Vấn Nạn Về Quấy Rối Và Xâm Phạm Tình Dục Trẻ Em

Thực trạng quấy rối và xâm phạm tình dục trẻ em tại Việt Nam

Xâm hại tình dục trẻ em là vấn nạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của UNICEF (Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc), cứ 8 tiếng trôi qua thì có thêm một nạn nhân của xâm phạm tình dục trong độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm gần 2000 trẻ em bị xâm hại tình dục và đa số các trường hợp được biết đến chỉ khi gia đình trình bày hoặc tố cáo [1]. UNICEF năm 2016 đã khởi đầu chiến dịch chống lạm dụng tình dục ở trẻ em Việt Nam với câu chuyện về một học sinh nữ 13 tuổi: “Đó là một buổi sáng tại một trường học ở Hà Nội, một nữ sinh bước vào lớp, ngồi xuống bàn và máu bắt đầu chảy xuống dưới ghế của cô bé. Sáng hôm đó, cô bé bị lạm dụng tình dục. Khi giáo viên nhắc nhở rằng em nên lót vài tấm giấy ăn để ngồi lên cho đến khi máu ngừng chảy, cô bé bật khóc” [2]. Nữ học sinh 13 tuổi chia sẻ rằng cô bị thầy dạy toán lạm dụng và sự việc kéo dài suốt hai năm sau đó. Do sự sợ hãi của cô bé, kẻ lạm dụng cô chưa bao giờ được nêu tên hay đưa ra tòa. "Ông ta thường đánh tôi. Tôi sợ lắm nhưng không dám kể cho bố mẹ vì ông ta dọa sẽ giết tôi", cô bé kể. "Ông ta điều khiển tôi, khiến tôi cảm thấy bản thân mình tồi tệ hơn". Việc lạm dụng bằng bạo lực trở thành lạm dụng tình dục khi cô bé 14 tuổi. Quá hoảng loạn, cô cuối cùng đã kể cho mẹ nghe sự việc nhưng gia đình chọn cách im lặng. "Chúng tôi biết công an sẽ không giải quyết và mẹ tôi không muốn ai phán xét, nói những lời cay độc hay lan truyền những tin đồn khiến tôi tổn thương", cô kể. Bé mất nhiều năm mới hồi phục. "Tôi có nhiều vết thương đến mức không đếm xuể, tôi đã làm tổn thương mình và tan nát trái tim cha mẹ. Tôi đã dung thứ cho điều đó suốt 735 ngày, tôi đã chịu đựng nó 735 ngày và cảm giác như là 10 năm", cô nói [2]. Khi các bé chọn lựa tin tưởng và kể với gia đình, gia đình cần có những biện pháp thích hợp để hỗ trợ và bảo vệ các bé để không dẫn đến những hậu quả không như mong muốn.

Câu chuyện này đã phản ánh văn hóa thờ ơ và kỳ thị đối với vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em ở Việt Nam suốt nhiều thế hệ [2]. Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đã và đang tồn tại và ngày càng tăng thêm, đã đến lúc vấn nạn này cần được chú ý nhiều thêm để đảm bảo sự an toàn và phát triển của trẻ em không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới [2]. 

Image-2.png

Chiodo, Wolfe, Crooks, Hughes và Jaffe (2009) đã khảo nghiệm và theo dõi những thay đổi trong hành vi và tâm lý của một nhóm học sinh lớp 9 bao gồm cả nam và nữ để so sánh tỷ lệ phổ biến giữa những nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục và những ảnh hưởng tâm lý mà các em có. Khảo sát được tiến hành qua những bài trắc nghiệm tự nguyện được gửi đến tổng cộng 1734 học sinh lớp 9, có những trải nghiệm bị quấy rối tình dục, đến từ 23 trường khác nhau [4]. Thống kê cho thấy tỷ lệ trải qua quấy rối tình dục giữa học sinh nam và nữ là gần bằng nhau (nam 42.2% và nữ là 44.1%) trong đó nữ giới thường có trải nghiệm bị quấy rối tình dục qua những tiếp xúc nhiều với những lời đùa, bình luận và giao tiếp thân thể quấy rối tình dục hơn học sinh nam [4]. Học sinh nam thường có những trải nghiệm bị quấy rối tình dục qua những lời dèm pha về sự nam tính hoặc nhận được những hình ảnh mang tính chất quấy rối tình dục thường xuyên hơn [4].

Thế Nào Là Quấy Rối và Xâm Phạm Tình Dục Trẻ Em?

Image-3.png

Trẻ em là người dưới 18 tuổi. Xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khi một ai đó sử dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự tin tưởng của trẻ để lôi kéo trẻ vào hoạt động tình dục [3]. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả các hành vi tình dục không mong muốn, có thể bao gồm cả hành vi xâm hại có tiếp xúc hay hành vi xâm hại không tiếp xúc (thông qua những lời nói nhạy cảm). Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm [3]:

  • Làm những hình ảnh, video có tính chất xâm hại trẻ em.

  • Ép buộc trẻ em xem hay tham gia các hoạt động tình dục.

  • Ép buộc trẻ em quan hệ tình dục hoặc lôi kéo trẻ em vào các hành vi tình dục với trẻ em khác hoặc với người lớn.

Cả trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể là nạn nhân của xâm hại tình dục [3]. Trẻ em đang khám phá xu hướng tình dục hoặc trẻ khuyết tật (tất cả các dạng khuyết tật) có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục. Chính vì thế, xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kỳ trẻ em nào [3]. Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em thường là thành viên trong gia đình, cộng đồng hay ai đó mà trẻ tin cậy. Một số ít người lợi dụng hoạt động du lịch để xâm hại tình dục trẻ em. Chúng có thể là khách du lịch, khách lữ hành, hay công dân nước ngoài, có hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở một hay nhiều quốc gia, nơi họ đến du lịch hoặc sinh sống [3]. Vì nhiều lý do, trẻ thường giữ im lặng về việc bị xâm hại. Hãy quan sát các dấu hiệu, đừng chờ trẻ nói ra [3].

Hậu quả về mặt tinh thần ở nạn nhân của quấy rối tình dục trẻ em

Đối với bé gái là nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục sẽ có nguy cơ cao hình thành rối loạn cảm xúc, hình thành những suy nghĩ và hành vi tự làm đau bản thân, suy nghĩ và ý định tự tử, hình thành chế độ ăn kiêng có hại cho sức khoẻ (ăn quá nhiều hoặc bỏ ăn), sử dụng chất kích thích sớm, thiếu cảm giác an toàn mọi nơi [4]. Những rối loạn tâm lý này cũng tương tự ở những bé trai là nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục [4]. Trải qua quấy rối tình dục từ độ tuổi còn nhỏ là một trong những yếu tố mạnh mẽ cảnh báo về nguy cơ trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục trong tương lai, do đó, các nỗ lực ngăn chặn và can thiệp để bảo vệ các em là một điều cần thiết [4]. 

Theo Gruber và Fineran (2007), học sinh tiểu học và trung học là nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục cũng nêu ra những vấn đề tâm lý tiêu cực mà các em gặp phải như: thường xuyên gặp ác mộng hoặc chất lượng giấc ngủ giảm sút thấy rõ, tự đánh giá bản thân thấp, luôn cảm thấy chán nản, bị ám ảnh bởi những cảm giác lo sợ, sợ hãi và xấu hổ [5]. Ngoài ra, các em cũng gặp khó khăn trong hoạt động xã hội và giao tiếp với người khác: mất hứng thú với hoạt động xã hội, cảm giác bị cô lập bởi gia đình, thầy cô, bạn bè, hiệu quả học tập giảm sút [5]. 


Không những vậy, sức khoẻ tâm lý của các em cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực tiếp diễn cho đến khi trưởng thành. Sau khi tiến hành khảo sát trên 36 người có Rối loạn chuyển dạng từ vấn đề tâm lý thành triệu chứng cơ thể (conversion disorder), Farooq và Yousaf (2016) đã nêu ra liên kết giữa triệu chứng của Mất khả năng diễn đạt cảm xúc (alexithymia) của những người có Rối loạn biến đổi tâm lý và khởi phát từ trải nghiệm bị xâm phạm hoặc quấy rối tình dục [6]. Phân tích cho thấy quá khứ của các em đã từng là nạn nhân của quấy rối và xâm phạm tình dục có thể dự đoán được mức độ khó khăn trong việc hình thành và diễn đạt cảm xúc khi các em khi trưởng thành [6]. Tuy đây là khảo sát trên một nhóm nhỏ nhưng cũng chỉ ra mối liên kết giữa sự hình thành của Rối loạn chuyển dạng từ vấn đề tâm lý thành triệu chứng cơ thể (đặc biệt là hình thành của Mất khả năng diễn đạt cảm xúc - Alexithymia) ở người lớn và quá khứ cá nhân của những nạn nhân của xâm phạm tình dục khi còn bé [6].

Image-4.png

Ngoài ra, Wolfe, Sharkansky, Read, Dawson, Martin và Ouimette (1998) cũng đã làm khảo sát trên 160 phụ nữ trưởng thành, trong đó khoảng 70% người tham gia đã từng có tiếp xúc với sự quấy rối và lạm dụng tình dục và 30% người tham gia báo cáo không có những va chạm như vậy để khảo nghiệm sự liên kết giữa sự kiện quấy rối tình dục khi còn nhỏ và sự hình thành của Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) khi trưởng thành [7]. Một trong những điểm tương đồng trong những phụ nữ trải qua sự kiện sang chấn lạm dụng tình dục cho thấy khi trải qua lạm dụng tình dục thời thơ ấu, nạn nhân thường còn quá nhỏ để biết cách diễn đạt những gì đang xảy ra và tìm kiếm sự giúp đỡ. Khi không được điều trị đúng cách, điều này có thể dẫn đến PTSD, trầm cảm và lo âu khi trưởng thành [7]. Chính vì thế, quá khứ lạm dụng và quấy rối tình dục thời thơ ấu có thể báo trước nguy cơ cao hình thành Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) khi trưởng thành [7].

Hậu quả mà các em phải gánh chịu có thể có những tổn thất về sức khỏe thể chất và tinh thần, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội và thậm chí có thể hủy hoại các em, ảnh hưởng đến việc trở thành con người tốt, trở thành cha mẹ tốt trong tương lai [8].

Cách Phát hiện và Trợ Giúp Kịp Thời Các Bé Có Thể Đã Bị Xâm Phạm

Có những dấu hiệu về hành vi của trẻ cho thấy trẻ có thể đã bị xâm hại [3]. Mặc dù những dấu hiệu này không khẳng định chắc chắn trẻ có bị xâm hại hay không nhưng đó lại là một lý do tốt để nói chuyện về những gì đã xảy ra với trẻ hay để tìm kiếm sự trợ giúp [3]:

  • Thay đổi tâm trạng, trở nên thu mình, trầm cảm, cáu giận bất thường hay trở nên hung hăng.

  • Bỏ nhà, đi đâu đó một thời gian.

  • Học hành sa sút, bỏ học không lý do.

  • Có tiền, quà tặng, điện thoại,... không rõ nguồn gốc.

  • Lạm dụng chất gây nghiện (bao gồm cả ma túy và rượu).

  • Có các hành vi tính dục không phù hợp với lứa tuổi.

  • Có các biểu hiện khác như rối loạn giấc ngủ, đái dầm, bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Image-5.png

Để giúp đỡ những bé đã trải qua sự quấy rối và lạm dụng tình dục, công tác trị liệu tâm lý cho các bé cũng cần được cải thiện và phát hiện để gia tăng sự hợp tác của các em và giúp các em cảm thấy an toàn để có thể chia sẻ. Mulawarman (2014) đã mô tả quá trình trợ giúp tâm lý cho các trẻ em là nạn nhân của quấy rối tình dục thông qua mô hình nghiên cứu định tính (phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm và nghiên cứu tài liệu liên quan) để khuyến khích và trấn an các em trong việc kể về bản thân [8]. Kết luận của nghiên cứu này có thể được áp dụng để tạo ra bầu không khí cởi mở và an toàn giúp các bé có thể chia sẻ dễ dàng hơn [9]: 

  • Trẻ em cảm thấy thoải mái để kể về trải nghiệm bị quấy rối và lạm dụng tình dục hơn khi người phỏng vấn cũng chia sẻ những trải nghiệm cá nhân của họ. 

  • Tuy các em có thể thể hiện sự điềm tĩnh khi kể chuyện, đôi khi cảm xúc chân thật của các em được phản ánh qua ánh mắt và cử chỉ. Ví dụ, khi kể về những trải nghiệm gây ra tổn thương sâu sắc, giọng nói của các em sẽ trầm lắng hơn. 

  • Các em cởi mở hơn trong việc chia sẻ với người phỏng vấn là phụ nữ hơn đàn ông.  

Sự bảo vệ và ủng hộ từ gia đình và xã hội là những yếu tố quan trọng để nâng cao nhận thức về vấn nạn này, lan truyền kiến thức trên mạng xã hội, từ đó thúc đẩy mọi người bắt đầu lên tiếng về lạm dụng trẻ em, kêu gọi điều chỉnh luật pháp hiệu quả hơn.

Biên tập: Phương Thuỷ & Thoa Đinh

Minh hoạ: Froggy

Nhi Nguyễn

Cử Nhân Khoa Học Sức Khoẻ (Health Sciences)

Previous
Previous

Sang Chấn Tâm Lý 101

Next
Next

Review Sách D.A.R.E