Review Sách: Men Explain Things to Me - Rebecca Solnit

CC1 - 1.jpg

Sức lan tỏa của một ngòi bút trí thức táo bạo về nữ quyền

Một trong những lý do khiến quyển sách chưa đầy 200 trang này có mặt trong danh mục những tác phẩm văn học thiết yếu viết về nữ quyền, theo Thư viện Công cộng New York, 2019 [1], theo mình là văn phong súc tích dựa trên dẫn chứng khoa học và số liệu thống kê, kết hợp với giọng điệu thẳng thắn lẫn chút trào phúng của tác giả, nhà sử học và nhà hoạt động xã hội Rebecca Solnit. Tuy nhiên, điều khiến hơn 90,000 độc giả nữ [2] và người ủng hộ quyền bình đẳng giới truyền tay nhau tác phẩm này (cô em họ của mình truyền cho mình, và mình viết những dòng này dành cho bạn), không đâu xa, chính là sự khao khát bày tỏ tính chất nghiêm trọng và cấp thiết của việc phơi bày sự thật về vấn đề bất bình đẳng giới. 

Men Explain Things to Me (2014) tập hợp chín bài tiểu luận được tác giả Solnit xuất bản vào những mốc thời gian khác nhau trong suốt bảy năm (2008-2014). Chín chương sách, mỗi chương lật mở một tấm màn nhức nhối xoáy sâu vào sự bất bình đẳng giới tràn lan trong từng căn nhà và ngõ ngách của thể chế  Mỹ. Nơi đây, phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng cho nữ giới đã diễn ra không ngừng nghỉ suốt hơn 100 năm qua và vẫn chưa có hồi kết (Chương 2: Cuộc chiến dai dẳng nhất) [3]. Bạo lực, đe dọa mạng sống, bắt nạt trực tuyến, hiếp dâm, cưỡng dâm, quấy rối tình dục, khinh thường, hạ bệ nhân phẩm, phớt lờ lời kêu cứu, vu khống, đổ lỗi cho chính nạn nhân, và các tệ nạn khác vẫn tiếp tục đàn áp nữ giới tại một đất nước mà nền giáo dục và kinh tế dẫn đầu thế giới. 

Quyển sách đã mang lại cho mình, một người dù ủng hộ nữ quyền nhưng chưa biết nói về chủ đề này như thế nào, một kho kiến thức và vốn từ vựng kha khá để bắt đầu. Chìa khóa của việc tìm cách giải quyết vấn đề là phải biết gọi mặt đặt tên vấn đề đó ra, bởi “the formulation of a problem is often more essential than its solution” - Albert Einstein (tạm dịch: biết được mấu chốt vấn đề thường quan trọng hơn cách giải quyết nó). Vậy nên, mình hy vọng có thể liệt kê một số từ vựng quan trọng được nhắc đến trong sách, để khi bạn quyết định bước ra vùng sáng và cất lên tiếng nói, bạn sẽ biết phải nói gì.  

Feminism (thuyết nữ quyền) và feminist psychotherapy (tạm dịch: trị liệu tâm lý theo thuyết nữ quyền)

Tại sao mình, một sinh viên ngành tham vấn và hướng nghiệp, lại quan tâm đến feminism (thuyết nữ quyền) và feminist psychotherapy (tạm dịch: trị liệu tâm lý theo lý thuyết nữ quyền)? Lý do thứ nhất, mình đang sống tại một đất nước mà quyền bình đẳng giới và nữ quyền được đem ra bàn luận thoải mái như cơm bữa. Lý do thứ hai, mình đang theo học một nền giáo dục mà từng môn học đều có ít nhất một chương sách nói về công bằng xã hội và đa văn hóa. Từ một góc nhìn khác hẳn so với nơi mình sinh ra và lớn lên, mình thấy được những bất công hiện hữu trong từng lời nói, cách ứng xử hằng ngày đầy định kiến về giới tính mà chỉ khi bước ra khỏi cái bong bóng cổ hủ đó, mình mới có thể gọi tên chúng lên được. Lý do thứ ba, dưới góc nhìn của một sinh viên chuyên ngành tham vấn tâm lý, mình hiểu được sự quan trọng và khẩn thiết của phương thức trị liệu tâm lý theo thuyết ủng hộ nữ quyền. Đây là lý thuyết trị liệu duy nhất được tạo ra bởi một nhóm những nhà trị liệu tâm lý nữ, phát triển mạnh vào thập kỷ 1960 tại Mỹ. Điều thú vị nhất theo mình về lý thuyết này là sự tập trung vào bối cảnh môi trường văn hóa xã hội hiện tại, coi trọng tiếng nói, kinh nghiệm của từng cá nhân, và ủng hộ họ tham gia đấu tranh chống lại sự đàn áp giới tính. Với đặc quyền được tiếp cận với các phương tiện truyền thông, phim ảnh, tài liệu nghiên cứu, triển lãm, sách báo phong phú từ các thư viện công cộng tại Mỹ, mình cảm thấy bản thân mang theo một sứ mệnh chia sẻ về chủ đề này không chỉ cho các bạn đang theo học ngành tâm lý hay trị liệu tâm lý, mà cả những độc giả quan tâm đến sức khỏe tâm lý của InPsychOut. Hy vọng rằng, khi bạn hiểu được những cái gông vô hình đè lên vai người phụ nữ, bạn sẽ bằng mọi cách sáng tạo của riêng mình, cảm thông với họ và giúp họ đứng lên. Người phụ nữ đó không đâu xa, có thể là mẹ, em gái, chị gái, bạn gái, vợ, con gái của bạn, hoặc đôi khi, chính là bạn.

Mansplaining (tạm dịch: Giải thích trịch thượng kiểu đàn ông)

Cụm từ mansplaining lan truyền trên mạng xã hội được lấy cảm hứng từ bài tiểu luận đầu tiên trong quyển sách cùng tên của tác giả Solnit - “Men Explain Things to Me” (2008). Từ điển Merriam Webster và Oxford định nghĩa, mansplaining (cấu tạo từ men và explain) là hành động của đàn ông khi cố tình giải thích hoặc cắt ngang một cách trịch thượng với ai đó (đặc biệt là phụ nữ) về điều mà anh ta chưa hiểu biết đầy đủ, với giả định sai lầm rằng anh ta biết về nó nhiều hơn người mà anh ta đang nói chuyện cùng.

“Men explain things to me, still. And no man has ever apologized for explaining, wrongly, things that I know and they don’t.” [4] (tạm dịch: Đàn ông vẫn muốn giải thích cho tôi về mọi thứ. Và chưa có người đàn ông nào nhận lỗi khi giải thích sai bét về những điều tôi biết rõ còn họ thì không.) 

Authoritarianism (tạm dịch: Chủ nghĩa độc tài)

Tác giả Solnit đề cập đến chủ nghĩa độc tài, dưới định nghĩa là sự phục tùng mù quáng trước thẩm quyền của đàn ông, chính là nguồn gốc của bạo lực và là lý do cho quyền tối thượng tự phong trong việc quyết định mạng sống của người khác, thể hiện qua hành vi giết người [5]. Chương hai của quyển sách sẽ khiến bạn đọc cảm thấy khá nặng nề, vì tác giả kể về những vụ án trong lịch sử và những lý luận lố bịch bênh vực những kẻ phạm tội rình rập, hiếp dâm, cưỡng dâm, hành hung và giết người, và nạn nhân là những phụ nữ đã bị xã hội tước đi tiếng nói. Từ “cưỡng dâm” xuất hiện rất nhiều lần, rõ ràng và rành mạch, với tận nguồn các loại tội danh như: marital rape (tạm dịch: cưỡng dâm trong hôn nhân), date rape (tạm dịch: cưỡng dâm khi hẹn hò), acquaintance rape (tạm dịch: người thân cận cưỡng dâm). Bạn cũng sẽ nhận ra cái dốc trơn trượt từ hành động tưởng chừng như vô hại của đàn ông như ngắt lời phụ nữ, đến những lời nhục mạ trên mạng xã hội, rồi hành hung và sát hại phụ nữ khi họ không đáp ứng nhu cầu của họ. Đôi khi, mối đe dọa ấy lại đến từ chính người bạn đời hay những người thân cận nhất.

“It begins with this premise: I have the right to control you…” [6] (tạm dịch: Mọi chuyện bắt đầu từ tiền đề: Ta có quyền kiểm soát ngươi…”

Sex scandals (tạm dịch: Những vụ bê bối tình dục)

Phong trào Me Too cùng hàng triệu những hashtag trên mạng xã hội, được tạo ra năm 2006 bởi nhà hoạt động xã hội Tarana Burke, nhằm phản đối hành vi lạm dụng và quấy rối tình dục, tạo điều kiện cho những nạn nhân công khai cáo buộc các tội phạm tình dục gây ra bởi những người đàn ông quyền lực và nổi tiếng. Sự lan truyền mạnh mẽ của phong trào này trên toàn thế giới, đã khiến không ít những nhân vật tên tuổi phải tạm dừng sự nghiệp. Solnit đề cập đến vụ xét xử Nhân dân Tiểu bang New York cáo buộc Dominique Strauss-Kahn, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), về tội tấn công tình dục nữ nhân viên dọn phòng khách sạn Nafissatou Diallo năm 2011, như một ví dụ cho những tiến bộ của Tòa án Mỹ từng bước trong cuộc chiến dai dẳng này. Dù có nhiều ý kiến tranh cãi về độ chính xác trong lời khai của Diallo, nhưng ít ra, cô, một người nhập cư bé nhỏ giữa Manhattan hào nhoáng, đã được trao quyền lên tiếng cho riêng mình.  

“Her name was silence. His was power. Her name was poverty. His was wealth. Her name was Her, but what was hers? His name was His, and he presumed everything was his.” [7]

(tạm dịch: Cô ấy là câm lặng. Anh ta là quyền lực. Cô ấy là nghèo nàn. Anh ta là giàu sang. Tên cô ấy là Cô, nhưng cái gì là của cô ấy? Tên anh ta là Anh, và anh ta cho rằng mọi thứ đều thuộc về mình.)

Gender equality (tạm dịch: Bình đẳng giới)

Equality (tạm dịch: sự bình đẳng) là khái niệm thường xuyên được nhắc đến trong các chính sách xã hội, điều lệ hoạt động, và quy định của các tổ chức và công ty tại Mỹ. Bình đẳng giới mang ý nghĩa bình đẳng về quyền, trách nhiệm và cơ hội giữa các giới tính. Tuy nhiên, “bình đẳng” không có nghĩa là “giống nhau”, vì mỗi cá nhân cần có những hỗ trợ ở mức độ khác nhau để có thể cùng đạt được quyền, trách nhiệm, và cơ hội một cách bình đẳng với các cá nhân khác. Mình thường hình dung ra tủ kem ở siêu thị để giúp đơn giản hóa khái niệm này. Tầng cao nhất của tủ kem hay có nhiều vị kem đa dạng vì ít ai với tới. Vậy để thể hiện tính bình đẳng trong cơ hội chọn lựa vị kem, siêu thị cần có một cái ghế/thang để những người có chiều cao thấp hơn có thể leo lên và chọn lấy vị kem theo mong muốn của mình. Tính bất bình đẳng là khi siêu thị mặc kệ những khách hàng như vậy. 

Obliteration (tạm dịch: Sự xóa sổ)

Chương năm của quyển sách có lẽ là chương mình ấn tượng nhất về tính hình tượng hóa địa vị người phụ nữ, qua những lời miêu tả của tác giả về bức minh họa một người phụ nữ uyển chuyển phơi tấm ga trải giường trong một cơn gió mạnh. Tấm ga giường bị gió thổi trùm lên thân thể cô, để lại một dáng dấp mờ nhạt không rõ nét. Tấm ga giường được Solnit ví như biểu tượng của nền công nghiệp hóa, của nghề dệt vải, của một lưới nhện sẵn sàng cuốn lấy số phận và cuộc đời người phụ nữ. Câu chuyện của cô, một người vợ, người mẹ, hay người bà vô danh sẽ biến mất hoàn toàn theo năm tháng, theo sự loại bỏ tên cô ra khỏi gia phả của những dòng dõi đích tôn lưu truyền đời này qua đời khác.

“She struggles with the forces that would tell her story for her, or write her out of the story, the genealogy, the rights of man, the rule of law. The ability to tell your own story, in words or images, is already a victory, a revolt.” [8] (tạm dịch: Cô đấu tranh chống lại những thế lực đòi kể câu chuyện của cô ấy cho chính cô ấy nghe, hoặc loại bỏ cô ấy ra khỏi bức tranh, gia phả, nhân quyền, pháp quyền. Khả năng kể lại câu chuyện của riêng mình, bằng lời nói hay hình ảnh, đã hẳn là một chiến thắng, một cuộc nổi dậy.)

CC1 - 2.jpg

Credibility (Tạm dịch: Sự uy tín)

Sự uy tín của lời nói, ý kiến, tiết lộ từ nữ giới được Solnit sử dụng như một sợi chỉ mỏng manh nối các chương sách lại với nhau. Mình đồng cảm với những dòng phê bình của tác giả về thuyết phân tâm của Sigmund Freud, nhất là việc phủ nhận uy tín lời tiết lộ của phái nữ trong trị liệu tâm lý. Sự tập trung quá nhiều của Freud vào vòng xoáy lý thuyết xung động vô thức và xung năng tính dục làm lu mờ đi những bất công, cưỡng bức mà người phụ nữ phải chịu đựng từ xã hội bên ngoài. Freud thậm chí còn kết luận rằng, chính phụ nữ tưởng tượng ra và khao khát những hành vi lạm dụng tình dục mà họ than phiền với ông [9]. Nhận định sai lệch này đã góp phần không nhỏ vào sự phủ định tính đáng tin của những lời kêu cứu, tố cáo từ phụ nữ, vùi dập họ trong sự câm lặng và tuyệt vọng.

Sexual entitlement (tạm dịch: Quyền chiếm đoạt tình dục)

Tác giả Solnit lần đầu biết đến cụm từ sexual entitlement trong một báo cáo nghiên cứu của BBC về nạn cưỡng dâm tại châu Á. Nghiên cứu kết luận rằng, một trong những động cơ chính của tội danh cưỡng dâm tại đây là nhận định của người đàn ông cho rằng họ có quyền giao cấu với phụ nữ bất chấp ý kiến của cô ấy. 

Cũng liên quan đến tệ nạn này là khái niệm rape culture (tạm dịch: văn hóa cưỡng dâm) tiếp tục tràn lan thông qua việc sử dụng ngôn ngữ đầy định kiến về phụ nữ, biến cơ thể họ thành món hàng và tán dương bạo lực tình dục, tạo ra một xã hội coi thường nhân quyền và sự an toàn của phụ nữ [10]. Nếu xã hội bạn đang sống khiến bạn phải lo nghĩ phải mặc đồ sao để không bị trêu ghẹo, hãm hiếp, bị gọi là “đĩ”, thì chắc bạn nên biết về phong trào Slutwalk tại nhiều quốc gia trên thế giới và những khẩu hiệu như “Don’t tell us how to dress. Tell men not to rape” [11] (tạm dịch: Đừng  bảo chúng tôi phải ăn mặc như thế nào. Hãy bảo đàn ông đừng hiếp dâm nữa).

#YesAllWomen

“Sure #NotAllMen are misogynists and rapists. That’s not the point. The point is that #YesAllWomen live in fear of the ones that are.” [12] (tạm dịch: Công nhận #KhôngphảiTấtcảĐànông đều có thành kiến chống đối phụ nữ hoặc là tội phạm hiếp dâm. Nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề ở đây là #TấtcảPhụnữ đều phải sống trong sợ hãi vì tồn tại những kẻ như vậy.)

Men Explain Things to Me được viết ra không phải nhằm mục đích đả kích đàn ông, mà với mong muốn đem lại cái nhìn thấu đáo về những đàn áp về quyền con người và nhu cầu cơ bản nhất mà phụ nữ đã phải gánh chịu trong mọi khía cạnh của cuộc sống từ xưa đến nay, giữa ánh sáng tại xã hội của thế kỷ 21 này. Khi ngôn ngữ về nữ quyền được truyền đạt cho tất cả, tiếng nói của sự thật sẽ cất lên. Sự thật sẽ nói về nỗi sợ hãi, ám ảnh  bị cưỡng hiếp của nữ giới khi đi bộ một mình ngoài đường lúc trời tối. Sự thật sẽ tố giác những lần cơ thể phụ nữ bị đem ra làm trò chơi tiêu khiển và thỏa mãn dục tính của đàn ông. Sự thật, thẳng thừng nói với bất kỳ một người đàn ông nào trong cuộc đời bạn, rằng họ không có quyền sở hữu bạn hay đề nghị bạn làm theo ý họ. Sự thật, khiến bạn cảm thấy tức giận và đứng lên đấu tranh cho quyền được cảm thấy an toàn của mình. Chính quyền, pháp luật, xã hội có trách nhiệm bảo vệ quyền con người của bạn, đặc biệt là cải cách chính sách giáo dục, răn đe những mầm mống tội phạm, chứ không phải khuyên bạn đi học võ tự vệ, ra đường theo nhóm hay luôn mang theo vũ khí [13]. Sự im lặng, sẽ chỉ là một cái gật đầu chấp nhận sự lộng hành của những tội phạm này. 

“It’s time to slam the door shut to that era. And to open another door, through which we can welcome equality: between genders, among marital partners, for everyone in every circumstance.” [14] (tạm dịch: Đã đến lúc đóng sập cánh cửa thời đại lạc hậu đó lại, để mở ra một cánh cửa khác, nơi chúng ta có thể chào đón sự bình đẳng: giữa các giới tính, giữa những người bạn đời trong hôn nhân, cho tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh.)

Biên tập: Kathy Đỗ & Thoa Đinh

Minh hoạ: Giang Nguyễn

Nguồn tham khảo:

[1] “NYPL's Essential Reads on Feminism,” The New York Public Library, accessed October 31, 2020, https://www.nypl.org/essential-feminism?utm_source=linkedin.com

[2] Alice Gregory, "How Rebecca Solnit Became the Voice of the Resistance," The New York Times Style Magazine (2017), https://www.nytimes.com/2017/08/08/t-magazine/entertainment/rebecca-solnit-writer-resistance.html

[3] Rebecca Solnit, Men Explain Things to Me (Chicago, IL: Haymarket Books, 2014), 19

[4] Solnit, Men Explain, 7.  

[5] Solnit, Men Explain, 26.

[6] Solnit, Men Explain, 26.

[7] Solnit, Men Explain, 39-40.

[8] Solnit, Men Explain, 71.

[9] Judith Lewis Herman, Trauma and recovery: the aftermath of violence - from domestic abuse to political terror (New York, NY: BasicBooks, 1997) 

[10] Solnit, Men Explain, 130.

[11] Jessica Valenti, "SlutWalks and the future of feminism", The Washington Post (2011),

https://www.washingtonpost.com/opinions/slutwalks-and-the-future-of-feminism/2011/06/01/AGjB9LIH_story.html

[12] Solnit, Men Explain, 125.

[13] Solnit, Men Explain, 158
[14] Solnit, Men Explain, 60.

Thuỳ Nguyễn

Thạc sĩ Định hướng Nghề nghiệp và Tham vấn Tâm lý (MA in Guidance and Counseling) tại Mỹ

Previous
Previous

Kỹ Thuật Viên Tâm Lý: Vai Trò Của Tôi Là Gì? (phần 1)

Next
Next

Hành Trình 7 Năm Tìm Lại Bản Thân (phần 2)