Những Đứa Trẻ Bị Phụ Huynh Hóa - Họ Là Ai?

“Khác với những đứa trẻ khác, Jenny ngồi im lặng trên chiếc ghế trong phòng tham vấn, tay chống cằm và đôi mắt nhìn vô định. Mẹ Jenny đưa em đến đây. […] Lảng tránh ánh mắt của tôi nhưng Jenny trả lời chi tiết và rành rọt những câu hỏi về tình trạng gia đình, những khó khăn mà mẹ em và em đang phải đối mặt. Rất nhiều lần, tôi phải tự nhắc nhở rằng tôi đang nói chuyện với một cô bé 7 tuổi, chứ không phải 37 tuổi. [1]”

Đây là đoạn dẫn trong cuốn sách “Lost childhoods: The Plight of the Parentified child” (Tạm dịch: “Tuổi thơ bị đánh mất: Hoàn cảnh của những đứa trẻ bị phụ huynh hoá”) của tác giả Gregor Jurkovic. Cuộc gặp gỡ của ông và cô bé tên Jenny gợi mở cho hành trình tìm hiểu cảnh ngộ của những đứa trẻ giống như Jenny – những đứa trẻ bị phụ huynh hoá. 

  1. Định nghĩa “the parental child – đứa trẻ đóng vai trò như cha mẹ”

Khái niệm “the parental child – đứa trẻ đóng vai trò như cha mẹ” được đề cập bởi Minuchin và cộng sự, nhắc tới những đứa trẻ đảm nhiệm vai trò của cha mẹ vì hoàn cảnh gia đình. [2] Tới năm 1973, Boszormenyi-Nagy và Spark đưa ra định nghĩa rõ hơn về  “quá trình phụ huynh hoá (parentification)” - kỳ vọng từ cha mẹ rằng một đứa trẻ sẽ hoàn thành những nhiệm vụ của họ trong hệ thống gia đình. Một thuật ngữ khác cũng được dùng để mô tả quá trình phụ huynh hóa là “đảo ngược vai trò (role reverse)”. Đảo ngược vai trò ở đây có 2 trường hợp: (1) một đứa trẻ đóng vai trò là “cha mẹ” đối với cha mẹ của chúng; (2) một đứa trẻ đóng vai trò là “bạn đời” với cha mẹ của chúng. Dù là trường hợp đảo ngược nào thì ranh giới giữa các thế hệ được quy ước trong hệ thống gia đình cũng đã bị xâm phạm, từ đó làm đảo lộn sự cân bằng của hệ thống gia đình và ảnh hưởng đến sự phát triển của từng thành viên. [3]

Trong một số điều kiện gia đình rối loạn chức năng như có người nghiện rượu, cha/mẹ đơn thân, có người bị ốm nặng hoặc thiếu điều kiện kinh tế v.v., có những đứa trẻ phải trải qua quá trình đảo vai với phụ huynh và đảm nhiệm những vai trò chăm sóc  được cho là của phụ huynh. Quá trình ấy được gọi là “phụ huynh hoá – parentification” và những đứa trẻ ấy trở thành “đứa trẻ bị phụ huynh hoá – parentified child”. Ở trong hoàn cảnh ấy, trẻ có thể đối mặt với những tác động ảnh hưởng tới sự phát triển sau này ví như “có thể tham gia vào nhiều mối quan hệ thân thiết nhưng luôn ở vai trò chăm sóc, chứ không bao giờ nhận được sự chăm sóc.” [4]

Để đánh giá một đứa trẻ có đang hoặc đã phải quá trình phụ huynh hoá hay không,  Gregor Jurkovik đưa ra một số gợi ý:

  • Vai trò chăm sóc của trẻ được thể hiện một cách rõ ràng (Overtness): Việc trẻ phải đảm nhiệm vai trò bảo vệ, chăm sóc và những hành vi có trách nhiệm cao dễ dàng có thể quan sát được và thể hiện một cách rõ ràng. [1]

  • Những kiểu nhiệm vụ mà đứa trẻ phải đảm nhiệm: Có hai kiểu nhiệm vụ mà những đứa trẻ trong vai phụ huynh phải đảm nhiệm: nhiệm vụ theo hướng đáp ứng nhu cầu về công cụ (instrumental) biểu hiện (expressive). Phân công nhiệm vụ theo hướng công cụ yêu cầu đứa trẻ chăm sóc về mặt vật chất, thể chất cho các thành viên cho gia đình như chăm sóc em nhỏ, mua sắm, nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc cho một thành viên bị ốm nặng hoặc mất chức năng về thể chất v.v. Còn với kiểu giao việc nghiêng về hướng biểu hiện, trẻ có xu hướng phải đáp ứng những nhu cầu về mặt cảm xúc của các thành viên trong gia đình như bảo vệ, đồng hành; hòa giải tranh cãi trong gia đình; ủng hộ và xoa dịu cảm xúc; đánh giá và đáp ứng nhu cầu cảm xúc của cha mẹ; đóng vai trò là người bạn tâm giao và là nguồn hỗ trợ vững chắc cho các thành viên khác; can thiệp khi các thành viên có khủng hoảng về tâm lý. [5] Hơn nữa, cần cân nhắc thêm về mức độ và thời gian mà một đứa trẻ phải đảm nhiệm hai kiểu nhiệm vụ trên. [1]

  • Đối tượng nhận chăm sóc từ trẻ: Trẻ được kỳ vọng sẽ chăm sóc một vài thành viên trong gia đình hay tất cả các thành viên, chỉ chăm sóc cha hoặc mẹ hay cả hai, hay gánh vác cả trách nhiệm chăm sóc anh chị em ruột. [1]

  • Sự phù hợp của độ tuổi với những vai trò phải đảm đương:  Một đứa trẻ phải đảm đương vai trò của cha mẹ ở độ tuổi càng sớm thì sự bất hợp lý sẽ càng gia tăng. Ví dụ khi giao hoàn toàn nhiệm vụ chăm sóc em nhỏ cho một đứa trẻ 6 tuổi mà không có sự giám sát của cha mẹ hoặc người lớn tuổi có thể là biểu hiện của quá trình phụ huynh hoá. [1]

    2. Những nguyên nhân tới từ nhiều khía cạnh 

Để xác định được nguyên nhân dẫn tới quá trình phụ huynh hoá trong gia đình cần sử dụng một khung phân tích nhiều cấp bậc từ cấp độ cá nhân tới hệ thống vi mô, vĩ mô nghiên cứu tổng hợp các yếu tố. Tuy nhiên có một số yếu tố quan trọng không thể không nhắc tới được liệt kê dưới đây: 

  • Đặc điểm phát triển của mỗi cá nhân: (1) Tính khí của đứa trẻ: Nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ có xu hướng hòa hoãn, giảng hoà thường dễ rơi vào quá trình phụ huynh hoá, bởi chúng mong muốn đáp ứng nhu cầu của cha mẹ mình; (2) Khả năng chăm sóc: Những đứa trẻ có khả năng thông cảm và có năng lực chăm sóc người khác sẽ dễ phải đối mặt với quá trình bị phụ huynh hoá. 

“Hai anh em Michael và Paul đang tranh giành một món đồ chơi, Paul khóc lớn. Michael thể hiện sự quan tâm tới em và nhường ngay món đồ chơi, nhưng Paul vẫn tiếp tục khóc. Michael im lặng, sau đó đưa thêm cho Paul con gấu bông yêu thích của mình, nhưng vẫn không dỗ được em hết khóc. Michael ngẫm nghĩ một lúc, chạy về phòng ngủ và lấy  ‘security blanket - chiếc chăn bảo hộ’ của Paul và nhẹ nhàng đưa cho em. Và Paul lập tức ngừng khóc". 

Tình huống này gợi ý việc phân công nhiệm vụ xã hội và thói quen giúp đỡ có thể xuất hiện từ trước 2 tuổi, đặc biệt trong mối quan hệ gia đình và có mối liên quan đến việc trẻ trải qua quá trình phụ huynh hoá [1]

  • Đặc điểm gia đình: Khi gia đình có những yếu tố gây căng thẳng ví dụ như có người ốm nặng, có người mất khả năng tự chăm sóc; khả năng tài chính bị giảm sút hoặc không có đủ tài chính để trang trải cuộc sống; gia đình cha mẹ đơn thân hoặc cha mẹ bất hoà có thể gây ra tình trạng những người lớn trong gia đình không có đủ khả năng hoặc thiếu thời gian/nguồn lực để tự chăm sóc bản thân và chăm sóc những đứa trẻ. Từ đó dẫn đến việc đứa trẻ phải đảm nhiệm vai trò chăm sóc đáng ra thuộc về những người lớn trong gia đình

  • Tương tác quan hệ gia đình – nhà trường: Trong quan hệ với bạn bè hoặc giáo viên trong trường, nếu những mối quan hệ này không có sự ủng hộ và các gắn kết lành mạnh, ngang hàng; những đứa trẻ bị phụ huynh hoá có xu hướng tiếp tục đóng vai người chăm sóc với bạn bè, hoặc giáo viên

  • Tương tác giữa phụ huynh và bạn bè của trẻ: Cha mẹ của trẻ có động viên trẻ có những mối quan hệ lành mạnh với nhóm bạn hay không? Cha mẹ có biết rằng con mình đang có vai trò như thế nào trong một nhóm bạn, liệu rằng chúng có đang phải đảm nhiệm vai trò của một người chăm sóc? Nếu thiếu những yếu tố này, trẻ càng dễ phải đối mặt với quá trình phụ huynh hoá. 

    3. Ảnh hưởng của việc “đổi vai”

Không kể đến sự khác biệt của giới tính và độ tuổi, những đứa trẻ bị phụ huynh hoá phải đối mặt với những ảnh hưởng mà việc “đổi vai” này đã tác động đến chúng. [1]

  • Đánh mất tuổi thơ và đánh mất lòng tin: Một trong những mất mát lớn nhất của những đứa trẻ bị phụ huynh hoá là cảm giác mất trải nghiệm tuổi thơ. Có những đứa trẻ mơ rằng mình đã chết đi, hoặc gần như chết - đó chính là cái chết của hình ảnh của cái tôi thật của đứa trẻ - cái tôi đầy ngẫu hứng và nhiều sức sống. Không chỉ vậy, hình ảnh về người cha/người mẹ cũng có thể bị xoá nhoà trong ký ức tuổi thơ. Một người trưởng thành đã có trải nghiệm bị phụ huynh hoá chia sẻ về cảm nhận “mồ côi về mặt tâm lý (psychologically homeless)”: “Cha mẹ của tôi đã không ở đó vì tôi”. Ngoài ra, đi kèm với việc đánh mất tuổi thơ là đánh mất lòng tin với chính bản thân mình và cả người khác

  • Sự tức giận bị đè nén và giấu kín

  • Căng thẳng đi kèm với cảm giác bất an, lo lắng, năng lượng thấp

  • Cảm giác xấu hổ và tội lỗi: Những đứa trẻ bị phụ huynh hoá có thể có những cảm giác xấu hổ về những vấn đề của gia đình mình và cũng khó có cảm giác vui sướng hay hạnh phúc về những thành tựu trong cuộc sống vì vẫn vướng mắc rằng những thành viên mà họ quan tâm trong gia đình không có được những điều mà họ đạt được

  • Xâm hại tình dục và cơ thể: Việc không đáp ứng kịp thời những yêu cầu từ cha mẹ có thể khiến đứa trẻ đối mặt với việc bị ngược đãi hoặc có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc rơi vào những mối quan hệ loạn luân bị che giấu vì phải đóng vai “bạn đời” của cha mẹ và bị buộc phải đáp ứng nhu cầu tình dục của cha/mẹ

  • Vấn đề với bạn bè đồng trang lứa: khó chia sẻ và mở lòng với bạn bè;  hoặc lại đóng vai người chăm sóc với nhóm bạn như vai trò thường đảm nhiệm trong gia đình

  • Khó cân bằng cuộc sống và hoàn thành những nhiệm vụ học tập

  • Gián đoạn trong phát triển nhân dạng (identity): Nhân dạng của đứa trẻ bị phát triển xoay quanh những nhu cầu của các thành viên trong gia đình bởi vậy trẻ có thể bị bó hẹp trong những đặc điểm danh tính của một người chăm sóc

  • Khó khăn trong việc ra quyết định tách khỏi gia đình vì lo rằng những thành viên khác trong gia đình không thể sống thiếu sự chăm sóc của họ và tin rằng họ cần hiện diện tại gia đình

  • Lo ngại liên quan đến nghề nghiệp: Những đứa trẻ bị phụ huynh hoá có thể tiếp tục xu hướng như một người chăm sóc bằng cách lựa chọn những nghề nghiệp mà người khác có xu hướng “cần” mình

  • Rối loạn nhân cách: Những đứa trẻ bị phụ huynh hoá có thể đối mặt với việc hình thành những nét tính cách không lành mạnh hoặc những rối loạn nhân cách. (Rối loạn nhân cách là cách suy nghĩ, cảm nhận và hành vi của một cá nhân đi chệch khỏi quy chuẩn của cộng đồng, gây ra những hậu quả tiêu cực hoặc ảnh hưởng tới các chức năng trong cuộc sống và có xu hướng kéo dài [6]). Ví dụ: 

    •  Không phát triển sự ổn định về mặt đối tượng - object constancy  (Về cơ bản, đây là khả năng hình thành liên kết cảm xúc tích cực với ai đó dù có sự xuất hiện của những cảm xúc tiêu cực như tức giận, tổn thương hoặc thất vọng về người đó [7])

    • Thiếu kỹ năng xoa dịu bản thân

    • Giảm khả năng ở một mình 

May IC3_3.png

Ngoài ra, những đứa trẻ bị phụ huynh hoá cũng có thể đối mặt với những xáo trộn ái kỷ (narcissistic disturbance): hoang tưởng khuếch đại khi đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ hoặc trầm cảm khi không đáp ứng được những kỳ vọng ấy. Cả hai xáo trộn này đều dẫn đến việc những đứa trẻ bị phụ huynh hoá cần phải duy trì một cái tôi dựa trên mong đợi của cha mẹ và phóng chiếu cảm xúc của cha mẹ. Chúng cũng phản ảnh các động lực tương tự: tự đánh giá bản thân thấp, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, nỗi lo sợ mất đi tình yêu, xu hướng làm hài lòng người khác hoặc từ chối nhận diện cảm xúc. 

Không những vậy,  đồng luỵ thuộc (codependency - sự phát triển cái tôi giả để đáp ứng nhu cầu của người khác và dựa trên sự xấu hổ về cái tôi thật [8]); hành vi tự hại; xu hướng khó tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác; và cảm giác không xứng đáng được chăm sóc cũng có thể là một trong những hậu quả của quá trình phụ huynh hoá. [1]

  • Sự phát triển hội chứng kẻ mạo danh (Hội chứng kẻ mạo danh - Imposter Syndrome là một thuật ngữ tâm lý đề cập đến một kiểu hành vi, trong đó người mang hội chứng này ngay cả những người có những thành công và thành tựu rõ rệt, nghi ngờ khả năng của họ và có nỗi sợ hãi dai dẳng bị "phát hiện" là kẻ lừa đảo [9]):  Những đứa trẻ bị phụ huynh hoá có khả năng cảm thấy mình không đủ năng lực để đáp ứng những yêu cầu từ cha mẹ, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành với mong muốn duy trì mối quan hệ tình cảm với cha mẹ. Sau này khi lớn lên, cảm giác không chân thực và “không đủ" trong tuổi thơ vẫn tồn tại. Trong quá trình trưởng thành, những cảm giác này có khả năng phát triển thành hội chứng kẻ mạo danh. [10] 

  • Khi những đứa trẻ bị phụ huynh hoá trưởng thành và trở thành lứa cha mẹ tiếp theo, ảnh hưởng của quá trình này vẫn không ngừng lại. Những đứa trẻ bị phụ huynh hoá có thể có xu hướng chăm sóc quá mức với con cái của họ, luôn coi con cái cần sự chăm sóc đặc biệt dù chúng đã trưởng thành và đủ năng lực chăm sóc bản thân. [1]

Tạm kết

“Tuổi thơ bị đánh mất” là cảnh ngộ chung của những đứa trẻ bị phụ huynh hoá, và những tổn thương là điều không thể phủ nhận. Những gợi mở về quá trình chữa lành cho những đứa trẻ ấy xin phép được đề cập ở kì sau của bài viết. 

Nguồn tham khảo:

[1] Jurkovic, G. J. Lost childhoods: The plight of the parentified child. New York: Routledge; 2014. 

[2] Minuchin S, etc. Families of the slums: Exploration of their structure treatment. London, England: Basic Books; 1967.

[3] Boszormenyi-Nagy I. Invisible Loyalties. 0 ed. Philadelphia, PA: Lippincott Williams and Wilkins; 1973.

[4] West ML, Keller AER. Parentification of the child: A case study of Bowlby’s compulsive care-giving attachment pattern. Am J Psychother. 1991;45(3):425–31.

[5] Earley L, Cushway D. The parentified child. Clin Child Psychol Psychiatry. 2002;7(2):163–78. https://doi.org/10.1177/1359104502007002005.

[6] American Psychiatric Association. Diagnostic and statistical manual of mental disorders (DSM-5 (R)). 5th ed. Arlington, TX: American Psychiatric Association Publishing; 2013.

[7] Akhtar S. Object constancy and adult psychopathology. Int J Psychoanal. 1994;75 ( Pt 3):441–55.

[8] Wells M, Glickauf-Hughes C, Jones R. Codependency: A grass roots construct’s relationship to shame-proneness, low self-esteem, and childhood parentification. Am J Fam Ther. 1999;27(1):63–71.

[9] Clance PR, Imes SA. The imposter phenomenon in high achieving women: Dynamics and therapeutic intervention. Psychotherapy (Chic). 1978;15(3):241–7.

[10] Castro DM, Jones RA, Mirsalimi H. Parentification and the impostor phenomenon: An empirical investigation. Am J Fam Ther. 2004;32(3):205–16., doi: 10.1080/01926180490425676

“Tất cả bài viết của IPO được viết dựa trên nghiên cứu, kiến thức, kinh nghiệm sống và quan điểm cá nhân của tác giả - không mang mục đích chẩn đoán hay chữa trị các rối loạn tâm lý”.

 Biên tập: Thoa Đinh

Minh họa: Diệu Anh

Diệu Anh

“Mình là Diệu Anh, hiện đang làm việc tại một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội. Tâm lý học là chuyên ngành thứ hai của mình. Mình quyết định theo đuổi ngành học này vì sau quá trình gắn bó với các dự án phát triển vì cộng đồng và làm việc với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và yếu thế khác nhau, mình nhận ra rằng để tạo ra những thay đổi bền vững cho bất kỳ một cộng đồng nào, một bước rất cần thiết tuy nhiên thường bị bỏ qua đó là chuẩn bị tâm lý cho những người trong cuộc. Mình đặc biệt quan tâm tới chủ đề về gia đình rối loạn chức năng; hỗ trợ tâm lý cho nhóm yếu thế và không đủ điều kiện tiếp cận nguồn lực. Được đồng hành cùng IPO và đóng góp những bài viết là một điều trải nghiệm rất ý nghĩa với mình”

Previous
Previous

Hỗ Trợ Trị Liệu Bằng Chất Thức Thần (Psychedelics) (phần 1): Buổi Trị Liệu

Next
Next

Millennials Và Những Suy Nghĩ Về Tự Tử