Chuyện Đau Buồn Và Việc Viết Nhật Ký
Thời trung học, một người rất quan trọng đối với tôi đột ngột qua đời. Tuy đây không phải là lần đầu tiên tôi phải đối mặt với một sự mất mát lớn, nó là lần đầu tiên tôi bị sốc đến thế. Tôi nhớ sau khi biết tin về Minh*, cả ngày tôi cảm thấy như thể tâm trí tôi bị tách rời khỏi cơ thể. Người tôi tê dại và như thể mọi cử động không còn là của chính mình nữa. Màu sắc của mọi thứ và mọi người xung quanh bỗng phai thành một màu xám xịt và những giọng nói quanh tôi như bị nén lại. Sau cú sốc, tôi mất cảm giác thèm ăn, không muốn dành thời gian cho gia đình, và không còn sức cho các hoạt động đơn giản thường ngày. Tôi dành thời gian nghĩ đi nghĩ lại những điều mà tôi ước mình đã làm khác đi. Tôi cảm thấy có lỗi vì mình còn sống, vì có thể tận hưởng những thứ mà Minh không còn cơ hội thể tận hưởng, và vì không nhận ra Minh lúc đó đã đang đau buồn và cần sự an ủi. Nhưng hơn hết, tôi cảm thấy bối rối và choáng ngợp bởi mớ cảm xúc hỗn độn tôi đang phải cảm nhận cùng một lúc. Tôi cảm thấy bối rối vì tôi luôn tin rằng mình đã đưa ra những lựa chọn đúng đắn nên mới có thể đến được thời điểm hiện tại, nhưng liệu tất cả những điều đó có còn quan trọng không nếu cuối cùng tôi vẫn sẽ mất đi một người như Minh? Sự mất mát ấy khiến tôi mất niềm tin vào khả năng quyết định của chính mình và đồng thời mất đi phương hướng trong cuộc sống. Cái cảm giác ấy giống như tôi đang lơ lửng trong một cái bể không đáy, tối tăm, và cho dù tôi có cố quơ tay ra hướng nào đi nữa, tôi vẫn không thể tìm thấy bất cứ gì để bám vào và giữ vững.
Từ trước đến nay, tôi luôn cố làm một người có định hướng và đáng tin cậy. Vì vậy, khi nhận ra mình đang đánh mất hai thứ khiến bản thân tự hào nhất, tôi cảm thấy như tôi đang dần đánh mất đi chính mình và trở nên sợ hãi, nên mặc cho tâm lý chưa ổn định, tôi vẫn tiếp tục ôn thi cuối cấp và chuẩn bị hồ sơ đại học để không bị tụt lại phía sau. Khi nói chuyện với bạn bè và người thân, tôi cảm thấy như một người giả tạo vì tôi luôn cố giữ một thái độ tích cực để không làm mọi người lo lắng. Lúc đó, tuy rất may mắn khi có nhiều người sẵn sàng hỗ trợ và an ủi, tôi vẫn chưa đủ sẵn sàng để chia sẻ những suy nghĩ quá riêng tư với gia đình và bạn bè. Dần dần, áp lực từ việc cố tỏ ra mạnh mẽ khiến tôi trở nên bồn chồn và mất tập trung. Tôi tránh nói chuyện với mọi người xung quanh, nhưng lại sợ phải ở một mình với những suy nghĩ của chính mình. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi tôi quyết định viết ra những suy nghĩ của mình dưới dạng nhật kí.
Sau một đêm dành ra vài giờ để trút hết những gì muốn nói vào nhật kí, tôi thức giấc và cảm thấy nhẹ nhõm hơn hẳn, như thể tôi vừa tỉnh dậy sau một cơn ác mộng. Tôi cảm thấy như cuối cùng mình cũng đã có thể đứng vững trên mặt đất và ánh mặt trời dường như không còn quá gay gắt và chói chang. Tuy tôi vẫn chưa thể ăn hết một phần cơm hay nói chuyện với gia đình và bạn bè về cảm xúc thật của mình, tâm trí tôi đã phần nào được thông suốt, và đó là khi tôi nhận ra mình đang từ từ khá hơn.
Đó không phải là lần đầu tiên tôi viết nhật ký, nhưng nó là lần tôi bắt đầu viết để sắp xếp suy nghĩ của mình và suy ngẫm về những gì đã qua, thay vì viết cho có như một việc vặt cần làm hàng ngày. Việc viết nhật kí cũng giúp tôi nhận dạng và chấp nhận cảm xúc thật của mình. Và rồi những cảm xúc nặng nề đó mãi sống trong nhật kí như một bài học kinh nghiệm theo cách nguyên vẹn và chân thật nhất. Việc viết nhật ký đã trở thành lối thoát khi tôi cần giải tỏa những cảm xúc và suy nghĩ mà tôi chưa, và có lẽ sẽ không bao giờ, đủ can đảm để chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi sẽ viết về một sự kiện bình thường nhưng đủ ấn tượng hay lạ lùng để tôi muốn ghi nhớ nó trong nhật kí như một vật kỉ niệm trong cái hộp thời gian.
Ngoài viết nhật kí ra, tôi cũng hay đọc lại những trải nghiệm và quan điểm tôi từng có, hay thách thức tôi đã đối mặt và những gì tôi đã làm để vượt qua. Nó làm tôi cảm thấy như mình đang đọc qua từng chương của một cuốn truyện về cuộc đời mình. Mỗi khi đọc qua những lần tôi đã chớp lấy một cơ hội hay làm thành công một điều gì đó ngoài vùng an toàn của mình, tôi luôn cảm thấy cực kì tự hào. Ngay cả khi đọc về những thất bại hay suy nghĩ tiêu cực mình từng có, tôi đã có thể cảm thông và ngưỡng mộ vì biết rằng bản thân đã cố gắng hết sức. Dù không thành công, tôi cũng đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm cho những thử thách sau này. Việc đọc lại nhật kí luôn mang lại cho tôi hy vọng về tương lai của mình, và nó khiến tôi nhận ra rằng tôi thường quá khắt khe với chính mình.
Nếu bạn đã từng trải qua những suy nghĩ hay trải nghiệm giống tôi thì có lẽ việc viết nhật kí cũng sẽ giúp bạn. Nhờ việc viết nhật ký, tôi không còn thói quen kìm nén cảm xúc tiêu cực của mình vì nỗi sợ bị bỏ lại trong cuộc sống nữa. Thay vào đó, tôi bắt đầu học cách chấp nhận sự tồn tại của nó và kiên nhẫn với bản thân hơn để có thể đối phó với nó một cách lành mạnh. Quyết định viết nhật ký ngẫu hứng cũng đã giúp tôi đối phó tốt hơn với áp lực từ những kỳ vọng của bản thân và mọi người xung quanh. Tuy đôi khi tôi vẫn cảm thấy mình ích kỷ hay yếu đuối khi phải dựa vào những người xung quanh, tôi biết đó là điều cần thiết cho sức khỏe tâm thần của mình và sẽ cố gắng chấp nhận sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Qua việc viết nhật kí, tôi đã nhận ra rằng mình mạnh mẽ và kiên trì đến dường nào. Cũng như vậy, tôi mong là nó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chính mình và biết cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Biên tập: Minh Phạm, Thùy Anh Nguyễn
Minh hoạ: MUOI