Sang Chấn Tâm Lý 101
Sang chấn tâm lý! Nghe thật nghiêm trọng và xa xôi, nhưng nó thường thấy hơn ta tưởng [1]. Cuộc sống có thể trở nên vô cùng nguy hiểm và tàn nhẫn chỉ trong tích tắc. Có lẽ bạn đã chứng kiến hoặc kinh nghiệm tai nạn, thiên tai, bạo hành, giết người, trộm cướp, hãm hiếp, mất người thân, v.v. Những tình huống làm đảo lộn thực tại của chúng ta đều có thể tính là sang chấn tâm lý. Tuy nhiên không phải ai gặp sang chấn tâm lý cũng phát triệu chứng Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD). Tùy vào những yếu tố nội tại và ngoại tại (mức độ trầm trọng của sang chấn, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe tâm lý và thể chất của nạn nhân, v.v.) mà một người có thể hồi phục hoặc rơi vào rối loạn hậu sang chấn. Sau đây là những điều cơ bản bạn cần biết để hiểu về sang chấn tâm lý, cách cơ thể phản ứng với những tình huống nguy hiểm và triệu chứng của sang chấn tâm lý.
1. Sinh học thần kinh về sang chấn tâm lý
Để tìm hiểu về việc sang chấn tâm lý ảnh hưởng như thế nào với cơ thể và não bộ, chúng ta cần nắm được não bộ hoạt động và phát triển. Bộ não chúng ta được chia làm 3 phần chính: Não bò sát (reptilian brain), hệ limbic (limbic system) và tân vỏ não (neocortex) [2].
Vùng não bò sát được phát triển ngay từ khi con người còn ở dạng bào thai. Nó chịu trách nhiệm cho các hành vi trẻ sơ sinh có thể thực hiện như: ăn, ngủ, khóc, thở; cảm nhận nhiệt độ, cơn đói, độ ẩm và đau đớn; bài tiết chất thải khỏi cơ thể qua đường tiểu tiện và đại tiện.
Ở ngay trên não bò sát là hệ limbic. Phần não này bắt đầu phát triển sau khi em bé chào đời. Đây là phần kiểm soát cảm xúc, giám sát các mối đe dọa, xác định điều gì là đáng sợ hoặc đáng mừng, cái gì quan trọng hoặc không quan trọng để sinh tồn.
Não bò sát và hệ limbic có thể được gộp cùng nhau và tạm gọi là não cảm xúc. Trong những tình huống nguy hiểm, phần não này khởi động các kế hoạch ứng biến đã được lập trình trước, ví dụ như phản ứng chiến, chạy hoặc đóng băng (fight- flight- freeze response). Tất cả những hành vi này xảy ra một cách vô thức mà không thông qua những tính toán, lên kế hoạch cũng như tính logic và lý trí suy xét.
Phần cuối cùng của não bộ là tân vỏ não (hoặc phần não lý trí). Bộ phận này cho phép chúng ta tính toán và suy ngẫm, tưởng tượng và tiên lượng về các viễn cảnh tương lai. Đồng thời phần tân vỏ não cũng chịu trách nhiệm cho tính thấu cảm – nó cho phép ta có mối quan hệ hòa hợp với người xung quanh. Vậy nên nếu như phần não cảm xúc chịu trách nhiệm cho dục vọng, giác quan và sự bộc phát, thì phần não lý trí đem những thông tin đó kết hợp cùng những điều chúng ta đã học và trải nghiệm để đi đến quyết định hợp tình hợp lý.
Ví dụ, phần não cảm xúc giống như là 1 chiếc máy báo khói [3]. Khi bạn cảm nhận thấy khói trong nhà, phần não cảm xúc sẽ báo hiệu cho phần lý trí kiểm tra ngay xem nguồn khói xuất phát từ việc ai đó trong nhà của bạn đang làm bít tết hay căn nhà đang bốc cháy. Đối với phần não cảm xúc thì khói nào cũng là khói, còn não lý trí có thể xác định và phân biệt giữa việc ngửi thấy khói lúc nửa đêm hay ngửi thấy khói trong nhà hàng BBQ. Nếu phần não lý trí của bạn quyết định đây là khói do cháy nhà, phần não cảm xúc sẽ kiểm soát tình hình và ra lệnh cho bạn làm điều cần thiết để thoát hiểm (đánh, chạy, hay đóng băng). Đây là phản ứng hoàn toàn bình thường của não bộ. Khi đã thoát khỏi tình cảnh nguy hiểm, chúng ta sẽ hồi phục trạng thái cân bằng, vùng não lý trí sẽ chiếm quyền kiểm soát và chúng ta sẽ dần dần bình thường trở lại.
Vấn đề là: nếu vì lý do nào đó mà phản ứng sinh tồn này bị cản trở và ta không thể làm gì được trước tình huống hiểm nghèo - như là bị kẹt ở vùng chiến sự, tai nạn xe cộ, bạo hành, cưỡng bức, thì não cảm xúc sẽ liên tục phát tín hiệu trong vô vọng. Kể cả khi sự việc đã qua lâu, não cảm xúc vẫn có thể tiếp tục gửi tín hiệu báo động nguy hiểm tới cơ thể để thoát khỏi mối đe dọa không còn tồn tại. Nói 1 cách khác, còi báo cháy vẫn tiếp tục kêu ngay cả khi không có khói, làm bạn kẹt ở trạng thái lo sợ và bất an không ngớt. Đây là dấu hiệu của Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD).
2. Bất động Căng cứng và Phân ly:
Các bạn có để ý tôi nói phản ứng bình thường của cơ thể trước nguy hiểm là đánh, chạy hoặc đóng băng không? Chúng ta hãy cùng bàn thêm về đóng băng vì với nhiều người đây có thể là một phản ứng khó hiểu. Khi bạn nhận thấy không có lối thoát, hoặc khi đánh/chạy không hiệu quả, hoặc khi cái chết có vẻ cận kề, não bộ sẽ ra nỗ lực cuối cùng bằng cách làm cơ thể ngừng hoạt động. Đây là gọi là trạng thái Bất động Căng cứng vì nó làm người bạn cứng đờ. Ngoài ra, bạn còn có thể cảm thấy bình an lạ thường, hoặc mất cảm giác trên cơ thể, hoặc lìa khỏi cơ thể và chứng kiến sự kiện như là nó đang xảy ra với người khác chứ không phải mình. Trạng thái này gọi là Phân ly. Ví dụ, Livingstone, giáo sĩ và nhà khoa học tại Châu Phi vào thế kỷ 19, mô tả Phân ly rất chính xác khi thuật lại tình huống cận kề cái chết khi ông bị một con sư tử ghim nanh vào vai và lắc mạnh.
Nó [cú lắc] đem đến một trạng thái mơ màng, không còn đau đớn hay khiếp sợ, nhưng vẫn còn tỉnh táo để nhận biết những gì đang diễn ra. Nó như khi bệnh nhân được gây mê một phần bằng chlorophorm, họ vẫn thấy được cuộc phẫu thuật từ đầu đến cuối, nhưng không cảm thấy lưỡi dao … Cú lắc làm tan biến nỗi sợ, và cho phép tôi nhìn vào con thú mà không cảm thấy chút kinh hoàng. Có lẽ trạng thái lạ kỳ này được kích hoạt ở mọi loài động vật khi nó bị ăn thịt; nếu đúng như vậy, thì đây là sự chu cấp nhân từ và rộng lượng của Tạo hóa nhằm giảm bớt sự đau đớn của cái chết [4].
Livingstone đã đúng, “trạng thái lạ kỳ” này được sản sinh ở rất nhiều loài động vật. Bạn không cần phải tin vào Chúa Trời mới có thể trân trọng khả năng ngắt kết nối với cơ thể khi cái chết cận kề. Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những mục đích của phản ứng này là để bảo vệ chúng ta khỏi sự đau đớn và kinh hoàng đang sắp xảy đến [5]. Bất động Căng cứng và Phân ly có thể giải thích tại sao nhiều nạn nhân bị hãm hiếp thuật lại rằng họ cảm thấy cứng đờ, mất cảm giác, hoặc lìa khỏi cơ thể trong lúc bị tấn công. Kẻ thủ ác thường to lớn và mạnh hơn nạn nhân. Hắn ghìm nạn nhân xuống, ngăn cản phản ứng đánh/chạy, sau đó nhiều nạn nhân kể rằng họ không thể cử động hoặc thậm chí lên tiếng [6]. Đáng buồn là phản ứng tự nhiên trước những tình huống kinh hoàng này bị hiểu nhầm là “hèn nhát” hoặc “muốn như vậy”. Điều này làm nạn nhân bị chôn vùi trong cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Họ trách bản thân tại sao không phản kháng. Họ không dám chia sẻ cho ai vì sợ rằng người khác sẽ không tin hoặc làm cho họ thêm phần xấu hổ.
Phân ly là phản ứng thường thấy và có thể xảy ra độc lập với Bất động Căng Cứng. Tôi từng chứng kiến một người phụ nữ trẻ, ngay sau khi đặt xác chồng vào lò thiêu và cửa lò đóng, ngã gục xuống và khóc điên cuồng. Cô đã mạnh mẽ trong suốt quá trình dẫn đến lễ thiêu xác để có thể chu toàn việc gia đình. Trong trường hợp này, có thể nói, cô tạm phân ly (chia tách) cảm xúc của mình khỏi cuộc sống để có thể giải quyết những việc cần giải quyết. Sau đó, cảm xúc của cô trở lại (tái hợp) và cô cuối cùng đã có thể trải nghiệm nỗi sầu khổ dữ dội của việc mất đi người thân. Có thể bạn đã trải qua những điều tương tự, rồi sau đó tiếp tục cuộc sống của mình mà không gặp rắc rối gì nhiều. Đối với những người bị PTSD, những cảm xúc bị phân ly này không được tái hợp một cách thích đáng và cứ tiếp tục đeo đuổi họ. Cho nên dù chuyện cũ đã qua lâu, những cảm xúc này vẫn nổi lên liên tục dưới những triệu chứng như là hồi tưởng, cơn giận bùng nổ hoặc mất cảm giác.
3.Cách hiểu triệu chứng sang chấn tâm lý:
Triệu chứng sang chấn tâm lý có thể được hình dung như hai cực trái ngược nhau: hyper-arousal và hypo-arousal. Tạm dịch là phản ứng thái quá và phản ứng suy nhược (Hyper có nghĩa là quá mức hoặc nhiều hơn bình thường. Còn hypo có nghĩa là ít hơn bình thường). Hyper-arousal là khi bạn thể hiện sự giận dữ, khó chịu hoặc lo âu tột độ. Hypo-arousal là khi bạn cảm thấy mơ màng, không gian xung quanh như không có thật, hoặc cảm thấy như bị mất kết nối khỏi cơ thể và suy nghĩ của bản thân, hoặc thậm chí là cảm thấy đau trên cơ thể và mệt mỏi kéo dài. Những người có triệu chứng sang chấn tâm lý dành nhiều thời gian sống ở hai cực hơn là ở khu vực trung tâm (hình 1). Vì vậy cuộc sống của họ vô cùng khốn khổ, họ hiếm khi kinh nghiệm được khoảnh khắc bình thường khi cơ thể của họ không ở vùng “hyper” hoặc “hypo”.
Những nghiên cứu sử dụng công nghệ chụp ảnh não cho thấy cảm giác sợ hãi, buồn bã và giận dữ cao độ kích thích hoạt động của não cảm xúc và làm giảm hoạt động của não lý trí [8]. Vì vậy ở những rối loạn do sang chấn tâm lý (như là PTSD), não cảm xúc làm việc quá dữ dội, ngăn cản não lý trí giúp nạn nhân kiểm soát suy nghĩ bộc phát, ra quyết định sáng suốt hoặc có những mối quan hệ lành mạnh. Họ có thể phản ứng trước những nguy hiểm không tồn tại, trở nên điên tiết với những chuyện nhỏ, đông cứng khi có ai chạm vào người, hoặc hoàn toàn mất cảm giác trên cơ thể. Họ có thể có những hồi tưởng về sang chấn thật đến độ cứ ngỡ như trở ngược về thời gian. Khi mà cái “chuông báo cháy” cứ reo từ ngày này qua ngày khác, nạn nhân của những triệu chứng này luôn ở trong trạng thái quá tải giác quan. Để đối phó với tình trạng này, họ đôi khi bị phụ thuộc vào các chất có cồn hoặc chất kích thích vì chúng giúp não họ tạm thời không phải chú ý đến mớ cảm xúc hỗn độn bên trong.
Vì vậy, một trong những mục tiêu chính trong trị liệu sang chấn là giúp cho thân chủ quản lý hai cực (hyper - hypo) và dành nhiều thời gian sống ở khu vực trung tâm hơn, nơi mà họ bình tĩnh nhưng không mệt mỏi, cảnh giác nhưng không lo âu. Ở hình 1, tác giả dùng khái niệm “mở rộng cửa sổ chịu đựng” để nói về việc giúp thân chủ học cách đem bản thân từ hai cực trở về với khu vực trung tâm. Qua thời gian họ sẽ bớt dần những phản ứng cực đoan (điên tiết hoặc ngắt kết nối với cơ thể) khi gặp những chuyện không vui trong cuộc sống.
Ví dụ 1: M bị tai nạn giao thông 6 tháng trước. Anh mắc kẹt trong cabin xe suốt 1 tiếng và hoảng loạn khi ngửi thấy mùi xăng, lúc đó anh nghĩ thầm, “kì này mình tiêu chắc rồi!”. M may mắn sống sót, nhưng một thời gian ngắn sau vụ tai nạn anh cảm thấy lúc nào cũng lo lắng, dễ giật mình, sợ tiếng động lớn, cơ thể (đặc biệt là 2 chân) lúc nào cũng trong trạng thái gồng, anh bị mất ngủ và khi ngủ được thì thường gặp ác mộng về vụ tai nạn. Vợ anh nhận thấy cảm xúc thất thường ở M, anh dễ nóng nảy và không còn đủ kiên nhẫn để dạy cho con học. Có những ngày anh không có sức bước ra khỏi giường để đi làm. Anh đặc biệt căng thẳng và sợ hãi mỗi lần nghe tiếng xe thắng gấp, hoặc có xe vượt qua mình. Đặc biệt khi ngửi thấy mùi xăng, anh cảm thấy mình như bị quăng ngược trở về thời gian lúc đang bị kẹt cứng trong xe.
Ví dụ 2: L sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngay từ nhỏ cô đã phải chăm sóc cho mẹ và các em. Cô cảm thấy mình phải nhập một vai mạnh mẽ và không có quyền được thể hiện sự yếu đuối. Cô thầm lặng chịu hết mọi cay đắng và đau buồn trong cuộc sống, thậm chí là khi cô bị người khác bắt nạt, bạo hành, dèm chê vì phận con nhà nghèo. Cô không dám chia sẻ với mẹ và các em vì cô thấy mình có trách nhiệm bảo vệ họ. Cô học được cách đặt mọi đau buồn qua một bên để tập trung học, làm và chăm sóc gia đình. Cô không có một ai để chia sẻ. Tình trạng này kéo dài hơn 20 năm. Những người quen biết L nhận thấy rằng cô đôi khi có những cơn giận “long trời lở đất”, có những lúc buồn mất ăn mất ngủ, thậm chí là nôn mửa. Lại có những lúc L cảm thấy vô cùng đau đớn khắp người mỗi khi cô kinh nghiệm cảm xúc mạnh. Lại có lúc cô không cảm thấy gì cả, dường như là mất kết nối với cơ thể và thực tại.
Hai ví dụ này giống nhau ở chỗ chúng đều thể hiện hai cực của triệu chứng sang chấn tâm lý, lúc thì quá căng thẳng (hyper), lúc thì không cảm thấy gì cả (hypo). Ở ví dụ 1, M có thể được chẩn đoán PTSD. Ví dụ 2 thì hơi khác một chút. Dù không gặp một sự kiện cận kề cái chết, L có một quá trình dài chịu đựng nhiều tình huống đau buồn khác nhau mà không có một cộng đồng hỗ trợ. Cô học được cách phân ly cảm xúc của mình khỏi cuộc sống, tuy nhiên vì không có lối thoát phù hợp nên những cảm xúc bị phân ly này vẫn đeo đuổi cô suốt chừng ấy năm và chúng trở lại bằng những cảm xúc vô cùng mạnh. Điều này làm cô có những phản ứng thái quá (vô cùng giận dữ hoặc mất kết nối với thực tại) khi cô gặp chuyện không vui. Quá trình chịu đựng của L suốt 20 năm khiến cô có những triệu chứng sang chấn tâm lý dù về mặt chẩn đoán thì cô không khớp với danh mục của PTSD [9].
4. Điều này có ý nghĩa gì với cộng đồng người Việt?
Do lịch sử đặc thù của người Việt tại Mỹ, không khó để tìm thấy những triệu chứng của sang chấn tâm lý ở thế hệ người Việt đầu tiên đến với nơi này qua hình thức tị nạn. Rất nhiều trong số đó đã phải mạo hiểm mạng sống trên những con tàu chật chội lênh đênh giữa đại dương hay chịu đựng sự lạm dụng và cưỡng bức trong các trại tị nạn tập trung. Khi đặt chân tới Mỹ, họ phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ, vấn đề tài chính, văn hóa và hôn nhân. Những than phiền về đau nhức trên cơ thể mà không có căn nguyên y tế là điều phổ biến với nhóm người này. Và tôi đoán rằng thế hệ người Việt Nam đã sống qua chiến tranh cũng phải chịu đựng những triệu chứng tương tự. Những triệu chứng sang chấn tâm lý ở bố mẹ thường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến con cái của họ (đôi khi là gây sang chấn cho chính con của mình) tạo nên tính đa thế hệ của rối loạn. Tại thời điểm viết bài, miền Trung Việt Nam đang hứng chịu một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử, song hành với nó chính là hậu quả khủng khiếp đến tâm lý. Việc mất đi người vợ đang mang thai, con cái, cha mẹ, của cải và lối sống là không thể nói thành lời. Hệ thống y tế của chúng ta hiện không đủ khả năng để đáp ứng tốt với làn sóng bệnh nhân sang chấn tâm lý sẽ xuất hiện khi thảm họa đi qua. Điều này nhắc nhở chúng ta một sự thật không hề dễ chịu – thế giới này tàn nhẫn và đầy những điều bất trắc. Chúng ta có thể làm gì? Quyên góp và hiểu thêm về sang chấn tâm lý là điều có ích. Một trong những điều tốt đẹp nhất bạn có thể trao đi là sự hiện diện cùng lòng thấu cảm. Quyên góp giúp đỡ rất nhiều nhưng chính sự chân thành của tình người với người sẽ cứu rỗi nỗi đau tâm hồn. Bạn không cần là chuyên gia về sức khỏe tâm lý hay phải một mình gánh vác trách nhiệm chữa lành người khác để có thể mang lại món quà ý nghĩa này. Một đôi tai biết lắng nghe cũng chính là liều thuốc bổ rồi. Hãy luôn mang trong mình suy nghĩ này trong cuộc sống vì biết đâu bạn sẽ gặp ai đó đã trải qua sang chấn tâm lý.
Biên Tập: Tom Phan & Hương Lê
Dịch: Chính Nguyễn
Minh hoạ: Vy Trần
[1] Trong một nghiên cứu năm 2019 tại miền Trung Việt Nam thì trong số 608 người tham gia phỏng vấn, 47% đã từng gặp sang chấn. 14.8% trong số đó có triệu chứng rối loạn lo âu hậu sang chấn (PTSD). Xem thêm tại Do, T. T. H., Correa-Velez, I., & Dunne, M. P. (2019). Trauma Exposure and Mental Health Problems Among Adults in Central Vietnam: A Randomized Cross-Sectional Survey. Frontiers in Psychiatry, 10. https://doi.org/10.3389/fpsyt.2019.00031
[2] Đây là Thuyết Ba Não (Triune Brain Theory) của tiến sĩ MacLean. Lưu ý là thuyết này mang tính giản lược cao và không phản ánh toàn diện về cấu trúc não bộ. Tuy nhiên, nó rất hữu ích để giúp ta hiểu về cách não bộ phản ứng trước sang chấn.
[3] Tôi mượn ví dụ này từ chương 4 của Van der Kolk, B. A. (2015). The body keeps the score: Brain, mind, and body in the healing of trauma. Penguin Books. Nếu các bạn quan tâm đến sang chấn thì nên bắt đầu với cuốn sách này.
[4] Livingstone, D. (2010). Missionary Travels and Researches in South Africa. BoD – Books on Demand. Bạn có thể đọc online tại đây https://www.gutenberg.org/files/1039/1039-h/1039-h.htm
[5] Levine, P. A. (2010). In an Unspoken Voice: How the Body Releases Trauma and Restores Goodness. North Atlantic Books.
[6] Suarez, S. D., & Gallup, G. G. (1979). Tonic immobility as a response to rape in humans: A theoretical note. The Psychological Record, 29(3), 315–320.
[7] How to Help Your Clients Understand Their Window of Tolerance. (2017, November 2). NICABM. https://www.nicabm.com/trauma-how-to-help-your-clients-understand-their-window-of-tolerance/
[8] Van Der Kolk, B. A. (2006). Clinical implications of neuroscience research in PTSD. Annals of the New York Academy of Sciences, 1071, 277–293. https://doi.org/10.1196/annals.1364.022
[9] Trường hợp của L tiếng Anh gọi là “strain trauma” hoặc “cumulative trauma”. Tạm dịch là sang chấn tâm lý tích lũy. Nếu các bạn quan tâm có thể google thêm về chúng.