Sơ Lược Về Rối Loạn Lưỡng Cực
Bạn đã bao giờ thắc mắc về cảm giác như thế nào khi có rối loạn lưỡng cực? Đây là một tình trạng sức khỏe tâm lý phức tạp, khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận, không chỉ đối với cá nhân người được chẩn đoán, mà còn đối với những người thân yêu của họ. Làm thế nào một người hôm nay đang tràn đầy năng lượng và lạc quan với cuộc sống, bỗng nhiên ngày mai họ lại cảm thấy chán nản, không có động lực và không thiết tha làm bất cứ thứ gì? Bài viết này nhằm mục đích giới thiệu sơ lược về rối loạn này.
1. Định nghĩa Rối Loạn Lưỡng Cực và một số thống kê cơ bản
Rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder) là một rối loạn khí sắc ảnh hưởng đến tâm trạng, có thể dao động bất thường và đột ngột từ cảm xúc này sang cảm xúc khác, còn được gọi là rối loạn hưng - trầm cảm. Có hai dạng chính là Rối loạn lưỡng cực loại I và loại II (Bipolar Disorder I and Bipolar Disorder II) [1].
Trên thế giới hiện nay có khoảng 45 triệu người được chẩn đoán có Rối loạn lưỡng cực [4], với tỷ lệ tỷ lệ có rối loạn lưỡng cực tương tự ở nữ và nam (tương ứng là 2,8% và 2,9%). Khởi phát thường ở cuối thời thơ ấu hoặc đầu tuổi vị thành niên với tuổi khởi phát trung bình là 25 tuổi. Những người từ 18 đến 29 tuổi có tỷ lệ rối loạn lưỡng cực cao nhất, tiếp theo là từ 30- 44 tuổi. Người có rối loạn lưỡng cực có tỷ lệ có các rối loạn tâm lý đi kèm khác và các tình trạng bệnh lý nói chung cao hơn, ví dụ như chứng đau nửa đầu, hen suyễn và cholesterol cao, huyết áp cao, bệnh tuyến giáp và viêm xương khớp cũng có khả năng xảy ra cao hơn. Rối loạn lưỡng cực dẫn đến giảm 9,2 năm tuổi thọ dự kiến so với mức trung bình [6].
2. Phân loại Rối Loạn Lưỡng Cực
Đặc điểm chính khiến rối loạn lưỡng cực khác biệt với trầm cảm khác là sự hiện diện của các giai đoạn hưng cảm tái diễn (recurring manic), xuất hiện xen kẽ với các giai đoạn trầm cảm. Hiện tại, Rối loạn lượng cực được chia làm 4 loại chính [3]:
Rối loạn lưỡng cực I - Bipolar I, được xác định bởi sự hiện diện của các giai đoạn hưng cảm quá mức bình thường với một loạt các biểu hiện như tự tin thái quá, nói nhiều, cực kỳ dễ ức chế, cáu kỉnh, giảm nhu cầu ngủ và tâm trạng phấn khích? cao độ. Các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng và ảo giác xảy ra ở 75% các giai đoạn hưng cảm, và các giai đoạn hưng cảm ở bất kỳ mức độ nào cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh chức năng tâm lý xã hội đến mức phải nhập viện.
Rối loạn lưỡng cực II - Bipolar II: ít nghiêm trọng hơn so với rối loạn lưỡng cực I và được đặc trưng bởi một mô hình của các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm xen kẽ. Người được chẩn đoán dạng II thường có giai đoạn trầm cảm kéo dài hơn so với giai đoạn hưng cảm.
Rối loạn khí sắc theo chu kỳ - Cyclothymic Disorder: là một dạng nhẹ của rối loạn lưỡng cực. Với rối loạn khí sắc theo chu kỳ, hưng cảm nhẹ và trầm cảm có thể gây gián đoạn hoạt động bình thường hàng ngày, nhưng trong thời gian ít nhất 2 năm, chu kỳ thay đổi khí sắc không nghiêm trọng như với các loại rối loạn lưỡng cực I và II.
Rối loạn liên quan khác: Rối loạn tương tự lưỡng cực nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán của rối loạn lưỡng cực I, rối loạn lưỡng cực II, hoặc rối loạn khí sắc theo chu kỳ vì không đủ thời gian hoặc mức độ nghiêm trọng.
3. Các dấu hiệu nhận biết Rối loạn lưỡng cực
Một người có rối loạn lưỡng cực có thể trải qua các giai đoạn hưng cảm, giai đoạn trầm cảm hoặc các giai đoạn cảm xúc “hỗn hợp”. Một giai đoạn hỗn hợp có cả các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm, những giai đoạn này gây ra các triệu chứng kéo dài một hoặc hai tuần, đôi khi lâu hơn và được gọi là “những pha tâm trạng” (mood episodes). Những pha tâm trạng này thường là những cảm xúc rất mãnh liệt và xảy ra cùng với những thay đổi trong hành vi, mức năng lượng hoặc mức độ hoạt động mà người khác có thể nhận thấy rõ ràng. Dưới đây là so sánh sơ lược giữa hai trạng thái hưng cảm (manic episode) và trầm cảm (depressive episode) [5].
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khi trong trạng thái hưng cảm [5]:
Thể hiện sự hưng phấn mãnh liệt hoặc có cách hành xử ngô nghê trong một thời gian dài
Tính tình trở nên rất nóng nảy, hung hăng, hoặc cực kỳ cáu kỉnh
Nói rất nhanh, nói nhiều hoặc có suy nghĩ nhanh, dồn dập (racing thoughts)
Trở nên khoa trương hơn về khả năng, kiến thức và quyền lực
Làm những việc liều lĩnh thể hiện khả năng phán đoán kém
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khi trong trạng thái trầm cảm [5]
Cảm thấy rất buồn hoặc tuyệt vọng
Cảm thấy cô đơn hoặc tự cô lập mình với những người khác
Ăn quá nhiều hoặc quá ít
Ngủ quá nhiều hoặc quá ít so với bình thường
Có ít năng lượng và không quan tâm đến các hoạt động thông thường
Trở nên mất tập trung, hay quên, có nhiều ý nghĩ tự vẫn
4. Nguyên nhân và trị liệu Rối loạn lưỡng cực
Không có yếu tố duy nhất nào là nguyên nhân chính cho sự phát triển của chứng rối loạn lưỡng cực. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục thử và xác định nguyên nhân để có thể phát triển các phương pháp trị liệu hiệu quả hơn và các nghiên cứu chứng minh rằng rối loạn lưỡng cực là kết quả của nhiều yếu tố bao gồm sự bất thường trong các quá trình sinh học trong cơ thể, các chất dẫn truyền thần kinh, di truyền và môi trường [7].
a. Nguyên nhân
Rủi ro di truyền
Báo cáo của Học viện Tâm thần Trẻ em & Vị thành niên Hoa Kỳ cho thấy rằng nếu một trong hai người thuộc một cặp song sinh giống hệt nhau bị rối loạn lưỡng cực, thì có khoảng 70% khả năng là người còn lại trong cặp song sinh cũng sẽ phát bệnh. Con số này cao gấp 2 - 3 lần tỷ lệ được báo cáo đối với các cặp song sinh không giống hệt nhau, cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về căn nguyên di truyền [7]. Một nghiên cứu năm 2016 về các nghiên cứu song sinh đã phát hiện ra rằng có một thành phần di truyền đối với chứng rối loạn lưỡng cực. Nghiên cứu này đưa ra các bằng chứng cho rằng cấu trúc não của một cặp song sinh mắc chứng rối loạn lưỡng cực khác với cặp song sinh không mắc chứng rối loạn lưỡng cực [8].
Bất thường sinh học ảnh hưởng đến não
Sự mất mát hoặc tổn thương của các tế bào não trong hồi hải mã (hippocampus) có thể góp phần gây ra rối loạn khí sắc. Hồi hải mã là phần não liên quan đến trí nhớ. Nó cũng gián tiếp ảnh hưởng đến tâm trạng và sự bốc đồng [9]. Một nghiên cứu năm 2017 về mối liên quan giữa ty thể (Mitochondria) và tâm trạng cho thấy rằng các vấn đề về ty thể có thể đóng một vai trò nào đó trong các rối loạn tâm thần, bao gồm cả rối loạn lưỡng cực. Ty thể là trung tâm năng lượng trong hầu hết mọi tế bào của con người. Nếu ty thể không hoạt động bình thường, nó có thể dẫn đến thay đổi mô hình sản xuất và sử dụng năng lượng. Điều này có thể giải thích một số hành vi mà chúng ta thấy ở những người có rối loạn tâm thần [10].
Các yếu tố kích hoạt thuộc môi trường xã hội
Trong một nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố kích hoạt thuộc môi trường xã hội thực tế dẫn đến các giai đoạn hưng cảm/hưng cảm và trầm cảm ở thanh niên từ 18 đến 30 tuổi cho thấy: Các tác nhân được phát hiện làm dẫn đến các giai đoạn hưng cảm/trầm cảm có thể kể đến: sự đổ vỡ của một mối quan hệ; lạm dụng thể chất, tình dục hoặc tình cảm; cái chết của một thành viên gia đình thân thiết hoặc một người thân yêu; bệnh lý về thể chất, rối loạn giấc ngủ, những vấn đề căng thẳng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày như vấn đề tiền bạc, công việc hoặc các mối quan hệ [11].
b. Các phương pháp trị liệu
Điều trị rối loạn lưỡng cực là một quá trình thử - sai tùy thuộc vào các triệu chứng mà nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ kê toa kết hợp các loại thuốc để điều trị các triệu chứng của bạn. Thuốc chống loạn thần (Antipsychotics) có thể được sử dụng trong tình huống cơn hưng cảm cấp tính cần nhập viện. Tuy nhiên, các chất ổn định tâm trạng, chẳng hạn như lithium, thường được coi là liệu pháp chính cho chứng rối loạn lưỡng cực. Thuốc ổn định tâm trạng (mood stabilisers) có thể được sử dụng kết hợp với thuốc chống loạn thần vì chúng có thể mất một thời gian để phát huy tác dụng. Ở một số người, các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) - nhóm thuốc có tác dụng ức chế tái hấp thu một cách có chọn lọc serotonin - chất dẫn truyền thần kinh ở não để làm giảm những triệu chứng trầm cảm cũng có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực [12].
Thông qua liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT - cognitive-behavior therapy) và các phương pháp tiếp cận trị liệu tâm lý khác, cá nhân có thể học cách nhận ra và thực hiện các bước để chế ngự các yếu tố kích hoạt chính, dựa vào đó xác định các yếu tố giúp duy trì tâm trạng ổn định càng lâu càng tốt [13].
5. Hỗ trợ bản thân/ bạn bè khi có chẩn đoán Rối loạn lưỡng cực
a. Hỗ trợ bản thân nếu bạn có chẩn đoán Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực không phải là một tình trạng dễ dàng có thể “chữa khỏi”, tuy vậy nhiều người đã có thể kiểm soát các “pha tâm trạng” nghiêm trọng thông qua việc được chẩn đoán, trị liệu kịp thời. Nhờ đó, tác động của rối loạn tâm lý lên cuộc sống của họ giảm thiểu và cuộc sống của họ vẫn đạt được nhiều thành công. Bạn có thể tham khảo các hướng dẫn sau [14]:
Tự tìm hiểu về triệu chứng bệnh lý và tìm hiểu thêm cách trị liệu. Có các nhóm hỗ trợ và các trang web dành cho những người bị rối loạn lưỡng cực, có thể cung cấp nhiều thông tin và nhiều lời khuyên thiết thực.
Nhận thức được trạng thái tâm trạng của bạn và học cách nhận biết các dấu hiệu cảnh báo về sự tái phát sắp xảy ra. Nếu được điều trị sớm, việc tái phát hoàn toàn có thể được ngăn chặn, vì vậy nếu bạn nhận ra các dấu hiệu, hãy tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia càng sớm càng tốt.
Hãy tích cực tìm hiểu và cân nhắc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tìm một bác sĩ, chuyên viên tâm lý mà bạn cảm thấy phù hợp. Hãy nhớ rằng rối loạn lưỡng cực cần có thời gian trị liệu lâu dài để ngăn ngừa tái phát. Thảo luận với bác sĩ thường xuyên về thời gian bạn nên dùng thuốc theo toa. Khi bạn cảm thấy khỏe, bạn có thể muốn ngừng uống thuốc, nhưng đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tái phát.
Tránh các chất kích thích và chất gây ảnh hưởng đến trầm cảm như rượu và các loại thuốc kích thích khác. Các chất này có thể làm xuất hiện các giai đoạn tâm trạng và khiến việc kiểm soát các triệu chứng của cả hưng cảm và trầm cảm trở nên khó khăn hơn.
Tranh thủ sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và khuyến khích họ tìm hiểu thêm về rối loạn này.
b. Hỗ trợ bạn bè, người thân nếu họ có chẩn đoán Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực không những có nguy cơ tàn phá sức khoẻ của người có rối loạn mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến bạn bè và gia đình của họ. Dưới đây là một số cách thiết thực mà bạn có thể tham khảo nếu bạn có người thân, bạn bè được chẩn đoán rối loạn này [14]:
Khuyến khích họ tiếp tục dùng thuốc và tuân thủ lịch thăm khám. Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn và có thể dẫn đến việc họ muốn ngừng điều trị. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tái phát là không dùng thuốc theo chỉ dẫn, vì vậy nếu họ muốn thôi dùng thuốc, hãy lắng nghe và nhắc họ về hậu quả của việc dừng thuốc. Nếu các tác dụng phụ của thuốc là vấn đề, hãy khuyến khích họ đến gặp bác sĩ vì việc điều chỉnh liều hoặc đổi sang loại thuốc khác.
Tìm hiểu để nhận biết các dấu hiệu cảnh báo khi giai đoạn thay đổi tâm trạng sắp xảy ra và khi các dấu hiệu xuất hiện, hãy khuyến khích người đó đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Thông thường, những người chăm sóc hoặc bạn bè có thể phát hiện ra các triệu chứng sớm hơn người đó và việc thay đổi thuốc có thể đủ để ngăn tâm trạng phát triển thêm. Ngoài những thay đổi về tâm trạng, các dấu hiệu cảnh báo có thể bao gồm:
Giờ giấc ngủ không ổn định
Thay đổi mức năng lượng (cao hoặc thấp)
Có vấn đề về chú ý và tập trung
Thay đổi cách ăn mặc hoặc chải chuốt hơn
Có nhiều hoạt động hơn bình thường
Trở nên vô tổ chức và dễ cáu kỉnh
Giúp họ lập kế hoạch trước để hạn chế một số thiệt hại có thể gây ra trong giai đoạn hưng cảm. Ví dụ: thực hiện một thỏa thuận giữ lại thẻ tín dụng, chìa khóa xe hơi, v.v. Có thể thiết lập tài khoản để số tiền lớn không thể được truy cập nhanh chóng không? Có thể gửi tiền trong các tài khoản riêng biệt để chỉ có thể truy cập một số tiền nhỏ nếu người đó trở nên hưng cảm?
Trường hợp phát sinh suy nghĩ về tự tử và tự hại: Những người có rối loạn lưỡng cực có nguy cơ tự tử cao hơn các bệnh tâm lý khác do họ thường rơi vào trạng thái căng thẳng hơn khi trải qua giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng, do đó làm tăng nguy cơ có hành vi hoặc suy nghĩ về việc tự tử [15]. Những người có ý định tự tử thường chuẩn bị mọi việc như giải quyết công việc tồn đọng, lên kế hoạch chăm sóc các thành viên trong gia đình sau khi họ qua đời, vì vậy hãy để ý các dấu hiệu này. Những bình luận bốc đồng về việc muốn kết thúc tất cả hoặc đùa cợt về cuộc sống không đáng sống cần được xem xét một cách nghiêm túc. Hãy hỏi trực tiếp người đó xem họ có đang nghĩ đến việc làm hại mình không. Thảo luận về những gì có thể làm để giữ an toàn cho họ. Loại bỏ một lượng lớn thuốc khỏi nhà, loại bỏ vũ khí và các dụng cụ khác có thể được sử dụng để tự gây hại. Hãy tìm hiểu và chuẩn bị sẵn thông tin của các nhóm hỗ trợ cho những người có rối loạn lưỡng cực để chia sẻ và động viên họ kịp thời.
Biên tập: Phương Thủy Nguyễn Hồ & Thoa Đinh
Thiết kế: Keith Nguyen
Nguồn tham khảo
[1] Grande, Iria, Michael Berk, Boris Birmaher, and Eduard Vieta. "Bipolar disorder." The Lancet 387, no. 10027 (2016): 1561-1572.
[2] Alonso, Jordi, Masha Petukhova, Gemma Vilagut, Somnath Chatterji, Steven Heeringa, T. Berdirhan Üstün, Ali Obaid Alhamzawi et al. "Days out of role due to common physical and mental conditions: results from the WHO World Mental Health surveys." Molecular psychiatry 16, no. 12 (2011): 1234-1246.
[3] American Psychiatric Association. Diagnostic and statistical manual of mental disorders (DSM-5®). American Psychiatric Pub, 2013.
[4] GBD 2017 Disease and Injury Incidence and Prevalence Collaborators. (2018). Global, regional, and national incidence, prevalence, and years lived with disability for 354 diseases and injuries for 195 countries and territories, 1990–2017: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2017. The Lancet. DOI: https://doi.org/10.1016/S0140-6736(18)32279-7
[5] Belmaker, R. H. "Bipolar disorder." New England Journal of Medicine 351, no. 5 (2004): 476-486. https://www.nimh.nih.gov/health/publications/bipolar-disorder/index.shtml, U.S. DEPARTMENT OF HEALTH AND HUMAN SERVICES, National Institutes of Health, National Institute of Mental Health, NIMH Identification No. OM 20-431
[6] https://www.singlecare.com/blog/news/bipolar-disorder-statistics/ , Medically reviewed by Marissa Walsh, Pharm.D., BCPS-AQ ID
[8] Squarcina, L., Fagnani, C., Bellani, M., Altamura, C., & Brambilla, P. (2016). Twin studies for the investigation of the relationships between genetic factors and brain abnormalities in bipolar disorder. Epidemiology and Psychiatric Sciences, 25(6), 515-520. doi:10.1017/S2045796016000615
[9] Anacker, C., Hen, R. Adult hippocampal neurogenesis and cognitive flexibility — linking memory and mood. Nat Rev Neurosci 18, 335–346 (2017). https://doi.org/10.1038/nrn.2017.45
[10] Allen, Josh, Raquel Romay-Tallon, Kyle J. Brymer, Hector J. Caruncho, and Lisa E. Kalynchuk. "Mitochondria and mood: mitochondrial dysfunction as a key player in the manifestation of depression." Frontiers in neuroscience 12 (2018): 386.
https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fnins.2018.00386/full
[11] Proudfoot, Judith, Alexis Whitton, Gordon Parker, Justin Doran, Vijaya Manicavasagar, and Kristy Delmas. "Triggers of mania and depression in young adults with bipolar disorder." Journal of affective disorders 143, no. 1-3 (2012): 196-202.
[12] McCormick, Ursula, Bethany Murray, and Brittany McNew. "Diagnosis and treatment of patients with bipolar disorder: A review for advanced practice nurses." Journal of the American Association of Nurse Practitioners 27, no. 9 (2015): 530-542.
[13] Pratt, C. W., et al. (2014). 3: Courses, treatment, and outcome of severe mental illness. Psychiatric Rehabilitation. Cambridge, MA: Academic Press. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780123870025000032
[14] Reeves, Elaine. "Bipolar Mood Disorders Kit." https://nnswlhd.health.nsw.gov.au/wp-content/uploads/Bipolar-Mood-Disorders-Kit.pdf
[15] Oquendo, Maria A., Christine Waternaux, Beth Brodsky, Bruce Parsons, Gretchen L. Haas, Kevin M. Malone, and J. John Mann. "Suicidal behavior in bipolar mood disorder: clinical characteristics of attempters and nonattempters." Journal of affective disorders 59, no. 2 (2000): 107-117