Millennials Và Những Suy Nghĩ Về Tự Tử
Lần đầu tiên mình biết đến khái niệm “tự tử” là khi mình 21 tuổi. Trong một cuộc điện thoại về nhà, ba mẹ bảo rằng một người em họ của mình đã qua đời vì em lựa chọn kết thúc cuộc sống của chính mình. Người em họ đó từng rất thân thiết với mình những năm thiếu thời. Từ khi em cùng gia đình định cư nước ngoài, mình hoàn toàn không còn liên lạc với em nữa. Những năm tháng đó, điều gì xảy ra khiến cho em chọn cách này để được tự do? Mình mãi mãi không thể nào biết được. Nhưng cũng vì thế, mình đã dần thường xuyên nghĩ đến “cái chết”, không phải vì muốn thực hiện, mà vì muốn hiểu điều gì khiến những người thế hệ Millennials có những suy nghĩ về việc “muốn chấm dứt sự tồn tại của bản thân”?
Thế hệ Millennials là những ai?
Thế hệ Millennials, hay còn gọi là thế hệ Y, là khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000 (18-35 tuổi). Đây là những người lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội như forum, blog, Facebook, v.v. Đồng thời họ là lực lượng lao động chủ đạo của hiện tại và tương lai. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 35% dân số thuộc nhóm này [1].
Millennials là một thế hệ có nhiều mong muốn về sự cân bằng, lối sống lành mạnh. Họ coi trọng, thậm chí yêu cầu, sự kết nối, tính thuận tiện, và các lựa chọn cho phép họ có được quyền kiểm soát.
Đây cũng là thế hệ chính đang thay đổi cách mọi người nhìn nhận và nói về sức khỏe tinh thần và tình trạng tự tử gia tăng. Những người ở độ tuổi 20 và 30 tìm kiếm sự trợ giúp về sức khỏe tâm thần thường xuyên hơn. Điều này giúp cho những kỳ thị truyền thống, vốn gắn liền với trị liệu tâm lý, dần giảm bớt ở những người thuộc thế hệ này khi họ nhận ra những vấn đề của bản thân và tìm đến các dịch vụ tham vấn tâm lý. Họ sẵn sàng đi trị liệu sớm hơn và ít dè dặt hơn so với những người cùng độ tuổi trong các thời đại trước. [2]
Áp lực phải đạt được thành tựu trong xã hội
Khác với những thế hệ trước, thanh niên sau khi tốt nghiệp rất khó tìm được công việc phù hợp. Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đã phải chuyển về quê với gia đình do không có khả năng trang trải chi phí sinh hoạt. Khi phải trải qua giai đoạn khó khăn tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp, bị trì hoãn việc thăng chức, hoặc thậm chí là thất nghiệp, tinh thần nhiều người thuộc thế hệ millennials bị áp lực bởi những suy nghĩ "phải đạt được điều gì đó, phải là ai đó, phải có gì đó trong tay".
Nhiều bạn bè cùng trang lứa của mình thường xuyên bị đặt vào hoàn cảnh khó xử: ngay trong gia đình, khi hỏi han chuyện công việc, người thân thường cho rằng đến một độ tuổi nhất đinh mà không đạt được thành tựu, thì bạn không "xứng đáng được lắng nghe" hoặc "không được xem là thực sự trưởng thành".
Cũng từ đó, những người bạn của mình dần dần bị ám ảnh bởi những suy nghĩ "mình không là gì" - cảm giác kém cỏi, đi kèm với việc thiếu những động viên cần thiết trong giai đoạn định hướng tương lai, có thể mang lại sự xấu hổ, tội lỗi và có khi là những suy nghĩ "mình không đáng sống" đối với nhiều người.
Áp lực chi phí sinh hoạt
Bên cạnh áp lực thành tựu, người trẻ cũng đang phải vật lộn với chi phí cuộc sống hàng ngày. Có một thế hệ thanh niên giữa 20, đầu 30 vẫn cảm thấy như thể họ không thể dễ dàng thực hiện các nhiệm vụ như những “người lớn thực thụ", chẳng hạn như sở hữu một ngôi nhà, mua xe hơi hoặc nghỉ dài ngày, bởi họ đang phải gánh gồng những căng thẳng tài chính. Họ có thể vẫn đang phải trả nợ học phí đại học, đang làm những công việc "lương ba cọc ba đồng", hoặc vẫn đang phải hỗ trợ đóng góp cho gia đình, v.v. Một người bạn lâu năm của mình hoàn toàn không có tài khoản tiết kiệm sau 7 năm ra trường, bởi vì bạn chu cấp tài chính cho ba mẹ và em gái bằng tiền lương hàng tháng và đồng thời phải trả nợ tiền mua nhà. Bạn gần như không có thời gian cho bản thân, luôn trong trạng thái lo lắng không kịp xoay sở tiền, và trong những buổi trò chuyện không ít lần bạn từng tâm sự "sống thế này thì sống làm gì."
Nhiều áp lực, căng thẳng nặng nề như vậy, nhưng rất ít khi chúng ta lên tiếng nói về những hệ quả của áp lực lên tinh thần và suy nghĩ của mình. Thậm chí chúng ta hay quen tự nhủ rằng "ai cũng có khó khăn, ai cũng mệt, chỉ cần cố gắng là đủ", mà quên mất rằng mỗi người có sức chịu đựng khác nhau. Tìm kiếm sự động viên tinh thần từ người thân và bạn bè thường là giải pháp phổ biến, nhưng không đảm bảo có thể đem lại sự thay đổi thực tiễn. Có rất nhiều trường hợp căng thẳng lâu dài dẫn đến trầm cảm hoặc suy nghĩ bi quan mà nếu thiếu sự hỗ trợ chuyên nghiệp thì sẽ dẫn đến những hệ quả đau lòng.
Chúng ta có thể làm gì?
Hiện nay những câu chuyện, bài báo, báo cáo chuyên sâu về tự tử đã khiến chủ đề này không còn là điều xa lạ hay cấm kỵ. Tuy vậy, không phải ai cũng đủ can đảm, đủ hiểu biết để tiếp cận vấn đề này một cách bao dung hơn, hoặc để truyền tải những thông tin hữu ích.
Nâng cao nhận thức và giáo dục, chia sẻ số liệu thống kê tự tử, tìm hiểu những dấu hiệu cảnh báo và phương pháp điều trị là những biện pháp có thể giúp ích cho tất cả các cá nhân ở mọi lứa tuổi. Hơn nữa, việc xã hội có cái nhìn văn minh hơn đối với sức khỏe tâm lý, chú trọng hơn đến hỗ trợ tinh thần cũng là một cách động viên những người đang vật lộn với suy nghĩ tự tử. [3]
Việc thừa nhận với chính bản thân rằng mình cần sự giúp đỡ chuyên môn không phải là điều dễ dàng. Theo quan sát của Hiệp Hội Hỗ trợ tự tử Singapore (Samaritans of Singapore) [4], trong số những người đã từng có ý định tự tử trước đây, phần lớn cho biết họ nghĩ rằng sẽ không có gì giúp được họ, và cảm thấy xấu hổ khi được giúp đỡ. Đây là hai trong số những yếu tố ngăn cản họ tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Ngược lại, với những người thân thiết của người có nguy cơ tự tử, hầu hết đều đề cập rằng nỗi sợ hãi họ làm tình hình trở nên trầm trọng hơn khiến họ ngần ngại biểu hiện sự lo lắng của mình.
Đừng chần chừ trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn cảm nhận người mình yêu thương đang không ổn. Hãy bày tỏ sự lo lắng của bạn một cách quan tâm, không phán xét. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi rằng "dạo này mình hay thấy bạn nói về việc cuộc sống là vô nghĩa/bạn ăn uống không được tốt. Bạn sao rồi?". Người bạn đó có thể tránh né sự hỗ trợ mà bạn đang cố gắng chia sẻ, như là im lặng, tỏ ra mọi việc không có gì đáng lo, hoặc là chối bỏ những lo lắng của bạn. Trong trường hợp này, hãy kiên nhẫn. Họ có thể đang phải vật lộn để đối phó và có thể cảm thấy tức giận, khó chịu và chưa thật sự sẵn sàng đối diện với suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Nếu bạn lo lắng cho ai đó, hãy để họ biết rằng bạn luôn sẵn sàng để nói chuyện với họ khi họ cảm thấy thoải mái chia sẻ.
Biên tập: Thuỳ Anh K. Nguyễn
Minh hoạ: Quỳnh La
Nguồn tham khảo:
[1]https://www.lagi.cc/t/the-he-millennials-la-gi-va-dac-diem-cua-nhom-nguoi-nay/58afcebfd8.html
[2]https://www.wsj.com/articles/millennials-are-the-therapy-generation-11551452286
[3] https://hudsontherapygroup.com/blog/why-are-so-many-millennials-dying-by-suicide
[4] https://www.sos.org.sg/blog/how-to-support-someone-who-may-be-suicidal