Review Jimmy P. : Psychotherapy of a Plains Indian - 2013 

Copy of Untitled (20).png

Các bộ phim nhắc tới trị liệu tâm lý những năm gần đây đặc biệt nhiều và đa dạng về thể loại, bao gồm chính kịch, kinh dị, nhạc kịch, trinh thám....Với Jimmy P., mình hy vọng rằng thông qua cách mô tả hết sức chân thực về trị liệu tâm lý của một người Anh Điêng, chúng ta sẽ nhận ra tầm quan trọng của những hiểu biết về các yếu tố văn hóa xã hội của một người đối với việc hỗ trợ tâm lý cho họ. Ngoài ra, ta còn khám phá một số khắc họa sai lầm phổ biến về trị liệu tâm lý trên phim ảnh. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về Jimmy Picard - một cựu chiến binh Siksika (một bộ tộc cư trú ở Nam Alberta, Canada) và Georges Devereux - một người Do Thái gốc Hungary, cũng là một nhà nhân học rất quan tâm đến phân tâm học.

Tuy không trải qua thực chiến khi phục vụ quân ngũ tại Pháp nhưng Picard lại bị chấn thương đầu khi ngã khỏi thùng sau chiếc xe tải đang chạy. Khoảng 3 năm sau, khi thấy Picard chịu đựng loạt triệu chứng đau đầu, suy nhược, mù tạm thời không rõ nguyên nhân sinh lý và ngày càng trầm trọng, chị gái Gayle đã đưa em mình tới Bệnh viện ở Topeka - nơi giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm lý của các cựu chiến binh. Sau khi xác định Picard không có vấn đề thể chất, bệnh viện nhận ra họ không có khả năng cung cấp trị liệu cần thiết và gọi cho Devereux đến để bắt đầu công việc tập trung về mặt văn hóa với Picard.

Trải nghiệm nghiên cứu thực địa trước đó với nhóm người Mojave cho phép Devereux giải thích ý nghĩa tiềm ẩn của các biểu tượng văn hóa trong giấc mơ của Picard, và rộng hơn là thế giới quan Siksika, vì họ đều nằm trong số nhiều bộ lạc người Mỹ bản địa. Đối với họ, sức khỏe được xem xét một cách toàn diện. Vì vậy, sự chữa lành về tâm lý và tinh thần là điều kiện tiên quyết để chữa lành thể chất. Những nỗ lực hợp tác để giải quyết các vấn đề tâm lý đã mang đến một kinh nghiệm trọn vẹn và đầy sức sống cho cả hai. Họ tìm thấy điểm chung và một con đường để chữa lành thông qua việc tìm hiểu ký ức, phân tích giấc mơ và giải tỏa những áp chế bị chôn vùi từ lâu ở gốc rễ các vấn đề tâm lý của Picard. Từ đó, ta thấy được tính trung tâm của văn hóa trong quan niệm về sức khỏe/bệnh tật, và ý nghĩa của sự hiểu biết văn hóa trong trị liệu tâm lý.

Jimmy P. cũng nhấn mạnh tác động của các chấn thương lịch sử, đau buồn không được giải quyết giữa các thế hệ, và chấn thương cảm xúc thời thơ ấu. Tuy kinh nghiệm của Devereux - một người Do Thái ở Pháp đã sống qua thời kỳ diệt chủng kinh hoàng trong Thế chiến II, tương tự với cuộc tàn sát tổ tiên của Picard - hầu như không được nói đến, nhưng không khó để thấy rằng cả hai chia sẻ kinh nghiệm chung về chấn thương lịch sử và trải nghiệm đặc biệt về cảm giác của một người lạc lõng hoặc bị lưu đày đang đi tìm lại chính mình.

Chúng ta không xem Jimmy P. để thấy một trường hợp điển hình được giải quyết gọn gàng. Tâm trí của từng cá nhân đơn lẻ không giống một cánh cửa khóa đang chờ chìa khóa, mà giống như một mê cung chuyển động liên tục, và để tìm thấy một đường thoát không bao giờ là dễ dàng. Trong A Beautiful Day In The Neighborhood, Mister Rogers có nói: “I don’t think anybody can grow unless he really is accepted exactly as he is.” (tạm dịch: “Tôi không nghĩ một người có thể trưởng thành trừ khi người đó được chấp nhận đúng như con người thật của họ.”). Đạo diễn đã để Devereux đồng hành với Picard làm nhiệm vụ đó một cách chậm rãi và cẩn trọng, từ chối chủ nghĩa giật gân hoặc hồi hộp. Những phút ban đầu sẽ hơi rời rạc và có vẻ nhàm chán, nhưng hãy kiên nhẫn với 117 phút phim và bạn sẽ không hối hận đâu, bởi chính sự chậm rãi ấy mới truyền tải chân thật những tâm trạng, nhịp điệu và hình ảnh vô cùng độc đáo. 

Nguồn hình ảnh: nypost.com

Nguồn hình ảnh: nypost.com

Không những mô tả xuất sắc biến chuyển tâm lý của cá nhân, Jimmy P. còn góp phần gạt bỏ quan niệm sai lầm trên màn ảnh về chăm sóc sức khỏe tâm lý. Nhìn chung, việc phác họa quá trình trị liệu là một thách thức đối với các nhà làm phim. Có những phim mô tả phương pháp trị liệu hiệu quả do những cơn xúc động đột ngột và kịch tính hoặc khoảnh khắc khám phá những bí mật sâu sắc. Cũng có phim có xu hướng cổ vũ những sai lầm phổ biến về liệu pháp tâm lý để có hiệu quả ấn tượng. Ví dụ, trị liệu tâm lý thường bị cho là không hiệu quả, và khi nó có hiệu quả lại xuất hiện các hành vi vi phạm ranh giới tình dục, các hành vi phi đạo đức khác, hoặc “một phút chữa bệnh kỳ diệu”. Nó có thể thúc đẩy kỳ vọng không thực tế đối với người có khó khăn tâm lý ngoài đời thực, và có xu hướng thêm lo lắng cho họ khi khó khăn không được giải quyết dễ dàng như trong phim.

Còn trong bộ phim này, mối quan hệ giữa Picard và Devereux là trung tâm. Devereux đã thật sự “nhìn thấy” Picard. Nếu bạn có chút nghi ngờ thì hãy cứ nhìn cái cách mà Picard phản ứng lại với câu hỏi: “Tên của anh trong tiếng Anh Điêng là gì?”. Ban đầu, Picard chỉ trả lời ngắn ngủi các câu hỏi về thời thơ ấu, cuộc sống gia đình và trải nghiệm thời chiến. Nhưng khi cảm thấy được chấp nhận và trân trọng, anh nói hết các đoạn hồi tưởng và chuỗi giấc mơ về các giai đoạn sợ hãi, mất mát và tình yêu bị ngăn cản,... Trong khi tất cả những điều này làm cho bộ phim không mang tính chất "chấm dứt" hay "giải quyết" vấn đề, đạo diễn của Jimmy P. vẫn từ chối sử dụng bước đột phá trị liệu giật gân. Thay vào đó, ông chọn minh họa kết quả thực tế, mang tính xây dựng, tập trung vào sự hiểu biết về bản thân và gia tăng sức bền tâm lý thông qua mối quan hệ trị liệu. 

Nhìn thấy sự đối lập giữa những tái hiện như vậy, liệu chúng ta có nên có nên lo lắng về tác động tiêu cực của những mô tả sai lệch mang tính chất “mì ăn liền” hay vi phạm đạo đức nghề? Một số coi những vai diễn này không gì hơn giải trí. Những người khác lại cho rằng hình ảnh tiêu cực trên phim ảnh về chăm sóc sức khỏe tâm lý làm giảm khả năng sẵn sàng tìm kiếm trị liệu của một người. Dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng ở một khía cạnh nào đó, phim ảnh cũng mang lại những tác động tốt đẹp. Đặc biệt ở nhóm các bạn trẻ, có lẽ họ sẽ được tiếp thêm động lực tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý để đối mặt với những vấn đề của mình, và có thêm niềm tin vào các dịch vụ đó.

Có lẽ để ảnh hưởng đến truyền thông, hay xa hơn là tới cái nhìn của công chúng, về dịch vụ sức khỏe tâm lý, thì chính người làm việc trong lĩnh vực này phải bình luận thay vì chỉ đơn giản xem và lờ chúng đi. Và nếu các nhà tâm lý học muốn công chúng được thông tin tốt hơn, thì việc tương tác với các phương tiện truyền thông có lẽ là điều cần thiết. 

Để kết luận, đây là một bộ phim êm đềm về những cảm xúc mạnh mẽ. Đặc biệt là sự dữ dội từ màn trình diễn của Benicio Del Toro với hình tượng một người đàn ông tự tìm hiểu về bản thân mình, sử dụng bất cứ công cụ nào có sẵn: văn hóa tổ tiên, khoa học châu Âu và trí thông minh của mình. Thật xúc động khi được chứng kiến điều đó, một phần bởi vì ngay cả khi bộ phim và quá trình trị liệu trên màn ảnh đã kết thúc, chúng ta nhận thấy chính bản thân mình vẫn còn rất nhiều việc phải làm. 

Biên tập: Tiên Trần & Thuỳ Anh

Minh Họa: Vy Trẩn

Thoa Đinh

Tham vấn tâm lý tại Hà Nội

Previous
Previous

Tham Vấn Tâm Lý: Một Sự Thay Thế Tốt Cho Tiến Sĩ Lâm Sàng?

Next
Next

Ảnh Hưởng Của Khác Biệt Văn Hoá Tới Sức Khoẻ Tâm Thần: Nghiên Cứu Trên Du Học Sinh Tại Úc