Thái Độ Và Nghiên Cứu Về Vấn Nạn Lạm Dụng Rượu Bia Ở Học Sinh

Bia`.png

Lạm dụng rượu bia* trong môi trường học đường đang là một vấn đề được lưu ý ở nhiều nước trên thế giới. Một thống kê ở Hoa Kỳ cho thấy trong khoảng 70% sinh viên sử dụng các loại đồ uống có cồn, đến gần 50% trong số họ có hành vi sử dụng rượu bia quá liều lượng ít nhất một lần trong khoảng hai tuần [1]. Ở Việt Nam, một cuộc khảo sát Đại học Y Hà Nội và Thái Nguyên cho thấy, trong vòng một năm số sinh viên biểu hiện hành vi lạm dụng này là 12.5%, trong tổng số 65.5% sinh viên có sử dụng rượu bia [2]. 

Vấn đề này đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà tâm lý học. Qua nhiều năm nghiên cứu, thái độ (attitude) được cho là một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến việc lạm dụng rượu bia ở học sinh sinh viên. Vậy thái độ là gì và chúng ta đã hiểu được bao nhiêu về nó? Qua bài viết lần này, hãy cùng mình tìm hiểu đôi chút về thái độ và ứng dụng của chúng trong nghiên cứu về vấn nạn này nhé.

Thái độ là gì ?

Trong lĩnh vực Tâm lý học xã hội, thái độ được hiểu là cách nhìn nhận tổng quan của con người đối với mọi thứ xung quanh. Thái độ có thể ảnh hưởng đến cách mà con người suy nghĩ, hành động và hiểu biết thế giới bên ngoài [3]. Ví dụ, khi bạn có một thái độ tích cực với chạy bộ vì hành động này luôn mang lại cho bạn một cảm giác thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng, bạn sẽ thường có xu hướng dành ra thời gian để đi chạy mỗi khi hoàn thành xong công việc. Tuy nhiên, nếu bạn là người có thái độ tiêu cực với chạy bộ vì những rủi ro về chấn thương mà hoạt động này mang lại, bạn sẽ có xu hướng lựa chọn một bộ môn thể thao khác phù hợp hơn để tham gia. Điều này cùng hoàn toàn tương tự ở hành vi lạm dụng rượu bia, thái độ tích cực đối với hành động này có thể hướng bạn đến việc sử dụng rượu bia quá liều lượng và ngược lại. 

Thái độ hướng con người đi đến hành động như thế nào? 

Theo giả thuyết của nhà tâm lý học Ajzen, hành vi của con người được thực hiện xuất phát từ ý muốn của họ [3][4]. Ý định của con người sẽ được hình thành bởi ba yếu tố sau:

  • Thái độ hành vi (Behavioural attitude): việc nhìn nhận tốt hoặc xấu của con người ở một hành động.

  • Các chuẩn mực xã hội (Subjective norm): mọi người xung quanh sẽ đồng tình hay không đồng tình nếu như hành động ấy được thực hiện

  • Khả năng của bản thân (Perceived behavioural control): con người có khả năng thực hiện hành động ấy hay không. 

Dựa trên học thuyết của Ajzen, thái độ của con người không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến hành vi lạm dụng rượu bia. Để hình thành nên ý muốn thực hiện hành động này, bạn cũng cần cảm nhận được sự ủng hộ từ những người xung quanh và nhận thấy bản thân có đủ khả năng để sử dụng nhiều rượu bia. 

rc2.1.png
rc2.2.png
rc2.3.png

Thái độ được hình thành như thế nào

Việc nhìn nhận một hành động nào đó là tốt hay xấu thường dựa trên niềm tin vào những hệ quả mà hành động ấy sẽ đem lại [3][5]. Ở một ví dụ mình đã chia sẻ, thái độ xấu đối với chạy bộ có thể xuất phát từ suy nghĩ là hành động này sẽ mang đến cho bạn những chấn thương. Bạn đã hình thành nên niềm tin này thông qua việc học tập từ những trải nghiệm trước đây của bản thân [6]. Có thể bạn đã từng trải qua nhiều chấn thương sau mỗi lần đi chạy ở công viên hay cũng có thể bạn đã quan sát được kết quả này xảy ra ở những người xung quanh. 

Đối với hành vi lạm dụng rượu bia, nếu bạn cho rằng hành động này sẽ mang lại những kết quả tốt hay lợi ích nhất định, như việc khiến bản thân có vẻ “hay ho” hơn trong mắt bạn bè hoặc nó sẽ giúp bạn làm giảm đi những phiền muộn, bạn có thể  hình thành một cái nhìn tích cực với việc sử dụng nhiều rượu bia. 

Thái độ và nghiên cứu về hành vi lạm dụng rượu bia ở học sinh. 

Học thuyết của Ajzen đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều nghiên cứu về các hành vi liên quan đến sức khoẻ của con người, trong đó có bao gồm cả hành vi sử dụng rượu bia thiếu kiểm soát ở học sinh sinh viên [6]. Qua đó, yếu tố thái độ được đưa vào để tìm hiểu về vấn đề này. 

Nghiên cứu của Johnston và White đã được thực hiện với gần 300 sinh viên năm nhất tại một trường đại học ở Úc nhằm kiểm chứng tính dự đoán của học thuyết Ajzen [6]. Những học sinh tham gia đã được yêu cầu hoàn thành hai loại bài đánh giá. Ở bài thứ nhất, họ sẽ phải đánh giá những điều mình thích và không thích thông qua một số câu hỏi liên quan đến hành vi lạm dụng rượu bia, nhằm giúp hai nhà nghiên cứu tìm ra được thái độ của học sinh. Ở bài thứ hai, hai yếu tố còn lại và ý định của học sinh sẽ được đánh giá bằng một thang điểm từ 1 đến 7. Học sinh cũng được yêu cầu quay trở lại vào hai tuần sau đó để báo cáo về số lượng rượu bia mà họ đã sử dụng. Johnston và White nhận thấy rằng những yếu tố trong học thuyết được nghiên cứu, bao gồm thái độ, có thể dự đoán được đến 69% ý muốn lạm dụng rượu bia ở học sinh. Ngoài ra, số lượng rượu bia được ghi nhận sau hai tuần còn cho thấy rằng ý định có thể dự đoán khá chính xác hành vi này của họ [6]. Kết quả của nghiên cứu đã phần nào nói lên rằng thái độ có thể dẫn đến việc học sinh lạm dụng rượu bia.  

Ngoài tính dự đoán, một số nhà tâm lý học còn ứng dụng học thuyết của Ajzen để tìm những khía cạnh niềm tin cụ thể hình thành nên thái độ cũng như gián tiếp dẫn đến hành vi lạm dụng rượu bia ở học sinh. Tiêu biểu là cuộc khảo sát của French và Cooke được thực hiện trên gần 200 sinh viên của trường đại học Birmingham (Vương Quốc Anh) [7]. Thái độ và ý định của những sinh viên tham gia được đánh giá bằng một thang điểm từ 1 đến 7. Trong khi đó, để tìm hiểu về niềm tin, French và Cooke đã yêu cầu những sinh viên tham gia đưa ra những điều mà họ thích và không thích mỗi khi thực hiện hành vi này. Số lượng rượu bia  sử dụng cũng được ghi nhận lại sau đó để hỗ trợ cho nghiên cứu. Kết quả cho thấy nhóm học sinh nào tin rằng việc uống nhiều rượu bia sẽ mang đến cho họ niềm vui, giúp họ chếnh choáng và dễ giao lưu với những người xung quanh hơn, sẽ có nhiều thái độ tích cực và ý định hơn những nhóm khác. Trong đó, nhóm học sinh thích cảm giác chếnh choáng mà việc lạm dụng đem lại có xu hướng uống nhiều rượu bia hơn các nhóm còn lại. Mặt khác, rất ít thái độ tích cực được tìm thấy ở nhóm học sinh đã đề cập đến việc thiếu kiểm soát từ việc sử dụng nhiều rượu bia [7]. 

Lời kết 

Như vậy, việc thay đổi thái độ của học sinh là thiết yếu trong công cuộc đẩy lùi vấn nạn lạm dụng rượu bia ở trường học. Ngoài việc tuyên truyền những tác hại trực tiếp đến từ việc lạm dụng rượu bia, chúng ta cũng cần nắm bắt được những nhận định nào phổ biến ở học sinh để đưa ra những biện pháp tác động phù hợp. Ví dụ, thay vào việc thay đổi tư tưởng rằng rượu bia là hay ho vì có thể đem lại cảm giác chếnh choáng và tự do, ta có thể đánh vào hướng ngược lại, đó là giúp họ tiếp xúc nhiều hơn với những hệ quả tốt của việc từ bỏ rượu bia [8]. Việc làm nổi trội những lợi thế từ việc không sử dụng cồn, như giúp bạn tỉnh táo làm được nhiều việc hơn hay có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn, ta sẽ góp phần thay đổi thái độ của học sinh sinh viên đối với cồn và từ đó giảm bớt phần nào tỉ lệ lạm dụng rượu bia ở giới trẻ. 


(*) Theo NHS (tạm dịch là Dịch vụ y tế cấp Quốc gia) ở vương quốc Anh, Lạm dụng rượu bia là hành vi sử dụng một số lượng lớn rượu bia trong một khoảng thời gian ngắn. Hành vi này được xem là việc tiêu thụ quá 8 đơn vị cồn (khoảng 330ml ở thức uống 5% nồng độ cồn) ở nam giới và 6 đơn vị cồn (khoảng 250ml ở thức uống 5% nồng độ cồn) ở nữ giới [9]. 

Biên tập: Thuỳ Anh Nguyễn

Thiết kế: MUOI

Nguồn tham khảo:

  1. Branscombe, N. R. and Baron, R. A., Social Psychology, Peason, Essex. (2017).  

  2. Dantzer, Cecile, Jane Wardle, Ray Fuller, Sacha Z. Pampalone, and Andrew Steptoe. "International study of heavy drinking: Attitudes and sociodemographic factors in university students." Journal of American College Health 55, no. 2 (2006): 83-90.

  3. French, D. P., and Cooke, R., "Using the theory of planned behaviour to understand binge drinking: The importance of beliefs for developing interventions." British journal of health psychology 17, no. 1 (2012): 1-17.

  4. Johnston, K. L., and Katherine M. White. "Binge-drinking: A test of the role of group norms in the theory of planned behaviour." Psychology and Health 18, no. 1 (2003): 63-77

  5. Maio, G. R. and Haddock, G., The psychology of attitudes and attitude change. Sage, Los Angeles. (2009).

  6. NHS, Binge Drinking. NHS. (2020). 

  7. Pham, D. B., Clough, A. R., Nguyen, H. V., Kim, G. B. and  Buettner, P. G., "Alcohol consumption and alcohol‐related problems among Vietnamese medical students." Drug and alcohol review 29, no. 2 (2010): 219-226.

  8. Silverman, Stephen, and Prithwi Raj Subramaniam. "Student attitude toward physical education and physical activity: A review of measurement issues and outcomes." Journal of teaching in physical education 19, no. 1 (1999): 97-125.

  9. Sutton, Stephen, D. Rutter, and L. Quine. "Using social cognition models to develop health behaviour interventions." Health Psychology 122 (2010).

Minh Cao

Minh hiện đang là sinh viên năm nhất ngành Tâm lý học tại ĐH. Manchester Metropolitan (Manchester, Vương Quốc Anh).

Previous
Previous

Chuyện Đau Buồn Và Việc Viết Nhật Ký

Next
Next

Không Chỉ Là Một Bài Hát Buồn: Ảnh Hưởng Của Trầm Cảm Lên Việc Đăng Tải Lời Bài Hát Và Câu Trích Dẫn