Tổn Thương Tâm Lý Từ Lời Nói “đứa con lượm”

*Ghi chú: Đây là một câu chuyện có thật từ một người bạn giấu tên của tác giả. Tên nhân vật trong câu chuyện đã được thay đổi.

H sinh ra trong một gia đình đông con. Do ba mẹ của H phải đi làm ăn xa, nên từ khi sinh ra, H đã ở với ông nội và bác. Mọi người trong nhà đều rất thương yêu H. Chị ruột của H và các anh chị họ - con của bác cũng rất yêu quý H. H là con gái nhưng lại thích chơi đá bóng với các anh họ. Cuộc sống của H dường như êm đẹp, cho đến khi H khoảng 5 tuổi, một người hàng xóm qua chơi nhà, nhìn H một lúc lâu rồi nói: “Con bé này chẳng giống ai nhỉ? Có thật nó là con cháu trong nhà này không, hay chỉ là đứa con lượm được ở đâu đó về cho chị nó chơi?”. H thật sự sửng sốt khi nghe câu nói đó. H bắt đầu để ý nhìn các anh chị em trong nhà. H chợt nhận ra, các anh chị em của H đều giống ông nội H, còn H thì không, nhưng H thầm nghĩ có lẽ H giống mẹ.

Mẹ H đi làm ở nước ngoài, mỗi khi về thăm H, bà thường đem rất nhiều đồ chơi cho chị em H. Một lần khi mẹ H về thăm nhà, H đã nhìn mẹ một lúc lâu và tự nhìn mình trong gương. H sửng sốt vì thấy mình cũng không giống mẹ và điều này thật sự khiến H trở nên hoang mang. Lúc đó H không biết mặt ba, vì ba H không về thăm chị em H. H tranh thủ những lúc ở bên mẹ, H nhìn mẹ kỹ hơn. H không nói với mẹ là hàng xóm nói H là con lượm. Càng nhìn mẹ, H càng hoang mang. Mẹ H thấy H nhìn chăm chú, chỉ mỉm cười và vuốt tóc H. Mẹ H ở nhà với chị em H được ít lâu, rồi lại đi. Mỗi khi nhớ lại lời hàng xóm nói H chỉ là con lượm, H rất buồn. Những lúc buồn như vậy, H chỉ biết chui vào xó bếp, ngồi ủ rũ một mình. Các anh họ của H thấy H ủ rũ không đi đá bóng nữa thì đến hỏi thăm H, nhưng H cũng chỉ lắc đầu không nói gì. Các anh H thưa với ông nội, ông nội hỏi thăm H thì H cũng lắc đầu. H từ một đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, thì nay lại thu mình lại, chỉ ngồi ôm con chó nhỏ. H thầm nghĩ: “Tại sao mình không giống ai trong nhà này? Có thật mình là con lượm mà mẹ mình đem về cho chị mình chơi không?” H chịu không được nữa, nên một lần đến gặp ông nội và hỏi: “Ông ơi, con có phải là con lượm được mẹ đem về cho các anh chị chơi không?” Ông nội chỉ mỉm cười, rồi xoa đầu H và nói: “Bậy nào! Cháu là cháu của ông. Ông thương cháu nhất mà! Cháu đừng nghe mấy lời xàm của người ta.” Kể từ hôm đó, H không hỏi ông nội nữa. H đã đến tuổi đến trường học như bao đứa trẻ khác. H bắt đầu bận rộn với việc học ở trường. Nhưng khi H rảnh rỗi, lời nói “con lượm” vẫn văng vẳng trong trí của H. H lại tự hỏi: “Sao mình không giống ai trong nhà? Có thật mình là con lượm không?”

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, dì của H ở trên thành phố về thăm và đưa chị em H lên thành phố học cấp ba, tạm xa rời ngôi làng nhỏ dưới quê. H lại được dịp nhìn dì của H kỹ hơn. H nhận ra H cũng không giống dì. H lại càng hoang mang: “Sao mình không giống ai hết vậy? Lẽ nào người hàng xóm đó nói đúng, mình chỉ là con lượm?” H buồn bã, đi học về chỉ ngồi ở xó nhà. 

Sau 20 năm bôn ba ở nước ngoài, cuối cùng thì ba H cũng trở về nước. Ba mẹ H đến nhà dì của H để thăm chị em H. Ba ôm H vào lòng, vỗ về H, rồi dẫn chị em H đi chơi trong thành phố. Được ít lâu thì ba H lại đi nước ngoài. Ba mẹ H có chụp chung với chị em H vài tấm hình khi đi chơi. H lấy những tấm ảnh đó ra nhìn thật kỹ. Và các bạn có biết điều gì đã xảy ra không? H nhìn kỹ tấm hình ba chụp chung với H, và H phát hiện ra một điều: H giống ba như đúc!

Vậy là rõ rồi, H chỉ giống ba H thôi. Nhưng vì khoảng thời gian H ở dưới quê với ông nội, ba H bận làm ăn xa, không về thăm chị em H, nên H không biết là mình giống ba. Nỗi buồn “con lượm” đeo đẳng H suốt khoảng thời gian thơ ấu nay đã tan biến khi H khám phá ra sự thật. Giải tỏa được nỗi buồn đó rồi, H lại trở nên vui vẻ, hoạt bát hơn rất nhiều. Dì và chị của H rất ngạc nhiên khi thấy sự thay đổi của H. Họ cho rằng có lẽ do H được gặp ba, nên đã vui vẻ trở lại.

Và các bạn biết không? Sau này H đã kể lại câu chuyện nỗi buồn “con lượm” này cho một người bạn thân của H. Câu chuyện được viết lên đây để nhắn nhủ mọi người rằng: những gì chúng ta nói với trẻ nhỏ đều in sâu vào tâm trí chúng. Nỗi buồn “con lượm” của H là một điển hình. Chỉ vì một câu nói của hàng xóm tưởng chừng như vô hại nhưng đã làm một đứa trẻ từ hoạt bát, vui vẻ trở nên buồn bã và hoang mang trong một thời gian dài, cho đến khi sự thật được sáng tỏ. Qua đây chúng ta hãy cẩn thận về lời nói của mình khi nói với trẻ nhỏ. Đừng nghĩ chúng còn nhỏ nên cho rằng chúng không hiểu những gì chúng ta nói. Và cũng đừng cho rằng trẻ nhỏ thì sẽ không nhớ gì về lời nói của chúng ta trong quá khứ. Sự thật là những lời nói của chúng ta đối với trẻ nhỏ dù thời điểm nói đã xảy ra rất lâu, nhưng trẻ nhỏ vẫn nhớ những gì chúng ta nói. Và nếu như vì vô tình mà chúng ta lỡ nói lên điều gì đó làm trẻ hoang mang, buồn tủi thì điều đó là một vết thương in sâu trong lòng chúng rất lâu dài, cho đến khi chúng hiểu ra sự thật.


Biên tập: Bảo Trân & Hương Lê

Thiết kế: La Quỳnh

Previous
Previous

Hỗ Trợ Trị Liệu Bằng Chất Thức Thần (Psychedelics) (phần 2): Âm Nhạc và Hiệu Quả Lâu Dài

Next
Next

Hỗ Trợ Trị Liệu Bằng Chất Thức Thần (Psychedelics) (phần 1): Buổi Trị Liệu