Những vết sẹo có ích? Có nhất thiết phải “rút-ra-một-điều-gì-đó” từ những tổn thương tâm lý?
Những câu chuyện chúng ta thường nghe từ một người có rối loạn trầm cảm hoặc các rối loạn tâm lý khác, thường là những câu chuyện sau khi họ đã cảm thấy sức khoẻ tâm lý khá hơn. Và cũng rất thường xuyên, chúng ta được nghe kể về những điều họ đã nhận lại được sau những hành trình đó, những câu chuyện đại loại như “10 bài học từ những năm sống cùng trầm cảm", hoặc “Vì sao những nỗi ám ảnh khiến tôi mạnh mẽ hơn?". Những câu chuyện này dần tạo một lối mòn suy nghĩ, rằng những người đang đi qua những trải nghiệm khó khăn, bao gồm cả những rối loạn sức khỏe tâm lý, đến cuối cùng cũng rút ra được một ý nghĩa tốt lành nào đó từ những vết thương của mình.
Thật ra, lối suy nghĩ này không chỉ dành riêng cho những vấn đề về sức khoẻ tâm lý. “Mọi việc xảy ra đều có nguyên do của nó" là một trong những câu châm ngôn thông dụng, thường được chêm vào trong các cuộc nói chuyện hàng ngày. Các nhà nghiên cứu, một trong số đó đến từ Khoa Tâm Lý Học của trường đại học Yale [1], cũng gợi ý rằng chúng ta thường dùng cách nghĩ này trong những hoàn cảnh nghịch ý, chẳng hạn như lúc chúng ta vừa kết thúc một mối tình hoặc đang cố gắng an ủi một người bạn vừa mất việc vì coronavirus. Qua hàng thập kỷ, từ Marilyn Monroe, Albert Schweitzer, cho đến Oprah Winfrey [2]—đa số những cá nhân thành đạt và được trọng vọng trong xã hội của chúng ta đều dùng câu châm ngôn này trong những câu chuyện thành công của họ. Còn có hàng ngàn những bài viết [3] và diễn đàn trực tuyến [4], nơi mà mọi người dùng cách nghĩ này để lý giải những sự phát triển của bản thân. Câu châm ngôn còn được sử dụng trong những ngữ cảnh liên quan đến y tế. Chẳng hạn như, trung tâm sức khoẻ tại trường Uniformed Services University of the Health Sciences (US) [5] trích dẫn câu châm ngôn để khuyến khích những người đang sống cùng sang chấn tâm lý tìm kiếm những điều tốt đẹp từ trong hoàn cảnh éo le của họ . Nói một cách khác, khi chúng ta nói “Mọi việc xảy ra đều có nguyên do của nó”, là chúng ta hàm ý rằng tất cả những sự kiện không may mắn trong cuộc đời đều có thể dẫn đến những kết quả tốt đẹp và khiến chúng ta mạnh mẽ hơn (hoặc thông minh, thông thái, khiêm nhường hơn, vv.)
Nhưng nếu như bạn đã cố gắng hết sức mình mà vẫn không cách nào “gỡ gạc" lại cho sự trầm cảm của mình?
Nếu như bạn không thể nhìn thấy bất kỳ một sự thành công rõ rệt nào, chưa thể phát triển được một kỹ năng mới nào, không viết được một đoạn văn truyền cảm hứng nào từ những tháng ngày trải nghiệm trầm cảm?
Có phải là bạn đã phí thời gian vào việc trầm cảm, chẳng để làm gì?
Có phải là bạn chưa hoàn toàn “vượt qua" vấn đề tâm lý của mình?
Có phải là những trải nghiệm tâm lý của bạn là vô nghĩa ?
Tóm gọn, cho dù mang mục đích động viên, cách suy nghĩ “Mọi việc xảy ra đều có nguyên do của nó” có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những người đang đang gặp khó khăn về tâm lý.
Nó tạo áp lực rằng một người cần phải rút ra những một điều tốt đẹp, ý nghĩa nào đó từ những vết thương mà họ từng nếm trải. Nó hướng mọi người tìm cách biện minh cho những rối loạn tâm lý, cố gắng tìm kiếm một lợi ích nào đó để mong bù đắp cho tất cả những nỗi khổ của họ.
Hệ quả là, nếp suy nghĩ này có thể tạo ra một vòng lặp tiêu cực, vừa phủ nhận những rối loạn sức khoẻ tâm lý của một người, vừa khiến họ nghi ngờ những tiến triển trong sức khoẻ của mình.
Chính mình cũng đã có những suy nghĩ tương tự như vậy. Trong lúc đang trải qua một chuyện buồn , và cả sau khi đã cảm thấy tốt hơn, mình vẫn cứ chờ đợi cái khoảnh khắc khi mà cuối cùng mình cũng có thể “dùng sự trầm cảm của mình cho một thứ gì đó có ích", trước khi có thể kể cho một ai đó về trải nghiệm của bản thân. Mình cứ nghĩ mãi rằng mình nên viết về những bài học mà mình nhận ra, hoặc sự bền bỉ được tôi luyện trong lúc cố gắng leo lên khỏi cái hố đen đó. Mình khao khát kể cho mọi người nghe rằng câu chuyện tâm lý của mình kết thúc thật có hậu. Mình không muốn mọi người cảm thấy khó xử khi nghe một câu chuyện bi ai (và mình hoàn toàn hiểu cảm giác của họ, mình cũng cảm thấy lúng túng khi an ủi những người đang trải qua những vấn đề tâm lý của họ). Mình biết những mong đợi đó bắt đầu từ những ý định tốt. Sau tất cả, mình không hề muốn cổ vũ cho những định kiến về sức khoẻ tâm lý, rằng các rối loạn là một điều gì đó xui xẻo mà bạn gặp phải. Ngược lại, mình muốn mọi người có một cái nhìn tinh ý hơn về trầm cảm, mong những người đang phải đối diện với những trở ngại tâm lý có thể hi vọng rằng đường hầm này rồi sẽ kết thúc. Và khi đã trở lại với ánh sáng, tất cả những vấn đề sức khoẻ tâm lý có thể sẽ, thật đáng giá, bằng một cách nào đó.
Nhưng rồi mình cứ chờ đợi, và vẫn chẳng thấy cái khoảnh khắc “eureka" ấy đâu. Mình mãi tự hỏi bản thân:
Rồi lỡ như không có một kết thúc có hậu nào để kể?
Vậy là việc trầm cảm của mình chẳng có giá trị gì sao?
Vậy là những gì mình đã trải qua đều vô nghĩa?
Những câu hỏi trong đầu cứ lặp đi lặp lại trong lúc mình tiếp tục giữ kín việc trầm cảm của mình trong ngăn tủ.
Đây cũng là lí do vì sao câu chuyện của nhân vật Diane Nguyen trong chuỗi phim (series) Bojack Horseman tạo ấn tượng mạnh đến mình. Nhất là trong tập 20, mùa sáu, sự tự phản chiếu và chuỗi suy nghĩ của Diane xoay xung quanh câu hỏi nhức nhối: “Vậy nếu đây không phải là một vết sẹo có ích, mà đơn thuần chỉ là vết sẹo thì sao?... Có phải là mình đã chịu khổ sở một cách vô ích?”
Với những bạn chưa xem chuỗi phim này, Bojack Horseman là một chuỗi phim hoạt hình dành cho người lớn, xoay quanh cuộc đời của một người, dưới hình tượng chú ngựa, từng là ngôi sao sitcom (situation comedy - hài kịch tình huống) vào những năm 90s, nhưng đã dần mờ nhạt dưới ánh đèn Holywood sau 18 năm. Chuỗi phim đã sử dụng hình thức hoạt hình một cách sáng tạo để lột tả những chủ đề nặng nề như nghiện, tình dục, trầm cảm…, một cách hài hước và tinh tế. (Thiệt luôn, nếu mà bạn chưa xem, hãy mở lên ngay đi—mình đợi được).
Một trong những nhân vật chính, Diane Nguyen, là một tác giả người Mỹ gốc Việt đã từng trải qua một giai đoạn trầm cảm. Có rất nhiều lý do để Diane trở thành một trong những nhân vật có tình người nhất trong chuỗi phim, nhưng trong đó không bao gồm việc đây là nhân vật có hình tượng con người duy nhất trong thế giới này (hoặc cũng có thể đó là ý đồ của các nhà làm phim). Trong suốt sáu mùa của chuỗi phim, chúng ta được quan sát Diane cố gắng xoay sở trong giai đoạn trầm cảm của mình, sự áy náy vì cảm thấy khổ sở trong khi đang sống một cuộc đời thoải mái, hay phải nói là rất tốt so với tuổi thơ của cô, và sự áy náy đó khiến cho sức khỏe tâm lý của cô càng khủng hoảng hơn. Vào mùa cuối của chuỗi phim—mùa 6, Diane cuối cùng cũng đối diện với sự trầm cảm của mình và dần dần cảm thấy có tiến triển, cùng với sự hỗ trợ của bạn trai và một công việc có nhiều ý nghĩa hơn.
Khi nhận được một cơ hội xuất bản sách, cô ấy muốn viết một quyển sách về bản thân và những khủng hoảng của mình. Đây là lời thoại của Diane trong phim khi cô được hỏi về nội dung của quyển sách:
Diane: Tôi nghĩ quyển sách là về khủng hoảng… hoặc tổn thương
Bạn có biết đến những cái tô khi bị vỡ, và các vết nứt được trám bằng vàng, và chúng trở nên càng đẹp đẽ hơn không?
Giống như tất cả chúng ta đều có những vết sẹo, nhưng đó là những vết sẹo có ích.
Đoạn thoại này tượng trưng cho nếp suy nghĩ của cô ấy. Trong chuỗi phim, Diane và chồng cũ, Peanut Butter, có những cuộc đối thoại liên quan đến kintsugi—nghệ thuật sửa chữa đồ gốm của Nhật Bản, khi mà các vết nứt được trám lại bằng bột vàng, bạc, để trở thành các vật trưng bày. Kintsugi được nhắc đến lần đầu trong lúc cô ấy đang trong quá trình li dị, sau khi cô đã cố gắng “đãi cát tìm vàng" để nhìn thấy những điểm tốt đẹp còn lại trong cuộc hôn nhân của họ; và sau này được nhắc lại trong lúc cô đang đối diện với giai đoạn trầm cảm của mình. Diane một lần nữa tìm cách định giá những trải nghiệm khủng hoảng của mình bằng một điều tốt đẹp và ý nghĩa—và trong kế hoạch của cô ấy, điều đó nghĩa là cô cần viết ra một cuốn sách tự truyên.
Vậy nhưng, cho dù rất rất mong muốn, Diane vẫn không thể đặt bút viết cuốn sách mà cô ấy mường tượng. Thay vào đó, cô đã ngẫu nhiên viết một tiểu thuyết đầy sức sống dành cho giới trẻ, xoay quanh Ivy Tran, một thám tử thiếu niên người Mỹ gốc Việt chuyên giải đáp những vụ án bí ẩn trong trung tâm mua sắm. Nhưng dù cho quyển sách về Ivy Tran đạt được những đánh giá rất tích cực từ nhà phát hành, Diane vẫn không can tâm khi không thể viết được quyển hồi ký mà cô mong muốn.
Cuộc đối thoại giữa Diane và Princess Carolyn, nhà phát hành của cô ấy, diễn ra như sau:
Diane: Tôi cần phải (viết quyển hồi ký)
Princess Carolyn: Vì sao?
Diane: Vì nếu tôi không viết, thì những tổn thương mà tôi đã trải qua sẽ không phải là những vết sẹo có ích, chúng chỉ đơn thuần và những vết sẹo.
Tôi không có lại được một cái gì cả. Và tất cả những năm tháng đó, tôi đã đau khổ một cách vô nghĩa.
Tôi đã có thể sống hạnh phúc trong suốt thời gian đó… Cô định nói như vậy phải không? Tất cả những sự đau khổ đó là để làm gì?
Khi còn nhỏ, tôi nghĩ rằng tất thảy mọi thứ, những sự bắt nạt và bỏ bê tôi chịu đựng, bằng cách nào đó khiến tôi trở nên đặc biệt hơn. Và tôi đã quyết định rằng một ngày nào đó, tôi sẽ viết một quyển sách có thể khiến những bé gái như tôi cảm thấy đỡ cô đơn hơn.
Và nếu như tôi không thể viết quyển sách đó…
Princess Carolyn: Vậy hay là viết quyển sách này?
Princess Carolyn: Có thể quyển sách này cũng làm được điều tương tự.
Diane: Vậy được ư?
Thật hiếm khi mà một cuộc hội thoại trong phim hoạt hình lại có thể chứa đựng nhiều cảm xúc chân thật và mộc mạc như vậy.
Khi mùa 6 đi đến đoạn kết, Diane bắt đầu chạm đến sự bình yên trong tâm hồn đã trải qua nhiều khủng hoảng, chỉ bằng một câu nhẹ bỗng “Vậy được ư?” Không cần đến một sự cao trào, không một khoảnh khắc eureka, không cả một hồi ký hào hùng để xuất bản. Như cách mà Princess Carolyn gợi ý, và như Diane đã nhận ra, cô không cần phải viết một quyển hồi ký để có thể chữa lành những vụn vỡ trong mình.
Chấp nhận những vết sẹo như-nó-là mà không cần điểm trang, có thể khiến cô bất an, nhưng cũng giải phóng cô khỏi những áp lực mơ hồ.
Suy nghĩ mới này cho phép chúng ta hi vọng một cách khiêm nhường. Có lẽ con người, đặc biệt là những người đang trải qua những khó khăn trong sức khoẻ tâm lý, cảm xúc, có thể cảm thấy khá lên mà không nhất thiết phải rút ra bất kỳ điều gì từ những sự đau khổ của mình.
Thực tế là, ngay cả với một ai đó xem chừng như đã vượt qua giai đoạn trầm cảm, không có một con đường nào chắc chắn dẫn tới những kết luận tích cực và tốt đẹp. Hành trình đi cùng với sức khoẻ tâm lý của bản thân không hứa hẹn một đoạn kết có hậu, khi mà bạn có thể đạt được một thành tích nào đó, hoặc miễn nhiễm khỏi những rối loạn. Đôi lúc, cho dù tưởng chừng mình trên cơ so với các rối loạn tâm lý, một người vẫn có thể tìm thấy họ lạc lối trong tình trạng tâm lý mà họ vừa tìm ra. Họ chẳng thể chuyển đổi những nỗi đau thành bài học, hoặc ít nhất là không thể ngay lập tức. Họ có thể không đạt được những sự phát triển mới trong đời sống cá nhân hoặc công việc để đền bù cho giai đoạn vừa trải qua. Có thể, một ngày nào đó họ sẽ làm được, cùng với thời gian, ấy nhưng chiếc đồng hồ cuộc đời của mỗi chúng ta thì đều khác nhau.
Tuy là như vậy, chúng ta cũng nên nhớ lí do vì sao lối suy nghĩ tích cực ban đầu lại rất phổ biến. Nhất là trong những ngày u ám, cái ý nghĩ là bạn có thể bước ra khỏi giai đoạn này và trở thành một con người tốt hơn cả trước, mang đến hi vọng và nghị lực. Thế nên, bài viết này không nhằm để ngưng tiếng nói của những người mong muốn chia sẻ sự thành công của họ sau những khó khăn về tâm lý. Chúng ta nên dành cho họ sự chú ý và sự tán thưởng mà họ xứng đáng nhận được, cho những nỗ lực của họ và nguồn động viên họ mang đến cho người khác. Thay vào đó, bài viết này mang đến một cách suy nghĩ khác, để những cuộc đối thoại về sức khoẻ tâm lý có thể đa chiều và tinh tế hơn, nhất là trong và sau giai đoạn gặp khó khăn.
Chúng ta nên động viên mọi người chia sẻ câu chuyện và hành trình của họ, không chỉ sau đó, mà đặc biệt là trong lúc họ đang đối diện với nó hoặc chưa thể rút ra được một điều tốt lành nào từ những trải nghiệm của họ.
Những câu chuyện chứa sự đồng cảm này đều là nguồn động viên giống như những câu chuyện thành công vậy, nhất là với những người còn đang trong hành trình với những khó khăn tâm lý.
Tóm lại, Bài viết này nhằm nói lên điều gì?
Bằng cách tránh những suy nghĩ phiến diện, đơn giản, rằng sau mỗi rối loạn về sức khỏe tâm lý đều có một câu chuyện chiến thắng, chúng ta có thể hạn chế áp lực phải bao biện cho những vấn đề tâm lý và khuyến khích một mong đợi lành mạnh cho quá trình chăm sóc sức khoẻ tâm lý của bản thân.
Có như vậy, chúng ta mới tạo cơ hội cho mọi người thực sự lắng nghe bản thân họ, và tự hồi phục theo cách riêng của họ.
Mọi việc xảy ra đôi khi chẳng vì lí do gì cả, và chúng ta không nhất thiết phải lột xác thành phượng hoàng sau những rối loạn sức khỏe tâm lý.
Đôi lúc, chúng ta chỉ đơn giản bước qua những ngày u ám là chính mình thôi.
English version: Nganp @Medium
Biên tập: An Nguyễn & Hương Lê
Dịch: Tâm Nguyễn
Thiết kế & Minh hoạ: Ngân Phạm