Nên Nói Gì Với Một Người Trầm Cảm?
Chào các bạn! Cảm ơn bạn vì đã dành thời gian đọc bài viết này. Mình viết bài viết này khi đang học năm nhất đại học, khoảng 3 năm trước. Mình đã từng trải qua trầm cảm vào thời điểm ấy nhưng phải đến lúc này mình mới nhận ra những điều mà mình trải qua là không bình thường và nó không đơn giản chỉ là sự thay đổi tính tình lúc nắng lúc mưa của tuổi mới lớn. Năm ấy là năm cuộc sống của mình xuống dốc và mất phương hướng, nhưng mình đã dần hồi phục và được chữa lành nhờ có những người bạn thân thiết nhất của mình. Bài viết này chứa đựng một vài điều tuyệt nhất mà những người bạn ấy đã nói với mình. Mong rằng những chia sẻ này cũng sẽ giúp cho các bạn hỗ trợ bạn bè mình và người thân trong giai đoạn khó khăn của họ.
Gần đây, mình nghĩ nhiều về những điều mà chúng ta không nên nói với một người trầm cảm. Tuy vậy, việc bạn biết không nên nói gì không đồng nghĩa với việc bạn biết cách để xoa dịu người ấy. Vì vậy, thay vì những điều không nên nói, mình muốn chia sẻ với các bạn một vài câu nói từ những người bạn thân của mình - những lời nói đã giúp mình vượt qua được giai đoạn trầm cảm đó:
1. Một cái ôm thật chặt
Ừ thì, việc ôm không phải là dùng lời nói. Nhưng đôi khi, lời nói lại không thật sự cần thiết. Thay vào đó, một cái ôm sẽ hiệu quả hơn nhiều để trấn an người khác. Họ sẽ hiểu rằng bạn đang ở đây, vì họ.
2. “Ra khỏi giường là một nỗ lực và bạn đã làm rất tốt”.
Mình biết điều này nghe có vẻ buồn cười. Nhưng mà, việc thức dậy vào mỗi buổi sáng có thể là một thử thách lớn trong những ngày nặng nhọc mà bạn cảm thấy thiếu năng lượng và mọi thứ tưởng chừng như đều vô nghĩa.
Trong hoàn cảnh này, sự thôi thúc để nằm ì trên giường thật khó cưỡng lại. Nêu nếu họ thức dậy và chống lại sự cám dỗ này, hãy cho họ biết là bạn thấy được sự cố gắng đó của họ.
3. “Mình ở đây, nếu bạn cần chia sẻ”
Nói về việc bản thân đang cảm nhận như thế nào là rất quan trọng, đặc biệt khi đó là những cảm xúc tiêu cực và làm ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày của bạn. Nhưng khi bạn thấy rằng mình không có ai để sẻ chia, thì việc giấu đi những cảm xúc đó và tỏ ra là mình ổn (trong khi mình không ổn tý nào) là một lựa chọn dễ dàng hơn.
Nếu người đó trông có vẻ buồn rầu, hãy tới hỏi chuyện để họ sẻ chia về vấn đề đó nhé!
4. “Nếu bạn không muốn nói về điều đó, thì cũng không sao cả”
Mình biết điều này nghe có vẻ ngược đời, nhưng mà để mình giải thích thêm nhé. Bạn không thể ép người khác nói về cảm xúc riêng của họ. Nếu quá gượng ép thì cuộc nói chuyện của bạn sẽ làm cho cả hai bên không thoải mái.
Và cũng chính vì lí do này, bạn cũng không nên buộc họ phải đi tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía chuyên gia trước khi họ sẵn sàng cho việc này.
Thay vào đó, bạn có thể mang tới chút đồ ăn nhẹ và giúp tinh thần họ thoải mái hơn bằng cách kể cho họ nghe những câu chuyện xấu hổ của mình, chẳng hạn như việc đổ trước một anh chàng (“đổ” nghĩa đen luôn ấy!). Có ai cũng từng như vậy chưa? Không ai ư? Chỉ có mình thôi à….
5. “Bạn sẽ không cảm thấy thế này mãi đâu.”
Một điều quan trọng nữa mà bạn có thể làm là nhắc cho họ nhớ rằng những cảm xúc tồi tệ này rồi sẽ qua, mặc dù đối với họ lúc này, ngày đó cảm giác sẽ không bao giờ tới. Đối với họ những lúc như thế này, sự hi vọng và lạc quan xung quanh là điều cần thiết và có thể giúp đỡ họ rất nhiều.
6. “Bạn không một mình”
Trầm cảm làm cho họ cảm thấy như mình là người cô đơn nhất trên thế giới này, nơi mà không ai, kể cả chính bản thân họ, quan tâm đến họ. Nếu lúc này bạn nói với họ rằng có những người khác ở nơi nào đó cũng đang cảm thấy như chính họ bây giờ, điều này sẽ giúp cho họ cảm thấy như mình không cô đơn, lạc lõng một mình trong thế giới ấy.
7. “Nghe này, đây không phải lỗi của bạn”
Trầm cảm giống như một con vi-rút đáng ghét xâm chiếm hết các tế bào não của bạn và cư trú ở đó. Nó ở đó và nói rằng bạn không đủ thông minh, không đủ xinh đẹp, không đủ hài hước. Bạn sẽ cảm thấy mình làm gì cũng vô dụng, và đổ lỗi cho bản thân mình về những việc xảy ra không như mong muốn.
Hãy nói với người ấy rằng đó không phải lỗi của họ và ngừng đổ lỗi cho bản thân mình nhé.
8. “Mình biết rằng trải qua điều này thật khó khăn”
Đôi khi, chỉ cần có người nhận thấy rằng những người trầm cảm đang phải chiến đấu vất vả với nó mỗi ngày, điều đó đã đủ làm họ cảm thấy tốt hơn.
Trầm cảm làm chúng ta cảm thấy kiệt sức và nó thật khó khăn, cho cả những người trải qua những giai đoạn trầm cảm cũng như cho gia đình và bạn bè của họ. Danh sách trên đây không thể nào kể hết những điều sẽ giúp một người vượt qua giai đoạn trầm cảm, nhưng mình mong rằng nó là sẽ điểm khởi đầu để bạn biết những điều mình nên nói với những người trầm cảm.
Giờ thì, bạn đã sẵn sàng đi chiến đấu với trầm cảm chưa?
Biên tập: Thuỳ Anh & Hương Lê
Dịch: Thái Hà