Hành Trình 7 Năm Tìm Lại Bản Thân (phần 2)

hero image 2.PNG

Phần 2: Chấp nhận bản thân là cách duy nhất để bạn và mọi người yêu thương bạn hơn

*Lưu ý: Phần này sẽ là trải nghiệm của mình với rối loạn lo âu xã hội. Tuy có một số triệu chứng của lo âu xã hội, những kiến thức tâm lý học đã dạy mình rằng chúng ta không thể tự chẩn đoán bản thân. Trái ngược với trải nghiệm của bản thân với trầm cảm, mình chưa bao giờ được chẩn đoán hoặc điều trị chính thức cho rối loạn lo âu xã hội, vì vậy mình không thể khẳng định rằng bản thân có rối loạn lo âu xã hội. Vì vậy, bất cứ khi nào mình đề cập đến rối loạn lo âu xã hội của bản thân trong câu chuyện sau đây, mình muốn nói tới các triệu chứng lo âu xã hội mà mình đã trải qua. 


Quay trở lại thời gian mà mình sống ở Washington DC, sự xem thường của mình đối với bản thân không ngừng tăng lên và không bao giờ được giải quyết, mặc dù mình biết rằng bản thân mình quan trọng đối với người khác. Dù cho vậy, mình là một đứa trẻ khá kiêu hãnh. Mình đã từng tự khen bản thân rất nhiều và nghĩ rằng mình giỏi khá nhiều thứ, cho đến khi một sự việc xảy ra thay đổi hoàn toàn thái độ của mình về bản thân. Mình đã tham gia đội bóng đá của trường, nhưng do trầm cảm nên mình đã bỏ lỡ những buổi tập. Và rồi một ngày, cả đội đã làm một video giới thiệu về đội bóng với trường như một cách để nâng cao tinh thần cho cả đội trước khi bước vào giải đấu. Mình đã không có trên video. Nhưng rõ ràng là điều đó hợp lý do mình đã bỏ lỡ quá nhiều thực hành, đúng không? Nhưng lúc đó, mình đã không thấy ổn với điều đó.

Bóng đá là niềm tự hào lớn nhất của mình lúc đó. Mình đi phàn nàn với người cố vấn của mình về chuyện này, nghĩ rằng cô ấy sẽ an ủi mình. Nhưng tối hôm đó, cậu mình nói rằng cậu đã nói chuyện với người cố vấn và cô đã nói một điều mà khiến bản thân mình ám ảnh suốt 5 năm trời (2014-2019): “Mình quá chú trọng vào bản thân mình.” Câu nói đó tác động lên mình rất nhiều. Mình chưa bao giờ tự ngẫm về bản thân mình nhiều đến vậy cho đến lúc đó. Mình đã nhận ra là quả thực mình đã nghĩ về bản thân quá nhiều. Đã có lúc mình đã tự cho bản thân quyền mong người khác đối xử tốt và ngụy biện cho thái độ tệ hại của bản thân chỉ vì mình trầm cảm. Đêm đó là đêm mình bắt đầu suy ngẫm rằng bản thân mình là người xấu. Sau đó, mình đã quyết định trở nên vị tha hơn. Đó vẫn là mục tiêu của mình cho đến nay, nhưng lúc đó cho đến năm ngoái, mình đã quyết định sai hướng. Đó không phải là hướng để trở nên vị tha, đó là hướng trở nên căm ghét bản thân. Cùng là ý tưởng về việc đối xử với người khác tốt hơn, nhưng mình đã làm vậy bằng cách hạ thấp bản thân. Cách này tưởng chừng như dễ dàng hơn vậy. 

2.2.png

Trong những năm sau đó, mình đã hướng tới tư tưởng quan tâm đến người khác nhiều hơn, mà không hề biết rằng mình làm việc đó bằng cách tự hạ thấp bản thân. “Nếu mình ghét bản thân, mình sẽ đối xử với người khác tốt hơn”. Đó là tư duy vô thức của mình. Ngoài sự thiếu tự tin vốn có do trầm cảm gây ra, điều này còn ảnh hưởng tới việc mình nhìn nhận giá trị bản thân và sự xuất hiện thường xuyên của những bất an, sợ hãi, lo lắng, suy nghĩ quá độ và tiêu cực khác về bản thân. Điều này kéo dài trong suốt những năm đại học của mình sau khi đã rời Washington DC.

Vì đã mất đi những định nghĩa về giá trị của bản thân, mình đã phải dựa vào những sự công nhận bên ngoài để có thể níu giữ một chút cảm giác này. Điều này dẫn đến việc mình trở nên quá phụ thuộc vào bất kỳ tình bạn nào mà mình có. Mình luôn lo lắng về cách mọi người nghĩ về mình và liệu mình có đủ tốt để trở thành bạn của họ. Mình đã suy nghĩ rất kỹ mọi hành động mình đã và sẽ làm. Mình sợ bất kỳ sai lầm nào mà mình mắc phải có thể đe dọa tới tình bạn của mình, dẫn đến việc mình trở nên thụ động hơn với những người khác. Việc sống trong nỗi sợ hãi bị từ chối đã làm cho mình đánh mất những nhận thức của bản thân. Mình không bao giờ chia sẻ ý kiến của mình và luôn làm theo bất cứ điều gì người khác muốn ngay cả khi mình không thích, tất cả với hy vọng rằng họ sẽ thích mình hơn. Đôi khi mình tự hỏi liệu mình đối xử tốt với người khác vì mình thực sự tốt hay vì mình sợ họ không thích mình. Nhưng vì những việc làm này khiến người khác hạnh phúc nên mình đã bỏ qua luôn suy nghĩ này.

Trong những năm qua, mình đã đánh mất bản thân và trở thành một “chàng trai tử tế” đơn thuần làm những gì người khác muốn. Dù cho được mọi người yêu mến, trừ một số trường hợp mình được sống thật với bản thân hơn và có một vài người bạn thân thiết, nhiều lúc mình chưa thể kết nối và xây dựng những mối quan hệ sâu sắc và chân thực hơn bởi mình chưa bao giờ bộc lộ hết con người thật. Vậy mà mình vẫn nghĩ điều đó đã đủ vì người khác thích mình. Nhưng cuối cùng bằng cách giả vờ như thế này, dù vô tình do sợ hãi, mình cũng đã phải trả giá. Những triệu chứng lo âu xã hội khiến mình luôn phải dùng hình ảnh “anh chàng tốt bụng” này khi tiếp xúc với người khác và không bao giờ tiết lộ con người thật của bản thân vì mình không thích nó. Và rồi đến lúc mình không thể tiếp tục với những lời nói dối này nữa, và “chàng trai tốt bụng” ngay từ đầu đã không bao giờ tuyệt vời đến vậy.

3.2.png

Trong vòng hai năm đại học, mình đã mất đi hai người bạn nữ thân nhất của mình. Mình không muốn đi sâu vào chuyện này bởi lý do cá nhân, nhưng cơ bản là mình đã đánh mất đi những tình bạn này do hình ảnh giả tạo, thái độ thụ động và sự bất an đến từ  việc ghét bản thân mình. Sự thiếu trung thực với bản thân và nỗi ám ảnh với sự chấp thuận đã khiến hai tình bạn mà mình rất trân trọng này sụp đổ. Những mất mát này thật đau đớn, và mặc dù mình ghét chúng, mình cảm nhận rằng những điều đó phải xảy ra để mình có thể rút ra bài học và trưởng thành hơn. Mình học được rằng bản thân không thể luôn tỏ ra tử tế với người khác vì sợ bị từ chối và nguyên nhân chính của sự lo lắng và những dấu hiệu lo âu xã hội của mình là việc tự chán ghét bản thân.

Sự thụ động và nhu nhược mà mình tưởng là hữu ích vì chúng khiến bạn bè mình hài lòng hóa ra lại là nguyên nhân chính khiến hai tình bạn này đổ vỡ. Mặc dù đôi khi cảm thấy “tự tin” và “thoải mái” với những người bạn này, mình chưa bao giờ biết và giải quyết những vấn đề đã rình rập trong nhiều năm. Mình luôn cảm thấy thua kém hai người bạn này và nhiều người khác nói chung. Điều này xuất phát từ việc tự ghét bản thân, không cho phép bản thân cảm thấy ngang hàng và đáng được chú ý với bất kỳ ai. Tình bạn của mình tan rã khi mà những vấn đề này quay trở lại và tấn công mình từ phía sau. Với người bạn đầu tiên, mình đã tạo ra một hình ảnh “hoàn hảo” mà mình đã cố gắng theo kịp, một hình ảnh mà đối với cô ấy không khác gì một con búp bê. Đối với người bạn thứ hai, mình trở nên không ổn định và quá nhạy cảm khi nhận thấy có thể mất đi tình bạn do có thể bị chia cắt sau khi tốt nghiệp. Mình không chỉ làm tổn thương bản thân với những bất an và suy nghĩ quá độ này, mình còn làm tổn thương họ nữa, những người đã lo lắng về việc mình đang tự đánh giá thấp bản thân như thế nào và phải tiếp tục chịu đựng những suy nghĩ này. 

Trong nhiều năm, mình đã tự nhồi nhét bản thân những lời nói dối khiến mình có thể tiếp tục với tư tưởng “ghét bản thân để đối xử tốt hơn với người khác”. Mình đã tưởng đây là giải pháp, và chỉ sau những hậu quả này, mình mới hết ảo tưởng và chấp nhận rằng việc ghét bản thân chỉ gây hại cho chính mình, các mối quan hệ xung quanh và hạnh phúc của những người mình quan tâm. Sau nhiều năm tự ghét bản thân, năm ngoái, mình đã có thể có một tư tưởng mới để yêu bản thân nhiều hơn và sống thật hơn với những người xung quanh, với hy vọng cuối cùng có thể chinh phục được những triệu chứng lo lắng xã hội và hình ảnh “giả tạo” mình đã tạo ra trước đó. Với suy nghĩ này, mình vẫn có thể tiếp tục mục tiêu ban đầu của mình là trân trọng và đối xử tốt với người khác, mà không cần phải hạ thấp bản thân. Đó là một sự thay đổi khó nhọc và sẽ mất nhiều thời gian, nhưng với tư tưởng đúng đắn, mình có thể thực hiện từng bước nhỏ để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình mà bản thân tự yêu quý. Mình muốn trở nên tốt hơn với bản thân và vẫn có thể đối xử tốt với người khác.

4.2.png

Mình chắc chắn rằng mỗi người đều có những trải nghiệm khó khăn riêng, vì vậy mình không hoàn toàn tự tin rằng bạn sẽ đồng cảm với câu chuyện này để học được một cái gì đó. Mình cũng không phải là một chuyên gia được đào tạo để đưa ra lời khuyên đúng đắn. Nhưng mình hy vọng rằng câu chuyện của mình ít nhất cũng đem lại một thông điệp quan trọng mà mình cảm thấy mọi người nên chú ý hơn, đó là đừng quá khắt khe với bản thân và hãy tin tưởng vào bản thân nhiều hơn. Sẽ có những lúc bạn chỉ có bản thân mình để dựa vào và bạn cần phải đủ trân trọng bản thân để tự giúp mình đi tiếp. Sau tất cả, đây là điều mình rút ra được từ kinh nghiệm của bản thân, nếu bạn không thể yêu bản thân thì ai sẽ làm điều đó? Mình hiểu rằng bạn có thể có tình yêu thương vô điều kiện từ gia đình và bạn bè, nhưng mình chỉ muốn nói rằng ít nhất đối với mình, để tự chăm sóc bản thân khi mình tự chán ghét bản thân thật khó. Trong khi tình yêu thương bạn nhận được từ người khác là quan trọng, thì một thứ tình cảm cũng đầy ý nghĩa và mạnh mẽ không kém đó chính là tình yêu bản thân. Và với tâm niệm tốt, yêu bản thân cũng có thể giúp bạn hoàn thiện hơn thành một người biết đồng cảm với những người xung quanh. 

Mình thực sự mong rằng bất cứ ai đang vật lộn với những triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội và các vấn đề liên quan khác, bao gồm cả bản thân mình, sẽ công nhận giá trị của bản thân và yêu bản thân nhiều hơn.

Biên tập: Hương Lê

Dịch: Tegan Trần & Hương Lê

Minh hoạ: Froggy

Previous
Previous

Review Sách: Men Explain Things to Me - Rebecca Solnit

Next
Next

Hành Trình 7 Năm Tìm Lại Bản Thân (phần 1)