Hỗ Trợ Trị Liệu Bằng Chất Thức Thần (Psychedelics) (phần 1): Buổi Trị Liệu
Chất gây ảo giác đã được các nền văn hóa bản địa sử dụng trong nhiều thiên niên kỷ trong các nghi lễ [1]. Các nền văn hóa này cho rằng thực vật và nấm gây ảo giác có nguồn gốc thần thánh, nên việc sử dụng chất được kiểm soát rất chặt chẽ [1]. Chất thức thần (psychedelics) là một loại chất gây ảo giác có tác động đến nhận thức và tâm trạng [2]. Một vài loại chất thức thần mà bạn có thể đã nghe qua là LSD (trong viên giấy hay bùa lưỡi), ketamin (hay còn gọi tắt là ke), psilocybin (trong nấm thức thần), mescaline (từ cây xương rồng peyote), và MDMA (còn gọi là ecstasy hay thuốc lắc) [2]. Việc sử dụng những chất kích thích này được coi là bất hợp pháp ở Việt Nam, nhưng gần đây, chất thức thần đang được nghiên cứu vì tiềm năng của chúng trong việc hỗ trợ quá trình trị liệu tâm lý. Trong bài viết này, mình sẽ diễn tả khái quát một buổi trị liệu sử dụng chất thức thần để chúng ta có thể hiểu hơn về hình thức trị liệu này.
Giới thiệu về trị liệu với sự hỗ trợ của chất thức thần
Trị liệu với sự hỗ trợ của chất thức thần (psychedelics-assisted psychotherapy hoặc PAP) sử dụng một lượng chất thức thần an toàn để tạo điều kiện cho quá trình làm việc [3]. Trong những nghiên cứu gần đây, cách điều trị này được cho là có hiệu quả để điều trị rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, lạm dụng chất gây nghiện, ý nghĩ tự tử (suicide ideation), và hậu chấn tâm lý (PTSD) [4-9]. Vì ảo giác có thể tạm thời ảnh hưởng đến các cơ chế điều chỉnh cảm xúc của não, các nhà nghiên cứu cho là ảo giác có thể giúp người nhận trị liệu giảm bớt sự kiểm soát tâm lý của chính minh và từ đó, họ có thể biểu lộ cảm xúc đầy đủ và tự do hơn [10,11]. Điều này rất có ích vì trong trị liệu tâm lý, các nhà chuyên môn muốn giúp thân chủ chấp nhận và vượt qua những cảm xúc mà họ không muốn nghĩ tới hay đối mặt [12]. Trong buổi PAP, người được trị liệu sẽ sử dụng chất gây ảo giác dưới sự giám sát và dẫn dắt của (thường là hai) nhà trị liệu để tăng cường mối quan hệ giữa thân chủ và nhà trị liệu, giúp nới lỏng các cơ chế phòng thủ (defense mechanisms), gợi nhớ lại những trải nghiệm thời thơ ấu, giải phóng cảm xúc, và có cái nhìn sâu sắc hơn về nội tâm của người nhận trị liệu [3].
Các yếu tố môi trường trong PAT
Các yếu tố xung quanh người được trị liệu trong khi sử dụng chất đã được cho là có thể góp phần ảnh hưởng đến trải nghiệm của từng cá nhân [13]. Vì thế, để đảm bảo an toàn và thành công trong quá trình điều trị, các nhân viên tương tác với người được trị liệu cần phải duy trì một mối quan hệ tích cực với họ để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái tâm lý và trải nghiệm ảo giác của người được trị liệu [1]. Thân chủ và nhà trị liệu sẽ dành những buổi điều trị đầu xây dựng mối quan hệ và sự tin tưởng để giúp giảm thiểu nguy cơ phản ứng sợ hãi hoặc lo lắng khi trải nghiệm ảo giác [1]. Căn phòng nơi việc trị liệu diễn ra cũng cần phải được bài trí để đem lại cảm giác thư giãn và thoải mái vì lý do tương tự [1]. Một vài thứ các nhà chuyên môn cần lưu ý gồm đảm bảo cửa sổ được khoá (để thân chủ không thể bỏ đi giữa chừng khi đang sử dụng chất), tránh bố trí những vật nhọn hay nguy hiểm trong tầm với, và tránh để điện thoại trong phòng (để tiếng chuông không làm người đang dùng chất bị mất tập trung hay hoảng hốt) [1]. Thuốc điều trị tăng huyết áp cấp tính cũng cần phải có sẵn trong trường hợp huyết áp vượt quá chỉ số an toàn [1]. Ngoài ra, thuốc chống lo âu và thuốc chống loạn thần là hai giải pháp cuối cùng và chỉ dùng khi thật sự cần thiết trong những trường hợp hiếm hoi mà nhà điều trị không thể trấn an thân chủ hay thân chủ trở nên mất kiểm soát [1].
Lưu ý cho người nhận trị liệu
Trong các buổi đầu tiên, nhà trị liệu sẽ cho thân chủ biết về tác dụng của chất thức thần, trải nghiệm ảo giác họ có thể trải qua, và rằng họ có thể sẽ có cảm thấy như đang mất đi chính mình (một hiện tượng gọi là “ego death") [1]. Trong các buổi điều trị có sử dụng chất sau đó, nếu người nhận trị liệu nhìn thấy những ảo giác đáng sợ, nhà điều trị sẽ trấn an và khuyến khích họ tương tác với chúng thay vì bỏ chạy [1]. Cách đối phó này cũng có thể được sử dụng khi người nhận trị liệu có những triệu chứng như buồn nôn [1]. Nếu như họ có những suy nghĩ và cảm xúc khó chịu (như cảm giác người mình bị tan rã, tan chảy, hay nổ tung) hoặc có lo lắng liên quan đến sự thay đổi trong nhận thức về bản thân (do ego death), nhà trị liệu sẽ khuyến khích họ buông xuôi và chấp nhận trải nghiệm [1]. Điều quan trọng là người nhận trị liệu cần phải tin rằng trạng thái ý thức bình thường của họ sẽ trở lại khi thuốc hết tác dụng [1].
Sau trải nghiệm ảo giác
Người nhận trị liệu được khuyến khích “thu thập trải nghiệm ảo giác” để thảo luận cùng với nhà điều trị sau khi thuốc hết tác dụng thay vì tự phân tích hoặc giao tiếp quá mức với chúng [1]. Sau buổi trị liệu, người nhận trị liệu phải được bạn bè hoặc thành viên gia đình chăm sóc và hỗ trợ tinh thần [1]. Họ cũng không được tự lái xe hay tham gia vào bất kì hoạt động nguy hiểm nào trong thời gian còn lại trong ngày [1]. Nếu mục đích của buổi trị liệu là nghiên cứu, họ có thể được yêu cầu ở lại qua đêm để theo dõi [1]. Sau khi người nhận trị liệu đã có thời gian ngẫm nghĩ về trải nghiệm này, họ sẽ quay trở lại vào ngày hôm sau để chuyên gia đảm bảo tâm lý của họ ổn định và tạo điều kiện để thảo luận về những suy nghĩ hay cảm xúc họ nhận ra sau buổi PAP ngày hôm qua [1].
Kết
Mong là phần đầu tiên của loạt bài viết này giúp bạn hiểu rằng PAP không đơn thuần là một buổi sử dụng chất thức thần vô tội vạ hay như một thú tiêu khiển mà có rất nhiều yếu tố được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn và thành công cho buổi trị liệu. Nói về các yếu tố thì có một yếu tố rất hay hiện diện trong buổi điều trị mà mình đã không nhắc tới đó là âm nhạc, vì thế chúng ta sẽ tìm hiểu về vai trò của âm nhạc cũng như sự hiệu quả lâu dài của PAP trong bài viết sau.
*Lưu ý: Bài viết chỉ mang mục đích cung cấp thông tin. Ở Việt Nam, việc sử dụng, tàng trữ, buôn bán các chất kích thích là bất hợp pháp. InPsychOut cũng không khuyến khích việc sử dụng chất thức thần hay bất kỳ loại thuốc nào khi không có sự tư vấn, chỉ định và giám sát của bác sĩ.
Biên tập: Thuy Anh
Minh họa: Froggy
Nguồn tham khảo:
[1] Johnson M, Richards W, Griffiths R. Human hallucinogen research: guidelines for safety. J Psychopharmacol. 2008;22(6):603–20.
[2] Tupper KW, Wood E, Yensen R, Johnson MW. Psychedelic medicine: a re-emerging therapeutic paradigm. CMAJ. 2015 Oct 6;187(14):1054-1059. doi: 10.1503/cmaj.141124.
[3] Majić T, Schmidt TT, Gallinat J. Peak experiences and the afterglow phenomenon: when and how do therapeutic effects of hallucinogens depend on psychedelic experiences? J Psychopharmacol. 2015 Mar;29(3):241-53. doi: 10.1177/0269881114568040.
[4] Carhart-Harris RL, Bolstridge M, Day CMJ, Rucker J, Watts R, Erritzoe DE, Kaelen M, Giribaldi B, Bloomfield M, Pilling S, Rickard JA, Forbes B, Feilding A, Taylor D, Curran HV, Nutt DJ. Psilocybin with psychological support for treatment-resistant depression: six-month follow-up. Psychopharmacology (Berl). 2018 Feb;235(2):399-408. Doi: 10.1007/s00213-017-4771-x.
[5] Gasser P, Holstein D, Michel Y, Doblin R, Yazar-Klosinski B, Passie T, Brenneisen R. Safety and efficacy of lysergic acid diethylamide-assisted psychotherapy for anxiety associated with life-threatening diseases. J Nerv Ment Dis. 2014 Jul;202(7):513-20. doi: 10.1097/NMD.0000000000000113.
[6] Moreno FA, Wiegand CB, Taitano EK, Delgado PL. Safety, tolerability, and efficacy of psilocybin in 9 patients with obsessive-compulsive disorder. J Clin Psychiatry. 2006 Nov;67(11):1735-40. doi: 10.4088/jcp.v67n1110.
[7] Bogenschutz MP, Podrebarac SK, Duane JH, Amegadzie SS, Malone TC, Owens LT, Ross S, Mennenga SE. Clinical Interpretations of Patient Experience in a Trial of Psilocybin-Assisted Psychotherapy for Alcohol Use Disorder. Front Pharmacol. 2018 Feb 20;9:100. doi: 10.3389/fphar.2018.00100.
[8] Wilkinson ST, Katz RB, Toprak M, Webler R, Ostroff RB, Sanacora G. Acute and Longer-Term Outcomes Using Ketamine as a Clinical Treatment at the Yale Psychiatric Hospital. J Clin Psychiatry. 2018 Jul 24;79(4):17m11731. doi: 10.4088/JCP.17m11731.
[9] Mithoefer MC, Mithoefer AT, Feduccia AA, Jerome L, Wagner M, Wymer J, Holland J, Hamilton S, Yazar-Klosinski B, Emerson A, Doblin R. 3,4-methylenedioxymethamphetamine (MDMA)-assisted psychotherapy for post-traumatic stress disorder in military veterans, firefighters, and police officers: a randomised, double-blind, dose-response, phase 2 clinical trial. Lancet Psychiatry. 2018 Jun;5(6):486-497. doi: 10.1016/S2215-0366(18)30135-4.
[10] Carhart-Harris RL, Kaelen M, Whalley MG, Bolstridge M, Feilding A, Nutt DJ. LSD enhances suggestibility in healthy volunteers. Psychopharmacology (Berl). 2015 Feb;232(4):785-94. doi: 10.1007/s00213-014-3714-z.
[11] Carhart-Harris RL, Erritzoe D, Williams T, Stone JM, Reed LJ, Colasanti A, Tyacke RJ, Leech R, Malizia AL, Murphy K, Hobden P, Evans J, Feilding A, Wise RG, Nutt DJ. Neural correlates of the psychedelic state as determined by fMRI studies with psilocybin. Proc Natl Acad Sci U S A. 2012 Feb 7;109(6):2138-43. doi: 10.1073/pnas.1119598109.
[12] Greenberg LS, Pascual-Leone A. Emotion in psychotherapy: a practice-friendly research review. J Clin Psychol. 2006 May;62(5):611-30. doi: 10.1002/jclp.20252.
[13] Hartogsohn I. Constructing drug effects: A history of set and setting. Drug Science, Policy and Law 3. 2017 Jan;3. doi: 10.1177/2050324516683325