Critical Reading: Đọc Bài Viết Khoa Học Với Tư Duy Phản Biện Và Những Ứng Dụng Đối Với Kỹ Năng Viết
Nếu bạn click vào bài viết này, nhiều khả năng bạn đang hoặc đã có trải nghiệm làm việc với các bài viết khoa học. Tùy thuộc vào tính chất công việc, bạn có thể phải đọc từ một đến hai nghiên cứu một tuần. Ví dụ, một nghiên cứu sinh tiến sĩ như tôi sẽ cần đọc ít nhất ba đến bốn nghiên cứu trong một ngày. Dù trải nghiệm của bạn là gì thì tôi nghĩ chúng ta sẽ cùng đồng ý rằng việc đọc chúng không hề đơn giản, đặc biệt là để thực sự đọc - hiểu và sử dụng lượng thông tin trong bài theo cách hiệu quả nhất. Mặc dù đều được dán nhãn “ khoa học” nhưng chất lượng của các bài viết nghiên cứu có thể chênh lệch một cách đáng kể vì một số tạp chí khoa học sẽ có tính xác thực cao hơn số khác. Bạn có thể đang thắc mắc: “Không phải chúng đều đã được bình duyệt (peer-reviewed) trước khi xuất bản sao? Như vậy thì làm sao mà chúng lại không đáng tin cậy cho được?” Câu trả lời ở đây là tuy những bài viết này đều đã được bình duyệt trước khi xuất bản nhưng chính công đoạn bình duyệt này từ lâu đã chịu nhiều chỉ trích trong giới xuất bản báo khoa học. Bài viết này sẽ không phân tích chi tiết về vấn đề nêu trên, nhưng quá trình bình duyệt có một số khuyết điểm như chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên kiến cá nhân của người bình duyệt hay sự thiếu nhất quán về chất lượng [1].
Vậy câu hỏi ở đây là làm thế nào để đảm bảo rằng ta đã nhận định một cách chính xác giá trị của nghiên cứu và sử dụng nó để thu nạp thông tin; nói cách khác thì làm thế nào chúng ta có thể dùng tư duy phản biện nhiều hơn khi đọc? Để thực hành kỹ năng này, đầu tiên người đọc cần hiểu “đọc có suy xét” là gì. Trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, đặc biệt là tâm lý học, thông thường không tồn tại câu trả lời “đúng” hoặc “sai”. Những gì bạn đọc trong tài liệu nghiên cứu khoa học thường là quan điểm hoặc góc nhìn của một hoặc một nhóm tác giả đưa ra cùng những luận điểm và chứng cứ của họ về một chủ đề cụ thể. Nhiệm vụ của bạn với tư cách là một người đọc là sử dụng khả năng phản biện để phân tích lối viết và điểm mạnh yếu trong dẫn chứng của tác giả; sau đó là tạo dựng quan điểm riêng về câu hỏi đề cập đến trong nghiên cứu. Nói đơn giản thì bạn không nên tiếp nhận một cách thụ động. Hiện tại, nếu bạn nghĩ rằng bản thân chưa có kỹ năng suy xét này thì tin tốt là bạn hoàn toàn có thể dễ dàng phát triển kỹ năng này bằng cách rèn luyện nó thường xuyên.
Nếu bạn đang băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu, dưới đây là một vài gợi ý mà bạn có thể cân nhắc. Tuy bài viết tập trung vào các bài viết khoa học trong Tâm lý học lâm sàng, nó cũng có thể áp dụng cho các lĩnh vực khác. Ngoài ra, hãy nhớ rằng đây không phải là một cẩm nang hoàn chỉnh mà chỉ là một kim chỉ nam giúp bạn xuất phát (và đương nhiên đừng quên đọc chúng với một tư duy phản biện!).
1. Chọn lựa nguồn thông tin
Đối với đa số người làm nghiên cứu, đây gần như là một bước tự động. Nhưng với những người mới, làm thế nào để bạn có thể chọn lọc tài liệu, thông tin? Đầu tiên, nguồn gốc tư liệu là một điểm quan trọng cần chú ý. Đừng chỉ lấy thông tin trên mạng rồi trích dẫn nó như thể đó là bằng chứng thực nghiệm. Cá nhân tôi thường ưu tiên những báo cáo được đăng trên tạp chí có ảnh hưởng lớn. Những bài nghiên cứu này thường được viết và bình duyệt bởi các chuyên gia trong ngành và cung cấp cho bạn thông tin về những tranh luận đương thời hay các câu hỏi còn đang bỏ ngỏ. Từ các bài viết này, bạn có thể tìm được những báo cáo quan trọng khác trong lĩnh vực ấy và bắt đầu nghiên cứu dựa theo mục đích cá nhân. Một vài tạp chí khoa học uy tín trong Tâm lý học lâm sàng bao gồm “Psychological Bulletin”, “Journal of Abnormal Psychology”, “Annual Review of Clinical Psychology”.
Một điểm khác cần lưu ý trước khi đọc tài liệu chính là liệu câu hỏi được đưa ra có hay và hợp lý không. “Hay” ở đây là liệu bài nghiên cứu có đặt ra một câu hỏi mở ra được những thông tin mới và thú vị cho chúng ta hay không. Điều này có vẻ hiển nhiên nhưng vẫn còn rất nhiều nghiên cứu sử dụng các câu hỏi đã có từ lâu để tăng cơ hội được đăng trong các tạp chí khoa học. Nếu như phần tóm tắt (abstract) của bài không bổ sung cho bạn kiến thức mới thì có lẽ bạn nên xem xét lại trước khi bỏ thời gian đọc kỹ hơn.
2. Những dẫn chứng có đủ tốt để hỗ trợ cho kết luận của tác giả không?
Một điểm nữa bạn có thể suy xét khi đọc một báo cáo khoa học là những luận cứ của tác giả. Nếu như họ sử dụng dẫn chứng chặt chẽ làm cơ sở cho lập luận của mình , bạn nên cân nhắc chúng khi hình thành quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, nếu họ đưa ra những bằng chứng thiếu nhất quán, và lập luận dựa trên những bằng chứng không chặt chẽ, bạn nên đặt dấu hỏi về tính chuẩn xác của chúng. Bằng chứng được xem là không chặt chẽ nếu không rõ mối liên hệ với câu hỏi nghiên cứu hoặc được thực hiện trên một nhóm dân số quá nhỏ và cụ thể. Dù có theo cách nào bạn cũng cần sẵn sàng sử dụng tư duy phản biện để đánh giá và hình thành ý kiến cá nhân. Việc tìm ra những hạn chế trong dẫn chứng mang lại nhiều lợi thế và một trong số đó là việc bạn có thể sử dụng chúng để xây dựng nghiên cứu của riêng mình, từ đó bổ sung những thông tin mới và giá trị cho kho tri thức hiện thời.
3. Các phương pháp được sử dụng có phù hợp để trả lời cho câu hỏi đưa ra?
Dù bạn đang đọc nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính hay định lượng thì việc kiểm tra độ phù hợp của phương pháp nghiên cứu là luôn luôn cần thiết để trả lời câu hỏi nghiên cứu. Ví dụ nhụ như nếu tác giả áp dụng phân tích tương quan để tìm hiểu nguyên nhân của các bệnh béo phì sẽ không phù hợp. Chỉ có nghiên cứu dọc (longitudinal research) mới cho phép chúng ta rút ra được kết luận.
4. Liệu tác giả có diễn giải kết quả chính xác?
Tôi hiểu rằng nhà tâm lý học không phải là chuyên gia phân tích thống kê. Đa số người ngoài ngành không biết rằng phân tích thống kê đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu tâm lý. Tuy vậy, rất đáng tiếc là phần lớn chúng ta không có được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng này, dẫn tới kết quả đôi khi được kết luận thiếu chính xác, đặc biệt trong những phân tích phức tạp. Với vai trò người đọc, hãy cẩn thận chú ý đến cách tác giả trình bày và giải nghĩa các thông số. Những người chưa có hoặc có ít kinh nghiệm với phân tích thống kê có thể bắt đầu bằng việc xem xét các tiêu chí tác giả sử dụng để đánh giá kết quả. Chú ý tới hướng kết quả đã quan sát được của mẫu nghiên cứu và cẩn thận hơn với những kết quả gần đáng kể (ví dụ, tác giả báo cáo mức độ đáng kể của kết quả nghiên cứu ở .045 khi tiêu chí đặt ra là .05).
5. Mẫu nghiên cứu có thực sự “tốt”?
Bạn luôn luôn cần chú ý tới nhóm người tham gia trong mọi nghiên cứu. Hãy tưởng tượng nhé - có ai đó đưa ra một lời khẳng định rằng kết quả của họ có thể áp dụng cho tất cả mọi người trong khi nghiên cứu của họ chỉ dựa trên 20 người, đều thuộc 1 nhóm dân số quá cụ thể (ví dụ những cá nhân với 1 bệnh lý hiếm gặp). Bạn có nên tin họ không? Câu trả lời là bạn nên hoài nghi. Tôi không nói rằng những nghiên cứu dựa trên nhóm nhỏ thì không có giá trị - chúng đương nhiên có. Tuy nhiên, kết quả từ những nghiên cứu như thế này cần được diễn giải thật cẩn trọng trước khi được tái kiểm định với một nhóm lớn và có tính đại diện cao hơn. Bạn cũng nên để tâm tới bất kì yếu tố khiến nhóm nghiên cứu không còn khách quan (biased). Ví dụ, thiếu niên từ các trường tư sẽ không thể đại diện cho tất cả thiếu niên đồng trang lứa vì các em có nhiều khả năng đến từ gia đình có thu nhập cao hơn so với các em khác. Chính vì thế, một nghiên cứu sử dụng nhóm này để tìm hiểu ảnh hưởng của trạng thái kinh tế xã hội đến sức khỏe tâm lý có thể sẽ không phải là nghiên cứu có tính đại diện cao nhất.
Từ đọc có phản biện đến viết có phản biện
Hãy nhớ rằng bài viết của bạn sẽ là bài đọc của ai đó, có thể là các giáo sư, sinh viên hay người đọc vô danh bất kỳ tại hội nghị hay trên mạng, v.v. Bình thường thì mọi người sẽ mong bài viết của họ sẽ được tiếp nhận như là nguồn cung cấp thông tin rõ ràng và thuyết phục. Để đạt được điều này, một kỹ năng mà ngay bản thân tôi cũng đang luyện tập là kỹ năng tự phản biện chính mình. Khi bạn viết một bài luận hay tài liệu nghiên cứu, nếu bạn có thể đặt ra cho bản thân tất cả những câu hỏi mà bạn sẽ hỏi các tác giả khác khi đọc nghiên cứu của họ thì nó sẽ giúp bạn tránh các lỗi cơ bản và cải thiện khả năng viết một cách đáng kể. Tôi sẽ để ở đây một vài câu hỏi cho lần tới bạn viết gì đó mang tính khoa học hoặc kể cả những bài viết chung chung: “Mình có đang viết gì đó mới mẻ và hữu ích?” “Mình đã xây dựng một cấu trúc tư duy hợp lý cho các luận điểm của mình chưa?” “Luận cứ của mình đã đủ chặt chẽ và được ủng hộ bởi các nghiên cứu khác trong ngành chưa?”, “Mình đã xem xét cả hai phía của sự việc chưa?” và rất nhiều câu hỏi khác. Cho tôi biết những câu hỏi của bạn trong phần bình luận nhé!
Dịch: Chính Nguyễn & Thuỳ Anh
Biên tập: Thuỳ Anh
Thiết kế: El Ei
Nguồn tham khảo:
[1] Smith, R. (2006). Peer review: a flawed process at the heart of science and journals. Journal of the royal society of medicine, 99(4), 178-182.
[2] Wallace, M., & Wray, A. (2021). Critical reading and writing for postgraduates. Sage.