Tổng Quan Về Rối Loạn Mặc Cảm Ngoại Hình
Nỗi ám ảnh và mặc cảm về ngoại hình được gọi là Rối loạn mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder) [1]. Theo ước tính, tại Mỹ, cứ 1 trên 50 người sẽ có Rối loạn mặc cảm ngoại hình [1]. Chưa có nghiên cứu về tỷ lệ trên toàn thế giới nhưng rối loạn mặc cảm ngoại hình đã và đang tác động lên cuộc sống của rất nhiều người. Hôm nay, hãy cùng chúng mình tìm hiểu thêm về Rối loạn mặc cảm ngoại hình nhé.
1. Rối loạn mặc cảm ngoại hình là gì?
Rối loạn mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder - BDD) là rối loạn tâm lý trong đó cá nhân thể hiện nỗi ám ảnh về những khiếm khuyết trên cơ thể (trong khi đối với những người khác khiếm khuyết ấy rất nhỏ và có thể không quan sát thấy) và có yêu cầu quá mức với bản thân dựa trên một hoặc nhiều tiêu chuẩn đối với vẻ ngoài mà bản thân tự tạo nên [1]. Nỗi ám ảnh về ngoại hình này có thể dẫn đến những phiền muộn đáng kể hoặc suy giảm chức năng nghiêm trọng [1]. Những nỗi ám ảnh này đa số hình thành bắt đầu từ độ tuổi vị thành niên cho đến trưởng thành [1].
2. Nguyên nhân của Rối loạn mặc cảm ngoại hình
Nguyên nhân của Rối loạn mặc cảm ngoại hình được cho là sự kết hợp của các yếu tố môi trường, tâm lý và sinh học. Bị bắt nạt hoặc trêu chọc có thể tạo ra hoặc thúc đẩy cảm giác kém cỏi, xấu hổ và sợ bị chế giễu, tuy nhiên hiện nay nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định. Nhà khoa học đã đề xuất mô hình diathesis-stress model (tạm dịch: mô hình ảnh hưởng trong - ngoài) - một mô hình cho rằng rối loạn tâm lý là kết quả của sự tương tác giữa tính dễ bị tổn thương bẩm sinh và các tác nhân gây căng thẳng từ môi trường và trải nghiệm sống, nhằm tìm hiểu thêm sự liên kết giữa những người đang có rối loạn mặc cảm ngoại hình và một sự kiện trong quá khứ đã góp phần khởi phát các triệu chứng của BDD [2]. Weingarden, Curley, Renshaw và Wilhelm (2017) đã tiến hành một nghiên cứu trên 165 người có rối loạn mặc cảm ngoại hình để xác định những sự kiện căng thẳng họ đã từng trải qua mà họ cho rằng đó là sự kiện khởi phát làm phát triển các triệu chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình của họ [2]. Kết quả cho thấy chỉ một số ít người tham gia cho rằng các triệu chứng của họ khởi phát từ một sự kiện đơn lẻ. Phần lớn người tham gia nghiên cứu (khoảng 159 trên tổng 165 người) lại cho rằng trải nghiệm bị bắt nạt là lý do dẫn tới việc phát triển các triệu chứng của họ [2]. Ngoài ra, hầu hết các sự kiện được báo cáo là từ những mâu thuẫn giữa các cá nhân đã từng xảy ra tại trường cấp hai hoặc trong khoảng thời gian học cấp hai [2]. Một số các yếu tố khác có ảnh hưởng đến sự hình thành của Rối loạn mặc cảm ngoại hình được báo cáo là [2]:
Khoảng 26.3% người báo cáo rằng họ cảm thấy áp lực bởi những tiêu chuẩn về vẻ đẹp mà xã hội đã đặt ra.
Khoảng 7.4% người cảm thấy ám ảnh về ngoại hình của họ khi mãi so sánh bản thân với những người khác.
Khoảng 5.7% người cảm thấy áp lực bởi những lời chê bai và dèm pha từ phía gia đình.
Bên cạnh đó, Phillips & Stein (2018), thông qua nghiên cứu của họ, cũng đã liệt kê ra một số nguyên nhân khởi phát triệu chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình là [3]:
Thời thơ ấu từng bị tổn thương hoặc gặp sang chấn tâm lý (ví dụ như bị bắt nạt vì ngoại hình không hoàn hảo, …)
Tự ti: có thể đến từ những lý do như bệnh da liễu (mụn, sẹo sâu…)
Bị những người xung quanh chê bai ngoại hình: Áp lực từ xã hội và truyền thông về các tiêu chuẩn sắc đẹp hình thể
Có xu hướng cầu toàn, muốn mọi thứ phải hoàn hảo
Gắn liền hạnh phúc của bản thân với ngoại hình
Những người có rối loạn này có thể sẽ cố gắng “tự chữa” cho bản thân (ví dụ: uống thuốc giảm cân cấp tốc, dùng kem tẩy trắng da, để râu để che lấp sẹo…mà không quan tâm tới tác dụng phụ của những sản phẩm này)
Tác động của mạng xã hội lên Rối loạn mặc cảm ngoại hình.
Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu đối với rất nhiều người trên thế giới [4]. Nhìn chung, mạng xã hội có thể được sử dụng như một công cụ để cập nhật và theo đuổi những xu hướng về ngoại hình [4]. Ryding và Kuss (2019) phát hiện rằng mạng xã hội đã và đang góp phần làm gia tăng đáng kể sự tự ti về ngoại hình của những người sử dụng [4]. Những người tích cực sử dụng mạng xã hội thường giao tiếp và thể hiện sự yêu thích và ủng hộ qua các thao tác tương tác như thích hoặc viết bình luận tích cực dưới các hình ảnh, bài viết. Qua những tương tác thể hiện sự ủng hộ và yêu thích từ cộng đồng, sự tự tin và cảm giác được thừa nhận của người đăng bài sẽ càng ngày được gia tăng [4]. Ngược lại, đối với người sử dụng mạng xã hội một cách tiêu cực, như theo dõi xu hướng làm đẹp, theo dõi những người nổi tiếng với ngoại hình được ưa chuộng để so sánh với vẻ bề ngoài của bản thân, có thể giảm sự tự tin và hình thành một nỗi ám ảnh về ngoại hình [4]. Kết quả của nghiên cứu này cũng cho thấy, việc thường xuyên sử dụng mạng xã hội để theo đuổi những tiêu chuẩn và xu hướng sắc đẹp có thể là nguyên nhân trung gian hình thành nên rối loạn mặc cảm ngoại hình. Không những thế, triệu chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình sẽ càng thêm nghiêm trọng nếu lạm dụng việc sử dụng mạng xã hội [4].
3. Triệu chứng của Rối loạn mặc cảm ngoại hình
Phillips & Stein (2018) đã liệt kê ra một số triệu chứng thường thấy như:
Ám ảnh hoặc có ác cảm với một hoặc nhiều phần trên cơ thể.
Rối loạn này có thể xuất hiện đột ngột hoặc kéo dài trong một thời gian với mức độ nghiêm trọng tuỳ vào từng cá nhân, và có thể kéo dài nếu không được trị liệu tâm lý thích hợp [3].
Đặc biệt ở phụ nữ có dấu hiệu của thói giật tóc và thói quen tự làm trầy da của mình [3,5].
Ở nam giới thường có mặc cảm thiếu cơ bắp [3].
Một số người có suy nghĩ rằng cơ thể mình quá gầy ốm, tuy trong thực tế thì họ thường có tỉ lệ và kích cỡ cơ bắp bình thường [3,5].
Người mặc cảm có thể miêu tả bản thân mình xấu xí, kinh tởm, biến dạng, không thu hút, quái dị,... [5]. Đáng tiếc thay, người có rối loạn mặc cảm ngoại hình thường không tự biết họ có triệu chứng của rối loạn tâm lý này.
Không những thế, rối loạn mặc cảm ngoại hình còn có thể đi kèm với một số các rối loạn tâm lý khác như:
Rối loạn mặc cảm ngoại hình (BDD) có thể dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm và ám ảnh sợ xã hội [6].
Người có rối loạn mặc cảm ngoại hình có chất lượng cuộc sống suy giảm, cần sự can thiệp của trị liệu tâm lý, số lần suy nghĩ đến cái chết và tự tử cao [6].
Trầm cảm: khoảng 76% người có BDD từng trải qua giai đoạn trầm cảm [6].
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: khoảng 32% người có BDD từng được chẩn đoán bị ảnh hưởng bởi Rối loạn ám ảnh cưỡng chế [6].
Ám ảnh sợ xã hội: khoảng 37% người mắc BDD từng trải qua ám ảnh sợ xã hội [6].
Một số rối loạn ăn uống như chán ăn (anorexia nervosa), hoặc ăn ói (bulimia nervosa) cũng đôi khi được quan sát thấy ở người có rối loạn mặc cảm ngoại hình [3,5].
4. Chẩn đoán Rối loạn mặc cảm ngoại hình
Theo DSM-5 (Cẩm Nang Chẩn Đoán và Thống Kê Các Rối Loạn Tâm Thần) để có chẩn đoán Rối loạn mặc cảm ngoại hình một người phải có [7]:
Mối bận tâm về ngoại hình: Cá nhân phải có một hoặc nhiều nỗi bận tâm về khiếm khuyết ngoại hình; khiếm khuyết này có thể không tồn tại hoặc là đó một khiếm khuyết nhỏ và khó thấy trong cự ly tiếp xúc gần. Chúng ta cần phải lưu ý rằng: nỗi bận tâm và lo lắng về những khiếm khuyết ngoại hình rõ ràng, chẳng hạn như béo phì, không được chẩn đoán là Rối loạn mặc cảm ngoại hình. Thay vào đó, có khả năng sẽ được chẩn đoán là Rối loạn ám ảnh cưỡng chế và sẽ được xác định chính xác hơn dựa vào những tiêu chuẩn khác.
Các hành vi lặp đi lặp lại: cá nhân phải thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại để che giấu hoặc cố gắng tự khắc phục nỗi ám ảnh về ngoại hình. Ví dụ: soi gương liên tục, chải chuốt quá mức, luôn tìm kiếm sự trấn an và xác nhận về vẻ bề ngoài từ người khác, .v.v.
Đánh giá lâm sàng: mối bận tâm về ngoại hình của cá nhân này đã và đang gây ra những nỗi đau khổ ở mức độ cao theo tiêu chuẩn lâm sàng hoặc tác động tiêu cực đến sự tích cực tham gia những hoạt động xã hội và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Phân biệt với Rối loạn ăn uống: Một vài trường hợp sẽ thuộc vào dạng Rối loạn ăn uống và sẽ được xác định dựa vào những chẩn đoán phân biệt.
Các chỉ định khác: Sau khi có chẩn đoán BDD, bác sĩ tâm thần nên tiếp tục tham khảo hai chỉ số DSM-5 BDD khác để xác định các nhóm phụ của những người có BDD: Muscle dysmorphia (tạm dịch: Rối loạn mặc cảm thiếu cơ bắp) và Insight specifier (tạm dịch: Chỉ Số Tự Thị: mức độ hiểu biết của một người về niềm tin liên quan tới rối loạn của họ).
5. Trị liệu Rối loạn mặc cảm ngoại hình
Hai phương pháp thường được áp dụng trong trị liệu là trị liệu tâm lý qua liệu pháp nhận thức hành vi và điều trị y tế qua cách dùng thuốc chống trầm cảm [3,7]. Tuy vẫn chưa có thuốc nào hỗ trợ đặc trị cho rối loạn mặc cảm ngoại hình riêng, việc sử dụng thuốc trị trầm cảm và rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng mang đến những hiệu quả tích cực [3]:
Liệu pháp nhận thức hành vi: Khi nhà trị liệu tâm lý sẽ tập trung vào triệu chứng và lý do hình thành nên Rối loạn mặc cảm ngoại hình, từ đó giúp họ thay đổi một vài thói quen tiêu cực như làm đau bản thân (cào da, bứt tóc…) hoặc giúp người đó tích cực hơn trong những hoạt động sinh hoạt đời thường [3]. Một số nghiên cứu cho thấy liệu pháp nhận thức hành vi đã thành công trong việc làm giảm mức độ nghiêm trọng của BDD và các triệu chứng liên quan như trầm cảm [3,7].
Điều trị y tế bằng cách dùng thuốc chống trầm cảm: Bác sĩ tâm thần sẽ kê đơn thuốc chống trầm cảm thích hợp. Thuốc chống trầm cảm ức chế hấp thụ thường được sử dụng nhất. Thuốc có tác dụng ngăn chặn quá trình tái hấp thu của các chất dẫn truyền thần kinh, thay vào đó chúng được giữ lại tạm thời trong khớp nối giữa các tế bào thần kinh và giúp điều chỉnh tâm trạng [3,7]. Thông thường là thuốc có thành phần ức chế tái hấp thu chọn lọc hoóc môn serotonin (hoóc môn mang đến trạng thái hưng phấn) để tăng nồng độ serotonin có trong não bộ [3]. Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm thường cần phải được sử dụng ở hàm lượng cao mới có thể phát huy tác dụng rõ ràng và khi ngừng uống thuốc, các triệu chứng trầm cảm có thể tái phát [3].
Việc chẩn đoán chậm trễ và thiếu hiểu biết chuyên sâu về bản chất tâm lý của người có thể có rối loạn mặc cảm ngoại hình là rào cản lớn đối với việc can thiệp trị liệu hiệu quả cho rối loạn này [7].
Trong cuộc sống hiện đại, ngoại hình càng được coi trọng và đánh giá trên nhiều tiêu chí. Nhưng ngoại hình con người không phải lúc nào cũng ở tình trạng hoàn hảo, việc có khiếm khuyết trên cơ thể là điều rất phổ biến, chúng ta có thể không hài lòng một chút về nó. Tuy nhiên khi mặc cảm này quá lớn, ít có căn cứ thực tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động sống thông thường, thì đó không chỉ còn là vấn đề ngoại hình thông thường. Nếu quan sát thấy những dấu hiệu này ở bản thân hay một người thân quen, điều quan trọng có thể làm là tìm hiểu và tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời bạn nhé!
Biên tập: My An & Thoa Đinh
Minh hoạ: Froggy
Nguồn:
[1] American Psychiatric Association. Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). Washington, DC: Author, 2013.
[2] Mufaddel, A., Osman, O. T., Almugaddam, F., & Jafferany, M.” A review of body dysmorphic disorder and its presentation in different clinical settings.” The primary care companion for CNS disorders, 15(4), PCC.12r01464, 2013.
[3] Phillips, Katherine A. “The Broken Mirror: Understanding and Treating Body Dysmorphic.” Oxford University Press. (1996): 391.
[4] Phillips, Katharine, and Dan Stein. "Body Dysmorphic Disorder - Mental Health Disorders - MSD Manual Consumer Version". MSD Manual Consumer Version, 2018. https://www.merckmanuals.com/home/mental-health-disorders/obsessive-compulsive-and-related-disorders/body-dysmorphic-disorder.
[5] Phuong, Minh. “Ngoai Hinh cua Phu Nu va Tieu Chuan Ve Sac Dep Do Cac Cong Nghe Giai Tri va Quang Cao De Ra.” Dai Tieng Noi Hoa Ky News, 2016.
[6] Ryding, C. F. & Kuss, D. J. “The use of social networking sites, body image dissatisfaction and Body Dysmorphic Disorder: A review of psychological research.” Psychology of Popular Media Culture (2019).
[7] Veale, D., Boocock, Ann., Gournay, K, Dryden., Windy., Shah, Fozia., Willson, Robert., & Walburn, Jessica. “Body Dysmorphic Disorder: A Survey of Fifty Cases.” British Journal of Psychiatry (1996), 169, 196-201.
[8] Weingarden, H., Curley, E. E., Renshaw, K. D., & Wilhelm, S.” Patient-identified events implicated in the development of body dysmorphic disorder.” Body image, 21, (2017): 19–25.