Gửi Bạn, Người Đã Nghe Thấy Tôi

image2.jpg

Tôi nhớ lần đầu tiên nhìn thấy dòng chữ phun sơn Suicide Prevention Hotline (tạm dịch: Đường dây nóng ngăn chặn tự tử) dưới chân một cây cầu vượt tại Malaysia, tôi cảm thấy cực kỳ bồn chồn khó chịu. Chẳng phải chuyện của chung, sao người ta lại in lên nơi công cộng thế nhỉ, nhỡ trẻ con thấy thì giải thích thế nào. Ngày đặt chân lên đất Mỹ, tôi tiếp tục để ý thấy những bảng quảng cáo lớn in số điện thoại đường dây nóng toàn quốc này, và chính tôi, từng nhận định rằng, phải chăng đây là “bệnh” của người giàu, mặt trái của lối sống “ích kỷ" và “chủ nghĩa cá nhân”? Phim ảnh, mạng xã hội, những tin tức một chiều góp phần khiến tôi có ác cảm với hành động tự tử, cho rằng chỉ có những kẻ yếu đuối, hay trốn tránh trách nhiệm mới nghĩ tới việc “bỏ trốn" khỏi cuộc đời và bao nhiêu người thân thích xung quanh.   

Tất cả những định kiến đó đeo bám tôi trong suốt giai đoạn chuyển giao đầy thử thách tại Mỹ, khi những dấu hiệu trầm cảm tái xuất hiện. Trong thời gian chín tháng, không thể đi làm hay đi học vì chờ đợi giấy tờ, tôi dần đánh mất sự năng động và nụ cười rạng rỡ ai cũng nhớ về tôi ngày còn ở Việt Nam. Chẳng mấy chốc, sự trầm cảm có nguồn gốc từ thời niên thiếu của tôi phát triển thành những suy nghĩ như: “Ước chi mình có thể biến mất khỏi cuộc đời này"; “Cuộc sống của chồng mình sẽ dễ dàng hơn biết mấy nếu không có người vợ suốt ngày buồn rầu như vậy"; “Nếu mình không đóng góp gì cho xã hội này thì sống có ý nghĩa gì nữa”. Những suy nghĩ này cứ thế kéo dài mãi không có hồi kết, tôi càng tự cô lập bản thân, tần suất của chúng lại càng tăng cao, kèm theo những cuộc cãi vã với chồng ngày một nhiều. 

Khái niệm thời gian trở nên mờ nhạt với tôi. Một tháng, hai tháng, bốn tháng trôi qua mà tôi dường như không ý thức được một cột mốc nào. Mỗi sáng thức dậy lúc 11 giờ trưa, cố gắng lắm tôi mới bước ra khỏi phòng ngủ được và làm mọi thứ chậm hết mức có thể. Chồng tôi thường xuyên hỏi han động viên, anh cho rằng chắc tôi chỉ nhớ nhà một thời gian, rồi mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy. Còn tôi thì càng ngày càng im lặng, chán ghét bản thân, càng lúc càng cảm thấy sợ phải thức dậy mỗi ngày. Vào thời khắc nỗi tuyệt vọng của tôi lên tới đỉnh điểm, những dòng chữ Suicide Prevention Hotline từ sâu thẳm trong ký ức hiện lên, mờ mờ, nhưng đủ để thôi thúc tôi gượng dậy lập bập với chồng mình, từng chữ một, qua làn nước mắt giàn giụa: “I... need... help...”. Chỉ đến lúc đó, tôi và anh mới nhận ra rằng vấn đề của tôi vượt quá khả năng kiểm soát của cả hai. Anh liền gọi điện đặt lịch hẹn cho tôi với một chuyên gia trị liệu tâm lý và chính anh thầm lặng đưa tôi đến từng buổi hẹn mỗi tuần.

image1.jpg

Trong suốt năm tháng trị liệu đều đặn, tôi nhìn thấy ánh mắt lo âu của anh dõi theo tôi rõ hơn bao giờ hết. Nhưng đồng thời, tôi cũng bắt đầu nhận thấy cảm giác được giải phóng của anh khi không phải một mình đối mặt với những suy nghĩ tuyệt vọng của tôi nữa. Tôi cùng anh đọc tài liệu về trầm cảm và những suy nghĩ, ý định tự tử, thậm chí lập nên cả những kế hoạch giải cứu phòng trường hợp khủng hoảng ghé thăm (ví dụ như anh sẽ chở tôi đi ăn kem, làm sinh tố dâu cho tôi, hoặc nhắc tôi con mèo đang làm trò). Từng bước một, anh và tôi dần xóa bỏ được những định kiến của chính mình, tạo cho nhau không gian an toàn để bản thân được phép yếu đuối và từng bước chấp nhận “mặt tối” của nhau.  

Đó là câu chuyện của tôi, nhưng nếu bạn nhìn quanh vòng tròn kết nối của mình, rất có thể bạn sẽ nhận ra rằng chính H., thằng bạn chí cốt của bạn sao dạo này chẳng còn hứng thú tiêu khiển gì nữa, nhỏ T. em bạn tự dưng cứ lên Facebook than thở chán đời, hay mẹ bạn gọi điện bảo sao ba mày lại mất ngủ triền miên và hay uống rượu một mình. Những dấu hiệu này bạn có thể không đủ chuyên môn để đánh giá hay chẩn đoán, nhưng bạn lại chính là người có khả năng quan sát và hỏi han gần gũi nhất. Bạn, bằng chính sự quan tâm chân thật của một người thân cận, hoàn toàn có thể nhận ra những biểu hiện trầm cảm, sự sút giảm năng lượng, tự thu mình, xa lánh và mất đi hy vọng của họ. 

Nếu bạn biết rằng, suy nghĩ tự tử không chừa một ai, và rằng tự tử là nguyên nhân thứ hai gây ra tử vong ở thanh niên từ 15–29 tuổi trên toàn thế giới [1].

Nếu bạn hiểu, tự tử không phải là một hành vi ích kỷ, mà là lối thoát duy nhất một cá nhân trong cơn khủng hoảng tâm lý có thể nghĩ đến, nhằm kết thúc một sự trống rỗng và tuyệt vọng không thể chịu đựng nổi mà họ đang phải gánh chịu, liệu bạn có sẵn sàng bắt máy điện thoại lên và nói với họ rằng bạn có thể lắng nghe?  

Nếu bạn biết rằng, hành động tự tử hoàn toàn có thể được ngăn chặn, và chính sự thấu hiểu, yêu thương, hỗ trợ chân thành sẽ khiến một người có ý định tự tử tìm lại được từng mối liên kết trong cuộc sống, liệu bạn có sẵn sàng mở lòng hơn? 

Nếu bạn hiểu, việc kìm nén suy nghĩ tự tử không thể nói ra lại chính là lý do khiến suy nghĩ đó càng ngày càng mạnh mẽ hơn, liệu bạn có khuyến khích và cởi mở hơn mỗi khi câu chuyện này được đề cập đến? 

Nếu câu trả lời là có, có thể bạn đã sẵn lòng trở thành một người chăm sóc cho cá nhân có suy nghĩ tự tử. Sự thực là, dù có sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý đi chăng nữa, bạn, chính bạn vẫn sẽ là một nhân tố quan trọng trong quá trình hồi phục của người bạn hết mực quan tâm. Và bạn ơi, nếu có những lúc cảm thấy cô đơn, hoang mang, không biết phải làm gì, nói gì, hãy nhớ rằng có rất nhiều nguồn thông tin, cộng đồng có thể trợ giúp hành trình của bạn, ví dụ như chú nhím này đây:  https://www.suicideisdifferent.org/ [2].

Riêng tôi - một nhân chứng cho tác động vô giá của sự chăm sóc và những nỗ lực hỗ trợ không lời từ một người thân cận - xin hết lòng cảm ơn bạn. Bởi tôi tin rằng, khi bạn đọc đến đây, sẽ có thêm ít nhất một ai đó trong cuộc đời của bạn có cơ hội được thật sự lắng nghe.   

Bài viết này đặc biệt dành cho anh - người bạn đời và người đã vực tôi dậy trong thời gian khủng hoảng tâm lý nặng nề của tôi. 

Biên tập: Phương Thuỷ & Hương Lê

Minh hoạ: Giang Nguyễn

Nguồn tham khảo:

[1] “Suicide Data.” World Health Organization. World Health Organization, September 27, 2019. https://www.who.int/mental_health/prevention/suicide/suicideprevent/en

[2] “Suicide Is Different,” Suicide Is Different, accessed September 4, 2020, https://www.suicideisdifferent.org/ 

Thuỳ Nguyễn

Thạc sĩ Định hướng Nghề nghiệp và Tham vấn Tâm lý (MA in Guidance and Counseling) tại Mỹ

Previous
Previous

Tổng Quan Về Rối Loạn Mặc Cảm Ngoại Hình

Next
Next

Tổng Quan Về Hành Vi Tự Sát