Tổng Quan Tiếp Cận Y-Sinh Trong Tâm Lý Học

Nguồn ảnh: Photo by Alina Grubnyak on Unsplash

Nguồn ảnh: Photo by Alina Grubnyak on Unsplash

Văn hoá đại chúng (pop culture) đã thêu dệt tâm lý học theo rất nhiều cách khác nhau, đa phần là sai lệch hoặc thái quá, từ những ám chỉ tình dục của trường phái Freudian đến những thí nghiệm vô đạo đức, thậm chí đến mức coi tâm lý học là giả khoa học (pseudo-science). Tâm thần học – một ngành liên quan chặt chẽ với tâm lý học – lại được coi trọng hơn rất nhiều vì nguồn gốc của nó trong y học hiện đại. Kể từ thế kỉ hai mươi đã có một lượng không nhỏ số nghiên cứu về các rối loạn tâm lý, một số nhà khoa học đã bắt đầu xem xét các vấn đề tâm lý này từ góc độ sinh học. Đây là nền tảng cho cách tiếp cận y-sinh trong tâm lý học, dẫn đến sự phát triển của tâm thần học nói chung.  Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lịch sử của cách tiếp cận này, cũng như vai trò của nó trong bối cảnh nghiên cứu tâm lý đương đại. 

Những bất thường tâm thần đã được khám phá rất sớm, từ nền văn minh Inca ở Peru thời cổ đại vào khoảng thế kỷ thứ 16 [1]. Một rối loạn nổi bật được nhận diện như trầm uất, với mô tả tương tự như trầm cảm ngày nay, thường xuất hiện trong hoàng gia Incan vào thời đó. Cách điều trị lúc bấy giờ là sự pha trộn giữa thực hành các phép mê tín (nghi thức tôn giáo, cầu nguyện) và các dược liệu có nguồn gốc thảo dược và khoáng chất. Người Inca cổ đại cũng dùng những dược liệu này để điều trị các chứng bệnh thể chất khác, có thể họ nghĩ rằng những yếu tố ảnh hưởng đến rối loạn tâm lý cũng có thể được điều trị với cùng cách tiếp cận như những bệnh thể chất.

Nguồn ảnh: Photo by Tomas Sobek on Unsplash

Nguồn ảnh: Photo by Tomas Sobek on Unsplash

Những năm đầu thế kỷ hai mươi, rất nhiều đột phá trong khoa học và công nghệ đã giúp phát triển những mẫu hình khoa học (paradigms) có thể sử dụng để giải thích một số hành vi khác thường. Vào thời kỳ mà các lý giải về nguồn gốc của những vấn đề tâm lý của Freud và các tín đồ đang có sức ảnh hưởng lớn, Emil Kraepelin lại tin rằng những rối loạn này có nguyên nhân từ các yếu tố tự nhiên, nhấn mạnh việc phân loại các rối loạn tâm lý cụ thể [2]. Hàng loạt những nghiên cứu sau đó củng cố niềm tin này bằng những bằng chứng thực nghiệm, ví dụ như Sakel vào năm 1993 đã chứng minh  trong khi sử dụng liệu pháp sốc insulin để làm giảm các triệu chứng cai cho người nghiện, một trong những người đó có tâm thần phân liệt (schizophrenia) và việc sử dụng insulin đã có hiệu quả với các triệu chứng tâm thần phân liệt với người này [3]. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này không còn được áp dụng kể từ những năm sáu mươi do tồn tại nhiều rủi ro (gây tổn thương não bộ, tử vong) và do ảnh hưởng của một luồng tư tưởng mới, cho rằng hành vi tạo thành từ sự tác động qua lại của nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là các yếu tố sinh học, xã hội và tâm lý. 

Theo phương pháp tiếp cận y-sinh, một số nguyên nhân sinh học của những rối loạn tâm lý bao gồm tổn thương não bộ, truyền  nhiễm, rối loạn não bộ, khiếm khuyết di truyền. Tổn thương não bộ trong lúc được sinh ra hoặc do tai nạn có thể dẫn đến những hành vi khác thường. Nghiên cứu trên 2 trường hợp người trưởng thành cho thấy với những khối u ở vùng vỏ não trước trán xuất hiện trước 15 tháng tuổi, đã dẫn đến những lỗi nhận thức về xã hội và đạo đức trong giai đoạn dậy thì [4]. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) đã được ghi nhận tại Pháp trong thế kỷ thứ 19, với những phỏng đoán về nguyên nhân dẫn đến “trạng thái chú ý thái quá” dao động từ một dạng tâm thần nhẹ cho đến những sự bộc phát cảm xúc thái quá [5]. Cùng với sự tiến bộ của khoa học, những yếu tố sinh lý có tác động mạnh mẽ đến các rối loạn dần được khám phá, đáng chú ý là thông qua giải mã di truyền. Gen catechol-O-methyltransferase (COMT) có vai trò điều tiết việc sản sinh chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong não bộ. Những người có OCD có một biến thể của gen COMT khiến gen hoạt động kém hiệu quả, làm lượng dopamine tăng cao [6]. Những nghiên cứu trên động vật cũng củng cố kết luận rằng những người có OCD có hàm lượng dopamine cao bất thường [7]. Bằng chứng cho cơ sở di truyền của OCD đến từ các nghiên cứu trên đối tượng là gia đình và các cặp song sinh. Một người có nguy cơ hình thành OCD cao gấp năm lần bình thường nếu người thân trực tiếp (first-degree relative) của họ có tình trạng này [8]. Trong khi đó, nghiên cứu phân tích tổng hợp cho thấy những cặp song sinh cùng trứng sẽ có nguy cơ hình thành OCD cao gấp đôi so với những cặp song sinh khác trứng, nếu một người trong cặp song sinh đã có trình trạng này [9]. 

Nguồn hình: Photo by Christina Victoria Craft on Unsplash)

Nguồn hình: Photo by Christina Victoria Craft on Unsplash)

Trong suốt lịch sử của cách tiếp cận y-sinh, có rất nhiều phương pháp điều trị đã được khám phá, dù là một số đã không còn được tin dùng hiện nay, đa phần thuộc vào ba nhóm chính: kích thích não bộ, phẫu thuật, và thông dụng nhất là can thiệp bằng thuốc với việc sử dụng tăng đều qua các năm [10]. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh (truyền các tín hiệu hoá học) được não bộ sản xuất để điều hoà tâm trạng và giấc ngủ [11]. Thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc  (Selective serotonin re-uptake inhibitors – SSRIs) là một trong những thuốc chống trầm cảm thông dụng. Khi serotonin được giải phóng vào các khe synap (synaptic gap), thuốc kích thích các tế bào thần kinh nhận thông tin (receiving neuron), ức chế việc tái hấp thu serotonin từ các tế bào thần kinh ban đầu, từ đó làm tăng nồng độ setoronin trong khe synap. Cách tiếp cận y-sinh đã giải thích cặn kẽ cơ chế trong não bộ gây ra trầm cảm, xoá bỏ những lý giải mê tín. Hơn hết, những lý giải khách quan dựa trên sinh học còn giải phóng người có rối loạn đó khỏi những mặc cảm tội lỗi, trách nhiệm về tình trạng của họ. Việc điều trị bằng thuốc nhìn chung là hiệu quả. Thuốc chống trầm cảm vẫn đang là phương thức có hiệu suất cao đối với người trưởng thành trong nhiều giai đoạn trầm cảm nặng, cho kết quả nhanh hơn so với các phương pháp trị liệu khác [12]. Với nền tảng y học, việc điều trị bằng thuốc luôn được thử nghiệm lâm sàng, và trên nguyên tắc, chỉ được áp dụng thực tế khi đã được chứng minh tính hiệu quả. 

Tuy nhiên, cách tiếp cận y-sinh có những hạn chế và gây nhiều tranh cãi. Cho đến hiện nay, hầu hết các phương pháp điều trị bằng thuốc đều có tác dụng phụ. Ví dụ như buồn nôn, đau đầu, và mất ngủ là những tác dụng phụ của thuốc SSRIs [13]. Trên hết là chúng ta không thể chắc chắn rằng việc điều trị đang nhắm vào nguyên nhân cơ bản, gốc rễ của các rối loạn, hay chỉ đang chữa những triệu chứng. Một số nhà nghiên cứu bày tỏ quan ngại đối với việc sử dụng thuốc như một “chiếc áo bảo hộ” để khiến người bệnh cảm thấy tốt hơn thay vì chữa trị tận gốc; cho rằng người bệnh nên được biết thông tin và có thể lựa chọn việc sử dụng các loại thuốc tác động đến hệ thần kinh; và rằng thuốc không phải là “thần dược” cho các tổn thương não hoặc những sự thiếu hụt thông tin về hoạt động não bộ [14].  

Nguồn ảnh: Photo by Bret Kavanaugh on Unsplash

Nguồn ảnh: Photo by Bret Kavanaugh on Unsplash

Trong những năm gần đây, những tranh luận xung quanh cuốn Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-V) ngày càng trở nên sôi nổi. Deacon và McKay (2015) chỉ ra sự phụ thuộc quá nhiều của tâm thần học trong phương pháp tiếp cận y-sinh, viện dẫn rằng có quá nhiều tác nhân sinh học được cân nhắc trong quá trình chẩn đoán [15]. Trước đó, Deacon (2013) đã viết một bản phân tích chi tiết về phương thức tiếp cận y-sinh, với những luận điểm phê bình như sự thất bại của cách tiếp cận này trong việc giảm sự kỳ thị, mà theo cách nói của ông là không có một chút hiệu quả, ngược lại còn đẩy mạnh kỳ thị khi đổ lỗi cho những khiếm khuyết não bộ [16]. Hơn nữa, y-sinh là một góc nhìn rất hạn hẹp vì nó bỏ qua, không cân nhắc đến những tác động tâm lý hay môi trường, và do vậy có thể dẫn đến những chẩn đoán không chuẩn xác các rối loạn [17]. Độ tin cậy và hiệu lực trong chẩn đoán và phân loại các rối loạn tâm lý cũng còn nhiều bất cập. DSM-V chỉ có độ tin cậy inter-rater ở mức 0.46, trong khi đó phải từ 0.7 trở lên mới được xem là kết quả tốt [18]. Sự chồng chéo triệu chứng và rối loạn đi kèm (khi mà hai, hoặc hơn, tình trạng bệnh diễn ra cùng một lúc) làm giảm độ hiệu lực của chẩn đoán ở một mức độ nhất định. Sự chồng chéo các triệu chứng được nhận thấy giữa rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và trầm cảm [19]; nghiên cứu cho thấy trong những người có tâm thần phân liệt thì 50% có đi kèm trầm cảm, và 47% có đi kèm việc lạm dụng chất [20]. Thực tế, vẫn còn rất nhiều sự bất đồng giữa các bác sĩ tâm thần và khâu kiểm soát chất lượng trong việc hành nghề tâm thần học tại Mỹ vẫn còn thiếu hụt, và cần được chấn chỉnh [21]. 

Tiếp cận y-sinh đã từng là một mô hình phổ biến, có ảnh hưởng lớn trong việc chẩn đoán và nghiên cứu các rối loạn tâm lý trong thế kỷ hai mươi, với những ứng dụng trong việc điều trị vẫn còn được sử dụng rộng rãi cho tới nay. Sự ra đời của y học hiện đại  đã cách mạng hoá việc chăm sóc và quản lý những người có vấn đề về tâm lý, bằng cách tiết kiệm thời gian và công sức, tuy rằng nguy cơ  kỳ thị vẫn còn đó. Mặc dù có rất nhiều bằng chứng khoa học, góc nhìn hạn hẹp của phương pháp tiếp cận này vẫn dẫn đến việc lạm dụng hoá việc sử dụng thuốc, và cũng do bỏ qua hai yếu tố quan trọng là tâm lý và môi trường, và phương pháp tiếp cận y-sinh đã không còn được ưa chuộng như một phương pháp nghiên cứu tâm lý đáng tin cậy.

Dịch: Tâm Nguyễn

Biên tập: Tâm Nguyễn & Thoa Đinh

Thiết kế: Tâm Nguyễn

Previous
Previous

Sử Dụng Facebook Để Thu Nhận Người Tham Gia: Khi Kế Hoạch Dự Phòng Lại Hiệu Quả Hơn

Next
Next

Review Patrick Melrose: Buộc sự thỏa mãn phục vụ cho nỗi đau