Tổng Quan Về Hành Vi Tự Sát
Tự sát là một vấn đề nghiêm trọng diễn ra ở khắp các quốc gia trên thế giới, và đặc biệt ở các nước Châu Á phát triển. Theo số liệu thống kê tỷ lệ tự sát (tính bằng số ca tự sát/100.000 người) trung bình toàn cầu là 10.5. Trong đó, Hàn Quốc đứng thứ 10 trên thế giới với tỷ lệ 26.9, Nhật Bản 18.5, và Trung Quốc 9.7 [1]. Tại các nước này, tỷ lệ tự sát trong độ tuổi thanh thiếu niên, từ học sinh đến những người đã đi làm, ở mức cao hơn tỷ lệ trung bình của quốc gia. Tại Việt Nam, tuy số liệu thống kê về tự sát không được công bố rộng rãi vì tính nhạy cảm của chủ đề này và các hội thoại xung quanh vấn đề tự sát dường như không diễn ra ngoài khuôn viên bệnh viện và phòng khám tâm thần, chúng ta vẫn biết đến hành vi tự sát trên các mặt báo trong nước, cũng như những vụ tự sát đình đám quốc tế của Goo Hara và Sulli năm 2019, Kim Jonghyun năm 2017, Anthony Bourdain năm 2018, và Robin Williams năm 2014.
Bạn có thể thấy là tự sát có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai, bất kể tuổi tác, giới tính, thu nhập, địa vị xã hội. Nhiều nghiên cứu cho thấy phần lớn những người có tiền sử tự sát hoặc đã chết bởi tự sát có tiền sử mắc các rối loạn tâm thần (RLTT) như loạn thần, nghiện rượu, lo âu, và phổ biến nhất là trầm cảm lâm sàng [2]. Bởi vậy tự sát có nhiều yếu tố nguy cơ giống với trầm cảm, như là tiền sử RLTT trong gia đình, người có bệnh mạn tính hay khuyết tật, sang chấn tâm lý, nạn nhân của lạm dụng, bạo hành, người cao tuổi, và người không có nơi nương tựa [3, 4]. Trong số những người trầm cảm, những người có tiền sử từng cố tự sát trong quá khứ có nguy cơ tự sát lại cao, nhất là khi họ có suy nghĩ và ý muốn tự sát lặp đi lặp lại kéo dài hơn hai tuần. Cũng chính vì lý do này mà trong lâm sàng, việc đánh giá nguy cơ tự sát là tối quan trọng khi thực hiện phỏng vấn ban đầu cho người trầm cảm hoặc có nguy cơ trầm cảm, cũng như những RLTT khác.
Việc đánh giá đúng mức độ nguy cơ tự sát sẽ giúp cho việc can thiệp và kiểm soát hành vi tự sát được thuận lợi hơn. Tùy thuộc vào nguy cơ tự sát, tiêu chuẩn can thiệp và kiểm soát hành vi tự sát ở các nước phát triển trên thế giới hầu hết xoay quanh bốn phương án sau: (1) trị liệu tâm lý, (2) điều trị thuốc, (3) điều trị kết hợp tâm lý và thuốc, và (4) điều trị nội trú có giám sát tại Bệnh Viện Tâm Thần (BVTT). Ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, người có nguy cơ tự sát cao thường được chỉ định điều trị nội trú tại BVTT, sử dụng kết hợp thuốc, liệu pháp tâm lý, và các liệu pháp đặc trị như liệu pháp kích thích từ xuyên sọ (Transcranial Magnetic Stimulation), liệu pháp sốc điện (Electro-Convulsive Therapy), dưới sự theo dõi 24/7 của các nhân viên y tế để đảm bảo tính mạng của họ [5, 6, 7].
Người có nguy cơ tự sát thấp và trung bình có thể được điều trị tại các phòng khám hay tại nhà, tuy nhiên người điều trị cần có sự giám sát chuyên môn chặt chẽ để đảm bảo an toàn của những cá nhân này. Họ có thể: (1) Học cách nhận thức các yếu tố khởi phát ý nghĩ tự sát và thực hiện các hoạt động để thích ứng với các yếu tố này và cải thiện tâm trạng (bao gồm việc gọi điện cho người thân, người trị liệu, BVTT để được nhập viện); (2) Học các kỹ năng kiểm soát tâm trạng, giải quyết các vấn đề, căng thẳng có thể gây ảnh hưởng tới suy nghĩ tự sát của họ; (3) Sử dụng thuốc hướng thần để làm giảm bớt các triệu chứng cơ thể (VD: mất ngủ, chán ăn, đau người) đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và suy nghĩ tự sát của họ. Đồng thời việc điều trị các RLTT đi kèm và giải quyết các yếu tố môi trường, xã hội (VD: mất việc, xung đột với người khác, mất mát...) sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ, suy nghĩ, và những hành vi tự sát [8].
Trong thời gian công tác tại Mỹ với vai trò chuyên viên tâm lý lâm sàng, bản thân mình cũng đã từng làm việc với những người có nguy cơ tự sát. Họ đều thuộc nhóm đối tượng, như người mắc bệnh mạn tính (ung thư), khuyết tật, sang chấn tâm lý, rối loạn tâm thần, nạn nhân bạo hành, người cao tuổi, không có nơi nương tựa. Việc đầu tiên mình luôn làm là tiến hành phỏng vấn lâm sàng và đánh giá nguy cơ tự sát sử dụng thang đánh giá nguy cơ tự sát Columbia (Columbia - Suicide Severity Rating Scale), tiêu chuẩn vàng để đánh giá nguy cơ tự sát trong lâm sàng [9]. Sau khi xác định được nguy cơ tự sát, mình tiến hành lên kế hoạch phòng ngừa tự sát bằng việc giúp họ xác định ra các yếu tố khởi phát ý tưởng tự sát, chúng thường là các sự kiện gây căng thẳng (stressors) trong cuộc sống của họ. Sau đó, mình giúp họ tìm ra các phương án để thích ứng với chúng, thay vì tìm đến rượu và các chất kích thích (làm tăng nguy cơ tự sát), và các hành vi tự hại (self-harm behaviours) như cắt, rạch cơ thể. Một cách ứng phó hiệu quả nhất? Là việc chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của họ với những người họ tin tưởng (bao gồm mình là người điều trị). Ngoài ra, họ cũng được cung cấp số điện thoại của cơ sở y tế gần nhất trong trường hợp họ muốn nhập viện để được giúp đỡ thêm.
Đôi khi mình sẽ tìm kiếm cả sự hỗ trợ của người thân (hoặc người chăm sóc) của họ để giúp loại bỏ các công cụ tự sát (VD: dao kéo, khóa thuốc vào ngăn tủ…), giảm thiểu nguy cơ tự sát thành công. Kế hoạch phòng ngừa tự sát cần có sự hợp tác của những người có ý định tự sát (có chữ kỹ cá nhân), được in ra và để tại nhà riêng nơi có thể dễ dàng nhìn thấy và làm theo. Trong 6 tháng sau khi đánh giá lâm sàng, những cá nhân này sẽ được thêm vào danh sách có nguy cơ tự sát để người điều trị theo dõi và tư vấn thường xuyên, tầm 2-3 lần/tuần, cho đến khi tần suất của suy nghĩ và ý muốn tự sát giảm đi. Việc tư vấn sẽ tập trung vào việc khơi gợi và nhấn mạnh các yếu tố bảo hộ (protective factors) của cá nhân làm họ muốn tiếp tục sống (VD: con cháu, gia đình, bố mẹ, đức tin…), cũng như tìm phương án giải quyết các vấn đề về môi trường, xã hội (VD: ly dị chồng bạo hành, tìm việc làm…) hay sinh học (VD: sử dụng thuốc để giảm triệu chứng trầm cảm, hưng cảm, loạn thần... ) để cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tự sát.
Người đã từng có ý muốn tự sát hay tiền sử tự sát đều có cơ hội tiếp tục cuộc sống và thực hiện những dự định tương lại của mình. Mình vẫn còn nhớ đến anh J.L., khi mới đến với mình đã từng cố tự sát năm lần vì thất nghiệp và cảm giác lạc lõng trong cuộc sống, sau sáu tháng điều trị đã tự mình chuyển đến một bang khác sống, tìm được việc làm ổn định, tập yoga và đi nhà thờ hằng ngày, và hiện đang chung sống với bạn gái của anh. Rồi còn câu chuyện của chị L.B., nhập viện vì uống rượu cùng với thuốc hướng thần, là nạn nhân của bạo hành gia đình và thất nghiệp trong một thời gian dài, sau tám tháng điều trị đã ly dị chồng và chuyển về quê sống với con gái, người có ý nghĩa lớn nhất trong đời chị. Chị hiện đang quản lý một nhà hàng tại quê nhà và vẫn luôn nhớ tập thể dục và thiền định hằng ngày. Các câu chuyện này luôn là nguồn động viên lớn giúp mình vững bước trong ngành và cho thấy sự thiết yếu của một xã hội coi trọng sức khỏe tâm thần.
Hưởng ứng ngày Phòng Chống Tự Sát Thế Giới 10/09, qua bài viết này, mình mong chúng ta có thể bắt tay vào thay đổi các cuộc hội thoại về chủ đề tự sát hay sức khỏe tâm thần mà hiện giờ mới chỉ mang tính phớt lờ, né tránh. Hãy cùng chung tay để giúp những người đang tự mình vật lộn với các vấn đề này có thể chia sẻ trải nghiệm của họ với gia đình, xã hội, hay chính các bạn, cũng như tìm đến và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần có thể cứu sống họ mà không bị xã hội kỳ thị.
Biên tập: Thoa Đinh & Hương Lê
Thiết kế: Tâm Nguyễn
Nguồn:
World Health Organization (2016). Suicide rate estimates, crude estimates by country. Retrieved from https://apps.who.int/gho/data/node.main.MHSUICIDE
Brådvik L. (2018). Suicide Risk and Mental Disorders. International journal of environmental research and public health, 15(9), 2028. https://doi.org/10.3390/ijerph15092028
Centers for Disease Control and Prevention (2019). Suicide Risk and Protective Factors. Retrieved from https://www.cdc.gov/violenceprevention/suicide/riskprotectivefactors.html
Hawton, K., Casañas I Comabella, C., Haw, C., & Saunders, K. (2013). Risk factors for suicide in individuals with depression: a systematic review. Journal of affective disorders, 147(1-3), 17–28. https://doi.org/10.1016/j.jad.2013.01.004
Leiknes, K. A., Schweder, L. J., & Høie, B. (2012). Contemporary use and practice of electroconvulsive therapy worldwide. Brain and Behavior, 2(3), 283-344. doi:10.1002/brb3.37
Abdelnaim, M. A., Langguth, B., Deppe, M., Mohonko, A., Kreuzer, P. M., Poeppl, T. B., . . . Schecklmann, M. (2020). Anti-Suicidal Efficacy of Repetitive Transcranial Magnetic Stimulation in Depressive Patients: A Retrospective Analysis of a Large Sample. Frontiers in Psychiatry, 10. doi:10.3389/fpsyt.2019.00929
Kellner, C. H., Li, E. H., Farber, K. G., Geduldig, E. T., & Ahle, G. M. (2016). Electroconvulsive Therapy (ECT) and Suicide Prevention. Current Treatment Options in Psychiatry, 3(1), 73-81. doi:10.1007/s40501-016-0067-8
Chesin, M., & Stanley, B. (2013). Risk assessment and psychosocial interventions for suicidal patients. Bipolar Disorders, 15(5), 584-593. doi:10.1111/bdi.12092
Posner, K., Brent, D., Lucas, C., Gould, M., Stanley, B., Brown, G., ... & Mann, J. (2008). Columbia-suicide severity rating scale (C-SSRS). New York, NY: Columbia University Medical Center, 2008.