Cơn Hoảng Loạn & Rối Loạn Hoảng Sợ - Phần 1
Phần 1: Thông Tin Tổng Quát
Cơn hoảng loạn
Cơn hoảng loạn là khi cảm giác sợ hãi và khó chịu đột ngột dâng trào, lên đến tột đỉnh chỉ trong vài phút. Mặc dù chúng thường kéo dài khoảng 10 phút, nhưng khoảng thời gian của các cơn hoảng loạn có thể rơi vào bất cứ đâu trong vòng 5 đến 30 phút. Trong trường hợp bất thường, thời gian của các đợt có thể kéo dài đến hàng giờ.
Nguyên nhân của các cơn hoảng loạn thường được cho là do sự mất cân bằng các chất hóa học trong não. Sự mất cân bằng như vậy dẫn đến khả năng hoạt động quá tải trong vùng nhận biết nỗi sợ hãi của não, từ đó kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy (fight-or-flight response) (phản ứng làm tăng khả năng sống sót bằng cách chuẩn bị cơ thể cho sự trốn thoát hoặc đấu tranh trong các tình huống nguy hiểm). Phản ứng này dẫn đến các triệu chứng như căng cơ để làm căng cơ bắp hoặc tăng nhịp tim, dẫn đến cải thiện lưu thông máu, từ đó tạo ra nhiều năng lượng hơn cho cơ thể [1].
Theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm Thần (the Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder - DSM-5), để phân biệt một phản ứng lo âu thông thường với căng thẳng và một cơn hoảng loạn, một cơn hoảng loạn cần phải đáp ứng ít nhất 4 trong số các triệu chứng sau [2]:
● Hồi hộp, tim đập mạnh hoặc nhịp tim tăng nhanh
● Đổ mồ hôi
● Run rẩy
● Cảm giác khó thở hoặc ngột ngạt
● Cảm giác bị nghẹt thở
● Đau hoặc khó chịu ở ngực
● Buồn nôn hoặc đau bụng dưới
● Cảm thấy chóng mặt, loạng choạng, choáng váng hoặc ngất xỉu
● Ớn lạnh hoặc cảm giác nóng
● Dị cảm (cảm giác tê hoặc ngứa ran)
● Giải thể thực tại (derealisation - cảm giác tách ra khỏi thực tế) hoặc phi cá nhân hóa (depersonalisation - tách rời khỏi chính bản thân mình)
● Sợ mất kiểm soát hoặc "phát điên"
● Sợ chết
Vì một số triệu chứng này có sự trùng hợp với các bệnh khác như bệnh về hô hấp hay tim mạch, vì vậy, việc tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn là rất cần thiết thay vì dựa vào việc tự chẩn đoán trong những trường hợp này.
Cần lưu ý rằng các cơn hoảng loạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Một người không nhất thiết phải ở trong trạng thái căng thẳng để trải qua một cơn hoảng loạn. Các cơn hoảng loạn có thể xảy ra trong các tình huống khi mà họ ở trong trạng thái hoàn toàn bình tĩnh, ngay cả khi họ đang ngủ (được gọi là hoảng loạn về đêm). Cơn hoảng loạn này được được xếp vào loại cơn hoảng loạn bất ngờ (unexpected panic attack). Ngược lại, các cơn hoảng loạn dự tính (expected panic attack) là những đợt lo âu xảy ra do các yếu tố kích động đã được nhận thức từ trước đó, những yếu tố đã gây ra những phản ứng sợ hãi trước đây cho cá nhân.
Các cơn hoảng loạn có thể xảy ra một lần hoặc tái phát. Mặc dù các cơn hoảng sợ bất ngờ tái phát là một tiêu chí chẩn đoán của rối loạn hoảng sợ, chúng ta cần phải để ý rằng những cơn hoảng loạn này cũng có thể là triệu chứng của các rối loạn tâm lý khác như rối loạn lo âu hoặc tâm thần phân liệt, hoặc chỉ đơn giản là dấu hiệu của căng thẳng.
Rối loạn hoảng sợ
TRIỆU CHỨNG
Rối loạn hoảng sợ là một rối loạn tâm lý mà dấu hiệu đặc trưng là sự tái diễn của các cơn hoảng loạn bất ngờ. Đối với những cá nhân có chẩn đoán rối loạn hoảng loạn, họ phải có những biểu hiện của sự lo lắng được lường trước (lo lắng gây ra bởi việc nghĩ đến cơn hoảng loạn tiếp theo) hoặc nỗi sợ trốn tránh (tránh đến những nơi hoặc các tình huống mà họ đã có những cơn hoảng loạn trước đó), dẫn đến các hành vi thích nghi môi trường tiêu cực như tránh sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đi ra ngoài. Đồng thời, những cơn hoảng loạn không được là tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc để điều trị các chứng bệnh khác. Cuối cùng, các triệu chứng này cần được đảm bảo là biểu hiện của rối loạn hoảng sợ mà không phải là triệu chứng của các vấn đề tâm lý khác.
NGUYÊN NHÂN
1. Yếu tố sinh học
Di truyền học:
Có giả thuyết cho rằng có những cá nhân trong chúng ta có khuynh hướng phát triển rối loạn hoảng sợ do di truyền. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng kết luận về một gen cụ thể gây ra tình trạng này. Gen MANEA có thể là loại gen đó khi nó được phát hiện có liên quan đến cả rối loạn hoảng sợ và rối loạn lo âu lan tỏa [3].Sự mất cân bằng hóa học:
Lời giải thích chung cho rối loạn lo âu về sự mất cân bằng hóa học trong não là sự thiếu chất truyền tin hóa học GABA, từ đó dẫn đến việc các tế bào não trong vùng não liên quan đến sợ hãi trở nên rất dễ bị kích động, nhận định sai lầm các điều trung tính là sự sợ hãi và kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy.
2. Đặc điểm tính cách vốn có
Một yếu tố tính khí góp phần vào sự phát triển của rối loạn lo âu là sự nhạy cảm với lo âu. Sự nhạy cảm với lo âu được giải thích là “nỗi sợ hãi của những cảm giác liên quan đến lo lắng” [4]. Những người có độ nhạy cảm với lo lắng cao có xu hướng liên hệ các chức năng bình thường của cơ thể, chẳng hạn như tim đập mạnh sau khi tập thể dục, với những trường hợp xấu nhất và do đó sợ hãi khi gặp phải các triệu chứng như vậy. Ngược lại, những người ít nhạy cảm với lo lắng có thể cảm thấy khó chịu nhưng không nhất thiết phải nghĩ nhiều về những triệu chứng này có thể có ý nghĩa gì [4]. Các nghiên cứu thực nghiệm ủng hộ vai trò của sự nhạy cảm với lo âu như một yếu tố dự đoán các triệu chứng lo âu và cơn hoảng loạn ở thanh niên [5,6] và từ đó, có thể góp phần vào sự phát triển của rối loạn hoảng sợ .
TRỊ LIỆU
1. Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc phổ biến
Thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như thuốc ức chế tái hấp thụ serotonin có chọn lọc (SSRI) hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs), thường được sử dụng để kiểm soát rối loạn hoảng sợ. Những loại thuốc này được sử dụng để tăng cường tác dụng của chất truyền tin hóa học serotonin trong não của chúng ta bởi vì việc thiếu nó được cho là sẽ gây ra lo lắng [7]. Thuốc chống trầm cảm đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị rối loạn hoảng sợ [8]. Các loại thuốc khác thường được sử dụng trong điều trị rối loạn hoảng sợ bao gồm thuốc chẹn beta, được dùng cho những người có nhịp tim nhanh và không đều trong cơn hoảng loạn.Ưu điểm
Việc sử dụng thuốc phù hợp cho những người không đủ thời gian cũng như khả năng tài chính gắn liền với liệu pháp hành vi. Hơn nữa, l điều trị bằng thuốc khá đơn giản và dễ thực hiện: người có rối loạn chỉ cần uống một số viên thuốc nhất định hàng ngày.
Nhược điểm
Phải mất một thời gian dài để thuốc chống trầm cảm có hiệu lực, thường từ 3 đến 4 tuần [9]. Vì lý do này, nó có thể không phù hợp với những người có rối loạn hoảng sợ nghiêm trọng cần được cứu trợ ngay lập tức. Do đó, có những bằng chứng cho rằng trong những tuần đầu điều trị, benzodiazepine, một loại thuốc tác dụng nhanh dùng để điều trị lo âu, thường được sử dụng kèm với thuốc chống trầm cảm để giảm bớt các triệu chứng trước khi thuốc chống trầm cảm bắt đầu có hiệu lực [10].
Ngoài ra còn có các tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng thuốc chống trầm cảm như thuốc lo âu như đau đầu, tăng cân, buồn ngủ, các vấn đề liên quan đến tim, v.v. Nó cũng có thể dẫn đến sự phụ thuộc tâm lý [11] và gia tăng ý nghĩ tự tử [12].
2. Tâm lý trị liệu
Mô tả
Các liệu pháp tâm lý, ví dụ như liệu pháp nhận thức-hành vi (cognitive-behavioral therapy - CBT) hoặc liệu pháp phơi nhiễm (exposure therapy), được phát triển với giả định rằng có các yếu tố phi sinh học góp phần vào sự khởi phát các vấn đề về sức khỏe tâm lý. Đối với rối loạn hoảng sợ, một ví dụ cho những yếu tố này có thể là mức độ nhạy cảm lo âu cao hơn trung bình của một người. Do đó, để điều trị rối loạn hoảng sợ, người ta có thể sử dụng liệu pháp tâm lý để điều chỉnh mức độ nhạy cảm đối với lo âu bằng cách thay đổi hành vi của họ đối với các yếu tố kích hoạt hoặc thay đổi niềm tin mà họ đã liên kết với nguyên nhân gây ra tâm trạng lo lắng của họ. CBT vẫn là liệu pháp tâm lý được sử dụng phổ biến nhất và nhận được nhiều sự ủng hộ với sự hữu ích của nó trong việc điều trị rối loạn hoảng sợ [13,14].
Ưu điểm
Mặc dù chi phí cho liệu pháp tâm lý ban đầu có vẻ cao hơn rất nhiều so với điều trị bằng thuốc, nhưng về lâu dài biện pháp này đã được được chứng minh là tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều [15]. Ngoài ra, liệu pháp tâm lý cũng không có tác dụng phụ sinh lý tiềm ẩn liên quan.Nhược điểm
Vì liệu pháp tâm lý đòi hỏi cá nhân phải cởi mở với bác sĩ tâm lý của họ, việc tìm một ai đó mà họ có thể tin tưởng là rất quan trọng. Tuy nhiên, rất khó để có thể tìm thấy sự tương thích như trên và có người sẽ phải làm việc cùng một vài bác sĩ tâm lý trước khi tìm thấy được người phù hợp với mình. Các liệu pháp tâm lý cũng mất nhiều thời gian hơn để thấy được hiệu quả so với điều trị bằng thuốc; do đó những người đang được điều trị sẽ khó duy trì được động lực để tiếp tục. Một vấn đề khác với các liệu pháp tâm lý là chúng có thể diễn ra trong khoảng thời gian rất dài và vô cùng tốn kém, do đó không phải ai cũng có thể tiếp cận được.
Mặc dù nền tảng phát triển của các liệu pháp này là khác nhau, việc kết hợp chúng được coi là cách tiếp cận hiệu quả nhất để điều trị rối loạn hoảng sợ [16,17]. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những người tham gia trong các nghiên cứu này vẫn tiếp tục sử dụng thuốc chống trầm cảm ngay cả khi giai đoạn điều trị tích cực kết thúc. Vì vậy, để đạt được kết quả chắc chắn như trên, cá nhân có thể cần tiếp tục dùng thuốc ngay cả khi họ không còn tham gia liệu pháp tâm lý.
Kết lại
Tóm lại, cơn hoảng loạn là những phản ứng sinh lý đối với nỗi sợ hãi, xuất phát từ sự mất cân bằng chất hóa học trong não. Trái ngược với những cảm giác mà một người trải qua trong một cơn hoảng loạn , việc có những cơn hoảng loạn không có nghĩa là người đó mất kiểm soát hay “điên rồ”. Các cơn hoảng loạn thường khá phổ biến, ảnh hưởng đến ít nhất 1 trên 5 người trong suốt cuộc đời [18]. Nếu tái diễn qua một khoảng thời gian nhất định, những cơn hoảng loạn bất ngờ có thể là dấu hiệu của rối loạn hoảng sợ, một rối loạn tâm lý có thể điều trị được theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ [19]. Trong mọi trường hợp, ai gặp phải rối loạn này cần phải liên hệ với các chuyên gia để được chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra còn có các phương pháp tự hỗ trợ cho bản thân để giúp các cá nhân đối phó với các cơn hoảng loạn sẽ được nêu trong phần thứ hai của bài viết này.
Biên dịch: Nam Nguyễn
Biên tập: Rohan Arcot, Hương Lê
Thiết kế: Froggy
Nguồn tham khảo:
[1] Nesse, R. M., Bhatnagar, S., & Ellis, B. (2016). Evolutionary origins and functions of the stress response system. Stress: concepts, cognition, emotion, and behavior, 95-101
[2] American Psychiatric Association. (2013). Anxiety Disorders. In Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). Washington, DC: Author. http://dx.doi.org/10.1176/appi.books.9780890425596.dsm0
[3] Jensen, K., Stein, M., Kranzler, H., Yang, B., Farrer, L., & Gelernter, J. (2014). The α-endomannosidase gene (MANEA) is associated with panic disorder and social anxiety disorder. Translational Psychiatry, 4(1), e353. http://dx.doi.org/10.1038/tp.2013.122
[4] McNally, R. (2002). Anxiety sensitivity and panic disorder. Biological Psychiatry, 52(10), 938-946. http://dx.doi.org/10.1016/s0006-3223(02)01475-0
[5] Joiner Jr., T., Schmidt, N., Schmidt, K., Laurent, J., Catanzaro, S., Perez, M., & Pettit, J. (2002). Journal Of Abnormal Child Psychology, 30(2), 167-175. http://dx.doi.org/10.1023/a:1014757300294
[6] Schmidt, N., Keough, M., Mitchell, M., Reynolds, E., MacPherson, L., Zvolensky, M., & Lejuez, C. (2010). Anxiety sensitivity: Prospective prediction of anxiety among early adolescents. Journal Of Anxiety Disorders, 24(5), 503-508. http://dx.doi.org/10.1016/j.janxdis.2010.03.007
[7] Graeff, F. (2002). On serotonin and experimental anxiety. Psychopharmacology, 163(3-4), 467-476. http://dx.doi.org/10.1007/s00213-002-1112-4
[8] Bakker, A., van Balkom, A., & Spinhoven, P. (2002). SSRIs vs. TCAs in the treatment of panic disorder: a meta-analysis. Acta Psychiatrica Scandinavica, 106(3), 163-167. http://dx.doi.org/10.1034/j.1600-0447.2002.02255.x
[9] Frazer, A., & Benmansour, S. (2002). Delayed pharmacological effects of antidepressants. Molecular Psychiatry, 7(s1), S23-S28. http://dx.doi.org/10.1038/sj.mp.4001015
[10] Marchesi, C. (2008). Pharmacological management of panic disorder. Neuropsychiatric Disease And Treatment, 93. http://dx.doi.org/10.2147/ndt.s1557
[11] Fujii, K., Suzuki, T., Mimura, M., & Uchida, H. (2017). Psychological dependence on antidepressants in patients with panic disorder. International Clinical Psychopharmacology, 32(1), 36-40. http://dx.doi.org/10.1097/yic.0000000000000143
[12] Sharma, T., Guski, L., Freund, N., & Gøtzsche, P. (2016). Suicidality and aggression during antidepressant treatment: systematic review and meta-analyses based on clinical study reports. BMJ, i65. http://dx.doi.org/10.1136/bmj.i65
[13] Smits, J., Berry, A., Tart, C., & Powers, M. (2008). The efficacy of cognitive-behavioral interventions for reducing anxiety sensitivity: A meta-analytic review. Behaviour Research And Therapy, 46(9), 1047-1054. http://dx.doi.org/10.1016/j.brat.2008.06.010
[14] Furukawa, T., Watanabe, N., & Churchill, R. (2006). Psychotherapy plus antidepressant for panic disorder with or without agoraphobia: Systematic review. The British Journal Of Psychiatry, 188(4), 305-312. http://dx.doi.org/10.1192/bjp.188.4.305
[15] McHugh, R., Otto, M., Barlow, D., Gorman, J., Shear, K., & Woods, S. (2007). Cost-Efficacy of Individual and Combined Treatments for Panic Disorder. The Journal Of Clinical Psychiatry, 68(07), 1038-1044. http://dx.doi.org/10.4088/jcp.v68n0710
[16] Bandelow, B., Seidler-Brandler, U., Becker, A., Wedekind, D., & Rüther, E. (2007). Meta-analysis of randomized controlled comparisons of psychopharmacological and psychological treatments for anxiety disorders. The World Journal Of Biological Psychiatry, 8(3), 175-187. http://dx.doi.org/10.1080/15622970601110273
[17] Furukawa, T. A., Watanabe, N., & Churchill, R. (2007). Combined psychotherapy plus antidepressants for panic disorder with or without agoraphobia. Cochrane Database of Systematic Reviews. doi:10.1002/14651858.cd004364.pub2
[18] Kessler, R. C., Chiu, W. T., Jin, R., Ruscio, A. M., Shear, K., & Walters, E. E. (2006). The epidemiology of panic attacks, panic disorder, and agoraphobia in the National Comorbidity Survey Replication. Archives of general psychiatry, 63(4), 415-424
[19] American Psychological Association. (2012). Answers to your questions about panic disorder. APA. org.