Hồi Phục Từ Những Tổn Thương Tâm Lý: Vai Trò Phức Tạp Của Hỗ Trợ Cộng Đồng
Trong tập thứ hai, mùa thứ hai của sê-ri truyền hình Sex Education với chủ đề xoay quanh những vấn đề tình dục ở tuổi vị thành niên, Aimee–một trong những nhân vật chính–đã bị một người đàn ông cố tình xâm hại/quấy rối tình dục [1]. Người đàn ông lạ mặt này đã xuất tinh lên cơ thể của cô trên chuyến xe buýt và bộ phim tập trung khai thác những khó khăn mà Aimee phải trải qua để đối diện với tổn thương tâm lý của mình. Những tổn thương tâm lý như thế này có thể trở thành tiền đề của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Post Traumatic Disorder, PTSD). Những ký ức có tính nguy hiểm cao, gây sốc tâm lý và cảm giác sợ hãi từ sang chấn sẽ gây ra áp lực kể cả trong những tình huống bình thường [2].
Khi nạn nhân chống chọi hiệu quả với PTSD là khi họ vượt qua những thách thức về niềm tin cốt lõi của chính họ, và sẽ dần đạt đến một sự phát triển bản thân, thường được biết đến là sự phát triển hậu sang chấn (posttraumatic growth, PTG) [3]. Một trong những nhân tố quan trọng tác động đến quá trình hồi phục của họ đó là hỗ trợ cộng đồng, một phương pháp dùng những mối quan hệ tích cực để định hướng cho sự phát triển của những người sống sót (survivors) sau những sang chấn tâm lý. Thế nhưng, những ai đang chống chọi với PTSD sẽ gặp những thử thách trong việc tìm phương pháp đối phó PTSD phù hợp, tiếp cận, hình thành và duy trì sự hỗ trợ xã hội một cách hiệu quả.
Tầm quan trọng của hỗ trợ cộng đồng đối với PTG phụ thuộc vào mối quan hệ giữa cách thức hỗ trợ và phương pháp đối diện với tổn thương của những người sống sót. Với mục đích tìm hiểu mối tương quan giữa các phương pháp đối diện tổn thương và PTG, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 268 người da trắng tại Northwest England đang trải qua sang chấn tâm lý [4]. Nghiên cứu đã tìm thấy rằng PTG phụ thuộc vào phương pháp đối diện với tổn thương của những người sống sót, cách thức mà họ thu thập những góc nhìn đa dạng từ cộng đồng xung quanh để đối phó với sự tiêu cực từ những luồng suy nghĩ đang xâm lấn họ, và định hình nhận thức của họ về sang chấn [4]. Ngược lại, phương thức ứng phó né tránh để giảm căng thẳng bằng cách phớt lờ sang chấn không tác động tích cực đến PTG bởi vì người sống sót sẽ trì hoãn việc chia sẻ tổn thương của mình với những người khác và sẽ chậm tiếp cận với hỗ trợ từ cộng đồng. Phương thức tập trung vào những cảm xúc gây ra do áp lực hậu sang chấn, bằng cách nghĩ suy nghĩ sâu xa về sang chấn, tuy nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng nhưng lại không ảnh hưởng đáng kể đến PTG. Nghiên cứu cho thấy phương thức đối diện với sang chấn tâm lý giúp người sống sót tìm sự kết nối với mạng lưới xã hội sẽ có tiến triển khả quan hơn trong quá trình hình thành PTG, nhưng giao tiếp xã hội cần tránh chi tiết sang chấn gây xúc động.
Cơ chế tác động của hỗ trợ cộng đồng trong việc hình thành PTG có thể được thấy rõ trong các hoạt động xã hội nhằm phản đối việc lạm dụng tình dục của những người sống sót. Một nghiên cứu cho rằng những hoạt động xã hội phản đối xâm hại tình dục có một liên kết tích cực đến sự phát triển hậu sang chấn tâm lý của 282 người Mỹ sống sót sự lạm dụng tình dục [5]. Hoạt động xã hội thúc đẩy khả năng giao tiếp và thấu cảm với người khác bằng cách tạo nên môi trường cho những người sống sót định hình lại cách diễn giải sang chấn của họ qua góc nhìn của những người khác. Thông qua các hoạt động xã hội, những người tham gia tìm thấy nhiều ý nghĩa của cuộc sống hơn, bởi vì sự cống hiến cho tiến bộ xã hội đem đến cho họ mục đích sống [5]. Bên cạnh đó, việc lên tiếng chia sẻ cũng khuyến khích phương thức đối diện với nguyên nhân của những căng thẳng thông qua sự kết nối giữa những nạn chân sang chấn tâm lý. Sự kết nối này có thể bảo vệ họ khỏi việc chủ quan hoá những điều phiền muộn hình thành từ trải nghiệm bị áp bức trong những sang chấn tâm lý liên quan đến tình dục. Thế nhưng, việc tham gia vào các hoạt động xã hội cũng không chắc chắn xóa tan được cảm giác tự đổ lỗi và nỗi xấu hổ của những người sống sót, bởi vì họ vẫn có khả năng phải đối diện với những phản ứng tiêu cực từ xã hội trong quá trình hoạt động của mình [5].
Mặc dù rất hữu ích cho những người đang trong quá trình hồi phục sau những tổn thương tâm lý, tác động của hỗ trợ cộng đồng có thể trở nên xấu đi một khi họ từ chối nhận sự giúp đỡ sau một thời gian dài. Một nghiên cứu theo chiều dọc (longitudinal research) ở Úc, được thực hiện trên 1132 người sống sót trên cả nước, tìm thấy rằng những triệu chứng nặng của PTSD có liên quan đến sự suy giảm trong nhận thức tích cực về hỗ trợ cộng đồng, trong khoảng 3 đến 12 tháng sau sang chấn [6]. Kết luận này hướng đến tầm quan trọng của việc nhận thức về những sự trợ giúp của người sống sót: khi nhận thức càng tiêu cực thì các triệu chứng căng thẳng tâm lý càng nặng thêm. Vì thế, việc biết rằng mình sẽ nhận được hỗ trợ cộng đồng sẽ góp phần bảo vệ những người sống sót, nhất là khi một sang chấn tâm lý đơn lẻ xảy ra trong những cộng đồng ổn định. Hơn thế, sự nhạy cảm của những người sống sót sau sang chấn có thể dẫn đến mâu thuẫn và làm cho nhận thức của họ về các mối quan hệ xung quanh xấu dần.
Nam giới khi gặp phải sang chấn tâm lý thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm hỗ trợ cộng đồng, bởi vì những định kiến xã hội thường xem nhẹ hoặc bôi xấu những nỗi đau của họ [7]. Một nghiên cứu thực hiện phỏng vấn những sĩ quan quân đội bị lạm dụng tình dục đã gợi ý rằng những phản ứng tiêu cực họ nhận được khi chia sẻ về sang chấn này đã ảnh hưởng lớn đến lòng tin và khả năng gần gũi với người khác của họ [7]. Những người tham gia phỏng vấn cho biết rằng họ thường xuyên giấu kín trải nghiệm của họ với người khác và không trao đổi sự kiện này với những sĩ quan khác hay các cấp cao hơn. Khi họ trải lòng, phản ứng thường gặp sẽ là không tin, sau đó thường kèm theo lăng mạ và sự quấy nhiễu từ những sĩ quan khác, khiến họ càng tìm cách né tránh bằng việc lạm dụng chất. Mặt khác, một phản hồi tích cực có thể làm giảm sự căng thẳng, tự trách, và khuyến khích việc đối diện với cảm xúc. Thực tế khi mà nam giới phải che giấu những sang chấn liên quan đến tình dục và gặp nhiều trở ngại để có được hỗ trợ cộng đồng là một điều đáng buồn.
Sự kết hợp giữa những định kiến về sự nam tính và sắc tộc lại tạo thành một tập hợp những rào cản để nam giới có thể chia sẻ sự tổn thương của họ với những người thân quen. Một khảo sát trên những người nam giới da đen tại Trung tâm Sang chấn tâm lý (Trauma Center) ở Philadelphia tìm thấy rằng họ có nguy cơ rất cao trong việc không tìm kiếm sự giúp đỡ, bởi vì sự kháng cự lại những sự giúp đỡ y tế [8]. Nỗi sợ bị gắn nhãn là “khùng điên" bởi những nhân viên y tế khiến họ không sẵn lòng trao đổi về sang chấn của mình. Những người tham gia vào nghiên cứu chia sẻ rằng bản thân các cuộc đối thoại đã có thể gợi dậy các ký ức khó chịu, khiến cho những nỗ lực giao tiếp và nâng cao mức độ nhận biết trong cộng đồng những người da đen càng trở nên khó khăn hơn. Chính vì thiếu đi sự giúp đỡ từ chuyên viên y tế, người nam giới da đen tìm kiếm sự giúp đỡ tinh thần từ những thành viên hoặc lãnh đạo của nhà thờ để lèo lái qua những khó khăn khi trải qua tổn thương tâm lý. Sự hiệu quả của tôn giáo trong sự hồi phục của nam giới người da đen có thể cho thấy phần nào đó tầm quan trọng của hỗ trợ xã hội trong việc hình thành PTG của mỗi cá nhân.
Quay trở lại với nhân vật trong bộ phim Sex Education được nhắc tới ban đầu, trong tập bảy, Aimee chia sẻ sự cố của mình cùng bạn bè và nỗi sợ của cô khi ngồi trên xe bus, và cô nhận ra một vài người bạn cũng có cùng trải nghiệm không may này [9]. Hình ảnh nhóm bạn thống nhất sẽ đi bus cùng với nhau để đảm bảo sự an toàn cho Aimee là một khoảnh khắc có sức mạnh lan toả, bởi nó không chỉ khắc hoạ sự cần thiết mà còn cả sự chân thành của sự hỗ trợ từ cộng đồng. Bối cảnh là tối quan trọng để mỗi cá nhân có thể tìm thấy những nhóm hỗ trợ cộng đồng và hình thức hỗ trợ phù hợp với bản thân, bởi vì hỗ trợ cộng đồng là một nhân tố tâm lý phức tạp với vô số khía cạnh khác nhau. Sự hiện diện của hỗ trợ cộng đồng là tối cần thiết bởi vì những người trải qua cú sốc tâm lý cần phải được biết rằng họ có một không gian để đối diện với những ký ức về các trải nghiệm không may mà cuộc sống đưa tới cho họ. Hỗ trợ xã hội là cầu nối giúp đỡ những ai đối mặt với sang chấn tâm lý tìm đến sự trợ giúp tâm lý, đặc biệt khi trợ giúp tâm lý rất khó để tiếp nhận bởi vì những định kiến về giới tính cũng như màu da làm suy giảm tầm quan trọng của nó.
Biên tập: Tiên Trần, Thoa Đinh & Hương Lê
Biên dịch: Tâm Nguyễn