Mối Liên Hệ Giữa Ruột Và Não: Nghiên Cứu Cấy Ghép …Phân (Phần 3)
Trong phần trước, chúng ta đã đọc về mối liên hệ giữa căng thẳng và sự rối loạn hệ vi sinh vật và cách chúng có thể liên quan đến rối loạn tâm thần. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem chúng ta nên làm để có hệ vi sinh vật khỏe mạnh và xa hơn nữa là để có sức khỏe tinh thần tốt, nhưng trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về một ca cấy ghép khá kỳ lạ nhưng lại có thể là tiền đề để phát triển một phương pháp điều trị mới.
Thí nghiệm cấy ghép phân
Hiện nay, những rối loạn tâm thần phổ biến như trầm cảm có nhiều hình thức để điều trị, nhưng không phải đối với ai nó cũng có hiệu quả. Đê tìm hiểu xem liệu vi khuẩn đường ruột trong phân của một sinh vật đó có thể ảnh hưởng đến não của một sinh vật khác không, các nhà nghiên cứu, đã thử nghiệm cấy phân từ người rối loạn trầm cảm vào những con chuột với một hệ vi sinh vật đường ruột yếu.[1] (Nếu bạn đang tự hỏi làm thế nào mà họ có thể cấy phân thì bạn nên biết rằng loài chuột sẽ ăn bất cứ thứ gì, kể cả phân.[2]) Một tuần sau, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một số bài kiểm tra trên những con chuột này và phát hiện ra rằng những con chuột này dường như phát triển chứng mất hứng thú (anhedonia) và hành vi lo lắng.[1] Những con chuột khỏe mạnh có xu hướng khám phá môi trường xung quanh và tương tác với những con chuột khác, nhưng những con chuột có hệ vi sinh vật yếu này không tương tác thường xuyên với những con chuột khác và không có hứng thú khám phá mê cung mà chúng được bỏ vào.[1] Điều này chứng tỏ vi sinh vật từ người rối loạn trầm cảm có khả năng làm thay đổi kết cấu hệ vi sinh vật cũng như hành vi của chuột, đặc biệt là khi những con chuột này có một hệ vi sinh vật yếu. Các nhà nghiên cứu không biết chắc bằng cách nào mà hệ vi sinh vật đường ruột được cấy ghép đã ảnh hưởng đến não của những con chuột này, nhưng họ nghi ngờ nó có liên quan đến tác động của hệ vi sinh vật đường ruột tới chất dẫn truyền thần kinh serotonin.[1]
Điều trị cấy ghép hệ vi sinh vật trong phân
Hiện tại điều trị cấy ghép hệ vi sinh vật trong phân (Fecal Microbiota Transplantation hoặc FMT) ở người vẫn chưa được sử dụng nhiều vì nó vẫn đang là một loại điều trị khá mới nên chúng ta vẫn chưa biết hết được những rủi ro và hạn chế của nó. FMT đã được sử dụng thành công trong việc chữa trị nhiễm trùng do Clostridium difficile (CDI), một loại bệnh liên quan tới rối loạn hệ vi sinh vật, thay cho việc sử dụng kháng sinh có thể làm yếu đi hệ vi sinh vật.[3] Tuy nhiên, một trường hợp bệnh nhân được điều trị CDI bằng FMT đã báo cáo cân nặng tăng nhanh đáng kể.[3] Phân để cấy được lấy từ con gái của bệnh nhân sau khi cô ấy đã được kiểm tra và được duyệt là không có dấu hiệu về vấn đề sức khỏe nào ngoại trừ bị thừa cân.[3] Sau điều trị cấy ghép, bệnh nhân được chữa khỏi CDI và không có dấu hiệu bất thường nào.[3] Thế nhưng 16 tháng sau, bệnh nhân đã tăng cân không thể kiểm soát, dẫn tới béo phì.[3] Bệnh nhân không những không thể giảm cân với sự giám sát y tế của bác sĩ mà cô ấy còn bắt đầu táo bón và biểu lộ các triệu chứng khó tiêu không giải thích được.[3] Tuy có vài cách giải thích về lý do tăng cân không thể kiểm soát của bệnh nhân, các bác sĩ vẫn biết chắc lý do chính là gì và cho rằng điều trị cấy ghép phân có thể đã đóng góp phần nào tới việc tăng cân.[3] Phát hiện này không những đã khiến tiêu chuẩn cho những người cho phân được cập nhật, mà và nó cũng cho chúng ta thấy rằng FMT vẫn cần được nghiên cứu nhiều hơn trong tương lai trước khi nó có thể được phát triển thành một dạng điều trị rối loạn tâm lý mới qua đường ruột.[3, 4]
Lợi ích của men vi sinh
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta có thể điều khiển hệ vi sinh vật đường ruột thông qua việc sử dụng men vi sinh. Ví dụ, men vi sinh đã được chứng minh là có thể làm giảm sự bài tiết cortisol, còn được biết là “nội tiết tố căng thẳng”, và từ đó giảm các hành vi lo lắng và trầm cảm.[5] Nghiên cứu khác về những con chuột thiếu vài vi sinh vật cụ thể đã cho thấy hành vi khám phá của chúng tăng lên khi được cho ăn men vi sinh.[6] Bên cạnh các men vi sinh bổ sung, ăn các loại thực phẩm lên men như kimchi, sauerkraut, kefir, sữa chua, dưa chuột và kombucha cũng là một cách khác để củng cố đường ruột của bạn.[7] Trong một nghiên cứu, một nhóm phụ nữ khỏe mạnh không có triệu chứng liên quan tới hệ tiêu hóa hoặc tâm thần được phân ngẫu nhiên vào một trong ba nhóm: sản phẩm sữa lên men với men vi sinh "sữa chua", sản phẩm sữa không lên men, và không can thiệp.[8] Các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu phân cũng như hình ảnh não trước và sau khi can thiệp để tìm kiếm bất kỳ thay đổi nào trong não khi làm nhiệm vụ chú ý cảm xúc (emotional attention task).[8] Nhóm phụ nữ tiêu thụ sữa lên men có bộ não bình tĩnh hơn trong nhiệm vụ cảm xúc mà họ được giao trong khi những người ở nhóm không can thiệp (không ăn sữa chua) cho thấy não tăng động hơn trong nhiệm vụ cảm xúc.[8]
Nên ăn gì?
Vậy sử dụng thực phẩm lên men và men vi sinh có phải là điều bắt buộc để có một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh không? Câu trả lời là không, miễn là chế độ ăn uống của bạn bao gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau, đặc biệt là nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám vì chúng chứa nhiều chất xơ mà hệ vi sinh vật trong ruột của bạn rất thích.[9] Bạn vẫn có thể uống men vi sinh và ăn thêm thực phẩm lên men nếu bạn cần cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột của mình, nhưng nếu bạn đã đang ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, men vi sinh sẽ không có hại nhưng cũng không bổ sung thêm thứ gì cả. Ngoài ra, đừng quá lo lắng nếu chế độ ăn uống của bạn từ trước tới giờ không được lành mạnh vì thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột của con người có thể thay đổi theo thời gian, theo chế độ ăn, và theo sức khỏe tổng thể, vì vậy không bao giờ là quá muộn để bạn thay đổi chế độ ăn.[10] Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là việc có một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh không ngăn được sự phát triển các rối loạn tâm thần, nó chỉ giúp chúng ta kiên cường hơn khi phải đối phó với những căng thẳng hoặc chấn thương. Vì vậy, chúng ta cũng nên xem xét các phương pháp khác để giữ cho tâm trí của mình luôn khỏe mạnh. Từ phần trước, chúng ta đã biết căng thẳng có hại như thế nào đối với hệ vi sinh vật đường ruột và sức khỏe tâm thần. Do đó, một số cách để kiểm soát căng thẳng là tập thể dục, nói chuyện với ai đó và ngủ đủ giấc..
Kết
Hy vọng rằng loạt bài viết này đã giúp bạn đã hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa ruột và não của chúng ta. Cơ thể của chúng ta là một hệ thống phức tạp và vì vậy một bộ phận bị rối loạn chức năng có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác như cách đường ruột có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và sức khỏe tâm thần. Do đó, chúng ta không nên coi sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất là hai thứ tách biệt khác nhau, chúng đơn giản chỉ là những phần khác nhau của sức khỏe. Tôi cũng hy vọng rằng sau khi đọc, bạn sẽ ý thức hơn về những gì bạn ăn hoặc thậm chí là quyết định thay đổi chế độ ăn uống để có một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh hơn.
Biên tập: Thoa Đinh
Minh họa: MUOI
Tham khảo
[1] Kelly JR, Borre Y, O' Brien C, Patterson E, El Aidy S, Deane J, Kennedy PJ, Beers S, Scott K, Moloney G, Hoban AE, Scott L, Fitzgerald P, Ross P, Stanton C, Clarke G, Cryan JF, Dinan TG. Transferring the Blues: Depression-associated Gut Microbiota Induces Neurobehavioural Changes in the Rat. J Psychiatr Res. 2016 Nov;82:109-18. doi: 10.1016/j.jpsychires.2016.07.019.
[2] Giovannetti P, Effect of Coprophagy on Nutrition. Nutr Res. 1982 May;2(3):335-49. https://doi.org/10.1016/S0271-5317(82)80015-8.
[3] Alang N, Kelly CR. Weight gain after fecal microbiota transplantation. Open Forum Infect Dis. 2015 Feb 4;2(1):ofv004. doi: 10.1093/ofid/ofv004.
[4] Chinna Meyyappan A, Forth E, Wallace CJK, Milev R. Effect of fecal microbiota transplant on symptoms of psychiatric disorders: a systematic review. BMC Psychiatry. 2020 Jun 15;20(1):299. doi: 10.1186/s12888-020-02654-5.
[5] Clapp M, Aurora N, Herrera L, Bhatia M, Wilen E, Wakefield S. Gut microbiota's effect on mental health: The gut-brain axis. Clin Pract. 2017 Sep 15;7(4):987. doi: 10.4081/cp.2017.987.
[6] Neufeld KM, Kang N, Bienenstock J, Foster JA. Reduced anxiety-like behavior and central neurochemical change in germ-free mice. Neurogastroenterol Motil. 2011 Mar;23(3):255-64, e119. doi: 10.1111/j.1365-2982.2010.01620.x.
[7] Bell V, Ferrão J, Pimentel L, Pintado M, Fernandes T. One Health, Fermented Foods, and Gut Microbiota. Foods. 2018 Dec 3;7(12):195. doi: 10.3390/foods7120195.
[8] Tillisch K, Labus J, Kilpatrick L, Jiang Z, Stains J, Ebrat B, Guyonnet D, Legrain-Raspaud S, Trotin B, Naliboff B, Mayer EA. Consumption of fermented milk product with probiotic modulates brain activity. Gastroenterology. 2013 Jun;144(7):1394-401, 1401.e1-4. doi: 10.1053/j.gastro.2013.02.043.
[9] Singh RK, Chang HW, Yan D, Lee KM, Ucmak D, Wong K, Abrouk M, Farahnik B, Nakamura M, Zhu TH, Bhutani T, Liao W. Influence of diet on the gut microbiome and implications for human health. J Transl Med. 2017 Apr 8;15(1):73. doi: 10.1186/s12967-017-1175-y.
[10] Conlon MA, Bird AR. The impact of diet and lifestyle on gut microbiota and human health. Nutrients. 2014 Dec 24;7(1):17-44. doi: 10.3390/nu7010017.
[11] Dolezal BA, Neufeld EV, Boland DM, Martin JL, Cooper CB. Interrelationship between Sleep and Exercise: A Systematic Review. Adv Prev Med. 2017;2017:1364387. doi: 10.1155/2017/1364387.