Trải Nghiệm Tuổi Thơ Bất Trắc: Trị Liệu Tâm Lý

Ở bài viết trước, mình đã nói về một số liệu pháp tâm lý cho Trải nghiệm tuổi thơ bất trắc (Adverse Childhood Experiences - ACE). Ở bài viết này, mình sẽ mô tả chi tiết hơn về một số trị liệu tâm lý đã được nhắc đến.

*Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất cung cấp thông tin, không sử dụng như một chỉ dẫn điều trị. Vui lòng không tự áp dụng những liệu pháp này với bản thân hoặc với người khác, nếu bạn nghĩ mình hoặc người thân có những vấn đề liên quan tới ACE, xin hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ người có chuyên môn

IPO.3.png

Trị liệu tâm lý cho cha mẹ-trẻ em (Child parent psychotherapy - CPP)

Trị liệu tâm lý cho cha mẹ trẻ em là một liệu pháp  phù hợp cho trẻ em từ lúc sơ sinh đến năm tuổi có biểu hiện (hoặc có nguy cơ) gặp rối loạn tâm lý hoặc rối loạn hành vi bắt nguồn từ hoàn cảnh gia đình hoặc tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài [1]. Trị liệu này hỗ trợ hình thành một mối quan hệ lành mạnh giữa trẻ và cha mẹ, và được cho là  thành công khi cha mẹ trở thành những người bảo hộ đáng tin cậy cho trẻ.

Trị liệu CPP giúp cha mẹ và trẻ xác định được những nguồn cơn của nỗi sợ và xúc tiến những hành vi phù hợp bằng cách sử dụng những hành động tự phát (spontaneous emerging behaviours), những hoạt động vui chơi tự do (free-play) và những tương tác giữa trẻ với cha mẹ. Một nghiên cứu bởi Lieberman và cộng sự (2005) đã cho thấy sự cải thiện trong hành vi của trẻ sau trị liệu CPP và trong thời gian sáu tháng sau khi đã hoàn thành điều trị [2], [3]. Hagan và cộng sự (2017) cũng đã cho thấy sự cải thiện ở những triệu chứng sang chấn ở trẻ và cha mẹ [14].

Trị liệu tương tác giữa cha mẹ và con cái (Parent-child interaction therapy - PCIT)

Trị liệu tương tác giữa cha mẹ và con cái phù hợp với trẻ em từ hai đến bảy tuổi và gặp các vấn đề về phát triển, cảm xúc hoặc hành vi [4]. Trị liệu này hỗ trợ việc cải thiện kỹ năng nuôi dạy con cái và đối phó với hành vi gây rối của trẻ bằng cách điều chỉnh những tương tác tiêu cực giữa cha mẹ và trẻ thành tích cực [5].

Có ba phần chính trong liệu pháp này:

  • Đánh giá: việc đánh giá sẽ giúp nhà trị liệu hiểu hơn về nhu cầu của gia đình thân chủ, làm việc với họ trong suốt quá trình trị liệu, và có thể quyết định được khi nào quá trình  trị liệu thành công. Quá trình đánh giá bao gồm một bài đánh giá ban đầu, những bài đánh giá mỗi tuần, và một bài đánh giá cuối cùng. Tất cả các thành viên gia đình tham gia trị liệu đều nên được đánh giá trong quá trình này [5].

  • Tương tác hướng đến con cái (Child-directed interaction - CDI): mục tiêu của CDI là để củng cố/chữa lành mối quan hệ giữa cha mẹ/người chăm sóc và trẻ, hướng  dẫn cha mẹ/người chăm sóc những kỹ năng nuôi dạy con mang tính tích cực, và chỉ dẫn cho trẻ cách điều chỉnh lại hành vi của mình. Trong quá trình CDI, cha mẹ học về  những cách tương tác tập trung vào trẻ (ví dụ: sử dụng phổ âm ngữ của trẻ), những loại hành vi đối lập với cách tương tác này (ví dụ: chỉ trích), và cách để tăng cường sự điều chỉnh hành vi của trẻ [5].

  • Tương tác hướng đến phụ huynh (Parent-directed interaction - PDI): Trong quá trình PDI, cha mẹ học cách đưa ra những giới hạn phù hợp và hiệu quả khi gặp phải những hành vi gây rối của trẻ.

PCIT là một trị liệu hiệu quả vì liệu pháp này được điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình, cha mẹ/người chăm sóc  có cơ hội để học hỏi về những cách nuôi dạy trẻ  tích cực hơn qua các buổi trị liệu và thực hành chúng trong tuần (trước buổi trị liệu tiếp theo) [5]. Hakman và cộng sự đã tìm ra rằng PCIT cải thiện sự tương tác giữa những đứa trẻ bị ngược đãi và bố mẹ chúng, dẫn tới sự giảm thiểu bạo hành thể chất [13].

IPO.4.png

Trị liệu nhận thức - hành vi tập trung vào sang chấn (Trauma-focused cognitive behavioral therapy - TF-CBT)

Trị liệu nhận thức - hành vi tập trung vào những sang chấn bao gồm bốn giai đoạn:

  • Tiếp xúc: cho thân chủ tiếp xúc với những kích thích về  sang chấn trong môi trường được kiểm soát để có thể hỗ trợ họ xóa bỏ sự liên hệ giữa những suy nghĩ về sang chấn và những cảm xúc tiêu cực (ví dụ: sợ hãi, giận dữ) [6].

  • Can thiệp về nhận thức: những người gặp những sang chấn trong quá khứ  có thể cố gắng để hiểu điều gì đã xảy ra, xảy ra như thế nào hay tại sao lại xảy ra và làm thế nào để tránh cho điều ấy lặp lại lần nữa. Việc này có thể dẫn tới những nhận thức sai lệch (ví dụ: cái nhìn tiêu cực về thế giới), những trạng thái cảm xúc tiêu cực (ví dụ: trầm cảm, lo âu) và hành vi mang tính tiêu cực (ví dụ: tự hại, hành động hung hăng). Sự can thiệp về nhận thức sẽ điều chỉnh  những nhận thức sai lệch và giới thiệu những cơ chế đối phó hiệu quả sử dụng liệu pháp xử lý nhận thức, đối phó nhận thức, kiểm soát căng thẳng, thư giãn cơ bắp cũng như những kĩ thuật hít thở [6].

  • Kiểm soát căng thẳng: những cách thư giãn hỗ trợ giảm thiểu các triệu chứng ở những nạn nhân của sang chấn (bao gồm rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD), trầm cảm, lo âu,...) [6].

  • Trị liệu cho cha mẹ: hỗ trợ để cha mẹ có thêm thông tin về trẻ . Cha mẹ thường liên quan tới vấn đề của con cái, vì vậy, đưa cha mẹ vào quá trình trị liệu sẽ có thêm cơ hội để giải quyết các vấn đề  gia đình, những vấn đề về cảm xúc của cha mẹ, điều chỉnh lại nhận thức không đúng đắn của họ, và củng cố sự hỗ trợ của họ dành cho trẻ  [6].

TF-CBT có ảnh hưởng ở mức độ vừa phải tới cao đối với các  trường hợp  khác nhau (PTSD, trầm cảm, quấy rối tình dục,...) [11, 12]. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả giữa các giai đoạn  không giống nhau [6]. Liệu pháp tiếp xúc có thể hiệu quả với vài người và không hiệu quả với những người khác. Can thiệp nhận thức và trị liệu cho cha mẹ là những giai đoạn được coi là hiệu quả và quan trọng của liệu pháp này. Mặt khác, kiểm soát căng thẳng là một giai đoạn bổ sung có thể đi kèm với những giai đoạn khác [6].

Trị liệu tập trung vào tác nhân kích thích (Cue-centered therapy - CCT)

Trị liệu này phù hợp với những đối tượng từ tám đến 18 tuổi và đã trải qua nhiều sang chấn [7]. CCT hỗ trợ việc đối phó với những vấn đề cảm xúc do các tác nhân gây căng thẳng kéo dài, củng cố mối quan hệ với người chăm sóc, và cải thiện các kỹ năng điều tiết cảm xúc cũng như hành vi. CCT có bốn giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: đánh giá sang chấn, những triệu chứng đi kèm, hỗ trợ từ xã hội và tình hình gia đình trước, trong và sau sang chấn. Giai đoạn này cũng bao gồm việc giáo dục tâm lý, để trẻ  tìm hiểu về những phản ứng sau sang chấn và những thông tin liên quan, cách điều trị, và phát triển những phương pháp đối phó. Những  phương pháp đối phó bao gồm nhiều kỹ năng khác nhau mà trẻ có thể học và phát triển để sử dụng về sau [7, 8].

  • Giai đoạn 2: tạo nên mạch dẫn về tiền sử sang chấn để thân chủ kể về sang chấn, miêu tả lại cảm xúc, và những cảm giác lúc đó. Nhà trị liệu sẽ giúp thân chủ hiểu hơn về cảm xúc, suy nghĩ và phản ứng của mình. Thân chủ sẽ được yêu cầu lập ra một dòng thời gian bao gồm tất cả những sự kiện mà mình có thể nhớ lại và đánh giá những sự kiện đó là tích cực, trung bình, hay tiêu cực. Điều này sẽ đặt sự kiện gây sang chấn vào một bức tranh tổng quát hơn và tái tạo lại các nhận thức sai lệch của thân chủ [7, 8].

  • Giai đoạn 3: sẽ có một buổi gặp mặt chung giữa thân chủ và người chăm sóc để cập nhật cho người chăm sóc biết tiến trình của thân chủ và chuẩn bị cho liệu pháp tiếp xúc. Sau đó, nhà trị liệu sẽ tiến hành liệu pháp tiếp xúc [7, 8].

  • Giai đoạn 4: ở giai đoạn này, thân chủ sẽ kể lại tiền sử sang chấn, sử dụng những kỹ năng đã học được. Nhà trị liệu và thân chủ sẽ thảo luận về tiến trình của thân chủ, cũng như những điểm mạnh và những điểm hạn chế, và đưa ra những gợi ý  [7, 8].

Carrion và Hull đã nghiên cứu lại các báo cáo và tìm ra rằng CCT cải thiện các triệu chứng nội chiếu và bộc phát ngoại (internalising and externalising symptoms), tuy nhiên, những triệu chứng của PTSD vẫn gia tăng. Vì vậy, chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để hiểu rõ hơn về mức độ hiệu quả của trị liệu này [7].

Giảm mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt (Eye movement desensitization and reprocessing - EMDR)

Giảm mẫn cảm chuyển động của mắt và phục hồi là một liệu pháp hiệu quả để hỗ trợ giảm sự sống động và những cảm xúc tiêu cực đi kèm với các sang chấn  [9]. EMDR, nói một cách đơn giản, bao gồm chuyển động mắt trong liệu pháp tiếp xúc, thường được dùng để điều trị PTSD. EMDR bao gồm tám giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Tiền sử của thân chủ - thu thập thông tin về thân chủ để xem thân chủ có thích hợp với liệu pháp này hay không. Hơn nữa, nhà trị liệu nên xác định được các sang chấn trong cuộc sống của thân chủ [10].

  • Giai đoạn 2: Chuẩn bị - nhà trị liệu thông báo cho thân chủ về EMDR,  trả lời các câu hỏi của thân chủ, và chỉ dẫn cho thân chủ những kỹ năng kiểm soát bản thân để tối ưu hóa tác dụng của liệu pháp này [10].

  • Giai đoạn 3: Đánh giá - tìm hiểu về mục tiêu thân chủ hướng đến trong quá trình trị  bằng cách tìm hiểu về những quan điểm, cảm xúc, và cảm giác trên cơ thể thân chủ [10].

  • Giai đoạn 4: Giảm mẫn cảm - nhà trị liệu chỉ dẫn thân chủ di chuyển mắt sao cho phù hợp và tập trung vào những mục tiêu như đã thảo luận, rồi tới ký ức đã được chọn [9].

  • Giai đoạn 5: Thiết lập - thân chủ tập trung thay đổi những niềm tin tiêu cực thành những niềm tin tích cực [10].

  • Giai đoạn 6: Quét cơ thể - hoàn tất liệu pháp, tập trung và xử lý những cảm giác còn sót lại trên cơ thể [10].

  • Giai đoạn 7: Kết thúc - nhà trị liệu đảm bảo mức độ ổn định của thân chủ cuối liệu pháp và giữa các buổi trị liệu [10].

  • Giai đoạn 8: Đánh giá lại - đánh giá sự ảnh hưởng của EMDR [10].

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng EMDR giảm thiểu sự ảnh hưởng từ những ký ức đau buồn, tuy nhiên, Högberg và cộng sự đã tìm ra rằng tác dụng của EMDR là ngắn hạn [15, 16]. EMDR có thể hiệu quả với việc giảm thiểu sự căng thẳng và có thể được áp dụng cùng những liệu pháp  khác [16].

Kết luận

Trên đây là mô tả ngắn gọn về một số liệu pháp tâm lý được sử dụng cho Trải nghiệm Tuổi thơ bất trắc (Adverse Childhood Experiences - ACE). Những cách tiếp cận này có cả ưu điểm lẫn nhược điểm, và tính hiệu quả của việc điều trị còn tùy thuộc vào mức độ phù hợp với thân chủ. Vì vậy, hãy liên lạc với các chuyên gia để tìm sự hỗ trợ phù hợp và hiệu quả nhất nếu bạn hoặc ai đó bạn biết đã hoặc đang gặp tình trạng này.

Biên tập: Trân Trần & Hương Lê

Biên dịch: Hà Chi 

Minh hoạ: La Quỳnh

Danh mục tham khảo:

[1] Carrión, Victor G. Essay. In Assessing and Treating Youth Exposed to Traumatic Stress, 223–26. Washington, DC: American Psychiatric Association Publishing, 2019. 

[2] Lieberman, Alicia F., Patricia Van Horn, and Chandra Ghosh Ippen. “Toward Evidence-Based Treatment: Child-Parent Psychotherapy with Preschoolers Exposed to Marital Violence.” Journal of the American Academy of Child & Adolescent Psychiatry 44, no. 12 (2005): 1241–48. https://doi.org/10.1097/01.chi.0000181047.59702.58. 

[3] Lieberman, Alicia F., Chandra Ghosh Ippen, and Patricia Van Horn. “Child-Parent Psychotherapy: 6-Month Follow-up of a Randomized Controlled Trial.” Journal of the American Academy of Child & Adolescent Psychiatry 45, no. 8 (2006): 913–18. https://doi.org/10.1097/01.chi.0000222784.03735.92. 

[4] MacNeil, Cheryl B., and Toni L. Hembree-Kigin. Essay. In Parent-Child Interaction Therapy, 2–4. London: Springer, 2011. 

[5] Niec, Larissa N. Essay. In Handbook of Parent-Child Interaction Therapy: Innovations and Applications for Research and Practice, 5–8. Cham, Switzerland: Springer, 2018. 

[6] Cohen, Judith A., Anthony P. Mannarino, Lucy Berliner, and Esther Deblinger. “Trauma-Focused Cognitive Behavioral Therapy for Children and Adolescents.” Journal of Interpersonal Violence 15, no. 11 (2000): 1202–23. https://doi.org/10.1177/088626000015011007. 

[7] Carrion, Victor G., and Katherine Hull. “Treatment Manual for Trauma-Exposed Youth: Case Studies.” Clinical Child Psychology and Psychiatry 15, no. 1 (2009): 27–38. https://doi.org/10.1177/1359104509338150. 

[8] Carrión, Victor G. Essay. In Assessing and Treating Youth Exposed to Traumatic Stress, 208–210. Washington, DC: American Psychiatric Association Publishing, 2019. 

[9]van den Hout, Marcel A., and Iris M. Engelhard. “How Does EMDR Work?” Journal of Experimental Psychopathology3, no. 5 (2012): 724–38. https://doi.org/10.5127/jep.028212. 

[10] Shapiro, Francine, Florence Whiteman Kaslow, and Louise Maxfield. Essay. In Handbook of EMDR and Family Therapy Processes, 8–10. Hoboken, NJ: John Wiley & Sons, 2007. 

[11] Deblinger, Esther, Anthony P. Mannarino, Judith A. Cohen, Melissa K. Runyon, and Robert A. Steer. “Trauma-Focused Cognitive Behavioral Therapy for Children: Impact of the Trauma Narrative and Treatment Length.” Depression and Anxiety 28, no. 1 (2010): 67–75. https://doi.org/10.1002/da.20744. 

[12] de Arellano, Michael A., D. Russell Lyman, Lisa Jobe-Shields, Preethy George, Richard H. Dougherty, Allen S. Daniels, Sushmita Shoma Ghose, Larke Huang, and Miriam E. Delphin-Rittmon. “Trauma-Focused Cognitive-Behavioral Therapy for Children and Adolescents: Assessing the Evidence.” Psychiatric Services 65, no. 5 (2014): 591–602. https://doi.org/10.1176/appi.ps.201300255. 

[13] Hakman, Melissa, Mark Chaffin, Beverly Funderburk, and Jane F. Silovsky. “Change Trajectories for Parent-Child Interaction Sequences during Parent-Child Interaction Therapy for Child Physical Abuse.” Child Abuse & Neglect33, no. 7 (2009): 461–70. https://doi.org/10.1016/j.chiabu.2008.08.003. 

[14] Hagan, Melissa J., Dillon T. Browne, Michael Sulik, Chandra Ghosh Ippen, Nicole Bush, and Alicia F. Lieberman. “Parent and Child Trauma Symptoms During Child-Parent Psychotherapy: A Prospective Cohort Study of Dyadic Change.” Journal of Traumatic Stress 30, no. 6 (2017): 690–97. https://doi.org/10.1002/jts.22240. 

[15] Högberg, Göran, Marco Pagani, Örjan Sundin, Joaquim Soares, Anna Åberg-Wistedt, Berit Tärnell, and Tore Hällström. “On Treatment with Eye Movement Desensitization and Reprocessing of Chronic Post-Traumatic Stress Disorder in Public Transportation Workers – A Randomized Controlled Trial.” Nordic Journal of Psychiatry 61, no. 1 (2007): 54–61. https://doi.org/10.1080/08039480601129408. 

[16] Jeffries, Fiona W., and Paul Davis. “What Is the Role of Eye Movements in Eye Movement Desensitization and Reprocessing (EMDR) for Post-Traumatic Stress Disorder (PTSD)? A Review.” Behavioural and Cognitive Psychotherapy 41, no. 3 (2012): 290–300. https://doi.org/10.1017/s1352465812000793. 

Previous
Previous

Rối Loạn Phân Ly Nhân Dạng Qua Góc Nhìn Của Phim Điện Ảnh

Next
Next

Một Góc Nhìn Đương Đại Về Học Thuyết Gắn Bó Ở Thanh Thiếu Niên