Ảnh Hưởng Của Khác Biệt Văn Hoá Tới Sức Khoẻ Tâm Thần: Nghiên Cứu Trên Du Học Sinh Tại Úc

hero-banner.png

“Bạn định sang Úc/Canada/Mỹ/Anh du học hả?”

Đây là một câu hỏi đã quá quen thuộc đối với các bạn du học sinh. Có thể một trong những lý do câu hỏi này luôn xuất hiện là vì, đối với một số người, thật khó tưởng tượng việc rời xa những gì thân thuộc để đến một nơi cách xa hàng chục nghìn cây số mà không hề quen biết bất cứ ai. Tuy nhiên, nghĩ về một khởi đầu mới tại một đất nước phát triển với những con người thân thiện cởi mở có thể sẽ giúp bạn cảm thấy phấn chấn hơn.

Nếu bạn từng nói chuyện với du học sinh, đặc biệt trong thời gian đầu, rất có thể bạn ấy sẽ nói rằng trên thực tế, thường gây thất vọng. Những điều đã nêu trên có thể cho bạn một cảm giác tự do như chưa từng có trước đây; đi kèm với sự tự do đó là một cảm giác ngột ngạt, khó thở. Bạn sẽ bắt đầu nhớ nhà. Rồi cảm thấy như thể bạn bị cuốn vào một vòng xoáy không lối thoát. Ngay cả khi bạn chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ, ít nhất theo kinh nghiệm của mình, thì mọi người thường sẽ chỉ đáp trả rằng "mọi thứ rồi sẽ ổn thôi", "bạn rất may mắn để được du học đấy; nên cứ tận hưởng đi."

Nhưng rồi dần dần, bạn học cách thích nghi với môi trường mới, thường là với sự giúp đỡ của những người bạn mới và các mạng lưới hỗ trợ khác. 

Từ đó, những cảm giác tiêu cực sẽ biến mất theo thời gian.

Giai đoạn chuyển tiếp không phải là một quá trình dễ dàng, đặc biệt là đối với việc đối phó với áp lực khó khăn tài chính gia tăng, rào cản ngôn ngữ, sự cô lập xã hội, những điều cấm kỵ về văn hóa, và kỳ vọng [1].

Nếu bạn đã thích nghi thành công thì bạn chắc hẳn đã trải qua bốn giai đoạn của sốc văn hoá - tuần trăng mật, lo lắng, điều chỉnh, và chấp nhận - thường kéo dài khoảng một năm rưỡi, khiến học sinh có thể phải trải nghiệm một cuộc sống du học không như mong đợi [2]. Trong một số trường hợp, những cảm giác tiêu cực sẽ luôn ở đó. Tác động của nó sẽ dần hiện thân thành vấn đề sức khỏe tâm thần. 

Tuyển sinh du học sinh châu Á vào đại học ở Úc, theo quốc tịch, thống kê từ (Ferguson, 2019) bởi (Nguyễn, 2020)

Tuyển sinh du học sinh châu Á vào đại học ở Úc, theo quốc tịch, thống kê từ (Ferguson, 2019) bởi (Nguyễn, 2020)

Sự suy giảm sức khỏe tâm thần

Điều đáng buồn là trong một số nghiên cứu trên du học sinh ở Úc đã cho thấy trải nghiệm suy giảm sức khỏe tâm thần đã quá quen thuộc với phần lớn trong 693,750 du học sinh Úc tính đến tháng 12 năm 2018 [3]. Du học sinh chiếm 22% số lượng tuyển sinh đại học, trong số đó 80% đến từ châu Á nói chung, và gần như 4% từ Việt Nam nói riêng [4]. Du học sinh tuy đã được xác định là nhóm có nguy cơ cao về các vấn đề sức khỏe tâm thần, nhưng sức khỏe tầm thần của du học sinh thường không được đề cập tới mặc dù họ đóng góp khoảng 32,4 tỷ đô-la hàng năm cho nền kinh tế Úc [5].

Do sự thay đổi nhanh chóng của môi trường xã hội trong thời đại kỹ thuật số, các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi do các mối quan hệ cá nhân và xã hội không ổn định, theo giải thích của Tiến sĩ Forbes-Mewett thuộc Đại học Monash (2019) [6]. Tương tự, vấn đề này cũng do những khó khăn trong việc điều hướng môi trường xã hội xa lạ [7]. Một báo cáo của Bupa, một công ty chăm sóc sức khoẻ đa quốc gia, lấy dữ liệu từ hơn 12.000 người cũng ủng hộ nhận định này. Cụ thể là so với người trưởng thành ở Úc, du học sinh thường báo cáo mức độ hài lòng cuộc sống thấp hơn đến hai lần và có nguy cơ trầm cảm cao hơn [8].

Tại sao? 

Tiến sĩ Forbes-Mewett (2019) giải thích rằng ngoài nội tiết tố và các yếu tố xã hội gây căng thẳng, du học sinh phải chịu những khó khăn đặc biệt do sự khác biệt về văn hóa bao gồm các vấn đề về học thuật, rào cản ngôn ngữ, khó khăn về tài chính, và thiếu sự hỗ trợ xã hội và/hoặc sự chấp thuận [9].

Những yếu tố gây căng thẳng mặc dù không có vẻ nghiêm trọng, nó có thể rất khó để đối phó. Nhiều du học sinh đã cho biết họ trải nghiệm sự khác biệt văn hóa trong nhiều khía cạnh như trong thực phẩm, giọng điệu, đặc điểm ngôn ngữ, phong tục, vệ sinh, và khí hậu [10].

Hơn cả những sự khác biệt bề nổi

Untitled_Artwork 2.png

Văn hóa thường được cho là yếu tố chịu trách nhiệm cho sự hình thành danh tính của mỗi người. Nó đóng vai trò chính chi phối sự tự tin vào bản thân và khả năng đối phó với những tình huống khó khăn [11].

Thường không xuất hiện trong các nền văn hóa châu Á, sự quyết đoán và chủ nghĩa cá nhân trong giá trị phương Tây lại rất cần thiết cho sự thành công trong học tập và xã hội [12]. Vì chủ nghĩa tập thể, tính hoà hợp, sự tuân thủ, và độ tin cậy được đánh giá cao trong nhiều nền văn hóa châu Á, du học sinh châu Á thường từ chối một số giá trị đối lập của phương Tây, dẫn đến chủ nghĩa vị chủng - khuynh hướng coi dân tộc mình là hơn cả [13].

Để hiểu rõ hơn về tác động của sự khác biệt văn hóa đối với sức khỏe tinh thần đang xấu đi của du học sinh, Mewett và Sawyer (2011) đã xác định ba nhóm yếu tố gây ra lo âu:

    • Kinh nghiệm thực hành học thuật mới, 

    • Các kỹ năng thực tế cần thiết cho cuộc sống hàng ngày tại Úc, 

    • Và xu hướng tránh tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp cho các vấn đề sức khỏe tâm thần [14].

Những yếu tố nội sinh này rất giống với những yếu tố được xác định bởi Furnham (2004), người mà cũng đề cập tới vai trò của các yếu tố ngoại sinh, bao gồm cảm giác mất mát (đối với gia đình và bạn bè), mặc cảm, và sự thiếu chắc chắn [15].

Văn hóa học tập khác biệt

Untitled_Artwork.png

Hầu hết học sinh thể hiện sự ưa thích rõ ràng đối với giáo dục của Úc. Nhiều hệ thống giáo dục quốc gia của các nước châu Á từ lâu đã nổi tiếng là "cực kỳ khó khăn, dữ dội nhưng thường cho kết quả cao", quan tâm nhiều hơn vào việc ghi nhớ và học vẹt [16]. Ngược lại, hệ thống giáo dục của Úc áp dụng phong cách dạy học sinh tự tìm cách giải quyết vấn đề, thường sử dụng các cuộc thảo luận với sự hướng dẫn từ thầy cô. Sự khác biệt về văn hóa này được chào đón, tuy nhiên, nó không có lợi cho du học sinh do họ thường không tham gia phát biểu trong các cuộc thảo luận [17]. Học sinh cũng đã cho biết họ thường gặp khó khăn, đặc biệt là với việc viết luận và từ bỏ thói quen dùng kính ngữ đối với giáo viên người phương Tây như họ thường làm với giáo viên người châu Á.

Ngôn ngữ tiếng Anh cũng là một thách thức cho nhiều học sinh. Từ lâu, rào cản ngôn ngữ đã là trở ngại lớn trong trải nghiệm giao lưu văn hóa của du học sinh và người bản địa. Hơn nữa, giọng Úc được cho là hơi khó hiểu; kết hợp với sự thiếu kinh nghiệm sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học của những du học sinh tạo nên một hoàn cảnh dễ gây sốc văn hóa và hiểu lầm. Do đó, nhiều du học sinh không thể thể hiện rõ ràng ý kiến và nói rõ ý tưởng của mình trong lớp học, tìm kiếm sự giúp đỡ hay tương tác với các học sinh nói tiếng Anh khác, dẫn đến sự thất vọng dồn nén và kết quả học tập suy giảm.

Không may là những điều này có thể ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến cuộc sống, và thậm chí là đến mạng sống của du học sinh. Ví dụ như trường hợp của Zhikai Liu - một sinh viên đại học 24 tuổi - đã tự sát do trầm cảm và sự thất vọng, bực tức xuất phát từ việc anh không thể tiếp thu bài giảng trong các lớp học của mình tại Đại học Melbourne [18]. Lý do cho quyết định của Liu thật ra không phải là một ngoại lệ vì nhiều nghiên cứu khác về các vụ tự tử của học sinh đã xác định là nhận định về kết quả học tập được coi là lý do chính dẫn tới nguy cơ học sinh tìm đến tự tử [19].

Bên cạnh đó, học sinh cũng thường tự đặt ra áp lực để thành công trong học tập. Furnham (2004) cho rằng đây có thể là kết quả của việc du học sinh tự xem mình có vai trò là đại sứ quốc gia, khao khát vượt qua kỳ vọng của người khác [20].

Kết

Nhìn chung, những khó khăn của du học sinh châu Á thường không được báo cáo. Sự khác biệt về mặt văn hóa, môi trường học thuật, và sự kỳ thị xung quanh việc "tìm kiếm sự giúp đỡ" được cho là những yếu tố chính gây ra sự phiền muộn ở nhiều du học sinh, bên cạnh đó là việc mất đi sự quen thuộc và các vấn đề hàng ngày khác. Giờ thì điều quan trọng là tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để chúng ta có thể cải thiện tình trạng này? Có lẽ trước khi khởi hành, việc nghiên cứu kỹ lưỡng về quốc gia ‘chủ nhà’ mà bạn sắp tới hay đơn giản là chuẩn bị kỹ càng hơn cho cuộc sống ở nước ngoài - ví dụ như thông qua việc học các từ lóng của nước đó - chắc chắn sẽ rất hữu ích.

Biên tập: Tiên Trần & Thoa Đinh

Minh hoạ: Froggy

Nguồn:

[1] Furnham, Adrian. 2004. Review of Foreign Students Education and Culture Shock. The Psychologist 17 (1): 16–19.

[2] Xia, Junzi. 2009. “Analysis of Impact of Culture Shock on Individual Psychology.” International Journal of Psychological Studies 1 (2): 97. https://doi.org/10.5539/ijps.v1n2p97.

[3] “International Student Enrolment Data.” 2019. Internationaleducation.Gov.Au. 2019. https://internationaleducation.gov.au/research/International-Student-Data/Pages/default.aspx.

[4] “Overseas Students in Australian Higher Education: A Quick Guide – Parliament of Australia.” 2018. Aph.Gov.Au. 2018. https://www.aph.gov.au/About_Parliament/Parliamentary_Departments/Parliamentary_Library/pubs/rp/rp1819/Quick_Guides/OverseasStudents.  

[5] “Overseas Students in Australian Higher Education: A Quick Guide – Parliament of Australia.” 2018. Aph.Gov.Au. 2018. https://www.aph.gov.au/About_Parliament/Parliamentary_Departments/Parliamentary_Library/pubs/rp/rp1819/Quick_Guides/OverseasStudents.

[6] Forbes-Mewett, Helen. 2019. Review of Impact of Cultural Stressors on International Students’ Mental Health Interview by Thanh Nguyen.

[7] Forbes-Mewett, Helen. 2019. “Mental Health and International Students: Issues, Challenges and Effective Practice.” Research.Monash.Edu, July. https://research.monash.edu/en/publications/mental-health-and-international-students-issues-challenges-and-ef.

[8] “New Research Sheds Light on International Students’ Mental Health.” n.d. New Research Sheds Light on International Students’ Mental Health. Accessed August 27, 2020. https://media.bupa.com.au/new-research-sheds-light-on-international-students-mental-health/.

[9] Forbes-Mewett, Helen. 2019. Review of Impact of Cultural Stressors on International Students’ Mental Health Interview by Thanh Nguyen.

[10] Hamboyan, H, and A K Bryan. 1995. “International Students. Culture Shock Can Affect the Health of Students from Abroad.” Canadian Family Physician Medecin de Famille Canadien 41: 1713–16. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2146662/.

[11] Gao, Mobo. 2019. Review of Evaluation of Impact of Asian Cultural Values in Transition Process Interview by Thanh Nguyen.

[12] Lee, Ji-yeon, and Ayse Ciftci. 2014. “Asian International Students’ Socio-Cultural Adaptation: Influence of Multicultural Personality, Assertiveness, Academic Self-Efficacy, and Social Support.” International Journal of Intercultural Relations 38 (January): 97–105. https://doi.org/10.1016/j.ijintrel.2013.08.009.

[13] Saylag, Renan. 2014. “Culture Shock an Obstacle for EFL Learners.” Procedia - Social and Behavioral Sciences 114 (February): 533–37. https://doi.org/10.1016/j.sbspro.2013.12.742.

[14] Forbes-Mewett, Helen, and Anne-Maree Sawyer. 2011. “Mental Health Issues amongst International Students in Australia: Perspectives from Professionals at the Coal-Face.” Monash.Edu, 1–19. https://research.monash.edu/en/publications/mental-health-issues-amongst-international-students-in-australia-.

[15] Furnham, Adrian. 2004. Review of Foreign Students Education and Culture Shock. The Psychologist 17 (1): 16–19.

[16] Anonymous international year 12 students. 2020. Review of The International Student Transition Experience Interview by Thanh Nguyen.

[17] H, Cameron, and Kirkman C. n.d. Review of Managing Culture Shock for First Year International Students Entering Australian Universities. FYHE, 1–5.

[18] Shelton, Tracey. 2019. “‘They’d Have to Go Home as Failures’: Pressures to Succeed Driving International Students to Suicide.” ABC News, September 9, 2019. https://www.abc.net.au/news/2019-09-10/suicide-prevention-day-pressures-facing-international-students/11476938.

[19] Richardson, Angela S., Helen A. Bergen, Graham Martin, Leigh Roeger, and Stephen Allison. 2005. “Perceived Academic Performance as an Indicator of Risk of Attempted Suicide in Young Adolescents.” Archives of Suicide Research 9 (2): 163–76. https://doi.org/10.1080/13811110590904016.

[20] Furnham, Adrian. 2004. Review of Foreign Students Education and Culture Shock. The Psychologist 17 (1): 16–19.

Thanh Nguyễn

Chào mọi người, mình tên là Thanh. Mình đã sống ở Sài Gòn 15 năm trước khi cùng gia đình qua Úc định cư. Mình đã tham gia team của InPsychOut với mong muốn học hỏi thêm về tâm lý nói chung và sức khỏe tinh thần nói riêng. Mình rất hân hạnh được tham gia và gặp mọi người! Mong các bạn đọc giả sẽ enjoy content của IPO!  

Previous
Previous

Review Jimmy P. : Psychotherapy of a Plains Indian - 2013 

Next
Next

Theo đuổi hạnh phúc đích thực? Hãy trải nghiệm khóa học nổi tiếng “Khoa học về hạnh phúc” từ đại học Yale