Một Chút Về Tôi: Cách Tôi ‘Sắp Xếp Lại’ Cuộc Sống

SEPPS1_Cover

Thật sự là tôi đã rất do dự khi viết ra những dòng tâm sự này nhưng tôi mong rằng câu chuyện của tôi sẽ giúp cho những ai đang gặp rắc rối với những âu lo thường ngày”.

Xin chào, tôi tên là Trinh. Hôm nay là một trong những ngày đặc biệt đối với tôi, bởi vì hôm nay là ngày sinh nhật của tôi và tôi quyết định sẽ kể ra câu chuyện bấy lâu nay đã giữ trong lòng. Bài viết này là đôi điều về bản thân và cách tôi đã “sắp xếp lại” những rối rắm trong cuộc sống của tôi.

Bản thân tôi không có gì đặc biệt. Tôi có một cuộc sống bình thường, một gia đình bình thường và những mối quan hệ xã hội bình thường. Trình độ học vấn của tôi cũng không phải là siêu phàm và sở thích cũng khá là đơn thuần. Mặc cho cuộc sống ‘bình thường’ này, lạ thay, tôi lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng. Từ những lúc tôi quên làm bài tập tới những lúc tôi quên dọn dẹp nhà cửa, tôi lúc nào cũng cảm thấy sự kiệt quệ của bản thân. Tôi thấy căng thẳng kể cả những lúc chơi game hay vẽ tranh, những thứ mà tôi thực sự yêu thích và có hứng thú. Từ những chuyện nhỏ nhặt cho tới những vấn đề lớn hơn, mọi chi tiết đều mang đến phiền muộn cho tôi. Ai cũng bảo rằng sự căng thẳng là một phần của cuộc sống nhưng nó làm khuấy động và khiến cuộc sống tôi trở nên lộn xộn hơn bất kì điều gì. Có những lúc, chỉ chỉ một câu nói của người khác cũng đủ làm tôi thức trắng đêm. Nhiều người sẽ nghĩ rằng tôi đang phản ứng thái quá. Họ không thấy và hiểu được sự nghiêm trọng của nó, vì vậy, để chia sẻ được câu chuyện này là một việc rất khó đối với tôi.

SepPS1_2

Những người thân thiết với tôi thường hỏi rằng, liệu sự căng thẳng này có phải là hệ quả của tuổi thơ tôi. Tuổi thơ tôi không đầy lo âu nhưng phần nào cũng định hình con đường ‘trưởng thành’ của tôi và cũng khiến tôi thành một người dễ cáu gắt hơn. Em trai tôi lúc 3 tuổi đã được chẩn đoán với tự kỷ. Vì thế, em tôi gần như nhận được hoàn toàn sự quan tâm từ cha mẹ tôi và điều đó khiến tôi thật sự rất ghen tị. Đối với hầu hết mọi đứa trẻ, việc cảm thấy có sự phân biệt đối xử trong tình yêu của  cha mẹ không bao giờ là điều dễ chịu, và tôi lại là một trong số đó. Cha mẹ tôi không bao giờ so sánh chúng tôi nhưng tôi luôn cảm thấy có sự khác biệt trong các đối xử với hai chị em tôi. Lúc còn học tiểu học, cha mẹ tôi thường quên đón tôi đúng giờ sau khi tan học và họ thường lấy lý do rằng họ rất bận rộn. Tôi gần như không bao giờ tổ chức tiệc sinh nhật vì đối với cha mẹ tôi, điều đó là hoang phí tiền bạc. Mặc dù cũng nhận được quà sinh nhật nhưng chúng thường chỉ toàn là dụng cụ học tập. Tôi thấy mình cũng không may mắn lắm khi những năm tiểu học của tôi cũng không tốt đẹp gì. Tôi bị bắt nạt bởi những người mà tôi vốn cho là bạn và một giáo viên trong trường. Mỗi ngày, tôi đều ước rằng một cô tiên tốt bụng sẽ xuất hiện và mang tôi thoát khỏi hiện thực khắc nghiệt này. Tôi cũng mất rất lâu để hồi phục lại từ khoảng thời gian này và cho tới năm cấp 2, tôi đã trở nên gắt gỏng và bắt đầu nói tục.

Chắc hẳn đọc tới đây bạn nghĩ rằng, câu chuyện trên chưa giải thích được lý do tôi luôn bị căng thẳng. Câu chuyện đó mới chỉ là bề trên của tảng băng trôi. Cuộc sống của tôi thật sự trở nên tồi tệ khi tôi bắt đầu qua Mỹ du học. Trước đó, tôi đã rất hào hứng và luôn mong muốn được sống ở Mỹ như những bộ phim Mỹ mà tôi đã từng xem. Tôi thích văn hóa Mỹ cũng như môi trường học tập tại đây. Tôi đã nghĩ rằng mình đã bước qua trang sách mới của cuộc đời khi tôi chuyển qua Mỹ để sống. Vì gia đình không cho tôi ở ký túc xá nên tôi đã qua nhà dì sống. Nhưng đó thật sự là một ác mộng với tôi vì tính cách thô lỗ của dì. Dì tôi ngày nào cũng bảo tôi làm việc nhà. Dì không cho phép tôi sử dụng điện thoại thường xuyên dù là để gọi điện thoại cho gia đình. Dì luôn vào phòng tôi mà không thông báo và nhiều lần tôi phát hiện mình còn bị mất đồ. Tôi cũng phải trả tiền nhà mỗi tháng bởi vì dì tôi bảo rằng đó là chi phí cho tiền ăn uống của tôi. Ở trường, vì tôi không đủ tự tin để giao tiếp xung quanh nên tôi luôn một mình. Tôi cũng đã thử nói chuyện với cha mẹ mình nhưng họ có vẻ như không thể đồng cảm với tôi. Khi tôi quyết định sẽ theo đuổi ngành hội họa thì cũng không nhận được sự đồng tình từ cha mẹ. Vì thiếu đi sự hỗ trợ từ những người tôi yêu thương, tôi đã trở thành một người bất ổn và nhút nhát. Một người luôn căng thẳng cho những điều nhỏ nhặt nhất. Tôi cũng mất đi sự can đảm để theo đuổi ước mơ và điều này làm tôi đổi ý. May rằng, khoảng thời gian đen tối này không kéo dài mãi mãi. Tôi đã học được cách tự lập và tìm lại được sự tự tin. Chính điều này giúp tôi thoát khỏi sự căng thẳng và cảm giác bất ổn.

Bạn sẽ hỏi tôi vậy cách nào đã giúp tôi đối phó với những nỗi khổ và vượt qua nó. Nếu tôi nói rằng, làm được điều này rất dễ, thì tôi lại đang nói dối bạn và chính mình. Lúc ban đầu, tôi học cách sống và chấp nhận sự tồn tại của căng thẳng.Tôi thừa nhận nó và học cách đối mặt với nó. Chúng ta có nên lờ đi sự căng thẳng hay không? Thật sự chuyện này có thể có nhiều tranh luận. Vài người sẽ nghĩ rằng khi chúng ta lờ đi sự căng thẳng thì sẽ không cảm thấy gì. Còn vài người lại nghĩ rằng chúng ta nên tìm cách đối xử với nó như là một phần của cuộc sống. Theo ý kiến của tôi, chúng ta nên vừa công nhận vừa làm ngơ đi sự căng thẳng. Đầu tiên, chúng ta công nhận sự tồn tại của nó, tìm hiểu điều gì gây ra sự căng thẳng này và tìm cách giải quyết nó và đến bước cuối cùng thì có thể  làm ngơ nó. Đó là cách tôi đã đối phó với sự căng thẳng. Tôi tìm đến những người ‘cố vấn’ đáng tin cậy của mình (với tôi, đó là cô giáo và một người bạn thân) mỗi khi tôi phải ‘đối phó với sự căng thẳng’. Khi bạn không biết phải gạt bỏ sự căng thẳng như thế nào thì bạn nên chia sẻ với ai đó thân thiết với mình. Họ có thể sẽ có những hướng giải quyết tốt hơn cho vấn đề của bạn hay đơn giản việc nói chuyện với ai đó thân thiết yêu thương mình cũng có thể sẽ giúp bạn giảm đi sự căng thẳng.

Cuối cùng thì tôi cũng đã viết ra được những suy nghĩ thầm kín này. Qua đây, tôi tự thấy mình đã tốt hơn trước nhiều rồi. Tôi mong trong tương lai không xa, tôi có thể giúp đỡ nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, bằng những câu chuyện và kĩ năng của mình. Tôi hi vọng có thể giúp họ tìm ra được con đường riêng và cách chữa lành tâm hồn. Mong các bạn sẽ luôn vui vẻ và sống một cách thoải mải không nhiều phiền muộn trong cuộc sống.

 

Dịch: Alice P Chan

Biên tập: Kathy Đỗ & Hương Lê

Minh họa và Thiết kế: Quỳnh Theresa Đỗ

Trinh Nguyễn

Mình tên là Trinh Nguyễn, hiện tại đang theo học ngành Tâm lý giáo dục và gia đình. Mình mong rằng sau này mình sẽ chữa lành được những vết thương tinh thần cho tất cả các bạn.

Previous
Previous

Tổng Quan Về Hành Vi Tự Sát

Next
Next

Tham Vấn Tâm Lý: Một Sự Thay Thế Tốt Cho Tiến Sĩ Lâm Sàng?