Vượt Qua Sự Kiệt Sức Trong Học Tập
Xin chào các bạn, mình là Quỳnh Theresa Đỗ, một sinh viên theo học ngành Sinh học, Hóa học và Tâm lý tại đại học UC Irvine. Mình muốn thông qua bài viết này chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm của mình khi trải qua giai đoạn kiệt sức trong học tập và những điều mình đã học được từ đó.
Cùng lúc học ba chuyên ngành là một thử thách lớn nhưng với bản tính thích tìm tòi và học hỏi, ban đầu mình tự tin sẽ làm tốt được tất cả mà không gặp bất kỳ khó khăn gì. Trong năm đầu tiên, mình sắp xếp lịch trình học tập chặt chẽ và mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Ngay cả với nhiều môn học, nhiều bài tập, mình vẫn cân bằng được thời gian học và đi chơi với bạn bè. Tuy nhiên, chương trình học trở nên khó khăn hơn rất nhiều trong năm thứ hai: các môn học đòi hỏi nhiều thời gian hơn, nhiều khái niệm phức tạp hơn. Điều này buộc mình phải dành nhiều thời gian cho việc học hơn trước. Mình cũng bắt đầu lái xe đến trường thay vì sống trong ký túc xá, vì vậy, tốn nhiều thời gian đi lại trong ngày hơn. Hai thay đổi lớn này đã mang lại cho mình nhiều khó khăn.
Trong kỳ học mùa xuân năm thứ hai, mình nằm trằn trọc lúc 5 giờ sáng sau một ngày thứ Tư dài ở trường, không thể ngủ được nhưng lại quá mệt mỏi để có thể ngồi dậy. Hôm đó là giữa tuần thi cuối kỳ - kỳ thi mà mình đã miệt mài chuẩn bị suốt cả học kỳ. Khóa học chỉ vỏn vẹn 10 tuần gồm những môn khó nhất mà mình từng học, bao gồm sinh học phân tử, phép tính đa biến và hóa hữu cơ. Bởi vì mình đã đoán trước học kỳ này sẽ khó khăn như thế nào, nên đã luôn cố gắng đảm bảo lịch học bằng cách thực hiện chặt chẽ một lịch trình sinh hoạt cụ thể. Ưu tiên hàng đầu của mình là hoàn thành các bài tập và luôn dành thời gian học để không bị tụt lại phía sau. Kế hoạch đang diễn ra tốt đẹp và mình đã sẵn sàng vượt qua kỳ thi… cho đến khi mình rơi vào hố sâu trống rỗng vào tuần trước đó.
Cảm giác mệt mỏi đổ ập đến, nhưng mình đã nhanh chóng gạt bỏ. Có ai mà không mệt mỏi trong khoảng thời gian thi cuối kỳ cơ chứ? Những đêm học khuya dài dằng dặc và những bữa ăn vội vàng, ít ỏi đã không ngoài dự đoán làm mình mệt như vậy. Mặc dù tự nhủ như vậy, mình lại mơ hồ nhận thấy cảm giác mệt mỏi này khác với những gì mình từng cảm thấy trước đây. Cảm giác nặng nề hơn, như đang bị đè xuống bởi một khối đá khổng lồ. Khối đá ấy không hề suy chuyển, đè nén mình nhiều ngày. Mang theo khối đá này khiến mình kiệt quệ vô cùng, không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần. Đặc biệt là vào ban đêm, mình thường cảm thấy đầu óc trống rỗng. Mình lo lắng bồn chồn, trong một khoảnh khắc, là về kỳ thi sắp tới, khoảnh khắc tiếp theo lại là về những rắc rối khi lái xe đến trường, khoảnh khắc kế tiếp về thành tích,.v.v.. Vòng lặp cứ tiếp diễn khiến mình không tài nào ngủ được, cho dù mệt mỏi như thế nào. Dần dần, ngày tháng trôi qua, mình thấy như tê liệt và không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Không phải là mình không quan tâm đến điểm số. Xét cho cùng, mới đây thôi mình đã học rất chăm chỉ và vẫn còn lo lắng về kỳ thi. Tuy nhiên, khối đá ngày một nặng nề hơn khiến mình không thể nhấc nó một mình được nữa. Mình bị đè bẹp bởi một lực, tưởng như rất quen thuộc trước đây nhưng giờ lại quá sức chịu đựng.
Sự lựa chọn can đảm nhất của mình lúc đó là tiếp cận người khác. Biết rằng không thể tiếp tục nếu không được hỗ trợ, đầu tiên mình nhắn tin cho bạn về những gì mình đã trải qua. Bạn mình đã cố gắng an ủi bằng cách bảo mình hãy nghỉ ngơi và thư giãn. Mình đã khóc rất nhiều, làm sao mình có thể nghỉ ngơi trong khi kì thi cuối kì đang tới? Mình nhớ vẻ mặt lo lắng của bạn ấy khi gọi FaceTime và bạn nhận ra không thể giúp gì thêm. Bạn ấy nói sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng cách lắng nghe những khó khăn của mình và khuyên mình nên liên lạc với các giáo sư để xin lời khuyên của họ. Đêm đó, mình đã gửi email cho tất cả các giáo sư để giải thích tình hình, cho họ biết mình thiếu ngủ, thiếu động lực, sợ hãi, căng thẳng và mệt mỏi đến mức nào. Thật may mắn là mọi giáo sư của mình đều hiểu và cũng chia sẻ trải nghiệm những cảm xúc tương tự. Mặc dù họ không làm gì nhiều ngoài những lời động viên, nhưng mình cảm thấy được an ủi hơn với những lời nhắc nhở ấy, rằng mình nên tập trung vào bản thân mình vào lúc này. Tự nhủ tương lai không mờ mịt, ngay cả khi mình trượt môn. Một giáo sư cũng khuyên mình chỉ nên tập trung chăm sóc cơ thể trước để có sức khỏe mạnh mẽ tiếp tục đối phó với sự kiệt sức trong học tập. Với một suy nghĩ tích cực hơn và những ưu tiên mới, mình đã có thể tập trung vào việc học tốt hơn. Mình đã kết thúc học kỳ khi qua tất cả các môn chỉ trừ một môn với điểm số dưới mức đạt yêu cầu.
Mình đã không nhận ra rằng bản thân đã trải qua một thời kỳ kiệt sức trong học tập cho đến một vài tháng sau, khi nói chuyện với bạn bè và các chuyên gia về trải nghiệm đó. Mình có rất nhiều câu hỏi xuất hiện khi lần đầu nghe điều này. Kiệt sức trong học tập là gì? Trải qua một kỳ kiệt sức là như thế nào? Nó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tâm thần?
Theo World Health Organization, tình trạng kiệt sức thường được quan sát thấy trong bối cảnh nghề nghiệp. Đối với một người kiệt sức trong học tập, bối cảnh đó là trường học. Mức độ nghiêm trọng của cảm giác kiệt sức có thể khác nhau tùy thuộc vào mỗi người. Cảm xúc chung của tình trạng kiệt sức là mệt mỏi, phiền não, và giảm năng suất trong công việc của một người [1]. Tình trạng kiệt sức trong học tập thường do cảm giác ít kiểm soát, không chắc chắn, không cân bằng giữa cuộc sống và công việc và làm việc quá sức; đây thường là cảm giác của học sinh trong suốt năm học [2]. Sự kiệt sức có thể là gánh nặng cho những người từng trải qua nó. Nó có thể khiến sinh viên phải thay đổi chuyên ngành hoặc thậm chí phải bỏ học. Cảm giác không hài lòng của sinh viên với cuộc sống học tập cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ. Họ có thể cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân và không chắc chắn về tương lai của mình. Điều này có thể dẫn đến đau khổ về tinh thần [2].
Khi mình trải qua giai đoạn kiệt sức trong học tập, mình luôn tự hỏi bản thân mình, mình có thể làm gì để tránh tình trạng kiệt sức trong học tập trong tương lai?
Cha mẹ mình đã luôn cảnh báo mình về việc làm quá nhiều trong thời gian quá ngắn, nhưng mình đã không nghe. Sau trải nghiệm này, mình mới hiểu tầm quan trọng của việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống và đặt ra những kỳ vọng thực tế cho bản thân. Học mà không có lịch trình nghỉ ngơi hay thư giãn gây ra rất nhiều tác hại. Một số triệu chứng thường thấy của sự kiệt sức trong học tập có thể đến từ làm việc quá sức. Một số kỹ thuật học tập, chẳng hạn như kỹ thuật Pomodoro, đã được chứng minh là giúp học sinh học tập hiệu quả hơn mà không cảm thấy quá tải bằng cách nghỉ giữa giờ chừng 5 phút. Bây giờ mình cũng dành ngày thứ Bảy để thư giãn và nghỉ ngơi mỗi tuần. Bởi vì mình nhận ra rằng, giống như một ánh nến, chúng ta sẽ có những lúc rực rỡ hơn nhưng cũng sẽ có những lúc cảm thấy thiếu năng động và kém tập trung hơn. Đó là điều tự nhiên. Khi ánh sáng của chúng ta dần mờ đi, chúng ta chỉ có thể hồi sinh ánh sáng đó một lần nữa bằng cách nghỉ ngơi và chăm sóc cơ thể của mình.
Từ kinh nghiệm bản thân, mình muốn khẳng định rằng cân bằng thời gian giữa việc học và việc nghỉ ngơi rất quan trọng. Đối phó với sự kiệt sức trong học tập không phải là một điều dễ dàng. Vì thế, mình nghĩ các bạn dù muốn học hay làm việc nhiều đến đâu, nhất định đừng quên dành thời gian làm những điều mà bạn yêu thích. Mình hy vọng các bạn có thể an yên đạt được những dự định và ước mơ của mình!
Biên tập: Hồng Lê & Thoa Đinh
Minh hoạ: Giang Nguyễn
Nguồn tham khảo:
[1] World Health Organization. “Burn-out an ‘Occupational Phenomenon’: International Classification of Diseases.” World Health Organization. World Health Organization, May 28, 2019. https://www.who.int/mental_health/evidence/burn-out/en/.
[2] Western Governors University. “Workplace Burnout: Causes, Effects, and Solutions.” Western Governors University. Western Governors University, August 27, 2019. https://www.wgu.edu/blog/workplace-burnout-causes-effects-solutions1906.html.