Hành Trình 7 Năm Tìm Lại Bản Thân (phần 1)

hero image 1.png

Phần 1: Mở lòng với mọi người khi mọi người khi mọi hy vọng dường như đã mất.

Mình luôn là một đứa trẻ sáng dạ và tràn đầy năng lượng. Dù cho có nhiều lúc mình cảm thấy ngại ngùng, mình thường khá nhanh chóng trở nên thoải mái trong việc kết bạn mới. Nhưng, điều này sẽ không dễ gì nếu mình không nhận được thái độ thân thiện từ mọi người xung quanh ở mỗi môi trường mới.

Lớn lên trong gia đình ngoại giao, mình thường xuyên phải thay đổi môi trường sống. Lần thay đổi lớn nhất là vào 10 năm trước, khi mà cả gia đình mình di cư từ Việt Nam sang New York, Hoa Kỳ. Dù là một đứa trẻ khá vô tư, mình đã thấy lo sợ  về việc phải thích nghi với một môi trường đầy những người mới, đồng thời phải sử dụng tiếng Anh - ngôn ngữ thứ hai của mình. Tuy vậy, những người bạn trong lớp đã rất thân thiện và giúp mình làm quen với môi trường mới này. Mình nhanh chóng kết bạn với rất nhiều người và cũng có được một nhóm bạn thân thường hay chơi đá bóng với nhau.

Sau 3 năm tuyệt vời ở New York là lại đến lúc cho một sự thay đổi mới. Gia đình mình chuyển về Việt Nam, còn mình thì chuyển đến Washington DC để sống cùng cậu và tiếp tục học phổ thông tại đây. Sau trải nghiệm ở New York, mình đã háo hức để làm quen với những người bạn mới một lần nữa và mong rằng có thêm nhiều kỷ niệm vui. Sự kỳ vọng của mình đã không thành hiện thực. Mặc dù vốn dĩ không có gì tệ về những người ở đây, nhưng mình lại không cảm thấy hòa nhập được. Trái ngược với trải nghiệm ở New York, mình đã cảm thấy không được chào đón và bị bỏ rơi ở trường mới. Mình thường ăn trưa một mình cho đến khi giáo viên phải nói với các bạn phải  đảm bảo là sẽ ăn cùng mình. Nhưng điều đó không giúp được gì mà thậm chí là mọi thứ còn tồi tệ hơn. Đó là lúc mình phát hiện rằng cảm giác thậm chí còn tệ hơn cảm giác một mình, đó là cảm giác cô đơn ngay cả khi bạn có nhiều người xung quanh. Mình ngồi ở giữa mọi người trò chuyện cười nói với nhau nhưng không ai chú ý đến mình cả. 

2.png

Mình bắt đầu tự hỏi về giá trị bản thân. Mình tự hỏi tại sao mọi người không thích trò chuyện hay đi chơi cùng mình. Sau cùng mình đã kết luận rằng bản thân mình là người xấu mà không ai muốn. Dần dần mình bắt đầu tin rằng không có ai quan tâm đến mình cả. Sự cô đơn khiến mình chìm sâu vào trầm cảm, mình bị kẹt vào vòng tròn của việc đi học và nhốt bản thân trong phòng khi về đến nhà. Điều đó đã vắt kiệt động lực của mình, và mình sống ngày qua ngày cố gắng tìm kiếm mục đích sống để tiếp tục. Những điều duy nhất có thể giúp mình vui vẻ đó là K-pop và thi thoảng chơi game với bạn bè ở xa. Mình đã không nói với gia đình và bạn bè về vấn đề của bản thân bởi vì mình không còn tin vào giá trị của bản thân và nghĩ rằng việc tìm kiếm sự trợ giúp từ người khác là làm phiền họ, và họ sẽ không đủ quan tâm để giúp. Vào một đêm, cậu mình đã thấy mình chơi game và bắt đầu chỉ trích mình vì chơi game quá nhiều. Nghĩ đến việc ngay cả cậu của mình còn có thể không thích mình đã khiến mình vỡ oà. Những suy nghĩ về người khác không quan tâm đến mình đã khiến mình choáng ngợp đến mức không thể chịu đựng được nữa. Đêm hôm đó, mình đã bật khóc và liên tục la lên “không ai quan tâm đến mình cả!”. Điều này khiến cho cậu mình tỉnh giấc và chạy vào phòng mình ngay lập tức. Cậu ôm mình và bật khóc, liên tục nói rằng “cậu quan tâm đến cháu mà.” Hoá ra từ lâu cậu đã nhận biết được một vài dấu hiệu của vấn đề và lo lắng về mình. Mình không để ý vì tất cả những gì mình đã có thể nghĩ là không ai quan tâm đến mình cả. 

3.PNG

Mọi thứ bắt đầu thay đổi kể từ đó. Và kể cả khi bản thân mình không bao giờ trở lại như trước đây, ít ra thì những điều nhỏ nhặt có thể khiến mình cảm thấy khá hơn. Mình đã bắt đầu cởi mở hơn với gia đình và bạn bè ở xa. Mình cũng đã bắt đầu đi trị liệu tâm lý. Dù không biết hiệu quả ra sao, mình chỉ biết đơn giản là có người để trò chuyện đã giúp bản thân cảm thấy tốt hơn. Tất cả những điều này giúp mình nhận ra rằng còn có những người quan tâm đến mình. Mình rút ra được bài học rằng bạn không nên chịu đựng hết tất cả nỗi đau một mình vì sợ rằng người khác không quan tâm hay làm phiền họ. Có những người quan tâm về sức khỏe của bạn và đôi lúc giữ trong lòng có thể làm tổn thương họ hơn là nói ra, như trong trường hợp của cậu mình vậy. Mình mong  mọi người khi đọc được những dòng này có thể mở lòng với mọi người trong những lúc đang gặp khó khăn. Tự thân giải quyết những vấn đề này để không gây tổn thương cho người khác là một ý tốt, nhưng sẽ có những lúc mà bạn cần sự giúp đỡ từ những người thân yêu của bạn. Họ thà biết và giúp đỡ bạn sớm hơn là nhận ra sau này rằng bạn đã tự chịu đựng trong im lặng. Cuối cùng thì mình đã có thể kết bạn tại trường, và học cách trân trọng những người đã bên cạnh mình, những người mà mình đã không để ý trước đây. Lúc rời khỏi Washington DC, tuy mình vẫn mang theo “mối hận” về trải nghiệm bản thân ở đó, mình biết ơn những bài học quan trọng mình đã học được từ những khoảng thời gian khó khăn và việc chúng đã giúp mình trưởng thành hơn.

Câu chuyện của mình không kết thúc ở đây, do những trải nghiệm trong hai năm này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin của bản thân mình. Sự khinh thường đối với bản thân đã được hình thành trong suốt thời gian mình ở đây, cho đến khi có một chuyện xảy ra trong năm thứ 2 mình ở đó. Việc này đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn nhận và cách đối xử với bản thân của mình trong nhiều năm sau đó.

(còn tiếp)

Biên tập: Hương Lê

Biên dịch: Tegan Trần & Hương Lê

Minh Hoạ: Froggy

Previous
Previous

Hành Trình 7 Năm Tìm Lại Bản Thân (phần 2)

Next
Next

Những vết sẹo có ích? Có nhất thiết phải “rút-ra-một-điều-gì-đó” từ những tổn thương tâm lý?