Hệ Thống Phản Ứng Đối Với Căng Thẳng Của Cơ Thể
Về cơ bản, căng thẳng không phải là một thứ ta cần phải tránh né mới có thể có một cuộc sống khỏe mạnh. Nó đơn thuần chỉ là một phản ứng tự nhiên của cơ thể để đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Trong bài viết này, chúng ta sẽ nói về hệ thống phản ứng chính - trục HPA - và việc nó và sức khỏe tâm thần của chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào khi phải liên tục đối mặt với căng thẳng và áp lực. Đầu tiên, chúng ta sẽ nói qua trục HPA và hệ thần kinh giao cảm là gì và vai trò của chúng trong hệ thống phản ứng đối với căng thẳng của cơ thể.
Trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận (The hypothalamic–pituitary–adrenal axis hoặc HPA axis) thường được biết đến với vai trò là hệ thống phản ứng đối với căng thẳng của hệ nội tiết trong cơ thể. Như tên gợi ý, trục HPA bao gồm vùng dưới đồi, tuyến yên, và tuyến thượng thận. Tuy những nội tạng này có rất nhiều vai trò trong cơ thể, chúng ta sẽ chỉ nói về vai trò của chúng trong trục HPA. Những tương tác trong trục HPA sẽ sử dụng đến các nội tiết tố, một loại hoá học được tạo ra bởi các tuyến và có vai trò điều chỉnh sinh lý và hành vi của cơ thể, và chất dẫn truyền thần kinh, một chất truyền tin hóa học các tế bào thần kinh sử dụng để giao tiếp với nhau trong hệ thần kinh [1].
Đầu tiên, khi cơ thể tiếp nhận các dấu hiệu căng thẳng từ môi trường, hệ thần kinh giao cảm, một phần của hệ thống thần kinh tự chủ, sẽ kích hoạt phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight response) để chuẩn bị cơ thể chúng ta cho một trong hai lựa chọn trên [2]. Phản ứng này chính là phản ứng của hệ thần kinh đối với căng thẳng và là lý do vì sao điều đầu tiên bạn cảm nhận trong trường hợp nguy hiểm hay đáng sợ là sự căng thẳng đi kèm với cơ thể căng cứng. Khi chúng ta gặp phải một tình huống căng thẳng, hệ thần kinh giao cảm của chúng ta sẽ được kích hoạt bởi vùng dưới đồi trong não và tiết ra adrenaline và noradrenaline, hai loại nội tiết tố và chất dẫn truyền thần kinh [3], cũng chính là lý do tại sao nhịp tim bạn tăng và thở gấp khi căng thẳng [2].
Tiếp đến, chúng ta sẽ nói về trục HPA. Biểu đồ này cho thấy cách trục HPA hoạt động và cách các cơ quan trong trục này ảnh hưởng lẫn nhau. Chúng ta sẽ nói về từng phần của hệ thống đối phó với căng thẳng theo thứ tự hoạt động như biểu đồ đã cho thấy. Chúng ta sẽ bắt đầu từ phản ứng của trục HPA đối với căng thẳng (từ vùng dưới đồi xuống tới tuyến thượng thận trong biểu đồ), và kết thúc với hoạt động của vòng phản hồi cân bằng (từ cortisol trong máu ảnh hưởng ngược lại vùng dưới đồi và tuyến yên).
Phản ứng của trục HPA đối với căng thẳng
Khi căng thẳng, vùng dưới đồi sẽ bài tiết nội tiết tố CRF vào máu để kích thích tuyến yên tiết ra nội tiết tố ACTH [4]. Nội tiết tố ACTH rồi sẽ kích thích tuyến thượng thận tiết ra nội tiết tố Cortisol, loại nội tiết tố được cho là giúp cơ thể đối phó với căng thẳng [4].
Vòng phản hồi cân bằng
Cơ thể của chúng ta luôn hướng tới sự cân bằng và điều này cũng được áp dụng đối với việc cân bằng nội môi. Để đạt được mục tiêu này, tại một nồng độ cortisol trong máu nhất định, vùng dưới đồi sẽ ngừng bài tiết nội tiết tố CRF và tuyến yên sẽ ngừng bài tiết nội tiết tố ACTH để lượng cortisol quay lại bình thường và nội môi trở lại mức cân bằng [4].
Rối loạn điều tiết trục HPA
Nghiên cứu đã cho thấy một tỷ lệ người trầm cảm đáng kể có nồng độ cortisol trong não cao [5]. Phát hiện này dẫn đến giả thuyết rằng khi những tình huống căng thẳng liên tục kích hoạt trục HPA thì nồng độ cortisol trung bình cũng sẽ tăng theo. Qua đó, trục HPA sẽ dần dễ bị kích hoạt hơn để có thể dễ dàng kiểm soát sự bài tiết cortisol [5]. Cũng với mục đích làm tăng nồng độ cortisol trong não, vòng phản hồi cân bằng dần trở nên bớt nhạy cảm và thời gian để nồng độ cortisol quay lại mức bình thường cũng trở nên dài hơn [4]. Những yếu tố này đang được cho là có liên quan tới những trường hợp trầm cảm nghiêm trọng [5]. Nghiên cứu cũng đã cho thấy những căng thẳng hay sang chấn lúc chúng ta còn rất nhỏ có thể dẫn đến những thay đổi trong khả năng phản ứng của trục HPA ở tuổi trưởng thành, làm tăng nguy cơ trầm cảm [5]. Mức độ hoạt động của trục HPA rất quan trọng - việc có một trục HPA hoạt động quá mức đã được liên hệ với nguy cơ có rối loạn trầm cảm chính. Ngược lại, nếu trục HPA hoạt động dưới mức bình thường thì có thể dẫn đến một số phân loại trầm cảm khác như rối loạn trầm cảm không điển hình và trầm cảm theo mùa [6]. Ngoài trầm cảm, rối loạn trục HPA cũng được tìm thấy ở những cá nhân với các rối loạn tâm thần khác như chán ăn tâm thần, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn hoảng sợ [6].
Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa hiểu hết về mối liên hệ giữa căng thẳng, khả năng điều tiết của trục HPA, và những rối loạn tâm thần. Nhưng điều chúng ta có thể chắc chắn đó là việc liên tục phải đối mặt với căng thẳng rất có hại cho sức khỏe, nhất là khi chúng ta không có những biện pháp điều tiết căng thẳng đúng cách và hiệu quả. Những hành vi đơn giản như ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, theo đuổi những thú vui/sở thích, hay trò chuyện với người thân và bạn bè đều là cách để bạn đối phó với căng thẳng trong cuộc sống. Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn một chút về cơ chế hoạt động của cơ thể chúng ta khi chịu ảnh hưởng của căng thẳng.
Biên tập: Thùy Anh Nguyễn
Thiết kế: MUOI
Nguồn tham khảo:
[1] Chrousos, George P.. “Organization and Integration of the Endocrine System.” Sleep Medicine Clinics 2, no. 2 (2007): 125–145. https://doi.org/10.1016/j.jsmc.2007.04.004.
[2] Dhabhar, Firdaus S.. “The Short-Term Stress Response – Mother Nature’s Mechanism for Enhancing
Protection and Performance Under Conditions of Threat, Challenge, and Opportunity.” Frontiers in Neuroendocrinology 49. (2018): 175-92. doi: 10.1016/j.yfrne.2018.03.004.
[3] Goldstein, David S.. “Catecholamines 101.” Clinical Autonomic Research 20, no. 6 (2010): 331-52. doi: 10.1007/s10286-010-0065-7.
[4] Stephens, Mary Ann C.. “Stress and the HPA Axis: role of glucocorticoids in alcohol dependence.” Alcohol Research: Current Reviews 34, no. 4 (2012): 468-83. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3860380/.
[5] Juruena, Mario F.. "Early-life Stress and HPA Axis Trigger Recurrent Adulthood Depression." Epilepsy & Behavior 38 (2013): 148-59, doi: 10.1016/j.yebeh.2013.10.020.
[6] Tofoli, Sandra Marcia de Carvalho; Baes, Cristiane Von Werne; Martins, Camila Maria Severi; Juruena, Mario. “Early Life Stress, HPA axis, and Depression.” Psychology and Neuroscience 4 (2011): 229-34, 10.3922/j.psns.2011.