Một Góc Nhìn Đương Đại Về Học Thuyết Gắn Bó Ở Thanh Thiếu Niên
Học thuyết gắn bó (attachment theory) là gì?
Học thuyết gắn bó, ngay từ khi ra đời, đã trở thành một trong những lý thuyết có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tâm lý học phát triển. Khởi đầu bằng bộ ba tác phẩm kinh điển của mình - Attachment and Loss - John Bowlby [1,2,3] đã đưa ra ý tưởng rằng con người được sinh ra với một hệ thống tâm - sinh lý bẩm sinh (tức hệ thống hành vi gắn bó) thúc đẩy họ tìm kiếm sự gần gũi với một nhân vật gắn bó (attachment figure), đặc biệt những khi phải đối mặt với các mối đe dọa hoặc tác nhân gây lo sợ bất an. Điển hình cho mẫu nhân vật gắn bó này là người chuyên đảm nhiệm vai trò chăm sóc họ (primary caregiver) - có thể là bố mẹ, ông bà, v.v. Theo thuyết này, “sự gắn bó” (attachment) chỉ mối quan hệ tâm lý giữa đứa trẻ và nhân vật gắn bó của chúng và xuất phát từ nhu cầu được an toàn và bảo vệ của đứa trẻ. Nhu cầu này được mô tả như một bản năng sinh học và nó đặc biệt mạnh mẽ ở giai đoạn sơ sinh và thời thơ ấu, khi một cá nhân chưa trưởng thành và dễ bị tổn thương [4]. Theo Bowlby [1], sự hình thành của những xu hướng gắn bó phụ thuộc vào chất lượng của những tương tác ban đầu giữa đứa trẻ và nhân vật gắn bó của chúng. Cụ thể, tùy thuộc vào cách nhân vật gắn bó đáp ứng nhu cầu của đứa trẻ, tự đứa trẻ sẽ hình thành các mô hình nội tại (internal model) nhằm diễn giải bản thân và những người khác. Những mô hình này đóng vai trò như những kim chỉ nam để trẻ dự đoán về hành vi của những người khác trong các mối quan hệ tương lai [5]. Do đó, mối liên kết gắn bó đặc biệt này sẽ cung cấp các thông tin quan trọng cho sự phát triển về nhận thức và cảm xúc xã hội của trẻ khi trưởng thành.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã phân loại xu hướng gắn bó thành ba [6] hoặc bốn loại riêng biệt [7]. Ví dụ, một trong những phương pháp phân loại xu hướng gắn bó phổ biến nhất là Bảng câu hỏi về mối quan hệ (Relationship Questionnaire); bảng này yêu cầu người tham gia chọn những mô tả phản ánh cảm xúc của họ trong các mối quan hệ một cách chính xác nhất. Sau đó, những người tham gia được xếp vào một trong bốn kiểu xu hướng gắn bó: an toàn (secure), tránh né-sợ hãi (avoidant-fearful), tránh né-thờ ơ (avoidant-dismissing), và lo lắng-lạc lõng (anxious-preoccupied) [7]. Tuy nhiên, việc sử dụng các phương pháp lựa chọn bắt buộc (forced-choice; bắt buộc phải chọn câu trả lời A hoặc B), chẳng hạn như Bảng câu hỏi mối quan hệ, để phân loại các xu hướng gắn bó nhanh chóng bị chỉ trích bởi các nhà nghiên cứu ủng hộ ý kiến rằng sự gắn bó là đa chiều [8,9,10]. Các nhà nghiên cứu cho rằng những bảng câu hỏi như trên ngộ nhận rằng những miêu tả được đưa ra sẽ khớp hoàn toàn với người trả lời. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng, và như vậy nó gây hạn chế cho việc đánh giá mức độ mà mỗi kiểu xu hướng gắn bó có thể đại diện cho một cá nhân [8]. Hơn nữa, phân loại các xu hướng gắn bó như thế cũng ngầm giả định rằng các kiểu gắn bó khác nhau là loại trừ lẫn nhau. Như vậy, việc phân loại như trên bỏ qua thông tin tiềm năng về những khác biệt giữa những thành viên của cùng một xu hướng. Ví dụ, một người được phân loại là có xu hướng gắn bó lo lắng có thể đạt điểm cao ở cả khía cạnh lo lắng cũng như tránh né. Do đó, việc nắm bắt các kiểu xu hướng gắn bó như một danh mục rời rạc có thể bỏ sót các mối liên hệ và cơ chế quan trọng khi khám phá sự tương quan giữa xu hướng gắn bó với các yếu tố đáng quan tâm khác.
Từ cuộc tranh luận trên, Griffin và Bartholomew [11] đã đề xuất rằng các xu hướng gắn bó trải dài theo hai chiều - lo lắng và né tránh; hai chiều này tùy thuộc vào mức độ mà một người cảm thấy thoải mái trong các mối quan hệ thân thiết cũng như mô hình nội tại họ hiện giữ về bản thân và về người khác. Trong khi chiều né tránh thể hiện mức độ không thoải mái của một người khi mở lòng với người khác, chiều lo lắng lại thể hiện mức độ mà các cá nhân lo lắng về những vấn đề liên quan đến gắn bó (ví dụ: mức độ sẵn sàng có mặt của nhân vật gắn bó, v.v.) [12]. Cấu trúc hai chiều này cho phép sự đa dạng và nhiều biến động hơn đối với các xu hướng gắn bó. Kể từ đó lý thuyết trên đã được thử nghiệm và chấp nhận rộng rãi trong các nghiên cứu đương đại về sự gắn bó [13,14].
Sự gắn bó trong thời niên thiếu: Sự nhất quán của các mô hình gắn bó
Nhìn chung, điểm bắt đầu của độ tuổi vị thành niên là khi dậy thì, nhưng điểm kết thúc của nó lại khó xác định rõ ràng hơn [15]. Tổ chức Y tế thế giới WHO định nghĩa thanh thiếu niên là những cá nhân trong độ tuổi từ 10 đến 19 [16]; tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu gần đây cho rằng giới hạn của giai đoạn này có thể đạt ngưỡng tuổi 25 [15,17]. Vị thành niên là một giai đoạn phát triển đặc biệt quan trọng được đặc trưng bởi những thay đổi đáng kể về thể chất, tâm lý và xã hội [18]. Giai đoạn này chứng kiến sự thay đổi lớn trong các mối quan hệ gắn bó của mỗi cá nhân, cụ thể là những thay đổi về bản chất cũng như vai trò của mối quan hệ cha mẹ-con cái và mối quan hệ bạn bè [19].
Trong quá trình chuyển giao từ thời thơ ấu sang tuổi vị thành niên, các cá nhân bắt đầu tìm kiếm sự độc lập khỏi gia đình, xây dựng các mối quan hệ gắn bó với bạn bè cùng trang lứa, và, ở cuối giai đoạn vị thành niên, phát triển các mối quan hệ lãng mạn [20,21]. Theo thuyết gắn bó, một mối quan hệ gắn bó được xây dựng dựa trên ba chức năng chính, đó là sự gần gũi (ở gần hoặc tiếp xúc với nhân vật gắn bó), sự an toàn (nguồn động viên, hỗ trợ và trấn an) và chỗ dựa vững chắc (chỗ dựa để khám phá thế giới) [22]. Trong thời niên thiếu, ta có thể quan sát thấy rõ ràng sự xuất hiện của các yếu tố này trong các mối quan hệ bạn bè. Thật vậy, người ta cho rằng ở khoảng giữa thời niên thiếu, thanh thiếu niên bắt đầu xây dựng một mạng lưới bạn bè thân thiết như một nguồn hỗ trợ lớn về mặt tinh thần và xã hội; chính những người này cũng có thể đóng vai trò là những nhân vật gắn bó [23]. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn này, trẻ vị thành niên thường thích dành thời gian cho bạn bè cùng trang lứa hơn là bố mẹ [20,21]. Một khi tình bạn được coi là ổn định và luôn đáp ứng kịp thời trong các thời điểm khó khăn, và nhân vật gắn bó được cho là sẽ luôn xuất hiện những khi cần thiết, thì chức năng ‘làm chỗ dựa vững chắc’ (secure base function) có thể được kích hoạt [24,25]. Chức năng này được cho là chức năng cuối cùng được chuyển giao từ những người chăm sóc ban đầu của một cá nhân sang bạn bè của cá nhân ấy. Bên cạnh đó, những người chăm sóc ban đầu vẫn thường tiếp tục tham gia thực hiện chức năng này [26,27].
Như đã nói ở trên, cấp bậc gắn bó trong giai đoạn này trở nên linh hoạt và đa chiều hơn vì thanh thiếu niên có xu hướng ưa thích một số cá nhân nhất định hơn những cá nhân khác khi hệ thống gắn bó được kích hoạt [28]. Việc thay đổi trọng tâm sang các mối quan hệ khác ngoài mối quan hệ cha mẹ-con cái khiến các hình mẫu gắn bó ban đầu (thường là cha mẹ), vốn rất rõ ràng trước đó, trở nên thiếu chắc chắn [1]. Tuy nhiên, các mối quan hệ gắn bó với cha mẹ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với các cá nhân, ngay cả khi họ ở đầu giai đoạn trưởng thành [29]. Mối quan hệ này chắc chắn mang nhiều lớp. Trong giai đoạn này, song song với việc duy trì sự phụ thuộc vào những hình mẫu gắn bó cha mẹ, thanh thiếu niên thường xuyên tìm cách đạt được sự độc lập và tự chủ về hành vi với việc khám phá và làm chủ những môi trường mới hơn [28]. Tính chất mâu thuẫn giữa hai nhiệm vụ này vốn đã thách thức đối với hầu hết thanh thiếu niên, nhưng nó có lẽ đặc biệt khó khăn đối với những người có mối quan hệ không an toàn với một trong hai hoặc cả cha và mẹ [28]. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng giới tính của cha mẹ cũng đóng một phần trong việc hình thành hệ thống gắn bó trong giai đoạn này. Cụ thể, các bà mẹ có nhiều khả năng vẫn nằm trong số những nhân vật gắn bó hàng đầu, đặc biệt là trong những tình huống đòi hỏi sự gắn bó mạnh mẽ (các tình huống nguy hiểm hoặc gây bất an lo lắng khi chia ly) [29].
Từ những thay đổi trên, một vấn đề lớn liên quan đến tính nhất quán của các mô hình gắn bó đã được xác định thông qua các tài liệu đương đại về sự gắn bó. Cụ thể, khác với giả định truyền thống rằng các hình thức gắn bó hoạt động như một đặc điểm tính cách, thì các kỳ vọng và hành vi liên quan đến sự gắn bó có thể khác nhau ở nhiều khía cạnh: từ sự gắn bó chung chung của các cá nhân đến sự gắn bó của các cá nhân trong từng mối quan hệ [13, 30] . Ý tưởng này bắt nguồn từ những quan sát trước đó cho thấy rằng những kỳ vọng và niềm tin mà cá nhân nắm giữ về những nhân vật quan trọng trong cuộc sống của họ có thể khác nhau đáng kể với từng nhân vật gắn bó [31]. Ví dụ, một người có thể có những người bạn ấm áp và luôn ủng hộ họ (hình thành một mối quan hệ gắn bó an toàn) nhưng đồng thời nhìn nhận mẹ mình là một người hắt hủi và lạnh nhạt (hình thành một mối quan hệ mẹ con không an toàn) [9]. Ngoài ra, một người có thể có sự gắn bó an toàn với mẹ, nhưng không an toàn với cha, hoặc dao động từ mối quan hệ lãng mạn này sang mối quan hệ lãng mạn khác [9].
Tuy nhiên, các xu hướng gắn bó trong từng mối quan hệ cụ thể này không hoàn toàn độc lập với nhau. Collins và Read [8] là những người đầu tiên đưa ra một hệ thống nhằm sắp xếp cấp bậc của các mô hình gắn bó. Cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu cho rằng mỗi mối quan hệ gắn bó cụ thể nằm trong một miền quan hệ chung và tổng thể hơn, ví dụ, miền người chăm sóc (bao gồm mối quan hệ với cha, mẹ, ông bà, v.v.), miền bạn bè, hoặc miền lãng mạn [8]. Xu hướng gắn bó ở các miền cụ thể này sau đó cùng xây dựng lên bậc cao nhất và tổng thể nhất của mạng lưới gắn bó. Xu hướng gắn bó ở bậc cao nhất này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mối quan hệ giữa trẻ và người chăm sóc từ lúc sơ sinh, và có thể áp dụng để miêu tả xu hướng chung ở các miền; tuy nó có thể không miêu tả rõ ràng và chính xác nhất cho từng mối quan hệ riêng lẻ [8]. Xu hướng tổng thể này thường được áp dụng ở giai đoạn đầu của các mối quan hệ gắn bó và sau đó có thể thay đổi dựa vào các trải nghiệm thực tế của mối quan hệ đó [8]. Các thực nghiệm tiếp theo đã ủng hộ cách tiếp cận trên nhằm mô tả các biểu diễn về sự gắn bó [30, 32].
Kết
Mặc dù bài viết này không thể đi sâu vào chi tiết của nhiều vấn đề khác trong nghiên cứu về sự gắn bó ở tuổi thiếu niên, nó đóng vai trò như một lời giới thiệu cho tính phức tạp của sự gắn bó trong giai đoạn phát triển này mà trong đó mỗi cá nhân phải đối mặt với nhiều thay đổi đáng kể trong cuộc sống. Hiện tại, chúng ta đã biết rõ rằng tuổi vị thành niên dẫn đến những thay đổi lớn đối với hệ thống gắn bó của từng cá nhân, trong đó hệ thống gắn bó bao gồm mối quan hệ giữa cha mẹ, bạn bè hay mối quan hệ lãng mạn đều không phải là cố định; điều này khiến cho sự gắn bó ở tuổi vị thành niên trở thành một khái niệm khó nắm bắt đối với các nhà nghiên cứu. Có lẽ chính sự khó khăn ấy cũng lý giải cho việc có ít nghiên cứu ở đối tượng cụ thể này. Với sự xuất hiện mới mẻ của mảng nghiên cứu về miền gắn bó trong các bối cảnh cụ thể (như đã thảo luận ở trên), không có gì ngạc nhiên khi phần lớn các tài liệu về tuổi vị thành niên có liên quan đến chủ đề này vẫn chỉ là lý thuyết. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới nhất về mặt lý thuyết và đo lường (tức sự phát triển của ECR-RS - bảng câu hỏi sử dụng cùng một bộ câu hỏi để đánh giá sự gắn bó trong các mối quan hệ khác nhau, từ đó cho phép thực hiện so sánh giữa các mối quan hệ; [13]), các nhà nghiên cứu có thể bắt đầu tháo gỡ khái niệm phức tạp này và khám phá mối quan hệ của nó với các cấu trúc tâm lý khác.
Biên tập: Thuỳ Anh Nguyễn
Biên dịch: Huy Đức
Thiết kế: Froggy
Nguồn tham khảo:
[1] Bowlby, J. (1969). Attachment and loss: Volume i: Attachment. In Attachment and loss: Volume i: Attachment(pp. 1–401). London: The Hogarth Press and theInstitute of Psycho-Analysis.
[2] Bowlby, J. (1973). Attachment and loss: Volume ii: Separation, anxiety, and anger.In Attachment and loss: Volume ii: Separation, anxiety, and anger(pp. 1–429).London: The Hogarth Press and the Institute of Psycho-Analysis
[3] Bowlby, J. (1982). Attachment and loss: Retrospect and prospect.American journal of Orthopsychiatry,52(4), 664
[4] Prior, V. & Glaser, D. (2006).Understanding attachment and attachment disorders:Theory, evidence and practice. Jessica Kingsley Publishers.
[5] Schneider, B. H., Atkinson, L. & Tardif, C. (2001). Child–parent attachment and chil-dren’s peer relations: A quantitative review.Developmental psychology,37(1),86
[6] Ainsworth, M. S. (1979). Infant–mother attachment.American psychologist,34(10),932
[7] Bartholomew, K. & Horowitz, L. M. (1991). Attachment styles among young adults: A test of a four-category model.Journal of personality and social psychology,61(2), 226
[8] Collins, N. L. & Read, S. J. (1990). Adult attachment, working models, and relationship quality in dating couples.Journal of personality and social psychology,58(4), 644.
[9] Fraley, R. C. & Waller, N. G. (1998). Adult attachment patterns: A test of the typological model.
[10] Mikulincer, M. & Shaver, P. R. (2007).Attachment in adulthood: Structure, dynamics,and change. Guilford Press.
[11] Griffin, D. W. & Bartholomew, K. (1994). Models of the self and other: Fundamental dimensions underlying measures of adult attachment.Journal of personality and social psychology,67(3), 430.
[12] Fraley, R. C., Heffernan, M. E., Vicary, A. M. & Brumbaugh, C. C. (2011). The experiences in close relationships—relationship structures questionnaire: A method for assessing attachment orientations across relationships.Psychological assessment,23(3), 615
[13] Fraley, R. C., Hudson, N. W., Heffernan, M. E. & Segal, N. (2015). Are adult attachment styles categorical or dimensional? a taxometric analysis of general and relationship-specific attachment orientations.Journal of Personality and Social Psychology,109(2), 354.
[14] Overall, N. C., Fletcher, G. J., Simpson, J. A. & Fillo, J. (2015). Attachment insecurity, biased perceptions of romantic partners’ negative emotions, and hostile relationship behavior.Journal of personality and social psychology,108(5),730.
[15] Sawyer, S. M., Azzopardi, P. S., Wickremarathne, D. & Patton, G. C. (2018). The ageof adolescence.The Lancet Child & Adolescent Health,2(3), 223–228
[16] WHO. (2020). World health organisation. Retrieved from https://www.who.int/health-topics/adolescent-health/
[17] Casey, B. J., Getz, S. & Galvan, A. (2008). The adolescent brain.Developmentalreview,28(1), 62–77
[18] Ernst, M., Pine, D. S. & Hardin, M. (2006). Triadic model of the neurobiology ofmotivated behavior in adolescence.Psychological medicine,36(3), 299–312
[19] Wilson, J. M. & Wilkinson, R. B. (2012). The self-report assessment of adolescent at-tachment: A systematic review and critique.Journal of Relationships Research,3, 81–94.
[20] Allen, J. P. (2008). The attachment system in adolescence.
[21] Steinberg, L. & Morris, A. S. (2001). Adolescent development.Annual review of psychology,52(1), 83–110.
[22] Nickerson AB, Nagle RJ. Parent and peer attachment in late childhood and early adolescence. The journal of early adolescence. 2005 May;25(2):223-49.
[23] Doherty NA, Feeney JA. The composition of attachment networks throughout the adult years. Personal Relationships. 2004 Dec;11(4):469-88.
[24] Hazan C, Shaver PR. Attachment as an organizational framework for research on close relationships. Psychological inquiry. 1994 Jan 1;5(1):1-22.
[25] Kobak R, Rosenthal N, Serwik A. The Attachment Hierarchy in Middle Childhood: Conceptual and Methodological Issues.
[26] Fraley RC, David KE, Shaver PR. Attachment Behavior and Romantic Relationship Dissolution', paper under review.
[27] Hazan C, Zeifman D. Sex and the psychological tether.
[28] Allen JP, Tan JS. The multiple facets of attachment in adolescence. Handbook of attachment: Theory, research, and clinical applications. 2016:399-415.
[29] Rosenthal NL, Kobak R. Assessing adolescents' attachment hierarchies: Differences across developmental periods and associations with individual adaptation. Journal of research on adolescence. 2010 Sep;20(3):678-706.
[30] Sibley CG, Overall NC. Modeling the hierarchical structure of personality-attachment associations: Domain diffusion versus domain differentiation. Journal of Social and Personal Relationships. 2010 Feb;27(1):47-70.
[31] Baldwin MW, Keelan JP, Fehr B, Enns V, Koh-Rangarajoo E. Social-cognitive conceptualization of attachment working models: Availability and accessibility effects. Journal of personality and social psychology. 1996 Jul;71(1):94.
[32] Sibley CG, Overall NC. Modeling the hierarchical structure of attachment representations: A test of domain differentiation. Personality and Individual Differences. 2008 Jan 1;44(1):238-49.