InPsychOut Kể Chuyện Gãy #2: Bàn về Trầm Cảm
Hãy cùng lắng nghe podcast của bọn mình tại đây nhé!
⚠️ Lưu ý: Đây là một podcast về trầm cảm. Nếu chủ đề này gây ra những cảm xúc tiêu cực mạnh cho bạn thì bạn có thể cân nhắc dừng tại đây. Cuộc trò chuyện sau đây không mang tính chất trị liệu, mà chỉ là một cuộc đối thoại giữa những người bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và ủng hộ chúng mình! ⚠️
Transcript
TA: Chào các bạn đã quay trở lại với InPyschOut kể chuyện Gãy. Mình là Thuỳ Anh
H: Mình là Hương
L: Và mình là Linh
TA: Cảm ơn các bạn đã ủng hộ chúng mình trong lần ra mắt trước. Trong số này chúng mình sẽ nói về một chủ đề mà chúng mình nghĩ rằng sẽ có rất nhiều các bạn trẻ quan tâm và đó là Trầm cảm
L: Trước khi nói về chủ đề này thì mình xin được quay lại với số đầu tiên. Thì sau số đầu tiên đấy, tụi mình đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực cũng như những tin nhắn thể hiện mong muốn, chia sẻ, đề xuất về chủ đề cho lần này. Chị cũng đã gom một số thắc mắc về chủ đề ngày hôm nay để tụi mình cùng trò chuyện
H: Ngày xưa trước khi học ngành tâm lý hay nghiên cứu về Trầm Cảm, thỉnh thoảng em cũng hay băn khoăn như thế nào là trầm cảm. Việc mình buồn bã thông thường hay buồn nhiều trong thời gian dài và trầm cảm khác nhau như thế nào, xung quanh em cũng có người này người kia bị trầm cảm. Sau nhiều năm đi học và nghiên cứu em mới hiểu ra được hơn về vấn đề này, em nghĩ cũng có nhiều người thắc mắc giống như em. Hy vọng sau podcast ngày hôm nay mọi người sẽ rút ra được điều gì đó trong chủ đề lần này
L: Cá nhân chị thì chỉ có một vài lần là thực sự nghĩ mình trầm cảm. Cái lần tệ nhất là khi bạn thân chị tự sát. Chị rơi vào trạng thái khủng hoảng tột độ, không có động lực làm gì, không thấy cuộc sống có ý nghĩa, không thể ra ngoài gặp ai, cũng không muốn đi làm, lúc nào cũng khóc. Cái thực tại mình vẫn hằng biết bỗng nhiên dần thay đổi, những thứ tưởng là thật không còn nữa và bị bối rối không biết phải nhìn mọi thứ thế nào. Nó kéo dài như vậy suốt mấy tháng liền. Chị cũng thử đi therapy nhưng vì nó khá tốn tiền và phải đi thường xuyên nên đi có một lần bác sĩ cũng không chẩn đoán được gì, chị thấy cũng không giúp ích gì lắm nên không tiếp tục đi. Tóm lại là chị chưa được chẩn đoán là Trầm Cảm nhưng chị nghĩ lúc đó mình bị Trầm Cảm. Nên chị cũng thắc mắc, và chắc nhiều người khác không có điều kiện được chẩn đoán cũng có thắc mắc tương tự; liệu khi mình buồn quá mức và buồn thời gian dài như vậy thì đó có phải là Trầm Cảm không? Và như thế nào là Trầm Cảm?
TA: Theo em thì mình không nên tự chẩn đoán. Chị có thể có những triệu chứng liên quan đến trầm cảm như: mất đi động lực, mất đi ý nghĩa cuộc sống, lúc nào cũng khóc, không còn mục tiêu để sống. Nhưng chúng ta cần phân biệt những cảm xúc buồn bã thông thường với những dấu hiệu trầm cảm lâm sàng, tại vì để đưa ra một chẩn đoán cần phải có độ dài cho từng triệu chứng, có bao nhiêu triệu chứng là bắt buộc và bao nhiêu triệu chứng là thêm, và mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.
H: Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, những nhà khoa học, bác sĩ và nhà trị liệu chuyên ngành đang dần khuyến khích mình nên nhìn trầm cảm theo một dạng khác đó là dạng Phổ. Ví dụ như khi bạn nhìn vào cầu vồng, bạn sẽ không thấy được đâu là điểm cắt rõ ràng giữa những màu đỏ, cam, vàng. Điều này cũng có nghĩa là để xác định được điểm xuất phát của trạng thái buồn bã đến trầm cảm thì nó không rõ rệt như là chúng ta nhìn vào việc phân loại các rối loạn dựa trên những con số và thời gian nhất định. Có rất nhiều người nằm trong giai đoạn Phổ, tại điểm chuyển giao không rõ ràng này, đặc biệt đối với thanh thiếu niên, những người trẻ đang trong giai đoạn trưởng thành. Thế nên việc cải thiện tâm trạng, khí sắc ở thời điểm này là cần thiết vì nó thường là tiền đề và là nguy cơ cao dẫn đến Trầm Cảm lâm sàng về sau.
L: Vậy đối với những ai không có điều kiện được chẩn đoán thì mình nên làm gì?
TA: Thông thường việc đầu tiên chúng ta làm đó là lên mạng Google về vấn đề của mình. Bọn em không khuyến khích điều đó vì bạn sẽ chỉ đọc được những triệu chứng rời rạc thôi, mình không có khả năng xem một cách tổng quan bản thân đang gặp vấn đề gì. Việc này không mang giá trị chẩn đoán mà còn gây nên những lo âu cho bản thân nữa. Một ý nữa đó là khi trầm cảm và tự chẩn đoán, bạn sẽ có xu hướng tìm những thứ tự khẳng định. Nếu phát hiện ra bản thân đang ở trong vòng luẩn quẩn, mình có thể bắt đầu thay đổi những thói quen, thay vì ngồi chờ động lực, hoặc là mình có thể tìm cách để có những giấc ngủ chất lượng hơn.
L: Chị nghĩ những điều em vừa đề cập đa số ai cũng biết. Nhưng để làm rất khó, đặc biệt là khi mình đang trong trạng thái không muốn làm gì, không thể làm gì. Tâm trạng đang ở mức sàn. Cái cách của chị là chị chỉ nằm một chỗ xem phim, đọc sách, tìm kiếm sự đồng cảm từ những tác phẩm. Sau đó thấy rằng vấn đề của mình cũng không phải chỉ mình có. Sau đó ở nhà khóc mãi cũng chán rồi, bắt đầu đi bộ ngoài công viên mỗi chiều chủ nhật, từ đi bộ thành chạy bộ. Đó là thời gian chị biết đến và yêu thích chạy bộ. Và cũng thử đi therapy nhưng thấy nó không giúp được mình mà chị không tin vào thuốc lắm. Thế nên chị nghĩ mỗi người sẽ phải tự tìm ra một phương pháp hay therapy của riêng họ mà không nên trông chờ vào yếu tố nào từ bên ngoài. Người thì vẽ, người thì làm nhạc, hay thiền. Làm bất cứ thứ gì nhưng quan trọng là trong mỗi việc mình làm đó hãy làm với một chút lạc quan hay một chút lòng tin là mình sẽ ra khỏi cái này. Thì từ từ nó sẽ tốt hơn.
TA: Em cũng đã từng trong trạng thái đó. Em nghĩ tập một môn thể dục mà mình yêu thích thì rất có ích, lúc đó nếu chị bảo em đi chạy bộ thì em sẽ không thể đi nổi. Riêng em thì em rất thích tập tạ, em thích cảm giác nâng một cục tạ nặng lên rồi thả nó xuống rồi lại nâng lên, cảm thấy mình mạnh mẽ hơn. Sau một khoảng thời gian rất dài thì nó kéo em ra. Em nghĩ chị nói đúng là mỗi người cần tìm cho mình một cách riêng vì không ai như ai cả.
H: Em nghĩ một điều nữa cũng rất quan trọng trong quá trình chữa lành đó là kiên nhẫn với bản thân. Bất kỳ các phương pháp trị liệu nào cũng cần thời gian kể cả thuốc hay những phương pháp trị liệu riêng biệt khác. Nếu mình cố gắng với bản thân mình mỗi ngày một chút thì con đường cũng sẽ dễ dàng hơn.
TA: Và có những người sẽ tìm những giải pháp khác một cách quá mức như là uống rượu, nghiện thuốc an thần, ăn vô độ, vv. Thì đây lại chỉ là những giải pháp ngắn hạn mà còn ảnh hưởng thêm đến sức khoẻ tâm lý
L: Nãy giờ mình nói những điều tích cực nhưng cũng chưa nói những điều tiêu cực. Khoảng thời gian trầm cảm chị cũng rơi vào trạng thái ăn vô độ, giống như sử dụng đồ ăn để lấp vào khoảng trống đó vậy. Sau được một thời gian lại suy nghĩ, mình không nên ăn quá nhiều như vậy, nhưng chỉ lúc ăn mình mới thấy vui. Dần dần nhận ra cái hành động mới là cái quyết định tất cả.
H: Hôm trước em cũng đọc được một bài báo là có một anh này cũng bị trầm cảm rất lâu. Mỗi lần như vậy anh ấy cũng ăn rất nhiều, ăn nhiều đến mức muốn nôn hết ra. Mà anh ấy lại là người rất thích vẽ. Và cách đã giúp anh ấy chữa lành là mỗi khi thèm ăn cái gì đó thì anh ấy sẽ vẽ cái đó ra. Vẽ ra rồi thì không muốn ăn nữa. Một cách để tự lừa não của mình.
L: Có rất nhiều người bị trầm cảm thường xuyên, câu hỏi tiếp theo chị muốn hỏi là những yếu tố gì kích hoạt trầm cảm? Nguyên nhân là từ đâu?
H: Đây là một câu hỏi khó, mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu nhưng đến bây giờ mình vẫn không thể biết được nguyên do chính xác của trầm cảm là gì. Tuy nhiên, yếu tố chính đầu tiên là yếu tố sinh học, liên quan đến người thân trong nhà. Hoặc do sự mất cân bằng trong các nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin, v v. Hoặc những yếu tố môi trường như gia đình, trường học, xã hội, nơi chúng ta sinh sống. Một yếu tố nữa có thể liên quan đó là yếu tố cá nhân như là tính cách hay cách chúng ta điều tiết cảm xúc khi gặp nhiều căng thẳng, khó khăn.
TA: Còn một vài yếu tố nữa em muốn bổ sung đó là rượu bia và các chất kích thích. Ví dụ ta biết có một nhánh nhỏ nằm trong Trầm Cảm được gọi là rối loạn trầm cảm lưỡng cực, thì rượu bia và chất kích thích đều ảnh hưởng lớn đến những yếu tố loạn thần trong bệnh này.
L: Như lúc nãy chị chia sẻ trường hợp bạn thân tự sát, lúc đó chị nghĩ đó chính là thứ kích hoạt trầm cảm. Sau đó chị phải đi ra khỏi Sài Gòn để tìm kiếm câu trả lời, chị nhận ra vấn đề nằm ở sâu xa bên trong mình hơn là ở cái chết của bạn.
H: Nó có thể là sự kết hợp của rất nhiều thứ khác nhau xoay quanh việc bạn chị ra đi nữa chẳng hạn. Đó là lý do tại sao khi trị liệu tâm lý, mỗi người cần những phương pháp khác nhau.
L: Tóm lại là mỗi người vẫn phải tự tìm ra nguyên nhân và phương pháp cho chính mình phải không? Không có một tiêu chuẩn nào dành cho tất cả mọi người hết.
TA: Qua cuộc hội thoại này, mình hy vọng các bạn đã hiểu thêm về trầm cảm và những cách để bản thân có thể phòng tránh hay cải thiện sức khỏe tâm lý của bản thân. Chúng mình biết những khoảng thời gian tiêu cực là rất khó khăn, mình hy vọng các bạn sẽ kiên cường vì quá trình này có thể dài và không phải lúc nào bạn cũng thấy mình đang khá lên đâu. Nhưng chính vào những lúc ấy, chúng mình mong các bạn sẽ kiên nhẫn hơn và trân trọng những thành quả mà mình đã đạt được. Mong sớm được gặp lại các bạn số tiếp theo của InPsychout Kể Chuyện Gãy.
*Lưu ý: Tất cả nội dung trong podcast không có tính chất chẩn đoán hay trị liệu. Nếu bạn đang trong một giai đoạn bất ổn về tâm lý, hãy mở lòng và xem xét việc tìm sự giúp đỡ bạn bè, gia đình, cũng như những giúp đỡ chuyên môn. Mọi sự lựa chọn về mặt từ ngữ và diễn đạt của những cá nhân trên podcast không mang tính đại diện cho quan điểm của bất kỳ tổ chức nào.
Nội dung: InPsychOut & Gãy
Artwork: Bo
Đồ hoạ: Công Huỳnh
Nhạc & Âm thanh: mess
Sản xuất: Miên Phạm