Rối Loạn Phân Ly Nhân Dạng Qua Góc Nhìn Của Phim Điện Ảnh

Những bộ phim kinh dị về đề tài tâm lý được sản xuất và công chiếu ngày càng nhiều đang dần ảnh hưởng đến nhận thức của mỗi người trong thực tế. Sự miêu tả không chính xác và mang tính chất kỳ thị này có thể góp phần khiến cộng đồng có những góc nhìn, quan điểm sai lệch và gây bất lợi cho những người đang thật sự phải đối mặt với vấn đề về sức khỏe tâm lý. Ở bài viết này mình sẽ đề cập đến một trong những rối loạn tâm lý ít được hiểu đúng đắn nhất qua phim điện ảnh – rối loạn phân ly nhân dạng, thông qua 4 bộ phim tiêu biểu trong vòng 25 năm trở lại đây: Fight club (1999), Identity (2003), Split (2016) và Glass (2019).

Rối loạn phân ly nhân dạng (Dissociative identity disorder - viết tắt là DID), trước đây được biết đến với tên gọi Rối loạn đa nhân cách [1]. Rối loạn phân ly nhân dạng xuất hiện khá phổ biến trong các bộ phim hiện đại ngày nay, đây là một rối loạn tâm lý được đặc trưng bởi ít nhất hai nhân cách khác biệt và tồn tại một thời gian dài ở người bệnh [2]. Thống kê cho thấy tỉ lệ rối loạn phân ly nhân dạng là từ 0,1% đến 1% dân số. Và 7% dân số thế giới có thể có một số dạng rối loạn phân ly chưa được chẩn đoán [3]. 

Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, DID thường liên quan đến những trải nghiệm choáng ngợp, lạm dụng thời thơ ấu nghiêm trọng và/ hoặc sang chấn trong quá khứ. DID là một nhóm con của rối loạn phân ly, là rối loạn tâm lý liên quan đến các vấn đề hay suy giảm trí nhớ, nhân dạng, nhận thức, ý thức, cảm xúc và hành vi [4]. Khi những gián đoạn trong các chức năng tâm lý này xảy ra, các triệu chứng phân ly có thể bắt đầu xuất hiện và can thiệp vào đời sống sinh hoạt nói chung của một người [4]. Trên thực tế, DID là cách một đứa trẻ thích nghi hay bảo vệ mình trước các tình huống không thể đoán trước, nguy hiểm và lạm dụng [5]. Khi những cá nhân phải liên tục chịu đựng những trạng thái đau thương trong giai đoạn đầu đời, họ sẽ không phát triển một cách bình thường hay toàn diện về bản thân. Thay vào đó, họ phát triển nhiều giác quan, bán độc lập về bản thân, xung đột với nhau [5]. DID không phải là một "tấm gương vỡ vụn" nơi mà nhân cách hợp nhất bị "tan vỡ" bởi sang chấn. DID giống như những mảnh ghép tâm lý thời thơ ấu chưa bao giờ được ghép lại với nhau. Người ta có thể coi DID là một "hệ thống sinh tồn bí mật", dữ liệu từ các nghiên cứu tại Đại học Sheppard Pratt và Towson cho thấy phân ly đầu đời là một dạng khả năng phục hồi để bảo vệ sự phát triển bình thường của trí tuệ, khả năng sáng tạo, sự hiểu biết sâu sắc, hy vọng và khả năng hình thành mối quan hệ với những người khác [5]. Khả năng phục hồi này là sự thích ứng cần thiết của con người sau các sự kiện bất lợi trong cuộc sống hoặc sang chấn. Đây cũng là nền tảng tâm lý giúp mỗi cá nhân quay trở lại trạng thái tích cực, lạc quan hơn và bảo vệ bản thân khỏi những ký ức đau buồn, suy nghĩ tự hại. Hơn nữa còn mở ra khả năng tiếp nhận các phương pháp trị liệu mới và ngăn việc phát triển các rối loạn tâm lý khác [14]. 

Hollywood đang ngày càng đầu tư sản xuất các bộ phim về đề tài tâm lý mô tả các rối loạn nói chung và DID nói riêng trên màn ảnh. Đáng nói là người xem thiếu hiểu biết chính xác về rối loạn này và sự truyền tải hình ảnh mang đầy định kiến trong phim có thể ảnh hưởng đến nhận thức của xã hội về DID. Rối loạn phân ly nhân dạng lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh rộng vào năm 1920, với sự ra mắt của Dr. Jekyll and Mr. Hyde. Kể từ đó, đã có gần 75 bộ phim có ít nhất một nhân vật có các triệu chứng của DID [6]. Ở bài viết này mình sẽ phân tích nội dung của 4 bộ phim tiêu biểu về DID, từ đó cung cấp một cái nhìn sâu hơn về việc miêu tả sức khỏe tâm lý trong ngành công nghiệp điện ảnh nói chung và độ chính xác của phim khi xây dựng chân dung của DID nói riêng.

Bốn bộ phim đều đáp ứng đủ chẩn đoán của DSM-5 cho DID, bao gồm:

  1. Có từ 2 nhân dạng trở lên hoặc trạng thái nhân cách riêng biệt, mỗi nhân dạng có mô hình nhận thức, suy nghĩ về môi trường và bản thân tương đối lâu dài.

  2. Có những khoảng trống ký ức của họ về các sự kiện hàng ngày, thông tin cá nhân quan trọng, và các sự kiện sang chấn - thông tin thường không bị mất khi quên bình thường.

  3. Các triệu chứng gây ra cảm giác đau khổ vì rối loạn hoặc gặp khó khăn trong hoạt động của một hay nhiều lĩnh vực chính trong cuộc sống làm suy giảm đáng kể chức năng xã hội hoặc nghề nghiệp.

  4. Sự xáo trộn không phải là một phần của các hoạt động văn hóa hoặc tôn giáo thông thường.

  5. Các triệu chứng không thể do tác động sinh lý trực tiếp của chất kích thích hoặc tình trạng bệnh lý chung.

Những quan niệm sai lầm về sức khỏe tâm lý trong phim điện ảnh và truyền hình

Năm 1957, Jum Nunnally bắt đầu một trong những nghiên cứu khoa học đầu tiên về các vấn đề sức khỏe tâm lý trên phương tiện truyền thông [7]. Kể từ đó, nhiều nghiên cứu đã được công bố về mối liên hệ này. Các phát hiện trong nghiên cứu này hầu hết đều nhất quán, trong đó các phương tiện truyền thông miêu tả về các rối loạn tâm lý có xu hướng sai và tiêu cực [7]. Hơn nữa, những người có vấn đề sức khỏe tâm lý xuất hiện trên phim có xu hướng được đặc trưng là bạo lực và hung hãn [7]. Trong một nghiên cứu năm 2016, khoảng 9% nhân vật trong phim đối mặt với tình trạng sức khỏe tâm lý, và sự miêu tả về họ thường là tiêu cực và phóng đại [8]. Các nhân vật có rối loạn tâm lý thường được mô tả là thủ phạm của tội ác: 46% các nhân vật trong phim và 25% nhân vật truyền hình đã sử dụng bạo lực với người khác [9]. Quan điểm sai lệch rằng các cá nhân có rối loạn tâm lý là tội phạm nguy hiểm thường được các phương tiện truyền thông củng cố [9].

Đã có nghiên cứu được thực hiện về sự tương tác giữa các nhân vật có rối loạn tâm lý với các nhân vật khác trong điện ảnh và truyền hình. Một nghiên cứu cho thấy gần 48% nhân vật có rối loạn tâm lý trong phim và khoảng 40% nhân vật trên truyền hình bị các nhân vật khác coi thường [9]. Một số hành động chế giễu bao gồm “cách gọi tên, cụm từ không có nhân tính và hành vi phỉ báng” [9].

Việc tiếp xúc với các phương tiện truyền thông đầy tính miệt thị với sức khỏe tâm lý như thế này đã tương ứng với việc giảm khả năng chịu đựng nói chung đối với người có rối loạn tâm lý [8]. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng rất ít người có DID thực hiện hành vi phạm tội [10] hoặc hành động bạo lực, gây hấn với người khác [11], nhưng lại có những định kiến ​​và quan niệm sai lầm về rối loạn thường xuất hiện trong phim. Ví dụ, một nhân dạng phản diện thường là tiền đề trong một bộ phim về DID, nhưng điều đó chưa được chứng minh bởi bất kỳ nghiên cứu nào thực hiện về rối loạn này [11].

Rối loạn nhận dạng phân ly là một rối loạn tâm lý tương đối mới: Nó chỉ được công nhận là rối loạn tâm lý từ khi xuất bản Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-III) vào năm 1980 [10]. Do đó, nhiều người không có hiểu biết thấu đáo về tình trạng rối loạn này và hầu hết họ đã tiếp nhận kiến ​​thức về DID thông qua truyền hình và phim ảnh. Mặc dù có khá nhiều bộ phim giới thiệu DID, nhưng có rất ít nghiên cứu học thuật kiểm tra tính chính xác về DID trong các bộ phim [12]. Vì vậy, hãy cùng lấp đầy khoảng trống đó bằng cách phân tích hình ảnh của DID được thể hiện trong 4 bộ phim tiêu biểu dưới đây và sự hiện diện của những định kiến ​​tiêu cực ​​đó.

Xếp hạng, thể loại, bạo lực và hành vi phạm tội

Tất cả các phim đều được gắn mác PG-13 hoặc R, do mức độ ngôn từ, bạo lực, sử dụng ma túy và hình ảnh khỏa thân được thể hiện trong đó.

Capture.PNG

Đa phần các cảnh bạo lực xuất hiện thường xuyên hơn phạm tội. Mỗi nhân vật có DID đã hành động bạo lực ít nhất 8 lần, hoặc đối với chính họ, những người khác, hoặc những đồ vật xung quanh họ. Hầu hết mỗi nhân vật có DID đều cố ý làm hại về mặt thể chất ít nhất một nhân vật khác. Trong Fight clubIdentity, năm nhân vật cố ý làm hại bản thân bằng cách dùng lửa, đấm hoặc bắn bản thân. Nam chính trong Fight Club đã gây ra thiệt hại cho môi trường, các đối tượng xung quanh và hủy hoại tài sản.

Hành vi phạm tội xảy ra ít thường xuyên hơn, xuất hiện nhiều nhất là giết người. Ngoài giết người, nhân vật Kevin (trong Split) đã bắt cóc ba cô gái và giết hai trong số họ. Trong Fight Club, nhân vật chính đã phạm nhiều tội hơn bất kỳ nhân vật nào khác: anh ta lấy trộm ô tô, xâm phạm tài sản riêng, thành lập một câu lạc bộ đấu tranh ngầm, cướp các cơ sở kinh doanh khác nhau, phá hoại tài sản công, tống tiền ông chủ của anh ta, và đặt bom làm nổ tung một số tòa nhà.

Nhân dạng thay thế cực đoan và sự trị liệu không có kết quả

Tất cả các nhân dạng của nhân vật có DID trong 4 bộ phim đều đã được thể hiện. Có ít nhất một nhân dạng cực đoan được cho là cực kỳ khác biệt so với tính cách nhân vật. Ngoài ra, một số vai phụ trong GlassSplit có thể nhận thấy sự thay đổi nhân dạng thể hiện ngay trong bản thân nhân vật. Trong những bộ phim nhân vật có DID có nhiều hơn một nhân dạng thay thế (Glass, SplitIdentity), một nhân vật phụ khác có thể nhận ra và gọi tên một cách cụ thể nhân dạng nào đã xuất hiện từ người đó nhờ những nét đặc trưng của họ.

Trong khi SplitGlass để cùng một diễn viên thể hiện các nhân dạng khác nhau, thì trong Fight clubIdentity, các nhân dạng đã được minh họa như một nhân vật hoàn toàn khác. Trong Fight club và Identity các nhân dạng thay thế do các diễn viên khác đóng và thường thì nhân vật không nhận ra cho đến cuối phim rằng “người” này trên thực tế chỉ là một nhân dạng thay thế của chính họ.

Sự trị liệu thiếu hiệu quả là một đặc điểm khác được mô tả rõ nét trong những bộ phim này. Trong Fight club, nhân vật chính đã tự bắn vào đầu mình để giết chết nhân dạng thay thế; Kevin trong SplitGlass đã giết nhà trị liệu của anh ta và từ đó cũng ngừng tìm cách điều trị rối loạn của mình.

Rối loạn phân ly nhân dạng bị nhầm lẫn với tâm thần phân liệt

Hai trong số bốn phim đã đề cập đến triệu chứng của tâm thần phân liệt, ảo giác hoặc ảo tưởng. Trong cảnh cuối của Fight Club, khi nhân vật chính cố gắng hiểu làm thế nào để anh ta có thể nhìn thấy nhân dạng thay thế của mình (Tyler) một cách trực quan nhưng không thể bắn anh ta, Tyler nhận xét đó chỉ là một ảo giác. Tương tự, trong Glass, bác sĩ trong bộ phim đã cố gắng giải thích cho các nhân vật chính, bao gồm cả Kevin, rằng niềm tin họ có siêu năng lực là một loại ảo tưởng. Ngoài hai bộ phim này, không có đề cập nào đến các triệu chứng liên quan đến tâm thần phân liệt trong SplitIdentity.

Hành vi bêu xấu và miệt thị

Hầu hết 4 bộ phim đều có một số kiểu hành vi bêu xấu hoặc chê bai các nhân vật có DID. Như thể hiện trong bảng dưới đây, ba trong số bốn bộ phim đưa ra nhận xét coi thường về nhân vật có rối loạn tâm lý.

Capture2.PNG

Mặc dù không có hành động nào coi thường Kevin trong Glass, nhưng vẫn có một số hành vi bêu xấu anh trong Split.

Ngoài những điều đã đề cập trước đó, điều đáng chú ý là, nhân vật có DID đã hoàn toàn bị kiểm soát bởi một trong những nhân dạng thay thế cực đoan của mình. Trong SplitIdentity, phim kết thúc với một trong những nhân dạng thay thế bạo lực, hung hãn có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với nhân vật chính và thậm chí loại bỏ nhân dạng ban đầu.

Kết luận

Bài viết nhằm xác định xem rối loạn phân ly nhân dạng có được miêu tả chính xác trong các bộ phim điện ảnh hay không. Hơn nữa, đưa ra cái nhìn tổng quát mức độ phổ biến các định kiến tiêu cực về ​​DID và những quan niệm sai lầm trong những bộ phim này. Dựa trên kết quả phân tích nội dung, rõ ràng là hầu hết các quan niệm sai lầm về sức khỏe tâm lý và DID đã được khắc họa rõ nét.

Mặc dù vậy, kết quả chỉ ra rằng các định kiến ​​không chính xác, phóng đại về rối loạn tâm lý vẫn còn phổ biến. Hơn nữa, chúng góp phần vào nhận thức sai lầm đã xuất hiện trong xã hội ​​rằng các cá nhân có DID là những tên tội phạm bạo lực, bất tài và có đặc điểm nhân dạng thay thế cực đoan [10; 13].


Biên tập: Thoa Đinh

Minh họa: El Ei


Tham khảo

[1] WHO, “The ICD-10 Classification of Mental and Behavioural Disorders”.

[2] American Psychiatric Association, “Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders” (5th ed.), Arlington: American Psychiatric Publishing, 2013.

[3] Smitha Bhandari, “Dissociative Identity Disorder (Multiple Personality Disorder)”, 2020.

[4] Cleveland Clinic, “Dissociative Identity Disorder (Multiple Personality Disorder)”, 2016.

[5] Richard J Loewenstein, “The Scariest Part of "Split" Isn't The Twist Ending”, 2017.

[6] IMDb., “Most popular dissociative identity disorder, mental illness movies and TV shows”, n.d.

[7] Diefenbach, D. L., & West, M. D, “Television and attitudes toward mental health issues: Cultivation analysis and the third-person effect”, Journal of Community Psychology, p. 181-195, 2007 (Published online in Wiley InterScience).

[8] Vogel, D. L., Gentile, D. A., & Kaplan, S. A., “The Influence of Television on Willingness to Seek Therapy”, Journal of Clinical Psychology, p. 276-295, 2008 (Published online in Wiley InterScience).

[9] Smith, S. L., Choueiti, M., Choi, A., Pieper, K., & Moutier, C., “Mental health conditions in film & TV: Portrayals that dehumanize and trivialize characters”, 2019.

[10] Tanya Peisley, “Busting the myths about dissociative identity disorder”, 10 January 2017.

[11] The Recovery Village, “Dissociative Identity Disorder myths”, 2020.

[12] Trifonova T., “Multiple personality and the discourse of the multiple in Hollywood cinema”, p. 145-171, 2010 (Publisher: Intellect).

[13] Parcesepe, A. M., & Cabassa, L. J., “Public stigma of mental illness in the United States: A systematic literature review”, p. 384-399, 2013. (Publisher's final edited version: Adm Policy Ment Health.

[14] Amresh Shrivastava and Avinash Desousa, Resilience: A psychobiological construct for psychiatric disorders, p. 38-43, 2016.

Previous
Previous

Mối Liên Hệ Giữa Ruột Và Não: Nghiên Cứu Cấy Ghép …Phân (Phần 3)

Next
Next

Trải Nghiệm Tuổi Thơ Bất Trắc: Trị Liệu Tâm Lý