Sử Dụng Facebook Để Thu Nhận Người Tham Gia: Khi Kế Hoạch Dự Phòng Lại Hiệu Quả Hơn

hero-banner.png

Thu nhận người tham gia là một thử thách lớn cho nhiều dự án nghiên cứu tâm lý xã hội. Điều này đặc biệt khó khăn ở bậc cao học, khi mà nguồn lực hạn chế và lịch trình của các dự án thường sát sao khiến các nghiên cứu sinh cần xác định những phương pháp thu nhận người tham gia  hiệu quả, tối ưu,  có đạo đức và mang tính đại diện cao. Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng Facebook là một công cụ chiêu mộ hữu hiệu và tiết kiệm chi phí bởi vì nó được sử dụng rộng rãi và có khả năng phát quảng cáo chọn lọc dựa trên đặc tính cá nhân của người dùng.

Thế nhưng phát hiện về phương pháp này lại là một chuyện tôi hoàn toàn không hề dự tính trước.

Dự án của tôi

Aigli-final-final.png

Để tôi bắt đầu lại từ đầu.

Tôi tên là Aigli và tôi hiện là ứng cử viên Tiến sĩ ngành Tâm lý lâm sàng tại Đại học Edinburgh.

Đề tài của tôi tập trung về nghiên cứu sức khoẻ tâm lý thai phụ, tức là những khó khăn về mặt tâm lý mà mỗi thai phụ trải qua trong suốt thai kỳ cho đến hết năm đầu sau sinh, và tác động của nó đến sự phát triển cảm xúc của trẻ sơ sinh. Quá trình học tiến sĩ của tôi bao gồm nhiều dự án khác nhau, nhưng trong bài viết này, tôi sẽ chỉ tập trung về quá trình thu nhận người tham gia cho khảo sát trên mạng của mình.

Vào khoảng sáu tháng trước, vào đầu tháng 3, khi mà các hồ sơ đánh giá đạo đức (diễn giải: quy trình đánh giá tính đạo đức của một nghiên cứu khoa học nhằm bảo vệ những đối tượng tham gia) của tôi được thông qua, và tôi đã thử nghiệm kỹ càng khảo sát của mình, tôi dần được chứng kiến dự án của mình đi vào hoạt động. Nghiệt ngã thay, dịch Covid ập đến! Dù gặp khó khăn, tôi phải công nhận rằng mình vẫn còn may mắn chán khi không phải thay đổi nhiều gì về phương pháp thí nghiệm của mình. Dù vậy, Covid-19 vẫn gây không ít khó khăn cho quá trình thu nhận ứng viên của tôi về nhiều mặt.

Trước hết, tôi gặp khó khăn trong việc huy động sự hỗ trợ và tuyên truyền việc thu nhận ứng viên của mình. Tôi đã gửi đi không biết bao nhiêu thư điện tử đến những cơ sở thiện nguyện về sức khoẻ tâm lý, dịch vụ trợ giúp cha mẹ, các nhân vật gây ảnh hưởng (influencers), bloggers, và người điều phối nhóm (group moderators). Gần 90% trong số đó không trả lời thư của tôi, và trong nhóm có hồi âm thì một nửa bảo rằng họ không thể hỗ trợ dự án của tôi. Tôi hoàn toàn thông cảm chuyện đó. Chúng ta đang sống trong một cuộc đại dịch, tôi chắc rằng các cơ sở từ thiện về sức khoẻ tâm lý có nhiều ưu tiên khác để lo. Tuy vậy, kế hoạch thu nhận ban đầu của tôi như vậy là thất bại.

Thứ hai, tôi đã hy vọng rằng giãn cách xã hội sẽ giúp những nhà nghiên cứu thu nhận được nhiều lượt tham gia hơn vì mọi người quá chán chường khi phải ở nhà, nhưng thực tế với tôi lại không hề như vậy. Tôi có thể cam đoan với bạn rằng không một bậc phụ huynh nào có con nhỏ dưới 2 tuổi lại cảm thấy buồn chán trong thời gian giãn cách xã hội cả. Sự thật là có thể nhín ra 20 phút để hoàn thành khảo sát của tôi trong thời gian này còn khó hơn bình thường. 

Thế nên, dù tôi đã cố gắng hết sức để tuyên truyền khảo sát của tôi ra khắp mọi nơi trên thế giới, nối lại liên lạc với những người mà tôi đã không gặp hay nói chuyện cả 20 năm nay, tôi vẫn không kiếm được đủ người. Truyền miệng cũng chỉ có thể giúp tôi đến thế thôi. Suốt 3 tháng thu nhận đầu tiên, số người tôi thu nhận chỉ đáng một phần nhỏ so với con số 1500 người tham gia cần có, dựa theo ước tính cỡ mẫu. Hơn nữa, vào thời điểm đó, các đại diện của tôi phần đông là phụ nữ da trắng có bằng cấp cao, phản ánh hiện thực rằng tôi đang thu nhận đa phần trong mạng lưới xã hội của mình.

Vào thời điểm đó, tôi chỉ còn 3 tháng để hoàn thành quá trình thu nhận. Tôi vẫn cần thêm người tham gia với những hoàn cảnh đa dạng hơn và cần xác định phương thức để tiếp cận họ. Sau khi tìm hiểu trên mạng, tôi quyết định sử dụng dịch vụ quảng cáo trên Facebook. Quá trình đăng ký quảng cáo trên Facebook khá đơn giản và dễ dàng. Tất cả những gì tôi cần làm là tạo một trang chủ trên Facebook, điền ngân sách chạy quảng cáo, và bắt đầu chiến dịch thu nhận thông qua công cụ tiếp thị của Facebook. (Xem Hình 1).

HÌnh 1. Hình Facebook quảng cáo tôi đã sử dụng

HÌnh 1. Hình Facebook quảng cáo tôi đã sử dụng

Bạn có thể tiến hành chiến dịch thu nhận người tham gia bằng cách nhắm đến một hoặc nhiều nhóm đối tượng dựa theo lý lịch điện tử của họ (bao gồm các thông tin họ chia sẻ công khai, các hội nhóm mà họ tham gia, những lượt yêu thích và chia sẻ), những đặc trưng dân số cụ thể (như nơi ở, tuổi, và giới tính), các hoạt động và sở thích - như Tâm lý học. Nói ngắn gọn là bạn chỉ cần đăng lên Facebook bản khảo sát của bạn và Facebook sẽ lo tất cả các bước còn lại. Facebook tự động tối ưu hoá hiệu suất của quảng cáo của bạn dựa trên ngân sách và thị trường bạn hướng đến. Để tối đa hoá hiệu quả của quá trình thu nhận thông qua quảng cáo trên Facebook, một nghiên cứu gần đây đưa ra những chiến lược như sau: 1) Sử dụng những tiêu chí loại trừ trong nghiên cứu của bạn để tiếp cận nhóm này; 2) Đề cập những trường đại học hoặc bệnh viện mà bạn công tác và các phần thưởng khuyến khích nếu có; 3) Đưa ra các giải thưởng để khuyến khích người dùng tham gia; và 4) Cân nhắc việc chủ động đánh vào các nhóm đối tượng ít được đại diện. Thành thật mà nói, tôi chỉ biết đến những chiến lược này sau khi tôi đã đóng phí để phát quảng cáo cho bài viết của tôi, nhưng ngạc nhiên thay, tôi đã thực hiện hết tất cả những điều trên mà không biết! Có lẽ đây là minh chứng cho việc sử dụng quảng cáo trên Facebook dễ dàng và đơn giản như thế nào.

Figure 2. My online recruitment progress: Number of participants per date.

Figure 2. My online recruitment progress: Number of participants per date.

Như bạn có thể thấy trong Hình 2, số người tham gia hoàn thành khảo sát của tôi gần như tăng gấp ba sau khi tôi bắt đầu sử dụng dịch vụ quảng cáo trên Facebook (mũi tên đỏ). Tuy nhiên, tôi cũng nên nói thêm rằng đây không chỉ là kết quả của việc sử dụng quảng cáo Facebook. Dù cho phần lớn số khảo sát hoàn thành là nhờ vào quảng cáo Facebook, một phần không nhỏ trong đó nhờ vào việc tôi vẫn không ngừng liên lạc với tất cả mọi nguồn lực hỗ trợ và tuyên truyền có thể. Các bạn thấy đấy, tôi đã đạt được số lượng mẫu mục tiêu và dù cho các mẫu của tôi vẫn đa phần là các bà mẹ, họ đều đến từ nhiều sắc tộc khác nhau, có trình độ học vấn và ngành nghề đa dạng. Theo kinh nghiệm của tôi, kế hoạch dự phòng (quảng cáo Facebook) lại là phương cách thu nhận hiệu quả nhất, nhưng, đương nhiên, nó không hề miễn phí. Vì vậy, trước khi bạn quyết định chọn giải pháp này, tôi khuyến khích bạn cân nhắc kỹ các lợi ích và hạn chế của nó.

Tóm lại, tại sao lại chọn Facebook?

Facebook không phải là phương tiện truyền thông xã hội duy nhất cho phép người dùng đăng quảng cáo có phí và các công cụ tiếp thị. Điều khiến Facebook vượt mặt các đối thủ là số lượng 2.6 tỷ người dùng mỗi tháng trên toàn thế giới. Với con số khủng này, có thể thấy rằng lựa chọn thu nhận qua Facebook là một phương thức khá hiệu quả để có thể tiếp cận được một số lượng cá nhân lớn và đa dạng trong một thời gian ngắn.

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều những nghiên cứu khảo sát về sức khoẻ và khoa học xã hội sử dụng hệ thống quảng cáo của Facebook, đưa ra một số quan sát về tính hiệu quả của nó. Kết quả của những nghiên cứu này cho thấy rằng Facebook có thể được sử dụng để lấy một số lượng mẫu đại diện. Tuy vậy, thu nhận qua Facebook cũng không loại bỏ được yếu tố thiên vị do lựa chọn cá nhân như các phương thức thu nhận truyền thống, một yếu tố dễ dẫn đến việc mất cân bằng tính đại diện của mẫu mục tiêu (ví dụ như nhiều nữ hơn nam quan tâm đến việc tham gia vào các nghiên cứu khoa học xã hội). Đa số các nghiên cứu này đều cho thấy rằng chiêu mộ qua quảng cáo trên Facebook là phương thức khả thi và ít tốn kém nhất, đặc biệt là đối với các đối tượng khó tiếp cận và về các chủ đề nhạy cảm hoặc gặp nhiều kỳ thị (ví dụ như là các nghiên cứu về sức khoẻ tâm lý và sử dụng chất kích thích, hành vi tình dục).

Nhìn chung, quảng cáo trên Facebook là một công cụ có tiềm năng cho việc nghiên cứu sức khoẻ tâm lý, nên tôi khuyến khích những ai đang thực hiện nghiên cứu nên làm quen với những lựa chọn này, đặc biệt là khi so sánh nó với những hạn chế của những phương thức chiêu mộ truyền thống.

Bạn không bao giờ biết khi nào bạn cần sử dụng nó!

Biên tập: Tiên Trần & Thuỳ Anh

Minh hoạ: Froggy

Aigli Raouna

Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý lâm sàng tại ĐH Edinburgh, UK

Previous
Previous

InPsychOut Kể Chuyện Gãy #1: Khi Một Người Mất Một Người

Next
Next

Tổng Quan Tiếp Cận Y-Sinh Trong Tâm Lý Học