Nuôi Dưỡng Và Cân Bằng Khả Năng Đồng Cảm (phần 1)

Phần 1: Đồng Cảm Là Gì?

Hero Image.png

Đồng cảm (Empathy) là một khái niệm được nhắc đến khá nhiều thời gian gần đây, nhiều khi còn được xem là một dạng kỹ năng mềm cần thiết để cải thiện khả năng giao tiếp, kết nốt. InPsychOut xin giới thiệu phần 1 trong series 2 phần, tập trung vào ý nghĩa của sự Đồng cảm, những trạng thái đồng cảm cơ bản, sự khác biệt giữa đồng cảm và thông cảm. 

Mình đang cần thông tin gấp về một vấn đề kỹ thuật để trả lời cho khách hàng vì cô ấy muốn gửi một email quảng cáo ngay trong ngày theo đúng lịch marketing. Nhưng vì lỗi hệ thống, email bị kẹt đến hơn 2 tiếng đồng hồ và cô ấy thậm chí không biết liệu email này có được gửi hay không. Nếu không kịp, chiến dịch marketing của cô ấy sẽ phải thay đổi rất nhiều nội dung quan trọng.

Mình cũng lo lắng theo khách hàng, hết kiểm tra với đội kỹ thuật, lại phải liên hệ với quản lý để thông báo trục trặc. Đáng tiếc là cả đội kỹ thuật đều được gọi vào một dự án đặc biệt có mức độ ưu tiên cao - một sản phẩm mới cần được giao vào cuối tuần này. 

Cả hai tình huống đều khiến mình căng thẳng.

Một mặt, mình cảm thấy lo lắng như thể mình là khách hàng ấy - đang gặp rắc rối với lịch marketing không thể gửi kịp thời, và sếp của mình sẽ rất tức giận nếu kế hoạch thất bại. Đặt mình vào hoàn cảnh của cô ấy, mình cảm thấy phải làm gì đó để đảm bảo chiến dịch có thể được gửi đi để khách hàng hoàn thành được nhiệm vụ của mình, bất kể khó khăn. 

Mặt khác, mình lại đặt bản thân vào anh kỹ sư, chắc cũng bồn chồn không kém, khi anh đang có một danh sách dài những công việc tồn đọng mà anh cũng không có thời gian để giải quyết vì hoàn cảnh không cho phép. Mình tự nhiên lại muốn giảm bớt áp lực và cố gắng tìm cách nào đó khác để không hối thúc anh quá nhiều và hy vọng anh cố gắng giúp mình với khách hàng. 

Bạn có từng trải qua tình huống tương tự? 

Trên thực tế, không phải ai cũng có khả năng đặt mình vào vị trí của người khác và cảm nhận cảm xúc của họ. Một số có thể làm điều này một cách tự nhiên, một số phát triển nó trong quá trình trưởng thành, và một số khác gần như không có khả năng này. Đó là khả năng thể hiện sự đồng cảm.

Ý nghĩa của sự đồng cảm (empathy) là gì?

Một quan điểm thuộc nhân văn học, khi bao gồm các yếu tố ngữ cảnh, xem “đồng cảm” là một "cảm giác xã hội" và định nghĩa nó là "dựa vào cảm giác để nắm bắt trạng thái cảm xúc hiện tại, tương lai hoặc quá khứ của đối phương". Trong sinh học tiến hóa, sự đồng cảm được coi như một kỹ năng xã hội cho phép chúng ta tham gia vào tương tác xã hội có ý nghĩa [1]. Về cơ bản, đó là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác và cảm nhận những cảm xúc họ đang trải qua. 

Hai trạng thái đồng cảm chính

  • Sự đồng cảm về tình cảm (affective empathy): Sự đồng cảm về cảm xúc, được định nghĩa là phản ứng cảm xúc, giác quan và bản năng của một người đối với trạng thái tình cảm của người khác. Sự đồng cảm về cảm xúc thường được mô tả bằng các thuật ngữ khác nhau nhưng đều mang ý nghĩa tương đương việc "chia sẻ kinh nghiệm" [2]. Nói cách khác, sự đồng cảm này thiên về mặt tình cảm, và giúp bạn hiểu được cảm xúc của người khác để có phản ứng phù hợp. 

  • Sự đồng cảm về nhận thức (cognitive empathy): là khả năng hiểu hoặc giải thích rõ ràng các trạng thái tinh thần chủ quan, quan điểm hoặc ý định của người khác (Gopnik và Wellman, 1992). Đồng cảm nhận thức còn được gọi là “tinh thần hóa” [mentalizing] [3], “Thuyết tâm trí” [Theory of Mind [4] hoặc “tiếp nhận quan điểm” [perspective-taking] [5]. Đây là khả năng hiểu được trạng thái tinh thần của người khác và những gì họ có thể đang nghĩ đến để dự đoán phản ứng phù hợp với tình huống. 

Sự đồng cảm đến từ đâu?

Đã có một số nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm này. Bạn sinh ra đã có sẵn sự đồng cảm theo di truyền, hay môi trường sẽ định hình cách phản ứng của bạn đối với các tác nhân thông qua sự đồng cảm?

Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2016 về tính di truyền của sự đồng cảm [6], các nhà nghiên cứu sử dụng thiết kế song sinh mở rộng, sử dụng các phương pháp đo lường khác nhau trên 742 cặp song sinh và anh chị em trưởng thành. Họ ước tính rằng hệ số di truyền của sự đồng cảm về tình cảm nằm trong  khoảng từ 52 đến 57%. Đối với sự đồng cảm về mặt nhận thức, hệ số di truyền nhỏ hơn (27%), cho thấy khả năng di truyền của sự đồng cảm phụ thuộc vào yếu tố phụ được đo lường trong nghiên cứu, và tăng sự ảnh hưởng đến các chương trình can thiệp như đào tạo khả năng đồng cảm hoặc lòng trắc ẩn. 

Ví dụ đơn giản hơn, về mặt di truyền, nếu có 100 người với khả năng đồng cảm, 52-57 người trong số họ sẽ thể hiện sự đồng cảm về tình cảm - khả năng quan tâm một cách tự nhiên đến sự hạnh phúc của người khác. Tuy nhiên, chỉ 27 người trong số họ, về mặt di truyền, có thể thực sự hiểu những gì người khác có thể đang nghĩ và cảm thấy, như thể họ là người ở vị trí đó, mà không qua bất kỳ kinh nghiệm rèn luyện hay ảnh hưởng nào từ môi trường.

Vậy những con số này cho chúng ta biết điều gì? 

Nó cho chúng ta biết rằng, chúng ta có thể học cách đồng cảm với người khác, nếu bạn cảm thấy mình còn thiếu sót trong khía cạnh đó. Khả năng này có thể được cải thiện, nếu bạn nghĩ rằng nó sẽ giúp bạn xử lý tốt hơn một số tình huống liên quan đến mối quan hệ với người khác. Và, nó thậm chí có thể được cân bằng, nếu bạn cũng như mình, cảm thấy khó khăn trong việc điều chỉnh sự đồng cảm của mình, để nó không làm tiêu hao năng lượng của bản thân và phản ứng với các tình huống tốt hơn. 

Sự khác biệt giữa Đồng cảm và Thông cảm

2.png

Nhiều người nghĩ rằng đồng cảm và thông cảm là như nhau. Tuy nhiên, về mặt ngữ nghĩa, có sự khác biệt lớn giữa hai thuật ngữ này. 

Theo ngành học liên quan đến nguồn gốc từ - còn gọi là Từ nguyên học (Etymology), cả hai từ đều đề cập đến mối quan hệ của một người với cảm xúc và trải nghiệm của người khác. Cả sự cảm thông (sympathy) và đồng cảm (empathy) đều có nguồn gốc từ páthos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “cảm giác đau khổ” [7].  

Khái niệm Sự thông cảm đã tồn tại lâu hơn. Nó xuất hiện trong tiếng Anh vào giữa những năm 1500 với nghĩa rất rộng là “sự đồng ý hoặc sự hài hòa về phẩm chất giữa mọi vật hoặc con người”. Trong thời hiện đại, sự cảm thông được sử dụng để thể hiện sự thương tiếc, thương hại hoặc cảm giác đau buồn đối với một người nào đó đang gặp bất hạnh. Bạn cảm thông với họ, nhưng bạn không biết phải làm gì và không hoàn toàn hiểu được những cảm xúc người đó đang trải qua. 

Sự đồng cảm xuất hiện vài thế kỷ sau sự thông cảm - vào cuối những năm 1800. Các nhà tâm lý học bắt đầu sử dụng từ "sự đồng cảm" (empathy)  để thay thế cho thuật ngữ tiếng Đức Einfühlung, liên quan đến khái niệm rằng một người có thể phóng chiếu cảm xúc của chính họ lên một đối tượng được xem [8]. Giờ đây, sự đồng cảm đã được sử dụng một cách rộng rãi hơn so với khi nó được giới thiệu lần đầu. Thuật ngữ này hiện nay thường được sử dụng nhất để chỉ năng lực hoặc khả năng tưởng tượng của bản thân trong tình huống của người khác, trải nghiệm cảm xúc, ý tưởng hoặc quan điểm của người đó.

Để hiểu rõ hơn về sự khác nhau của hai từ này, hãy xem một đoạn video ngắn 2 phút. Trong phim hoạt hình ngắn tuyệt đẹp này, Tiến sĩ Brené Brown nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta chỉ có thể tạo ra một kết nối đồng cảm thực sự nếu chúng ta đủ can đảm tiếp xúc với những mặt mong manh của chính mình

Hãy cùng chúng mình đón đọc phần 2 của series Đồng cảm, để tìm hiểu thêm về hệ quả của việc thiếu khả năng đồng cảm sẽ dẫn đến những hệ quả gì, và chúng ta có thể làm gì để nuôi dưỡng và cải thiện kỹ năng này cũng như cân bằng cảm xúc của bản thân, để tránh làm cạn kiệt nguồn lực tinh thần và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của mình. 

Biên tập: Thuỳ Anh
Thiết kế:
Froggy

Nguồn:

[1] Segal, Elizabeth A., Karen E. Gerdes, Cynthia A. Lietz, M. Alex Wagaman, and Jennifer M. Geiger. 2012 Assessing empathy. Columbia University Press, 2017

[2] Zaki, Jamil, and Kevin N. Ochsner. "The neuroscience of empathy: progress, pitfalls and promise." Nature neuroscience 15, no. 5 (2012): 675-680. 

[3] Barrett, L. F., Lewis, M., and Haviland-Jones, J. M. . Handbook of Emotions. New York, NY: Guilford Publications, 2016.

[4] Premack, David, and Guy Woodruff. "Does the chimpanzee have a theory of mind?." Behavioral and brain sciences 1, no. 4 (1978): 515-526.

[5] Davis, Mark H. Empathy: A social psychological approach. Routledge, 2018. 

[6] Melchers, M., Montag, C., Reuter, M. et al. How heritable is empathy? Differential effects of measurement and subcomponents. Motiv Emot 40, 720–730 (2016). https://doi.org/10.1007/s11031-016-9573-7 

[7] Chambers Dictionary of Etymology, Barnhart RK (editor) 4th Edition, Chambers Harrap Publishers Ltd, New York, 2002.

[8] Debes, Remy. "From Einfühlung to empathy." Sympathy: A history (2015): 286-322. 

Previous
Previous

Nuôi Dưỡng Và Cân Bằng Khả Năng Đồng Cảm (phần 2)

Next
Next

Kỹ Thuật Viên Tâm Lý: Rút Ra Những Kinh Nghiệm Gì? (phần 2)