánh với đồng nghiệp, họ thúc đẩy bản thân làm việc chăm chỉ hơn, năng suất hơn, tuy nhiên đôi khi đó chỉ là một sự che đậy cho sự bất an của họ. Khi tình trạng này kéo dài và họ liên tục làm việc quá sức không chỉ cho sức khỏe tinh thần của họ bị ảnh hưởng, mà mối quan hệ của họ với những người khác cũng bị tác động tiêu cực. 

Sublett và đồng nghiệp  đã khảo sát 463 nhân viên trên 18 tuổi trong miền nam Hoa Kỳ, người đã làm việc ít nhất 20 giờ mỗi tuần và đã làm công việc tương tự ít nhất 6 tháng [9]]. Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy rằng các cá nhân mang hội chứng kẻ mạo danh thường có nhiều mâu thuẫn nội tâm khi phải cố gắng hoàn thành tốt vai trò trong công việc và gia đình hơn. Nguồn năng lượng cần thiết để giảm căng thẳng tâm lý đã cạn kiệt do họ phải sử dụng nhiều biện pháp để đối phó với hội chứng này, dẫn đến tình trạng kiệt sức về cảm xúc. Điều này góp phần làm giảm mức độ hài lòng trong công việc, còn xung đột trong gia đình thì lại tăng lên. 

Copy of Untitled (29).png

Cách đối mặt và vượt qua Hội chứng kẻ mạo danh 

Khi đã hiểu được hội chứng này phát sinh như thế nào, những nhóm phụ liên quan tới việc làm gia tăng các đặc điểm của hội chứng, chúng ta có thể xem xét những cách thức giúp tăng cường kỹ năng ứng phó và giúp ta kiên cường hơn. Dựa theo một số nghiên cứu, bạn có thể dựa vào các kỹ thuật sau để đối mặt và vượt qua những mặt trái của hội chứng kẻ mạo danh tốt hơn [10,11]. 

  1. Chú ý những tình huống có thể kích hoạt hội chứng mạo danh để bạn có thể tránh hoặc chuẩn bị tinh thần tốt hơn trong tương lai. 

Ví dụ, trong một phân tích định tính về cách các học giả bị ảnh hưởng bởi hội chứng kẻ mạo danh [12], bạn có thể rơi vào cái bẫy của hội chứng này khi gặp các trường hợp như khi:  

  • Bị chất vấn về chuyên môn. “Mình đã hiểu biết đủ chưa? Mình có thuộc về nơi này không?” và những câu hỏi tương tự nảy sinh trong bạn, khi bạn nói chuyện với đồng nghiệp, hoặc khi những người có vẻ hiểu biết hơn bạn ám chỉ rằng bạn đã sai sót.

  • So sánh năng lực bản thân với người khác. “Tại sao mọi người đều làm tốt hơn mình rất nhiều vậy? Mình sẽ không bao giờ sánh được với họ."

 Trong những lúc như vậy, hãy tự nhắc mình, chuyên môn, năng lực, trải nghiệm, thành tựu của mỗi người rất khác nhau. Đừng lo sợ rằng những gì người khác đạt được hay sở hữu sẽ đe doạ bạn, hay lấy mất cơ hội của bạn, mà tập trung vào những gì bạn có thể làm được, và hoàn thành tốt. 

2. Ghi nhận những thành công của bản thân 

Những người mắc hội chứng kẻ mạo danh thường tỏ ra miễn cưỡng khi ai đó nhắc đến rằng thành công họ có được là do năng lực thực tế của họ, họ xem đó “chỉ là may mắn thôi” hoặc là do họ chỉ làm việc chăm chỉ. Tuy khiêm tốn là một đức tính tốt, nhưng nếu bạn không biết cách thừa nhận và coi trọng thành công của do bản thân mình thực hiện được, thì bạn đang tự chuốc lấy thất bại cho chính mình. Hãy học cách dành thời gian để xác định cụ thể thành công của bạn là do những kỹ năng nào và bạn có thể xây dựng, phát triển thêm trong tương lai. 

Quyển sách “Đánh bại hội chứng kẻ mạo danh” (Beating Imposter Syndrome) của tác giả Mount & Tardanico (2016) [13], đưa ra lời khuyên về việc tập thói quen viết ra mười điều bạn làm tốt một cách thường xuyên. Bạn có thể nhờ một người bạn hay đồng nghiệp đáng tin cậy giúp bạn. Suy ngẫm xem những điều này có liên hệ với các kỹ năng mềm nào, và xem xét những gì bạn có thể làm tốt hơn trong tương lai thông qua các kỹ năng bạn đang có. 

3. Nói chuyện với chính mình một cách tử tế

Hãy tập thói quen tự nói chuyện với chính mình bằng những lời động viên tích cực. Hãy nghĩ về những thứ bạn đã đạt được, và tại sao chúng lại quan trọng. Lưu lại những email hay những lời khen ngợi, động viên từ người khác để tự nhắc rằng bạn đã tạo ra sự khác biệt tốt đẹp hơn cho cuộc sống của họ. Khi bạn cảm thấy mất tự tin vì một vấn đề nào đó, hãy nghĩ về điều bạn làm tốt trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. Đã có những bằng chứng thực nghiệm cho thấy thông qua các việc thường xuyên luyện tập thói quen tự nhận thức và khẳng định bản thân, chẳng hạn như viết về các giá trị quan trọng nhất đối với bạn, có thể bảo vệ bạn khỏi những suy nghĩ tiêu cực hay những mối đe doạ về sức khoẻ tinh thần [14]. 

4. Tìm kiếm hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp 

Trò chuyện với một người bạn thân thiết, một đồng nghiệp đáng tin cậy, người cố vấn hoặc huấn luyện viên nghề nghiệp có thể đem lại rất nhiều điều hữu ích. Bạn sẽ nhận ra rằng một số đồng nghiệp của bạn cũng đã từng gặp những khó khăn tương tự và sự hỗ trợ về mặt tinh thần sẽ giúp cả hai bên có cách đối diện với khó khăn hiệu quả hơn.  

Họ có thể giúp bạn ghi nhận điểm mạnh của mình một cách đúng đắn, cũng như có những đánh giá khách quan về những mặt hạn chế của bạn xem nó có thực sự tệ như bạn nghĩ không [13], thông qua đó giúp bạn bạn có cái nhìn toàn diện hơn về năng lực bản thân mình để điều chỉnh, phát triển hơn. 

5. Tập làm quen và thoải mái hơn với thất bại

Khi phải đối diện với thất bại, hay nói đúng hơn, không hoàn thành mọi việc một cách hoàn mỹ mọi lúc mọi nơi, ngay lần đầu tiên, hội chứng kẻ mạo danh thường khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng, lo sợ, và nghi ngờ bản thân và dần dần càng khó vượt qua những thách thức thường xuyên xảy ra trong cuộc sống.  

Đối với các vấn đề phức tạp, hay khi ta mới bắt tay vào giải quyết một nhiệm vụ được giao, rất hiếm khi nào mọi thứ đều suôn sẻ và đạt được kết quả tốt ở ngay lần thử đầu tiên. Cuộc sống không giống như trong lúc học tập, chỉ cần ghi nhớ công thức và lý thuyết là có thể vượt qua trở ngại như là vượt qua một kỳ thi. Hãy nhớ rằng việc thành công ngay lần đầu tiên không quan trọng bằng trải nghiệm và những điều bạn học được khi trải qua khó khăn vất vả - chuyện thất bại không có gì là đáng hổ thẹn. Chỉ cần bạn còn giữ nhiệt huyết và động lực để tiếp tục đứng dậy và thử lần nữa, bạn sẽ trở nên hoàn thiện hơn từng ngày. 

Biên tập: Nhi Nguyễn & Hương Lê

Thiết kế: Vy Trần

Nguồn

[1] Clance P, Imes S. The imposter phenomenon in high achieving women: Dynamics and therapeutic intervention. Psychotherapy: Theory, Research & Practice. 1978; 15(3): 241-247. 

[2] Sakulku, J.; Alexander, J. (2011). "The Impostor Phenomenon". International Journal of Behavioral Science. 6: 73–92. doi:10.14456/ijbs.2011.6.

[3] Sakulku, Jaruwan. 1. “The Impostor Phenomenon”. The Journal of Behavioral Science 6 (1), 75-97. https://doi.org/10.14456/ijbs.2011.6

[4] Mullangi, Samyukta, and Reshma Jagsi. "Imposter syndrome: treat the cause, not the symptom." Jama 322, no. 5 (2019): 403-404. 

[5] Kumar, Shamala, and Carolyn M. Jagacinski. "Imposters have goals too: The imposter phenomenon and its relationship to achievement goal theory." Personality and Individual Differences 40, no. 1 (2006): 147-157. 

[6] Royse Roskowski, Jane C. "Imposter phenomenon and counseling self-efficacy: The impact of imposter feelings." (2010). 

[7] Young, Valerie. The secret thoughts of successful women: Why capable people suffer from the impostor syndrome and how to thrive in spite of it. Currency, 2011. 

[8] Limburg, Karina, Hunna J. Watson, Martin S. Hagger, and Sarah J. Egan. "The relationship between perfectionism and psychopathology: A meta‐analysis." Journal of clinical psychology 73, no. 10 (2017): 1301-1326.

[9] Hutchins HM, Penney LM, Sublett LW. What imposters risk at work: Exploring

imposter phenomenon, stress coping, and job outcomes. Human Resource Development Quarterly. 2017;1–18. https://doi.org/10.1002/hrdq.21304 

[10] Ruple, Audrey. "Overcoming imposter syndrome." In American Association of Bovine Practitioners Proceedings of the Annual Conference, pp. 5-6. 2020. 

[11] Robertson, Judy. "Dealing with imposter syndrome." In EqualBITE, pp. 146-151. Brill Sense, 2018. 

[12] Hutchins, Holly M., and Hilary Rainbolt. "What triggers imposter phenomenon among academic faculty? A critical incident study exploring antecedents, coping, and development opportunities." Human Resource Development International 20, no. 3 (2017): 194-214.  https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/13678868.2016.1248205 

[13] Mount, Portia, and Susan Tardanico. “Beating the impostor syndrome”. Center for Creative Leadership, 2014.

[14] Sherman, D. K., Cohen, G. L., Nelson, L. D., Nussbaum, A. D., Bunyan, D. P., & Garcia, J. (2009). “Affirmed yet unaware: Exploring the role of awareness in the process of self-affirmation”. Journal of Personality and Social Psychology, 97(5), 745–764. https://doi.org/10.1037/a0015451 

[15] Wang, Kenneth T., Marina S. Sheveleva, and Tatiana M. Permyakova. "Imposter syndrome among Russian students: The link between perfectionism and psychological distress." Personality and Individual Differences 143 (2019): 1-6.

Good resource for further reading: Imposter Syndrome Flowchart

https://insights.dice.com/2019/07/31/imposter-syndrome-flowchart/ 

Previous
Previous

Vì Tiền: So Sánh Hạnh Phúc Ở Các Nước OECD

Next
Next

Chuyện Đau Buồn Và Việc Viết Nhật Ký