Người vốn mắc bệnh trầm cảm lại phải trải qua thêm việc mất mát người thân yêu nhất….
Người vốn mắc bệnh trầm cảm lại phải trải qua thêm việc mất mát người thân yêu nhất và phải sống một mình thì nên làm gì ạ và về việc can thiệp thuốc trong trường hợp này? Mình phải làm gì khi cơ thể không thể hành động, không thể cảm nhận những cảm xúc như những gì mình muốn và tiếp nhận sự việc đúng như bản chất nó đang diễn ra ạ?
Chào bạn,
Chúng mình không rõ đây là câu chuyện của bạn hay của một người bạn khác nhưng cho phép chúng mình được bày tỏ sự cảm thông với nỗi đau và mất mát to lớn mà bạn hoặc người đó đã trải qua. Đối với tất cả chúng ta cái chết của một người thân yêu nhất là một điều tàn khốc và mang lại nhiều đau buồn. Nỗi đau này là một quá trình kéo theo nhiều trải nghiệm cực kỳ khó khăn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Những trải nghiệm này có thể ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống, đặc biệt trong trường hợp bạn còn đang sống một mình. Đau buồn do mất mát người thân có thể làm xuất hiện các triệu chứng ảnh hưởng đến tình trạng thể chất, cảm xúc thậm chí là sự sáng suốt tinh thần. Một số diễn biến tâm lý xảy ra sau mất mát với hầu hết mọi người có thể là: phủ nhận, giận dữ, mặc cả, trầm buồn và cuối cùng là chấp nhận; tuy nhiên chúng có thể lặp lại và mỗi người có thể trải qua các giai đoạn này theo cách khác nhau. Trong trường hợp đã từng đối diện với trầm cảm, việc mất đi người quan trọng và chịu đựng quá trình khó khăn này có thể khiến trầm cảm quay lại. Vì các giai đoạn này có thể kéo dài nên để có thể có được sự phục hồi tốt nhất thì bạn/người đó có thể xem xét các đề xuất dưới đây của chúng mình:
1. Chia sẻ với người tin tưởng kể cả về những cảm xúc tức giận, đau khổ: tìm ai đó mà bạn/người đó cảm thấy an toàn khi chia sẻ cảm giác của mình.
2. Tìm cách duy trì sự tưởng nhớ: tìm về những kỉ niệm hoặc viết về các kỉ niệm đó như một cách để có thể duy trì cảm giác kết nối với người quan trọng đó
3. Duy trì chăm sóc sức khỏe của bản thân: nghỉ ngơi đều đặn hay tập thể dục nhẹ nhàng để duy trì nhịp sống lành mạnh có thể giúp bạn vững vàng hơn trong hành trình chấp nhận đau buồn.
4. Tìm sự hỗ trợ từ người có chuyên môn: Về việc can thiệp thuốc, nếu bạn cảm thấy những triệu như lo âu, mất kiểm soát với cơ thể và cảm xúc kéo dài và không có dấu hiệu suy giảm, bạn cần tìm tới những người có chuyên môn và uy tín về sức khỏe tâm thần để nhận được trợ giúp tâm lý hoặc chỉ định về việc dùng thuốc phù hợp.
Chúng mình hy vọng bạn hoặc người đó có thể sớm vượt qua được giai đoạn này nhé!
*Chú ý: Những câu trả lời của IPO được dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân của các thành viên vì vậy không mang tính chẩn đoán hay trị liệu.