Kỹ Thuật Viên Tâm Lý: Rút Ra Những Kinh Nghiệm Gì? (phần 2)

Hero image.png

Link bài viết phần 1: https://www.inpsychout.com/ipo-blog/ky-thuat-vien-tam-ly-phan-1

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ về những gì tôi đã học được về bệnh nhân và công việc, cũng như những gì tôi học được từ kinh nghiệm làm việc với các cá nhân có rối loạn tâm thần. Như đã đề cập trong phần trước, kinh nghiệm của tôi có thể không áp dụng hết cho tất cả kỹ thuật viên tâm lý. 

Về Thân Chủ

Trong quãng thời gian làm việc ở đó, tôi nhận thấy rằng trong khi một số thân chủ rất thân thiện và thích trò chuyện, một vài người khác lại không thực sự tương tác với các nhân viên hay người khác khi không có lý do hoặc có thể khá xấu tính. Tuy nhiên, tôi phải tự nhắc nhở mình rằng lý do đôi khi họ phản ứng một cách tiêu cực là vì ở trong cơ sở điều trị đồng nghĩa với việc là quyền lợi của họ sẽ bị hạn chế nên họ có thể cảm thấy bực bội và bất công. Ví dụ, họ chỉ có thể ra ngoài sân khi có nhân viên đi cùng và chỉ vào những thời điểm nhất định trong ngày.

Một điều đáng ngạc nhiên mà tôi nhận ra được là một thân chủ có thể ảnh hưởng rất nhiều đến bầu không khí của một phân khoa. Ví dụ, một người hay kích động có thể khiến những người cùng phân khoa cảm thấy bồn chồn và lo lắng hơn. Tính cách của vài người có thể không hòa hợp đến mức dẫn đến gây gổ. Mặt khác, có vài người thân thiết đến mức họ hỗ trợ nhau qua từng bước của quá trình hồi phục. Đây là những quan sát có thể hữu ích trong việc cố gắng sắp xếp thân chủ vào phân khoa và phòng thích hợp. Mâu thuẫn giữa các thân chủ có thể là lý do chính dẫn đến việc chuyển đổi sang phân khoa khác.

Những Thách Thức Tôi Gặp Phải

Thử thách lớn nhất mà tôi phải đối mặt chắc chắn là cần luôn giữ một thái độ kiên nhẫn và thấu hiểu. Một số thân chủ có thể nói những điều không phù hợp hoặc gây tổn thương, nhưng tôi đã dần quen với việc không để bụng những lời nói đó. Để hiểu và phản ứng phù hợp với cách giao tiếp của họ cũng là một trong những thách thức tôi gặp phải vì hành động của một số thân chủ có thể hơi đặc biệt một chút. Họ có thể như một tấm gương, nếu bạn phản ứng một cách mạnh mẽ với bất cứ hành động nào của họ, rất có thể họ cũng sẽ làm như vậy đối với bạn. Vì vậy, nếu bạn tỏ ra bình tĩnh, họ cũng sẽ cảm thấy bớt tức giận hay hốt hoảng.

Một thách thức nữa là việc không thể ngừng suy nghĩ về công việc ngay cả vào những ngày nghỉ khiến tôi cảm thấy căng thẳng hoặc chán nản. Việc ngồi thiền hoặc xem phim giúp tôi tự đánh lạc hướng mình khỏi những suy nghĩ đó để tôi có thể thư giãn. 

Cuối cùng là điều mà tôi đã không nghĩ tôi sẽ gặp là việc nhớ tên của nhân viên và thân chủ. Bởi vì tôi làm việc tại mọi phân khoa thay vì chỉ một, tôi thường phải làm việc với thân chủ mới và những nhân viên tôi chưa từng làm việc với trước đó. Do dịch COVID-19, việc mọi người đeo khẩu trang khiến cho việc này càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, tôi đã dần biết cách nhận ra những đặc điểm khác của riêng từng người để phân biệt được ai là ai.

Kinh Nghiệm Rút Ra

2.2.png

Rất nhiều người chuyển đến cơ sở này đến từ Dịch Vụ Y Tế Khẩn Cấp. Sau khi tiếp xúc với họ, tôi nhận ra rằng họ có thể đến từ mọi tầng lớp xã hội. Một số được đưa đến bởi người thân trong gia đình lo lắng về tình hình của họ, một số là người vô gia cư, trong khi một số khác lại đang sở hữu doanh nghiệp riêng. Điều này cho thấy các rối loạn tâm thần có thể có ảnh hưởng rất lớn đến tất cả mọi người và nó có thể có ảnh hưởng lớn đến bạn nếu bạn không được trợ giúp đúng cách và kịp thời.

Các phân khoa trong cơ sở sức khỏe hành vi thường sẽ có các biện pháp đề phòng như sử dụng những chiếc ghế và bàn thật nặng để tránh việc một số người ném bàn ghế. Một số vật dụng được mang từ nhà cũng không được phép đem theo với họ sau khi nhập viện vào phân khoa. Ví dụ, dây giày được tháo ra khỏi giày và thay thế bằng dây chun. Dù đã thực hiện những phương pháp đề phòng nhưng đôi khi họ vẫn tìm cách này hay cách khác. Những người có xu hướng dùng thuốc quá liều cần thiết có thể thay đổi các chỉ số sinh tồn của họ bằng cách tập thể dục trước giờ đo chỉ số, hoặc những người tìm kiếm sự chú ý sẽ có những hành động như làm phiền hay làm khó nhân viên và người khác. Do đó, để biết cách đối phó với những hành vi có thể gây mất an toàn cho chính những người đó và người khác, việc lưu ý trong báo cáo khi đổi ca với người tiếp theo là rất quan trọng.

Thân chủ cũng có thể rất khó đoán và tôi đã được đào tạo để luôn đặt sự an toàn của mình lên hàng đầu và biết khi nào cần giữ khoảng cách với họ. Có người có thể rất thân thiện với bạn cả một ngày, hoặc thậm chí vào một thời điểm trong ngày, nhưng sau đó lại trở nên xa cách, thậm chí gắt gỏng. Khi bạn phải ở trong phòng một mình với họ, cách tốt nhất là luôn ở giữa cửa và họ để bạn có thể thoát ra ngoài để kêu cứu trong những tình huống khẩn cấp. Trong tình huống họ tỏ ra bạo lực, cho dù mọi nhân viên đều được huấn luyện về cách kiềm chế người kích động, chúng tôi luôn cố gắng giao tiếp một cách bình tĩnh và giải quyết vấn đề bằng lời nói trước, vì khi bạn sử dụng bạo lực, họ cũng sẽ phản ứng bằng bạo lực.

Giao tiếp giữa nhân viên là rất quan trọng và cần thiết. Ví dụ, nếu tôi phải rời khỏi phân khoa bất chợt, tôi sẽ ngay lập tức cho các nhân viên khác biết để họ có thể thay thế tôi thực hiện các nhiệm vụ cần thiết. Tôi cũng sẽ nhờ sự giúp đỡ từ các nhân viên khác khi tôi không biết chắc về điều gì đó (quyết định xem ai được giữ món đồ nào trong phòng, ai có chế độ ăn kiêng đặc biệt không...).

2.3.png

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất mà mình học được là mặc dù bắt buộc phải có lòng nhân ái trong công việc này, điều quan trọng không kém là phải có thái độ chuyên nghiệp. Mối quan hệ của tôi với họ cũng không bao giờ được vượt quá mối quan hệ giữa thân chủ và kỹ thuật viên tâm lý. Ví dụ như đôi khi mặc dù tôi giao tiếp với họ như một người bạn, cho dù họ có yêu cầu, tôi không thể giữ bí mật hay giấu bất cứ đồ vật gì có thể gây hại hoặc ảnh hưởng tới tính mạng của họ hoặc người khác. Khi mới bắt đầu làm việc, tôi đã cố gắng hết sức để làm hài lòng mọi yêu cầu của họ mặc dù có vài yêu cầu làm tôi cảm thấy không thoải mái. Tôi nhận ra rằng đôi khi những gì họ muốn không phải là những gì họ cần, do đó tôi đã học cách để biết khi nào nên nói “không” hoặc “dừng lại”.

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất tôi nhận ra là không nên quá chú trọng vào công việc và bỏ quên việc chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính mình. Ngoài những việc như đọc sách hay chơi game thì việc dành thời gian cho gia đình hay bạn bè. Việc giữ cho tâm lý của mình khỏe mạnh đồng nghĩa với việc tôi có thể làm tốt hơn việc trợ giúp thân chủ.

Phần kết luận

Mặc dù tôi thấy công việc này là đôi khi khá căng thẳng nhưng cái cảm giác hạnh phúc khi tôi làm thân chủ cảm thấy khá hơn dù chỉ một chút luôn giúp tôi quên đi những trải nghiệm tiêu cực trong công việc. Có lẽ công việc này không dành cho tất cả mọi người và tôi hy vọng thông qua bài viết này, tôi có thể giúp bạn hình dung rõ hơn về công việc của một kỹ thuật viên tâm lý.

Biên tập: Phương Thủy Nguyễn Hồ & Thoa Đinh

Thiết kế: Froggy

Tiên Trần

InPsychOut writer

Previous
Previous

Nuôi Dưỡng Và Cân Bằng Khả Năng Đồng Cảm (phần 1)

Next
Next

Kỹ Thuật Viên Tâm Lý: Vai Trò Của Tôi Là Gì? (phần 1)