Rối Loạn Mặc Cảm Ngoại Hình
“Em có bao giờ nghĩ đến việc đi nâng mũi cho cao hơn tí xíu không?” là câu hỏi mà đối tượng hẹn hò của mình đã hỏi trong lần đầu gặp nhau. Anh ấy tiếp tục nói: “Nếu sống mũi em cao hơn tí là đạt chuẩn đẹp luôn đấy.” Mình chỉ mỉm cười lúc ấy và không tiếp tục chủ đề này nữa. Đương nhiên, sau đó mình cũng không giữ liên lạc với đối tượng đó. Tuy nhiên, khi đó mình đã tự hỏi: thế nào là vẻ đẹp chuẩn?
Ví dụ như ở Hàn Quốc, theo mình đọc được từ tờ The Atlantic, việc phụ huynh tặng suất giải phẫu thẩm mỹ cho các bạn học sinh như món quà tốt nghiệp phổ thông không còn xa lạ nữa. Những tiểu phẫu như cắt mí, nâng mũi, hay tạo cằm V-line đã trở nên rất thịnh hành cho cả nam và nữ. Từ đó, những tiêu chuẩn sắc đẹp trong xã hội như mắt hai mí, mũi dọc dừa, gương mặt trái xoan và cằm V-line lại càng được duy trì. Nhan sắc được quan trọng hóa đến mức nhiều học sinh Hàn Quốc chia sẻ rằng họ cần vẻ bề ngoài thu hút hơn để trở nên thành công trong cuộc sống [7].
Vừa qua, Robert Pattinson được bầu chọn là người đàn ông đẹp trai nhất thế giới năm 2020, theo tờ báo CNN. Tỉ lệ giữa những cơ quan trên gương mặt của anh ấy đã được đo và tính toán và cho thấy, gương mặt anh ấy có tỉ lệ tương đối nhất: chiều dài của đôi tai bằng với chiều dài của sống mũi, độ dài của con mắt bằng với khoảng cách giữa cặp mắt của Pattinson [4]. Đó cũng là tiêu chuẩn đánh giá vẻ đẹp của nam giới tại Châu Âu và Mỹ.
Thế ở Việt Nam thì sao nhỉ? Vẻ đẹp của người con gái Việt Nam được vẽ nên qua những câu ca dao như:
“Chân mày vòng nguyệt có duyên.
Tóc mây gợn sóng đẹp duyên tơ hồng.”
Hay
“Những người con mắt lá răm.
Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền.”
Người con gái Việt đẹp phải có tóc đen tuyền, làn da trắng nõn, đôi mắt bồ câu và thân hình nhỏ gọn. Mình có quen một bạn nữ đã chia sẻ rằng ba mẹ bạn ấy nghiêm túc cấm bạn ấy không được cắt tóc ngắn quá vai hoặc nhuộm tóc vì muốn duy trì hình tượng người con gái Việt Nam truyền thống. Tuy mỗi một quốc gia mỗi khác nhưng ở đâu cũng có những tiêu chuẩn riêng về vẻ đẹp. Chính ở Việt Nam, những tiêu chuẩn về vẻ đẹp truyền thống đi kèm với ảnh hưởng của văn hoá phương Tây đã và đang tạo ra những áp lực cho các bạn trẻ về mặt ngoại hình [5].
Bác sĩ Neelam A Vashi (2016) chia sẻ rằng có một ranh giới mong manh giữa rối loạn mặc cảm ngoại hình và sự chú trọng vẻ bề ngoài thông thường để phát triển tích cực hơn [9]. Làm cách nào để biết bạn thuộc về bên nào của đường ranh giới đó? Khi bạn dành ra 2 tiếng vào buổi sáng để trang điểm? Khi bạn nghiện phẫu thuật thẩm mỹ? Hay khi bạn liên tục so sánh bản thân với hình những người mẫu trên mạng xã hội? Một khi những hiện tượng tâm lý này vượt quá sự kiểm soát của bản thân, nó đã biến thành vấn đề tâm lý mang tên Body Dysmorphic Disorder (BDD) [3].
Theo Phillips và Stein (2018), BDD (tạm dịch: Rối loạn mặc cảm ngoại hình) là trạng thái tâm lý tiêu cực của một cá nhân về ngoại hình của họ, từ đó gây cản trở và tạo áp lực trong sinh hoạt hằng ngày cũng như ảnh hưởng xấu đến năng lực trong công việc.. Những người có Rối loạn mặc cảm ngoại hình bị ám ảnh với một hoặc nhiều “khuyết điểm” trên cơ thể, cho dù nỗi ám ảnh này có phản ánh đúng hiện thực hay không, rồi trở nên tự ti và chán ghét bản thân. Họ lặp đi lặp lại những hành động như soi gương xuyên suốt trong ngày để kiểm tra bản thân, chăm chút bề ngoài bản thân một cách thái quá và liên tục so sánh họ với những người khác. Rối loạn mặc cảm ngoại hình thường bắt đầu được hình thành từ 10 đến 19 tuổi, và hay gặp ở giới nữ hơn. Tại Mỹ, khoảng 2% đến 3% dân số mang trong người chứng mặc cảm này [6].
Vậy vì sao chúng ta cần phải can thiệp và trị liệu rối loạn mặc cảm ngoại hình? Năm 2017, tờ báo People đã đưa tin một cô bé 13 tuổi, Rosalie Avila, đã để lại di thư là lời xin lỗi ghi rằng: “ Tôi đã muốn chết vì tôi nghĩ rằng mình thật xấu xí,” trước khi tự treo cổ kết liễu đời mình [1]. Cô bé hy vọng gia đình sẽ không chưng di ảnh trong lễ tang vì cô nghĩ mình không đủ xinh đẹp trong những bức ảnh của mình. Rosalie Avila không phải là nạn nhân duy nhất của chứng Mặc Cảm Ngoại Hình này. Một bạn nữ tên Thanh Huyền cũng đã chia sẻ trên diễn đàn Ion.net rằng bạn ấy “thấy mình thật xấu xí với ngoại hình béo ú, mặt thô, dù cố gắng hòa đồng nhưng tớ vẫn chẳng có bạn thân và còn bị lợi dụng. Tớ luôn thấy cô đơn, lạc lõng trước mọi thứ.” Khi bạn ấy tâm sự với ba mẹ thì “ bố mẹ không hiểu. Bố mẹ còn chê ngoại hình có phần thô kệch của tớ rằng tớ không được xinh đẹp như chị, học hành cũng kém hơn.” Để kết thúc lời chia sẻ, bạn ấy nói rằng mình muốn tự tử để kết thúc sự mặc cảm và ghẻ lạnh của gia đình, của xã hội [8].
Như có thể thấy từ hai ví dụ trên, Rối loạn mặc cảm ngoại hình không những sẽ tác động lên sức khoẻ tâm lý của một người, làm giảm khả năng giao tiếp,sinh hoạt tập thể và sức khỏe thể chất mà còn có thể khiến cho một người tự chọn việc kết liễu cuộc đời mình [6]. Những thống kê hiện tại cũng ủng hộ những phát hiện trước đây, cho thấy rằng BDD là một rối loạn tâm lý phổ biến với tỷ lệ gặp rối loạn này rất đáng kể [2]. Hơn nữa, những người bị rối loạn mặc cảm ngoại hình, so với những người không bị rối loạn, có tiền sử phổ biến đáng kể trong việc sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ (15.6% so với 3.0%), tỉ lệ người có ý định tự tử (31.0% so với 3.5%) và tỉ lệ tự tử (22.2% so với 2.1%) [2]. Vì vậy, sự can thiệp và trị liệu tâm lý kịp thời cho rối loạn mặc cảm ngoại hình là điều thiết yếu để đảm bảo chất lượng sức khỏe tâm lý.
Thật ra bản thân mình cũng đã từng tự tạo áp lực cho bản thân. So sánh bản thân mình với minh tinh điện ảnh, mình đã từng tự đầu độc suy nghĩ bản thân rằng mình cần phải ốm hơn và sở hữu một làn da phải trắng hơn để được mọi người công nhận rằng mình xinh đẹp. Tuy nhiên, khi có những suy nghĩ như vậy, mình cũng đã vô tình tự hạ thấp bản thân và xa lánh mọi người hơn. Lúc học trung học, mình bắt đầu nổi mụn do dậy thì. Bây giờ nghĩ lại, mình cảm thấy thật hối tiếc khi mình đã từ chối rất nhiều buổi họp lớp vì mình không muốn mọi người nhìn thấy làn da không hoàn hảo mà đánh giá mình. Bốn năm trung học của mình cứ vậy mà trôi qua và mình không thể nhớ được nhiều kỷ niệm vui chơi với bạn bè nào cả. Khi lên năm đầu đại học, mình lại tập trung vào vấn đề cân nặng. Mình bỏ ngoài tai những lời khuyên của gia đình và bạn bè mà ép thúc bản thân phải nhịn ăn và kiêng cữ theo hàng chục chế độ giảm cân. Mình đã giảm cân một cách đáng kể nhưng sức khoẻ mình đã suy giảm trầm trọng đến nỗi thường xuyên ngất xỉu trong trường. Nếu được quay ngược lại thời gian, mình sẽ khuyên chính mình hãy thương và bao dung với bản thân hơn.
Chính vì thế, nếu bạn muốn trang điểm đậm, tập gym hay muốn thay đổi một phần nào đó trên cơ thể thì hãy làm nó vì bản thân mình. Hãy làm đẹp cho bản thân vì điều đó làm cho mình hạnh phúc và làm cho mình khỏe hơn chứ không phải để làm vừa lòng xã hội. Hơn nữa, chính bản thân chúng ta không nên chỉ trích và đánh giá những người xung quanh qua vẻ ngoài của họ. Hãy học cách yêu thương và trân trọng lẫn nhau hơn.
Biên tập: Nhi Hồ & Thùy Anh
Nguồn:
[1] Adam, Chars. "Bullied Teen Who Killed Herself Apologized For Being Ugly, Didn't Want Any Photos At Funeral". PEOPLE, 2017. https://people.com/human-interest/bullied-teen-suicide-photo-funeral/.
[2] Buhlmann, Ulrike, Heide Glaesmer, Ricarda Mewes, Jeanne M. Fama, Sabine Wilhelm, Elmar Brähler, and Winfried Rief. "Updates On The Prevalence Of Body Dysmorphic Disorder: A Population-Based Survey". Psychiatry Research 178, no. 1 (2010): 171-175. doi:10.1016/j.psychres.2009.05.002.
[3] Engeln, Renee. Beauty sick: How the cultural obsession with appearance hurts girls and women. Harper-Collins, 2017.
[4] France, Lisa Respers. "Robert Pattinson Declared 'The Most Handsome Man In The World'". CNN, 2020. https://www.cnn.com/2020/02/05/entertainment/robert-pattinson-most-handsome-trnd/index.html.
[5]Ko N, Tam DM, Viet NK, Scheib P, Wirsching M, Zeeck A. Disordered eating behaviors in university students in Hanoi, Vietnam. J Eat Disord 3:18 (2015): https://doi.org/10.1186/s40337-015-0054-2
[6] Phillips, Katharine, and Dan Stein. "Body Dysmorphic Disorder - Mental Health Disorders - MSD Manual Consumer Version". MSD Manual Consumer Version, 2018. https://www.merckmanuals.com/home/mental-health-disorders/obsessive-compulsive-and-related-disorders/body-dysmorphic-disorder.
[7] Stone, Zara. "South Korean High Schoolers Get Plastic Surgery For Graduation". The Atlantic, 2013. https://www.theatlantic.com/international/archive/2013/06/south-korean-high-schoolers-get-plastic-surgery-for-graduation/277255/.
[8] Thanh, Huyen. "Muốn Tự Tử Vì Thấy Mình Xấu, Béo". IONE.NET, 2015. https://ione.net/muon-tu-tu-vi-thay-minh-xau-beo-3293276.html.
[9] Vashi, Neelam A. "Obsession with perfection: Body dysmorphia." Clinics in Dermatology 34, no. 6 (2016): 788-791.