Trải Nghiệm Tuổi Thơ Bất Trắc
Không thể phủ nhận những trải nghiệm từ thời thơ ấu rõ ràng luôn có tác động lớn đến tính cách, hành vi và cuộc sống chúng ta. Về mặt tiến hóa, con người cũng như các loài động vật khác thường có xu hướng dịu dàng hơn với con của mình nhằm tạo cho chúng cơ hội để lớn lên và phát triển khỏe mạnh hơn. Ngược lại, những Trải nghiệm tuổi thơ bất trắc (Adverse childhood experiences - ACEs) có thể dẫn đến những hậu quả xấu cho cuộc sống của nạn nhân [1].
1. Định nghĩa
ACEs bao gồm những trải nghiệm đau thương và/hoặc căng thẳng trong thời thơ ấu (dưới 18 tuổi). ACEs khá phổ biến, trong một khảo sát của CDC đã cho thấy kết quả 61% người lớn cho biết họ từng trải qua ít nhất một loại ACEs và ⅙ cho biết họ đã trải qua 4 loại ACEs trở lên [1].
Các ACEs có thể chia thành 3 nhóm sau [2]:
Bạo hành: thể chất/tinh thần/tình dục
Bỏ bê: thể chất/nhu cầu tinh thần
Rối loạn chức năng gia đình: có rối loạn về tâm lý, người mẹ là nạn nhân của bạo lực, ly hôn, lạm dụng chất, người thân bị giam giữ
2. Hậu quả
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ACEs có liên hệ với:
Tác động tiêu cực lên sức khỏe [4] (ví dụ: bệnh đường hô hấp, đau thân thể hoặc đau đầu, rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ)
Vấn đề về sức khỏe tâm lý [4] (ví dụ: trầm cảm, lo âu, PTSD)
Hậu quả xấu trong đời sống [4], [5] (ví dụ: mang thai ngoài ý muốn, học vấn thấp, thất nghiệp, nghèo đói, các vấn đề về mối quan hệ)
Những nạn nhân của ACEs có thể truyền lại những hậu quả họ gánh chịu lên con của họ [5].
3. Các yếu tố nguy cơ [3]
Các yếu tố nguy cơ của cá nhân và gia đình
a) Người con:
Không cảm thấy gần gũi với cha mẹ/người đỡ đầu và không thể chia sẻ với họ về cảm xúc của mình
Bắt đầu hẹn hò hay quan hệ tình dục sớm
Có ít hoặc không có bạn hoặc bạn bè có xu hướng bất hảo/bạo lực
b) Người chăm sóc của gia đình:
Có hiểu biết hạn chế về nhu cầu và sự phát triển của trẻ
Chịu bạo hành hay bỏ rơi trong thời thơ ấu
Sử dụng các hình phạt hà khắc nhằm kỷ luật trẻ
Trình độ học vấn thấp
c) Gia đình với những đặc điểm như:
Cha mẹ trẻ hoặc đơn thân
Thu nhập thấp
Thiếu ổn định trong kỷ luật và/hoặc thiếu sự giám sát hay quản thúc con cái.
Nhiều mâu thuẫn và cách giao tiếp tiêu cực
Thái độ chấp nhận hay biện hộ cho các hành vi bạo lực
Áp lực làm cha mẹ hoặc áp lực về kinh tế
Khó khăn trong nuôi dạy trẻ với nhu cầu đặc biệt (trẻ khuyết tật, trẻ có khó khăn tâm lý hay bệnh mãn tính)
d) Các gia đình bị cô lập và không thể giao lưu với những cá nhân khác (ví dụ: họ hàng, bạn bè, hàng xóm)
Yếu tố nguy cơ từ cộng đồng
Tỉ lệ tội phạm và bạo lực cao
Tỉ lệ nghèo cao và cơ hội giáo dục, kinh tế hạn chế
Tỉ lệ thất nghiệp cao
Dễ dàng tiếp cận chất kích thích và đồ uống có cồn
Hàng xóm thờ ơ với nhau; cộng đồng cư dân thiếu gắn kết
Các gia đình thường xuyên thiếu nguồn thức ăn
Bất ổn về xã hội và môi trường cao
Phụ nữ và những người thuộc một số nhóm chủng tộc/tôn giáo có thể chịu ảnh hưởng của ACEs nhiều hơn những người khác [5].
Nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến ACEs và không có nguyên nhân nào là đơn nhất. Những nạn nhân của ACEs cần hiểu rõ vấn đề này và nhận biết rằng đó không phải là lỗi của họ.
4. Phòng ngừa [5]:
a) Về phía cha mẹ:
Tạo môi trường an toàn cho con cái
Tạo lập mối liên kết an toàn với con của họ
Học hỏi kỹ năng làm cha mẹ
Dạy dỗ trẻ về các mối quan hệ
Học và dạy trẻ các kỹ năng về cảm xúc - xã hội
b) Về phía xã hội:
Nâng cao nhận thức về ACEs
Lập kế hoạch phòng ngừa và can thiệp cho ACEs
Tăng cường chăm sóc ban đầu và chăm sóc trẻ em
Xây dựng các chính sách thân thiện với gia đình
Tăng cường an ninh tài chính hộ gia đình
5. Can thiệp [2]:
Các hướng dẫn chăm sóc con trẻ từ sớm (từ bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ chăm sóc sức khỏe) có thể giúp cha mẹ điều chỉnh hoạt động của gia đình để tạo ra một môi trường an toàn hơn cho con cái.
Phát triển các mối quan hệ lành mạnh - cho trẻ em: cha mẹ nên tạo lập sự gắn bó an toàn với con cái của họ để ngăn ngừa ACEs.
Tăng chất lượng giấc ngủ - cho trẻ em và người lớn: chức năng gia đình kém có thể dẫn đến giảm thời lượng ngủ và chất lượng giấc ngủ; việc tăng chất lượng giấc ngủ sẽ giúp ích cho sức khỏe cả gia đình.
Cải thiện chế độ dinh dưỡng: chức năng gia đình kém có thể dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn và các vấn đề sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng sẽ giúp ích cho sức khỏe của cả gia đình.
Tập thể dục: tập thể dục có thể giúp bộ não khỏe mạnh và tăng cường sức khỏe tổng thể. Điều này cũng làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh (ví dụ: béo phì, hen suyễn).
Thực hành chánh niệm: cải thiện sức khỏe tinh thần cho gia đình.
Dành thời gian cho thiên nhiên: giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe.
Tìm kiếm các biện pháp can thiệp sức khỏe tâm thần (ví dụ: liệu pháp tâm lý): một số loại liệu pháp tâm lý mà gia đình có thể sử dụng như sau
a) Liệu pháp tâm lý cho cha mẹ trẻ em
b) Liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái
c) Liệu pháp nhận thức - hành vi tập trung vào chấn thương
d)Liệu pháp hành vi biện chứng
e) Liệu pháp lấy tín hiệu làm trung tâm
f) Giảm mẫn cảm chuyển động của mắt và phục hồi
g)Phản hồi sinh học và phản hồi thần kinh
Biên tập: Bảo Trân & Thoa Đinh
Biên dịch: Huy Đức
Minh họa: Uyên Trương
Nguồn
[1] Adverse Childhood Experiences Resources, Violence Prevention, CDC, Accessed Feb 21, 2021. https://www.cdc.gov/violenceprevention/aces/resources.html
[2] Gilgoff, R., Singh, L., Koita, K., Gentile, B., & Marques, S. S. (2020). Adverse Childhood Experiences, Outcomes, and Interventions. Pediatric clinics of North America, 67(2), 259–273. https://doi.org/10.1016/j.pcl.2019.12.001
[3] Risk and Protective Factors, Violence Prevention, CDC, Accessed Feb 21, 2021. https://www.cdc.gov/violenceprevention/aces/riskprotectivefactors.html
[4] Petruccelli, K., Davis, J., & Berman, T. (2019). Adverse childhood experiences and associated health outcomes: A systematic review and meta-analysis. Child abuse & neglect, 97, 104127. https://doi.org/10.1016/j.chiabu.2019.104127
[5] Preventing Adverse Childhood Experiences, Violence Prevention, CDC, Accessed Feb 26, 2021. https://www.cdc.gov/violenceprevention/aces/fastfact.htm