“Tôi Chẳng Có Gì Ngoài Tấm Bằng Tâm Lý Học. Có Thật Vậy Không?”
Tưởng tượng nhé - bạn vừa mới tốt nghiệp, chân ướt chân ráo tới một trong những thành phố có sự cạnh tranh khốc liệt bậc nhất thế giới về việc làm và bạn thì đang hoàn toàn mông lung không biết sự nghiệp của mình sẽ đi đến đâu. Đó chính là cảm giác của tôi khi tốt nghiệp Đại học St Andrews (Scotland), một tuần trước khi đặt chân tới London, nhận ra mình không hề chắc chắn về kỹ năng, chuyên môn hoặc thậm chí là định hướng trong cuộc sống. Thật nực cười phải không.
Đầu tiên tôi nghĩ mình nên giới thiệu một chút về bản thân để tất cả những gì tôi sắp nói sau đây có lý hơn một chút. Tôi là Claudia, 25 tuổi, vừa tốt nghiệp một trong những trường đại học tốt nhất Vương quốc Anh với tấm bằng Tâm lý học, chủ đề mà tôi yêu thích nhất trên thế giới. Làm sao mà bạn có thể không thích một môn học đa dạng, phong phú và lý giải được từng hành vi của người khác được chứ. Nó thú vị chết đi được. Nhưng, giống như nhiều sinh viên 22 tuổi mới ra trường khác, tôi không thể chịu nổi viễn cảnh tiếp tục học lên cao và luôn có người khác áp đặt chuyện tôi nên ở đâu và vào lúc nào. Tôi đã bị tổn thương vì một vài con điểm kém, mà cuối cùng hoá ra lại là do người chấm nhầm. Sau đó tôi đã thề sẽ không bao giờ để một ai khác quyết định thành công hay sự tiến bộ của mình trong cuộc sống nữa. Vì vậy, đó là điểm kết thúc cho việc học tập chính quy của tôi, và tôi đi vào thế giới thực.
Lúc ấy, tôi không biết quyết định này sẽ dẫn tới đâu, nhưng nó có thể tồi tệ đến mức nào chứ? Nhìn lại, đây là một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà tôi tự đặt cho bản thân. Thực sự thì điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Tôi biết đó là một viễn cảnh đáng sợ, tôi hiểu chứ, tôi đã từng trải qua nó, nhưng đôi khi bạn cần phải ở trong những tình huống như thế này để tìm ra điều bạn thực sự muốn trong cuộc sống. Chúng ta gần như không thể biết mình muốn gì, và thường thì quá trình thử nghiệm, mắc lỗi rồi loại trừ sẽ giúp ích cho việc này. Khi bạn tìm ra được những gì mình không muốn, suy ra những gì bạn muốn sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Chỉ một vài người trong số chúng ta thực sự biết đích đến của mình ở đâu và cách để đến được đó, và có lẽ quan trọng hơn thì chỉ có một vài nghề nghiệp nhất định thực sự liên quan trực tiếp với các chuyên ngành tại trường đại học. Nói cách khác, chưa được một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học có công việc liên quan trực tiếp đến bằng đại học của họ (Nguồn: The Independent; Finder.com). Điều này không có nghĩa là chúng ta không sử dụng tới bằng cấp mà có thể cái chúng ta nhận được là transferable skills (tạm dịch: các kỹ năng chuyển đổi) cần thiết để có thể thành công trong một công việc không liên quan đến ngành học của mình.
Khi tôi mới chuyển đến London, hầu hết những người bạn học của tôi đã được nhận vào các chương trình Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ, và chuẩn bị bắt đầu những khóa học về Tâm lý học lâm sàng, hoặc các môn liên quan. Trong khi đó, với không một ý niệm về việc mình muốn làm gì hay cuộc sống sẽ đi về đâu, tôi bắt đầu nộp đơn vào một số vị trí trong các công ty khác nhau: hoàn toàn không có sự liên quan nào giữa các công việc và không có đến một phương pháp nhất định. Không lâu sau đó, người sáng lập của một công ty khởi nghiệp về công nghệ đã liên hệ lại với tôi và mời tôi tới phỏng vấn để thực tập. Hai năm sau, tôi đã trở thành Giám đốc điều hành của họ, phát triển công ty từ lúc khai sinh cùng với CEO: một ngành công nghiệp, một vai trò và một lối sống mà tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có. Và 3 năm rưỡi sau khi tốt nghiệp, cô sinh viên Tâm lý giàu nhiệt huyết năm đó đã trở thành người phụ trách điều hành cho ba công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại London và tham gia hội đồng tư vấn cho một công ty khác. Điều gì đang xảy ra vậy? Tôi cho rằng thành tựu này phần lớn là nhờ tấm bằng Tâm lý của mình mà ra. Và đây là lý do tại sao.
Tôi biết thuật ngữ “kỹ năng chuyển đổi” bị sử dụng quá nhiều và hơi nhiễu sự vì thực sự thì “kỹ năng chuyển đổi” là gì cơ chứ? Nhưng với tư cách là một người đã xây dựng được sự nghiệp nhờ những kỹ năng đó, thì tin tôi đi chúng có tồn tại đấy.
Tâm lý học là một trong những ngành học đa dạng nhất về các kỹ năng bạn có thể học được. Các yếu tố khoa học thực sự âm thầm giúp bạn trau dồi kỹ năng như giải quyết vấn đề, lý luận logic, tư duy phản biện và kỹ năng phân tích dữ liệu. Những kỹ năng này đặc biệt hữu ích trong bất kỳ lĩnh vực nào liên quan đến toán học như tài chính, công nghệ thông tin, y tế hoặc nghiên cứu (Nguồn: Prospects.ac.uk). Thêm vào đó, chúng siêu hữu ích cho bất kỳ vai trò và ngành nghề nào đòi hỏi một mức độ tổ chức, truyền thông và chiến lược. Hãy lấy công việc của tôi làm ví dụ: Ngay từ khi bắt đầu làm hay điều hành bất kỳ loại hoạt động nào cũng đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề và logic. Lấy ví dụ về việc thiết lập chiến lược vận hành cho một startup với 1000 khách hàng bạn đang cần tiếp cận. Những khách hàng này là những người có khối lượng tài sản lớn và muốn đầu tư vào các công ty nhỏ. Bạn cần xác định và đưa ra ít nhất 10 điểm dữ liệu cho mỗi khách hàng như kích thước vé đầu tư, ngành đầu tư, ngành kinh nghiệm của nhà đầu tư, sau đó sắp xếp chúng một cách có tổ chức để công việc thu thập dữ liệu được tự động hóa và được hoàn thành theo cùng một quy trình với kết quả giống hệt nhau. Đó là 10.000 mẫu thông tin. Bạn sẽ bắt đầu việc này như thế nào?
Thực sự đây giống như một bài toán đố. Bạn sẽ vận dụng khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề đã được phát triển trong quá trình học Tâm lý học. Mỗi câu hỏi bạn trả lời, mỗi bài luận bạn bắt đầu đều yêu cầu bạn phải giải quyết được một vấn đề hoặc câu hỏi nào đó. Hai việc này hoàn toàn giống nhau, điểm khác biệt ở đây là lần này bạn được trả tiền.
Những người với tấm bằng Tâm lý là những viên ngọc trong đá của xã hội. Tôi không hề thiên vị, nhưng thật vậy. Chúng tôi không chỉ tư duy hợp lý, có khả năng lý luận và suy luận tốt (thường là thế, vẫn luôn có những thành phần gây thất vọng), mà mặt “nhân văn” của Tâm lý học cũng đặc biệt phù hợp với các ngành luật, chính trị, hay các ngành sáng tạo mà chúng tôi có thể sử dụng kiến thức về hành vi con người (Nguồn: Prospects.ac.uk). Khả năng giao tiếp, hoặc “tranh luận”, tùy đối tượng là một kĩ năng bị đánh giá thấp, nhưng đối với tôi đó là kỹ năng mấu chốt dẫn đến thành công trong sự nghiệp của mình. Trong bất kỳ tổ chức nào, bạn thường sẽ phải đối mặt với rất nhiều loại người (trong trường hợp của tôi, đó là những nhà đầu tư, ban lãnh đạo, và quản lý nhân sự) và việc có thể điều chỉnh phong cách giao tiếp của bạn tùy theo những khác biệt này và mở rộng tầm ảnh hưởng của bản thân thật sự sẽ giúp bạn trở thành người lãnh đạo tốt nhất có thể. Tấm bằng Tâm lý học sẽ giúp bạn đạt được điều này.
Mặc dù khá sáo rỗng, một trong những điều quan trọng cần nhớ đó là bạn cần phải thực sự hiểu bản thân mình: động cơ của bạn là gì, điều gì khiến bạn thích thú, phong cách sống bạn hướng đến là gì, thì mới phần nào định hướng được sự nghiệp dành cho bản thân. Xét cho cùng, bạn sẽ làm gì nếu việc gì bạn cũng làm được? Bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Nền tảng bạn có được từ tấm bằng Tâm lý, và bộ kĩ năng đa dạng bạn mài dũa nên sẽ là bệ phóng cho bất kì lựa chọn nào của bạn. Tốt nhất là bạn cứ chọn công việc nào khiến mình vui, rồi đâu sẽ vào đó.
Biên tập: Hương Lê & Thuỳ Anh
Dịch: Chi Nguyễn
Nguồn
https://carleton.ca/psychology/undergraduate-2/skills-you-will-gain-from-this-degree/
https://www.finder.com/college-degree-value
https://www.prospects.ac.uk/careers-advice/what-can-i-do-with-my-degree/psychology