Trầm Cảm – Những Điều Cần Biết

Copy of Untitled (24).png

Theo các nghiên cứu, người ta ước đoán năm 2020, gánh nặng bệnh tật toàn cầu do trầm cảm sẽ đứng thứ hai và đến năm 2030 sẽ đứng thứ nhất trong các bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người [1]. Không những làm gánh nặng về kinh tế mà trầm cảm còn làm giảm chất lượng cuộc sống, làm giảm hiệu suất lao động và làm tăng nguy cơ tử vong. Ở Pháp, mỗi năm, khoảng 11000 người chết do tự sát thành công và có khoảng 200.000 người có toan tự sát, mà trong số đó khoảng 78% người trải qua trầm cảm [2]. Một số tài liệu khác thấy rằng, khoảng 90% những người tự sát thành công và những người toan tự sát có rối loạn tâm thần, mà trong số đó 50%-70% được chẩn đoán trầm cảm [3].

DỊCH TỄ HỌC

Theo WHO, ít nhất 15% dân số có biểu hiện trầm cảm rõ rệt ở một giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Khoảng 5% người trong thực hành đa khoa có trầm cảm điển hình và 5% có trầm cảm nhẹ [4]. Theo DSM V, tỷ lệ trầm cảm điển hình trong 12 tháng ở Mỹ xấp xỉ 7%, tỷ lệ mắc từ 18 đến 29 tuổi cao gấp ba lần người trên 60 tuổi. Tỷ lệ nữ giới trầm cảm gấp 1,5 đến 3 lần nam giới ở giai đoạn đầu tuổi trưởng thành [5].

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Trần Viết Nghị, Nguyễn Đăng Dung và Nguyễn Viết Thiêm năm 1997: ở một xã nông thôn đồng bằng Bắc Bộ và một phường của thành phố Hà Nội (khoảng 10.000 dân) có sử dụng bộ câu hỏi CIDI (Composite International Diagnostic Interview) kết hợp với khám lâm sàng và các test sàng lọc CES (Center for Epidemiologic Study), Beck cho thấy tỷ lệ mắc trầm cảm trong nhân dân là 2-5% [6]. Tại Việt Nam khi nghiên cứu dịch tễ học trên 8 vùng địa lý năm 2014, ước có khoảng hơn 2% dân số được chẩn đoán trầm cảm. Trầm cảm gặp nhiều ở nữ hơn nam, tỷ lệ nữ:nam là 2:1 và gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt từ 25-44 [7].

CHẨN ĐOÁN

Trầm cảm là một rối loạn khí sắc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ các hoạt động tâm thần, ức chế cảm xúc, ức chế tư duy, ức chế vận động. Tại Việt Nam, trầm cảm được chẩn đoán theo tiêu chuẩn ICD-10 năm 1992.

Theo ICD-10, giai đoạn trầm cảm là một giai đoạn rối loạn khí sắc kéo dài ít nhất 2 tuần, chẩn đoán dựa trên các triệu chứng [8], [9]:

Các triệu chứng chủ yếu:

  • Khí sắc trầm

  • Mất quan tâm thích thú

  • Giảm năng lượng dẫn đến mệt mỏi và giảm hoạt động

Các triệu chứng phổ biến:

  • Giảm sút sự tập trung và sự chú ý

  • Giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin

  • Có ý tưởng bị tội và không xứng đáng

  • Nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan

  • Có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát

  • Rối loạn giấc ngủ

  • Ăn ít ngon miệng

Các triệu chứng cơ thể

  • Mất quan tâm hoặc hứng thú với những hoạt động mà bình thường vẫn làm bệnh nhân hứng thú.

  • Thiếu các phản ứng cảm xúc đối với những sự kiện hoặc hành động mà bình thường có thể gây ra những phản ứng cảm xúc.

  • Tỉnh giấc vào lúc sáng sớm hơn ít nhất 2 giờ so với thường ngày.

  • Trầm cảm nặng lên vào buổi sáng.

  • Có bằng chứng khách quan về sự chậm chạp tâm thần vận động hoặc kích động (được nhận thấy hoặc do người khác kể lại).

  • Giảm nhiều cảm giác ngon miệng.

  • Sút cân (5% hoặc nhiều hơn trọng lượng cơ thể trong tháng trước đó).

  • Giảm đáng kể hưng phấn tình dục.

Mức độ trầm cảm

  • Giai đoạn trầm cảm nhẹ: có 2 trong 3 triệu chứng chủ yếu và 2 trong 7 triệu chứng phổ biến.

  • Giai đoạn trầm cảm vừa: có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng chủ yếu và ít nhất 3 trong 7 triệu chứng phổ biến.

  • Giai đoạn trầm cảm nặng: có 3 triệu chứng chủ yếu và ít nhất 4 trong 7 triệu chứng phổ biến. Nếu các triệu chứng đặc biệt nặng và khởi phát rất nhanh thì có thể làm chẩn đoán này trước 2 tuần. Giai đoạn này có thể có hoặc không có các triệu chứng loạn thần.

Phân loại trầm cảm:

  • Trầm cảm nội sinh: đa nhân tố, môi trường, gen, sinh hóa não…

  • Trầm cảm tâm sinh; Các sang chấn tâm lý trong cuộc sống, môi trường, nhân cách tiền bệnh lý

  • Trầm cảm thực tổn: tổn thương thực tổn tại não hoặc có bệnh lý nội khoa mạn tính: tim mạch, đái thường, suy thận…

  • Trầm cảm do chất gây nghiện:  sử dụng chất ATS, cần sa, rượu…

Copy of Copy of Untitled (6).png

ĐIỀU TRỊ

1. Kế hoạch điều trị chung:

Điều cốt lõi trong điều trị trầm cảm là tối ưu hóa theo cá thể. Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị trầm cảm với ưu, nhược điểm khác nhau và hiệu quả khác nhau.

2. Hóa dược trị liệu

Hiện nay, có nhiều phương pháp trị liệu hoá dược lý hiệu quả đối với trầm cảm, tuy nhiên tất cả đều cần có thời gian để đạt được tác dụng tối ưu, thường sau 4 đến 6 tuần. Một liệu trình điều trị với cơn trầm cảm đầu tiên khoảng 6 tháng đến 9 tháng. Khi lựa chọn thuốc điều trị, bác sỹ cần tiên lượng được khả năng tuân thủ điều trị của người trầm cảm và gia đình, bệnh nội khoa đi kèm và các yếu tố có khả năng gây tăng tác dụng phụ của thuốc. Có thể sử dụng các thuốc chống trầm cảm và phối hợp thêm thuốc chống loạn thần khi giai đoạn nặng có triệu chứng loạn thần [10], [11], [12].

  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA): Amitritylin...

  • Thuốc ức chế MAO (MAOI):

  • SSRIs: Fluoxetine, sertraline, paroxetine, fluvoxamine, citalopram và escitalopram

  • NaSSa: Mirtazapine

  • SNRIs (venlafaxine, desvenlafaxin, duloxetine)

  • Một số thuốc khác: Bupropion, SARIs (trazodone, nefazodone)

  • Các thuốc chống loạn thần (Olanzapine, Risperione, Quetiapine, Sulpiride Clozapine…): điều trị phối hợp khi bệnh nhân trầm cảm nặng hoặc có triệu chứng loạn thần.

Tất cả các thuốc trên người trầm cảm cần đi khám và tuân thủ uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự sử dụng thuốc không đúng liều lượng, thời gian…

3. Vật lý trị liệu

  • Liệu pháp sốc điện (ECT- Electroconvulsive therapy): hiệu quả với trầm cảm có loạn thần, ý tưởng hành vi tự sát và trầm cảm kháng trị. Tránh sử dụng khi có bệnh tim mạch, bệnh lí cơ thể nặng, bệnh lí thực tổn tại não, bệnh nhân động kinh, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 16 tuổi.

  • Kích thích từ xuyên sọ (TMS - Transcranial magnetic stimulation): sử dụng các xung lực từ trường gây kích thích não khu trú, không gây ảnh hưởng đến nhận thức. Năm 2008, FDA đã chấp nhận kích thích từ xuyên sọ để điều trị trầm cảm đơn cực điển hình và trầm cảm kháng thuốc.

4. Tâm lí trị liệu

Có rất nhiều liệu pháp, tuy nhiên 2 liệu pháp sau được chứng minh có hiệu quả hơn hẳn.

  • Liệu pháp nhận thức hành vi

  • Liệu pháp cá nhân

KẾT LUẬN

Trầm cảm là một rối loạn khá thường gặp trong chuyên ngành tâm thần. Không những vậy, với các chuyên khoa khác trong y học hiện đại không phải là ít. Ngày nay, với sự phát triển sâu rộng các hình thức phương tiện truyền thông, con người có thể tiếp cận hiểu biết về rối loạn này khá đầy đủ. Tuy nhiên, vì một số lý do như sợ kỳ thị, tâm lý giấu bệnh, không dám đối diện, người trầm cảm chưa được hiểu biết thăm khám đầy đủ. Trầm cảm sẽ giảm thiểu gánh nặng bệnh tật cho cá nhân và xã hội nếu được hiểu đúng hiểu đủ, phát hiện điều trị kịp thời.

Khi gặp các biểu hiện như trong hướng dẫn, nên đến sớm các cơ sở y tế để được thăm khám chính xác và toàn diện giúp người trầm cảm tăng chất lượng cuộc sống, giảm các yếu tố nguy cơ.

 Biên Tập: Hương Lê

Minh Họa: Vy Trần

Nguồn:

1. Greden J.F. (2001). The burden of recurrent depression: causes, consequences, and future prospects. J Clin Psychiatry, 62, 5–9

2. Courtet P. (2010). [Suicidal risk in recurrent depression]. L’Encephale,

36 Suppl 5, S127-131.

3.  Dong M., Wang S.-B., Li Y., et al. (2017). Prevalence of suicidal behaviors in patients with major depressive disorder in China: A comprehensive meta-analysis. J Affect Disord, 225, 32–39

4. Nguyễn Kim Việt (2005). Một số vấn đề trong điều trị dược lý các rối loạn trầm cảm. Tập báo cáo và bài giảng rối loạn trầm cảm, Bộ môn Tâm thần trường Đại học Y Hà Nội, Hà Nội, 23-49.

5. American Psychiatric Association (2013). Depressive Disorders. Diagnostic and statistical manual of mental disorders: DSM-5. 5th edition, American Psychiatric Association, Washington, D.C, 155–188.

6. Nguyễn Viết Thiêm (2002). Trầm cảm trong thực hành tâm thần học. Sức khỏe tâm thần cộng đồng - Tài liệu dành cho đào tạo sau đại học, Bộ môn Tâm thần trường Đại học Y Hà Nội, Hà Nội, 17–23.

7. Trần Hữu Bình (2016). Giai đoạn trầm cảm. Giáo trình bệnh học tâm thần, Bộ môn Tâm thần trường Đại học Y Hà Nội, Nhà xuất bản Y học, 59–65.

8. World Health Organization (1992). Depressive episode. The ICD-10 classification of mental and behavioural disorders: clinical descriptions and diagnostic guidelines. Geneva: World Health Organization, 99–101.

9. Tổ chức Y tế Thế giới (1992), ICD-10, Phân loại các rối loạn tâm thần và hành vi. Mô tả lâm sàng và nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán.

10. Thornhill M.N et al (2011). Mood disorders. Psychiatry. Sixth Edition, Wolters Kluwer Health, Lippincott Williams & Wilkins, Philadelphia, 55–68.

11. Sadock B.J., Sadock V.A., Ruiz P. et al (2015). Mood disorders. Kaplan & Sadock’s synopsis of psychiatry: behavioral sciences/clinical psychiatry. 11th edition, Wolters Kluwer, Philadelphia, 257–269.

12.  Stahl S.M. (2013), Stahl’s Essential Psychopharmacology: Neuroscientific Basis and Practical Application, Cambridge University Press.

BS. Sơn Tùng Vũ

Bác sĩ Tâm Thần tại Viện Sức Khoẻ Tâm Thần tại Bệnh Viện Bạch Mai, Hà Nội

Previous
Previous

Tác Phẩm Nổi Bật Của Tháng 10 | Ian

Next
Next

Âm Nhạc Là Tiếng Nói Của Tâm Hồn - Tại Sao Trị Liệu Âm Nhạc Quan Trọng