Giới Thiệu Về Tâm Thần Phân Liệt

hero.jpg

Mức độ phổ biến

0,7% số người trên thế giới được chẩn đoán có tâm thần phân liệt. Hầu hết được chẩn đoán trong khoảng thời gian từ đầu độ tuổi thiếu niên đến cuối độ tuổi vị thành niên. Theo thống kê, nam giới dễ có tâm thần phân liệt hơn nữ giới [1].

Các triệu chứng

Để được chẩn đoán tâm thần phân liệt, một người cần biểu hiện ít nhất hai trong số các triệu chứng này, ít nhất một triệu chứng là hoang tưởng / ảo giác / lời nói thiếu trật tự, trong suốt phần lớn thời gian kéo dài một tháng [2].

  1. Ảo tưởng: Ảo tưởng là niềm tin sai lệch rằng điều gì đó chắc chắn là thực, mặc dù thực tế hoàn toàn trái ngược. Không phải tất cả những người sống chung với tâm thần phân liệt đều có biểu hiện ảo tưởng. Tuy nhiên, nhiều người có tâm thần phân liệt sẽ trải qua ảo tưởng. Một trong những triệu chứng nổi bật nhất của tâm thần phân liệt là ảo tưởng rằng họ bị kiểm soát hoặc theo dõi bởi một tác nhân bên ngoài (ví dụ: người ngoài hành tinh, chính phủ) [1], [2].

  2. Ảo giác: là sự xuất hiện của các thông tin giác quan khi không có bất kỳ tác nhân kích thích nào. Những người có tâm thần phân liệt thường cho biết họ có thể nghe thấy những âm thanh và tiếng động mà những người khác không nghe thấy (ảo thanh). Các giọng nói có thể được cho là của bạn bè, người quen và thậm chí thần, quỷ [1], [2].

  3. Lời nói thiếu trật tự (như thường xuyên nói sai chủ đề hoặc không mạch lạc): nói không rõ ràng, tự tạo những từ ngữ người khác không thể hiểu được [1], [2].

  4. Hành vi hoàn toàn vô tổ chức hoặc ở trong trạng thái bất động: không thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày, không thể cử động/nói năng (catatonic behaviour) [1], [2].

  5. Các triệu chứng bớt (như giảm biểu hiện cảm xúc hoặc mất sự chủ động và động lực làm các nhiệm vụ hằng ngày): thiếu vắng hoặc khó thực hiện các hoạt động ngày thường [1], [2]. 

Ảo tưởng, ảo giác, lời nói và hành vi vô tổ chức là những triệu chứng dương tính vì chúng bổ sung vào hành vi bình thường. Mặt khác, các triệu chứng âm tính có nghĩa là các triệu chứng này báo hiệu sự thiếu vắng các hành vi hay hoạt động bình thường [1]. Ngoài ra, tâm thần phân liệt cũng đi kèm với rối loạn chức năng nhận thức, từ đó ảnh hưởng đến trí thông minh, chức năng điều hành của não, sự chú ý, trí nhớ ngắn hạn, v.v. [9]. Các triệu chứng này khác nhau ở mỗi người và có thể ảnh hưởng đến việc học hành, việc làm và lối sống của người có tâm thần phân liệt [1], [10].

Các yếu tố rủi ro

risk factors.jpg

1. Di truyền và sinh học

  • Do di truyền: những người có thành viên trong gia đình có triệu chứng tâm thần phân liệt thì khả năng bản thân họ xuất hiện triệu chứng tâm thần phân liệt sẽ cao hơn. Tuy nhiên, vì sự góp phần của di truyền vào xác suất có tâm thần phân liệt rất phức tạp, nên không phải tất cả những ai có thành viên trong gia đình có tâm thần phân liệt đều sẽ được chẩn đoán tương tự [1], [3].

  • Phơi nhiễm trước khi sinh

    • Nhiễm virus: nếu người mẹ bị nhiễm trùng khi mang thai, đứa trẻ sinh sẽ có khả năng có tâm thần phân liệt cao hơn [5], [8].

    • Tương kỵ Rhesus: nếu người mẹ có nhóm máu Rh+ mang thai nhi Rh- (hoặc ngược lại), thì nguy cơ có tâm thần phân liệt có thể tăng [1].

    • Các biến chứng khi mang thai và khi sinh: quá trình mang thai và sinh nở có thể gặp rất nhiều biến chứng liên quan đến tâm thần phân liệt [1], [7].

    • Thiếu dinh dưỡng sớm: thai nhi suy dinh dưỡng sẽ dễ có tâm thần phân liệt [1], [8].

    • Căng thẳng ở người mẹ: nếu người mẹ bị căng thẳng tột độ khi mang thai ba tháng đầu tiên hoặc ba tháng thứ hai, trẻ sinh ra có nhiều khả năng có tâm thần phân liệt [1].

2. Bất thường về cấu trúc, chức năng não và suy giảm nhận thức: các nghiên cứu cho thấy người có tâm thần phân liệt có tiền sử IQ thấp hơn bình thường, có vấn đề về cảm xúc, chậm phát triển, có điểm bất thường về não, v.v. [5], [6].

3. Yếu tố tâm lý xã hội và văn hóa

  • Môi trường gia đình: Mặc dù môi trường gia đình không gây ra tâm thần phân liệt nhưng nó là một yếu tố rủi ro nếu bạn vốn có nguy cơ di truyền. Những cá nhân có nguy cơ di truyền sống trong môi trường gia đình không lành mạnh dễ dẫn đến tâm thần phân liệt hơn những cá nhân có nguy cơ di truyền sống trong môi trường gia đình lành mạnh. Ngoài ra, việc một thành viên trong gia đình có tâm thần phân liệt có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ tương quan trong gia đình [1].

  • Nhập cư: Theo thống kê, những người mới nhập cư có khả năng có tâm thần phân liệt cao hơn [1], [5].

  • Sống ở thành thị: Sống ở thành thị làm tăng nguy cơ có tâm thần phân liệt [1], [5].

  • Sử dụng và lạm dụng cần sa / ma túy: Những người sử dụng các chất kích thích thường xuyên trong độ tuổi thanh thiếu niên có nhiều khả năng có triệu chứng tâm thần phân liệt. Những người có tâm thần phân liệt có khả năng sử dụng cần sa cao gấp đôi bình thường [1], [5].

Điều trị

1. Thuốc chống loạn thần (antipsychotics): giúp kiểm soát các triệu chứng tích cực. Tuy nhiên, chúng đi kèm với các tác dụng phụ như buồn ngủ, khô miệng, tăng cân và tác dụng phụ ngoại tháp (extrapyramidal) - xuất hiện những cử động bất thường, không tự chủ (co thắt cơ, cứng khớp, run rẩy). Có thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất, thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai và thuốc chống loạn thần thế hệ thứ ba; mỗi loại đều có ưu và nhược điểm riêng [1], [4].

Không phải tất cả người có tâm thần phân liệt đều có thể cải thiện nhờ thuốc chống loạn thần. Nhiều cá nhân phải dùng thuốc chống loạn thần trong nhiều năm hoặc suốt đời và phải chịu các tác dụng phụ [1].

2. Phương pháp trị liệu tâm lý-xã hội (psychosocial approach)

  • Liệu pháp gia đình: Nhà trị liệu làm việc với người có tâm thần phân liệt và gia đình họ để giáo dục họ về tâm thần phân liệt, kỹ năng đối phó và giao tiếp giữa người có tâm thần phân liệt và gia đình [1].

  • Quản lý hồ sơ: Người quản lý hồ sơ giúp người có tâm thần phân liệt tìm kiếm các dịch vụ cho nhu cầu của họ (ví dụ: nhà ở) [1].

  • Đào tạo kỹ năng xã hội: Cùng với thuốc, việc đào tạo kỹ năng xã hội giúp người có tâm thần phân liệt học lại các kỹ năng xã hội, kỹ năng quan hệ để sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày của họ, hình thành và giữ các mối quan hệ, kiếm việc làm, v.v. [1].

  • Khắc phục nhận thức: Giúp người có tâm thần phân liệt đối phó với các vấn đề nhận thức đi kèm với tâm thần phân liệt [1].

  • Điều trị riêng lẻ: Kết hợp các thành phần điều trị khác nhau, tuỳ thuộc vào giai đoạn phục hồi của người có tâm thần phân liệt. Giúp họ tìm hiểu các kỹ thuật và kỹ năng đối phó (ví dụ: cách đối phó với căng thẳng, nhận biết các dấu hiệu tái phát) [1].

3. Nhập viện: với những trường hợp nặng (người có rối loạn không thể tự chăm sóc được cho bản thân) thì cần nhập viện để giữ gìn vệ sinh, an toàn, ăn ngủ và dinh dưỡng hợp lý cho họ [1]

Biên tập: Thùy Anh Nguyễn 

Biên dịch: Bảo Trân 

Thiết kế: Trâm Nguyễn

Nguồn tham khảo: 

[1] Hooley, J.M., Butcher, J. N., Nock, M. K. & Mineka, S. (2017). Abnormal Psychology (17th ed.). Boston: Pearson.

[2] Tandon, Rajiv, Wolfgang Gaebel, Deanna M. Barch, Juan Bustillo, Raquel E. Gur, Stephan Heckers, Dolores Malaspina et al. "Definition and description of schizophrenia in the DSM-5." Schizophrenia research 150, no. 1 (2013): 3-10.

[3] Vereczkei, Andrea, and Karoly Mirnics. "Genetic predisposition to schizophrenia: what did we learn and what does the future hold." Neuropsychopharmacol Hung 13, no. 4 (2011): 205-210.

[4] Maric, Nadja P., Milica J. Jovicic, Marina Mihaljevic, and Cedo Miljevic. "Improving current treatments for schizophrenia." Drug development research 77, no. 7 (2016): 357-367.

[5] Stilo, Simona A., and Robin M. Murray. "Non-genetic factors in schizophrenia." Current psychiatry reports 21, no. 10 (2019): 1-10.

[6] Keshavan, Matcheri S., Guusje Collin, Synthia Guimond, Sinead Kelly, Konasale M. Prasad, and Paulo Lizano. "Neuroimaging in schizophrenia." Neuroimaging Clinics 30, no. 1 (2020): 73-83.

[7] Buka, Stephen L., Ming T. Tsuang, E. Fuller Torrey, Mark A. Klebanoff, David Bernstein, and Robert H. Yolken. "Maternal infections and subsequent psychosis among offspring." Archives of general psychiatry 58, no. 11 (2001): 1032-1037.

[8] Jones, Peter B., Paula Rantakallio, Anna-Liisa Hartikainen, Matti Isohanni, and Pirkko Sipila. "Schizophrenia as a long-term outcome of pregnancy, delivery, and perinatal complications: a 28-year follow-up of the 1966 north Finland general population birth cohort." American Journal of Psychiatry 155, no. 3 (1998): 355-364.

[9] Simpson, E. H., Kellendonk, C., & Kandel, E. “A possible role for the striatum in the pathogenesis of the cognitive symptoms of schizophrenia”. Neuron 65, no. 5 (2010): 585-596.

[10] Hakulinen, C., McGrath, J. J., Timmerman, A., Skipper, N., Mortensen, P. B., Pedersen, C. B., & Agerbo, E. “The association between early-onset schizophrenia with employment, income, education, and cohabitation status: nationwide study with 35 years of follow-up”. Social psychiatry and psychiatric epidemiology 54, no. 11 (2019): 1343-1351.



Previous
Previous

Quá Trình Hình Thành Bản Sắc Ở Giới Trẻ: Tác Dụng Trái Chiều Của Các Mối Quan Hệ, Cộng Đồng Và Giới Tính

Next
Next

Critical Reading: Đọc Bài Viết Khoa Học Với Tư Duy Phản Biện Và Những Ứng Dụng Đối Với Kỹ Năng Viết